Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018:

Ðồng hành với các gia đình trẻ

Bài 3: Khi Hôn Nhân Thất Bại

 

Suy tư Năm Mục vụ Gia đình 2018: Ðồng hành với các gia đình trẻ.Bài 3: Khi Hôn Nhân Thất Bại

Hầu hết các đôi vợ chồng mới cưới đều tin tưởng hôn nhân của họ sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng thực tế vẫn có nhiều đôi tan vỡ sau khi kết hôn sớm hay muộn ít nhiều. Hôn nhân của họ như thế có nghĩa là thất bại. Ðiều đó có nghĩa không gì khác hơn là vợ chồng không thực hiện được mục đích yêu thương nhau cho đến chết. Ðó là bằng chứng của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Nó cho thấy có điều gì không ổn đã xảy ra trong quan hệ vợ chồng. Một trong hai người hoặc cả hai đã không thể trao chuyển tình yêu thương mà họ đã từng hứa trước mặt Chúa và trước mặt nhau.

Hiện tượng ly hôn ngày nay nhiều đến nỗi đã tạo một phản âm bất an trên các cặp đính hôn, ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của họ. Ngày nay, ở nhiều nước xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng nam-nữ sống chung nhưng không là vợ chồng, các cặp đồng tính, nam-nữ, dấn thân sống chung như vợ chồng mà không kết hôn dân sự hay tôn giáo (gọi là sống thử). Các hình thức kết hợp này tồn tại như một tùy chọn bên cạnh sự kết hôn truyền thống. Mặc dù có nhiều lý do khác nhau cho việc chọn lựa dấn thân sống chung như thế, nhưng có một điều chắc chắn, đó là với chọn lựa đó người ta sẽ dễ dàng từ bỏ mối quan hệ hơn một khi mọi sự trở nên bất ổn giữa hai người. Dẫu thế, đối với người Kitô hữu chân tín mọi kiểu sống chung không hôn phối như thế đều không là và không thể là một hôn nhân theo nghĩa giao ước đầy đủ. Ðằng sau cuộc sống chung đó, dù kiểu nào, cũng luôn ẩn tàng một tiền đề, là có thể có một ngày hai người phân ly đôi ngả. Người nam cũng như người nữ có xu hướng ngại ngần dâng hiến trọn vẹn tất cả cho nhau vì e ngại có thể có một ngày, xa hay gần, họ chia tay. Hôn nhân theo Kitô giáo thì không như thế. Nếu đó không phải là một cuộc phối hợp thiêng liêng có ý hướng mãi mãi trọn đời thì không phải là hôn nhân. Nếu kết ước không có tính bất khả phân ly, thì hôn phối không được công nhận là bí tích của Ðức Giêsu Kitô. Vợ chồng mà không thể sống chung với nhau, yêu thương nhau cho đến mãn đời thì hôn nhân ấy thất bại.

Khi nào hôn nhân thất bại?

Hôn nhân bắt đầu thất bại không chỉ khi hai người phối ngẫu quyết định chấm dứt quan hệ hôn nhân, mà trước đó đã có dấu hiệu sa sút và suy sụp. Có thể có nhiều vấn đề khác nhau, như thiếu chung thủy, những "sự việc" trước khi kết hôn chưa được giải quyết, cha mẹ hay người thân thuộc của "bên kia" xâm nhập sâu vào sự riêng tư của vợ chồng, bạo hành thể lý, vợ chồng không hợp nhau, không có khả năng chu cấp cho cuộc sống gia đình và vân vân, dẫn đến hôn nhân thất bại. Có thể vì quá mê mải và lo lắng về tài chánh, việc làm, sức khỏe, con cái, vợ chồng thành ra bận rộn, rồi căng thẳng. Họ tưởng nghĩ mình đang lo cho gia đình nên mê mải nhiều sự đến nỗi phương hại đến mối quan hệ hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Họ không ý thức từng ngày mình đã đang dần đánh mất niềm say mê nhau như những năm tháng đầu lưu luyến. Những vấn đề ấy trước kia được xem nhẹ nay họ nhận ra đó là những dị biệt nghiêm trọng. Người này, hoặc cả hai, đã không còn bộc lộ tình cảm yêu quý đối với người kia như trước đây vẫn thường làm trong khi trao đổi tranh luận. Nhiều trường hợp trong đó vợ chồng chỉ còn vẫn tiếp tục sống chung nhưng quan hệ đã lạnh nhạt, chỉ biết giữ nghĩa vụ với nhau mà thôi.

Hôn nhân thất bại có thể được nhận thấy trước, khi tình cảm bắt dầu tắt dần do cách cư xử của người bạn đời thiếu yêu thương, thiếu ân cần, khi chồng hay vợ xem ra bận tâm nhiều đến niềm vui thú riêng mà không quan tâm đến hạnh phúc chung. Những dấu hiệu cho thấy một người chồng và vợ anh không yêu thương nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi đau yếu cũng như lúc mạnh khỏe.

Tại sao họ lại như vậy

Trong khi sống chung vợ chồng bắt đầu nhận ra những thói quen của nhau trái ý, gây bực bội. Dần dà khi họ không còn có thể dung thứ cho nhau nữa lại sinh ra cãi cọ, trách cứ, chỉ trích nhau. Có khi căng thẳng đến nỗi không còn giữ được bình tĩnh. Họ bộc lộ thiếu sự yêu thương quan tâm lẫn nhau. Người này xem thường công việc của người kia. Rồi ghen tuông, sỉ nhục, làm tổn thương nhau. Thường xuyên xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp vợ chồng, khiến họ cảm thấy không hạnh phúc. Nếu như họ đủ chín chắn có thể nhận ra được lầm lỗi của mình, vợ chồng có thể nói chuyện và thỏa thuận với nhau một giải pháp tương đối cho vấn đề. Ðôi bạn có thể xây dựng mối quan hệ hôn nhân gia đình tốt hơn dần theo năm tháng nếu biết giải quyết các vấn đề xung khắc trong yêu thương.

Tại sao họ không thể

Hạnh phúc hay không là do thái độ hành vi của ta. Không phải những gì xảy đến trong cuộc sống làm ta hạnh phúc hay bất hạnh, nhưng là chính cách mà ta đón nhận và ứng xử trước những vấn đề đang xảy ra.

Anh D. và chị. P. lấy nhau được gần bốn năm. Họ đã có 2 đứa con nay chị lại mang thai. Anh D. nói với X. một người bạn của anh rằng anh rất không may lần này vì có một đứa con nữa là thêm một miệng ăn. X. nhắc anh rằng có một đứa con là phúc lành bởi Thiên Chúa anh chị nên vui mừng hân hoan ca ngợi Chúa. Nhưng anh D. trả lời là anh không còn có thể để dành tiết kiệm để sắm xe và nhà cửa nữa rồi.

Dĩ nhiên, hạnh phúc hay không hạnh phúc còn do hoàn cảnh khách quan nữa. Tuy nhiên, thái độ của ta trước hoàn cảnh đó rất quan trọng. Ta có thể chọn hoặc để cho mình bất hạnh với hoàn cảnh ấy đến mức tự hủy diệt chính mình, gia đình mình trong trình tự cuộc sống, hoặc chỉ buồn phiền một thời gian ngắn thôi rồi lại bước đi tiếp. Cái ta thấy và cách ta nhìn nó thường xen lẫn, kết hợp với nhau.

Vợ chồng không biết gì về việc mình không hạnh phúc

Hôn nhân không hạnh phúc thường là do duy trì một quan hệ buồn thảm hay xấu tệ quá lâu. Ðó có thể là hệ quả của một sự bạo hành về thể lý hay tâm lý lâu ngày lặp đi lặp lại, hay những thói xấu của một người hay của cả hai người, sự không chung thủy, sa đọa, thường xuyên bất ổn tâm lí, v.v...

Cũng có thể lý do không hạnh phúc là bởi thường xuyên bị xì-trét (stress). Xì-trét tước mất nhiều năng lượng của đôi bạn hơn những gì đòi hỏi bình thường. Hai vợ chồng phải chịu đựng sự căng thẳng quá mức giới hạn. Ðể rồi họ cảm thấy buồn sầu khôn dò, tưởng chừng rơi vào trầm cảm. Họ không đủ sức lực để xây dựng hôn nhân tốt đẹp nữa.

Hôn nhân không hạnh phúc cũng có thể gây ra nhiều hệ lụy.

P. và L. kết hôn với nhau được ít là ba mươi lăm năm. Họ có hai con, T. và K., và được xem là một gia đình lý tưởng trong khu xóm. Họ có hầu như mọi thứ mà các cặp vợ chồng khác mơ ước. Rồi một ngày kia, L. khám phá ra gần đây P. đã bất trung với mình. Cô ta hỏi anh tại sao lại như vậy. P. trả lời vì đôi khi anh chợt cảm thấy thật cô đơn và tìm lời giải đáp trong vô vọng. Vì thế, để vượt qua nỗi cô đơn này, anh đi ra ngoài qua đêm "ăn bánh trả tiền" với một cô gái mại dâm.

"Chính Chúa đã dựng nên ông Ađam, dựng nên cho ông một người trợ thủ và nâng đỡ là bà Evà, vợ ông. Và dòng dõi loài người đã sinh ra từ hai ông bà. Chính Chúa đã nói: 'Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một người trợ thủ giống như nó'" (Tb 8,6).

Ðôi bạn phải nhớ rằng hai người đến với nhau là bởi ân sủng Chúa, họ không chỉ là phương thế phục vụ cho hạnh phúc của nhau, nhưng cả hai là chính hạnh phúc cốt yếu dành cho nhau. Thiếu người này, người kia không thể đương đầu với nỗi cô đơn bất hạnh. Họ không coi nhau như đồ vật nhưng như hai chủ thể nhân vị:

"Giờ đây, Lạy Chúa, không phải vì lòng dục mà con lấy em con đây, nhưng vì lòng chân thành" (Tb 8,7).

Câu hỏi chia sẻ hay để thảo luận:

1. Những lúc nào, hoàn cảnh nào bạn cảm thấy buồn khổ, cô đơn, hay chán chường?

2. Bạn phản ứng, cư xử như thế nào với vợ hay chồng bạn khi bạn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức?

3. Bạn có cảm thấy vợ/chồng bạn áp đặt ý muốn của người ấy trên mình không? Khi ấy bạn ứng xử, đối phó như thế nào?

 

Văn phòng HÐGMVN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page