Bài giảng của Ðức Phanxicô

trong thánh lễ được cử hành tại Lima

 

Bài giảng của Ðức Phanxicô trong thánh lễ được cử hành tại Lima.

Lima (VietCatholic News 21-01-2018) - "Chúa Giêsu tiếp tục bước trên các đường phố của chúng ta."

Theo tin Zenit, ngày 21 tháng 1 năm 2018, ngày đầy đủ cuối cùng của ngài tại Peru, Ðức Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ ngoài trời tại Căn Cứ Không Quân Las Palmas ỏ Lima, Thủ Ðô Peru. Người ta ước lượng có khoảng 1 triệu 300 ngàn tín hữu tham dự Thánh Lễ này, dưới sức nắng như thiêu như đốt đến nỗi lính cứu hỏa phải xịt nuớc vào đám đông.

Trong bài giảng lễ, trích bài đọc Tin Mừng nói về Tiên Tri Giôna, ngài cảnh cáo rằng dôi khi chúng ta khổ vì đức tin của vị tiên tri này, ngài gọi nó là "hội chứng Giôna".

Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài giảng lễ của ngài, theo bản tiếng Anh của Tòa Thánh:

Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-ve, thành lớn đó, và rao truyền cho họ sứ điệp mà ta nói cho ngươi" (Gn 3: 2). Với những lời này, Chúa đã nói với Giôna và ra lệnh cho ông đến thành phố vĩ đại đó, nơi sẽ bị hủy diêt vì nhiều tệ nạn của nó. Trong Tin Mừng, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu lên đường về hướng Galilê để rao giảng Tin Mừng (xem Mc 1:14). Cả hai bài đọc đều cho thấy một vị Thiên Chúa hướng cái nhìn của Người về các thành phố trong quá khứ và hiện tại. Chúa muốn khởi đầu một cuộc hành trình: đến Ninive, đến Galilê, đến Lima, đến Trujillo và Puerto Maldonado. .. Chúa đến đây. Người đang đi vào lịch sử cá nhân, cụ thể của chúng ta. Chúng ta đã cử hành việc này cách đây không lâu: Người là Emmanuel, là Thiên Chúa muốn ở với chúng ta mãi mãi. Vâng, ở đây, ở Lima, hoặc bất cứ nơi nào anh chị em đang sống, trong cảnh thường lệ của cuộc sống và việc làm hàng ngày, trong việc giáo dục lòng hy vọng mà anh chị em muốn trao ban cho con cái anh chị em, giữa nhiều hoài vọng và lo lắng của mình; trong cảnh riêng tư của gia đình và trong tiếng ồn ào điếc tai của các đường phố. Chính ở đó, dọc theo những con đường bụi bặm của lịch sử, Chúa đến để gặp mỗi người trong anh chị em.

Ðôi khi điều xảy ra cho Giôna cũng có thể xảy ra với chúng ta. Các thành phố của chúng ta, với những tình huống đau đớn và bất công hàng ngày, có thể khiến chúng ta bị cám dỗ chạy trốn, ẩn nấp, trốn chạy. Giô-na, và chúng ta có nhiều lý lẽ viện ra để làm như vậy. Nhìn vào thành phố, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nói rằng có "những công dân tìm được phương tiện thỏa đáng để phát triển cuộc sống cá nhân và gia đình của họ - điều đó làm chúng ta hài lòng - nhưng vấn đề là nhiều "người không phải là công dân", chỉ "nửa công dân" hay "tàn dư đô thị" [1]. Ta tìm thấy họ dọc theo lề đường của chúng ta, sống ở rìa các thành phố của chúng ta, và thiếu các điều kiện cần thiết cho một cuộc sống có nhân phẩm. Thật đau buồn khi hiểu ra rằng trong số những "tàn dư đô thị" này, chúng ta rất thường thấy các khuôn mặt của trẻ em và thiếu niên. Chúng ta đang nhìn gương mặt của tương lai.

Nhìn thấy những điều trên trong các thành phố và các vùng lân cận của chúng ta, nơi nên là những chỗ để gặp gỡ, để liên đới và hân hoan - kết cục, chúng ta lại phải gặp điều chúng ta có thể gọi là hội chứng Giôna: chúng ta nản lòng và muốn chạy trốn (xem Gn 1: 3). Chúng ta trở nên thờ ơ, và do đó, dấu tên và điếc tai với người khác, lạnh lùng và cứng lòng. Khi điều này xảy ra, chúng ta làm tổn thương linh hồn của dân tộc ta. Như Ðức Bênêđíctô XVI đã chỉ ra, "thước đo thực sự của lòng nhân ái, về cơ bản, được xác định qua mối liên hệ giữa đau khổ và người đau khổ. .. Xã hội nào không thể chấp nhận các thành viên đau khổ của mình và không có khả năng giúp chia sẻ nỗi đau khổ của họ và chịu đựng sự đau khổ này từ bên trong nhờ 'lòng cảm thương' là một xã hội tàn nhẫn và vô nhân đạo". [2]

Sau khi họ bắt giam Gioan, Chúa Giêsu đi Galilê để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Không giống như Giôna, Chúa Giêsu đã phản ứng trước các tin tức gây buồn phiền và bất công về việc bắt giam Gioan bằng cách đi vào thành phố; Người bước vào Galilê và từ các thị trấn nhỏ của nó, Người bắt đầu gieo những hạt giống của niềm hy vọng lớn lao: là Nước Trời đang đến gần, là Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Chính Tin Mừng cho chúng ta thấy niềm vui và ảnh hưởng lan toả của nó: nó bắt đầu với Simong và Anrê, sau đó là Giacôbê và Gioan (xem Mc 1: 14-20). Sau đó nó đi qua Thánh Rosa thành Lima, ThánhTuribius, Thánh Martin de Porres, Thánh Juan Macías, Thánh Francisco Solano, xuống đến chúng ta, được công bố bởi đoàn chứng nhân đã tin vào Người. Nó đã đến với chúng ta để hành động một lần nữa như một thứ thuốc giải độc kịp thời cho việc hoàn cầu hóa lòng thờ ơ. Ðứng trước Tình Yêu đó, người ta không thể thờ ơ được.

Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Người cảm nghiệm ngay lúc này hương vị của vĩnh cửu: tình yêu của Thiên Chúa và người lân cận. Người làm điều này cách duy nhất Người có thể làm, là cách của Thiên Chúa, bằng cách đánh thức lòng âu yếm và tình yêu thương xót, bằng cách đánh thức lòng cảm thương và mở mắt để họ nhìn thực tại như Thiên Chúa nhìn. Người mời gọi họ tạo ra những dây liên kết mới, những giao ước mới phong phú trong cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Giêsu đi xuyên qua thành phố cùng các môn đồ và bắt đầu thấy, nghe, để ý những người đã đầu hàng trước sự thờ ơ, bị đè bẹp bởi tội tham nhũng trầm trọng. Người bắt đầu đưa ra ánh sáng nhiều tình huống vốn giết chết hy vọng của dân tộc Người và để đánh thức một niềm hy vọng mới. Người kêu gọi các môn đệ của Người và mời họ cùng đi với Người. Người kêu gọi họ đi xuyên qua thành phố, nhưng với một nhịp độ khác; Người dạy họ để ý những gì họ đã từng bỏ qua trước đây, và Người chỉ ra những nhu cầu mới và cấp thiết. Hãy ăn năn, Người nói với họ. Nước Trời nghĩa là tìm nơi Chúa Giêsu một Thiên Chúa chịu can dự vào cuộc sống của dân Người. Người can dự và làm người khác can dự để họ không sợ biến lịch sử của chúng ta thành một lịch sử cứu độ (xem Mc 1:15, 21).

Chúa Giêsu tiếp tục bước trên đường phố của chúng ta. Như Người đã làm hôm qua, hôm nay, Người gõ cửa và trái tim chúng ta, để khơi lên ngọn lửa hy vọng và hoài vọng rằng tan vỡ có thể được vượt qua bằng tình huynh đệ, bất công bị đánh bại bởi tình liên đới, bạo lực bị im tiếng bởi các vũ khí hòa bình. Chúa Giêsu tiếp tục kêu gọi chúng ta; Người muốn xức dầu cho chúng ta bằng Thần Khí để cả chúng ta nữa cũng có thể ra đi xức dầu cho những người khác bằng dầu có khả năng chữa lành các niềm hy vọng đã bị thương tổn và đổi mới cách nhìn sự vật của chúng ta.

Chúa Giêsu tiếp tục bước và đánh thức hy vọng, một niềm hy vọng giải thoát chúng ta khỏi những hiệp hội trống rỗng và những phân tích vô ngã. Người khuyến khích chúng ta, như men bột, bước vào nơi chúng ta đang hiện diện, nơi chúng ta đang sống, vào mọi ngõ ngách của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nước Trời đang ở giữa anh chị em, Người nói với chúng ta như thế. Nó ở đó, bất cứ khi nào chúng ta không sợ tạo không gian cho người mù nhìn thấy, cho người bị liệt bước đi, cho người phong cùi được lành sạch và người điếc được nghe (xem Lc 7:22) để tất cả những người mà chúng ta đã bỏ cuộc coi như mất có thể được hưởng sự phục sinh. Thiên Chúa sẽ không bao giờ mệt mỏi ra ngoài để gặp các con cái của Người. Làm thế nào chúng ta đốt lên ngọn lửa hy vọng nếu thiếu các tiên tri? Làm sao chúng ta đối mặt được với tương lai nếu thiếu sự hợp nhất? Làm thế nào Chúa Giêsu đến được tất cả các ngóc ngách này nếu thiếu các nhân chứng táo bạo và can đảm?

Hôm nay, Chúa mời gọi mỗi người trong anh chị em cùng đi với Người trong thành phố, trong thành phố của anh chị em. Người mời gọi anh chị em trở thành môn đệ truyền giáo của Người để anh chị em có thể trở nên một phần của lời thì thầm tuyệt vời muốn tiếp tục vang vọng trong những ngóc ngách khác nhau của cuộc sống chúng ta: Hãy vui mừng, Chúa ở với anh chị em!

- - - - -

[1] Tông huấn Evangelii Gaudium, 74.

[2] Thông điệp Spe Salvi, 38.

© Librera Editrice Vatican

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page