Ðức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều
bế mạc Tuần lễ cầu nguyện cho Hiệp nhất
Ðức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều, bế mạc Tuần lễ cầu nguyện cho Hiệp nhất.
Roma (WHÐ 26-01-2018) - Theo truyền thống, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi hát Kinh Chiều đại kết vào ngày lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại - thứ Năm 25 tháng 01 năm 2018, tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành để bế mạc Tuần lễ Cầu nguyện cho Sự hiệp nhất các Kitô hữu.
Tham dự giờ Kinh Chiều có các đại diện của Ðức Tổng giám mục Justin Welby, Tổng giám mục Canterbury (Anh giáo) và của Ðức Thượng phụ Constantinopolis, Bartholomaios I (Chính Thống giáo).
Bài ca của Môsê và Miriam
Trong cử hành phụng vụ, một ca xướng viên đã công bố "Bài ca của Môsê và Miriam" trích trong Sách Xuất Hành, và Ðức Thánh Cha đã dựa vào bài ca này để giảng. Người Do Thái đã hát bài ca này sau khi được Thiên Chúa cứu thoát khỏi tay người Ai Cập; nhiều Giáo phụ xem đây là hình ảnh của bí tích Rửa Tội.
Ðức Thánh Cha nói: "Tất cả các Kitô hữu chúng ta đã đi qua dòng nước Rửa tội; và ân sủng của bí tích này đã tiêu diệt kẻ thù, tội lỗi và cái chết của chúng ta". Chính vì lý do này, chúng ta có thể cùng nhau hát lời ca tụng Thiên Chúa.
Ðược kêu gọi gia nhập cộng đoàn
Nhưng, Ðức Thánh Cha nói, cũng như Môsê, "Kinh nghiệm cá nhân của chúng ta ràng buộc chúng ta vào một câu chuyện lớn lao hơn, đó là ơn cứu rỗi của dân Chúa". Thánh Phaolô, mà phụng vụ hôm nay cử hành cuộc trở lại của ngài, cũng có "một kinh nghiệm mạnh mẽ về ân sủng", và kinh nghiệm này đã giúp ngài "tìm được sự hiệp thông với các Kitô hữu khác". Ðó cũng là kinh nghiệm của chúng ta với tư cách là các tín hữu: "Một khi lớn lên trong đời sống thiêng liêng, chúng ta sẽ càng hiểu hơn rằng ân sủng được ban cho chúng ta cùng với những người khác, và ân sủng ấy là để chia sẻ cho người khác".
Ðức Thánh Cha giải thích rằng khi nhìn nhận bí tích Rửa tội của các Kitô hữu thuộc các truyền thống khác, chúng ta cũng nhìn nhận rằng cả họ cũng được ơn tha thứ, và ân sủng của Thiên Chúa cũng đang hoạt động trong họ. "Ngay cả khi những bất đồng chia rẽ chúng ta, chúng ta cũng nhận ra rằng chúng ta đều thuộc về cùng một dân được cứu chuộc, một gia đình những anh chị em được yêu thương bởi một Người Cha duy nhất".
Hiệp nhất trong đau khổ
Tuy nhiên, lớn lên trong đời sống thiêng liêng thường là một điều khó khăn đối với chúng ta, bởi những đau khổ mà các Kitô hữu phải gánh chịu vì Danh Chúa Giêsu. Ðức Thánh Cha nói rằng "khi máu các Kitô hữu đổ ra, cả khi họ thuộc về những truyền thống Kitô khác nhau, thì họ cùng trở thành những chứng nhân đức tin, những người tử vì đạo, hiệp nhất trong mối dây ân sủng của bí tích Thánh tẩy".
Ngay cả với các truyền thống tôn giáo khác, Ðức Thánh Cha nói, "Ngày nay Kitô hữu đứng trước những thách đố hạ thấp phẩm giá con người: khi trốn chạy khỏi những cuộc xung đột và những hoàn cảnh khốn cùng, họ lại trở thành nạn nhân của nạn buôn người và những hình thức nô lệ hiện đại khác; họ phải chịu đựng khổ cực và nghèo đói, trong một thế giới ngày càng giàu có về của cải nhưng càng nghèo tình yêu, nơi mà sự bất bình đẳng tiếp tục gia tăng". Nhưng, Ðức Thánh Cha nói, "Các Kitô hữu được kêu gọi nhớ lại câu chuyện những gì Chúa đã làm cho chúng ta, để trợ giúp và nâng đỡ nhau, hầu can đảm đối mặt với mọi thử thách trong hy vọng, nhờ Chúa Giêsu và Phúc âm đầy quyền năng êm ái của Người".
(Vatican News)
Minh Ðức