Ðức Thánh Cha gặp gỡ
các linh mục, tu sĩ, chủng sinh Peru
Ðức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh Peru.
Trujillo (Vat. 21-01-2018) - Trong cuộc gặp gỡ các Linh Mục, tu sĩ và chủng sinh Peru, Ðức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ mọi người hãy sống vui tươi, quí chuộng lòng đạo đức bình dân và có tinh thần học hỏi.
Thứ bẩy, 19 tháng 1 năm 2018, sau thánh lễ ở thành phố Huanchaco trước sự hiện diện của 400 ngàn tín hữu, và viếng thăm khu vực Buenos Aires nơi dân chúng bị thiệt hại nặng nhất vị bão hồi tháng 4 năm 2017, Ðức Thánh Cha đã về tòa Tổng Giám Mục Trujillo để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi. Sau đó, lúc 3 giờ chiều, ngài đến viếng Nhà thờ chính tòa địa phương. Thánh đường này có từ hơn 400 năm nay và đã bị động đất phá hủy hoặc làm hư hại nhiều lần, lần chót vào năm 1970.
Gặp gỡ 1 ngàn Linh Mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân dấn thân
Ðến nơi Ðức Thánh Cha được Kinh sĩ đoàn nhà thờ chính tòa và 300 người tiếp đón. Ngài cầu nguyện và đặt bó hoa dưới chân tượng Ðức Mẹ, trước khi lên xe đi tới Ðại chủng viện thánh Carlos và Marcelo cách đó 400 mét để gặp gỡ 1 ngàn người gồm các Linh Mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc 11 giáo phận miền bắc Peru. Ðại chủng viện cổ kính có từ 390 năm nay, và đã góp phần đào tạo rất nhiều Linh Mục, nhưng hiện nay là một trường trung học cấp I và II. Cuộc gặp gỡ diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa.
Bài giảng của Ðức Thánh Cha
Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha nêu bật sự cần thiết duy trì ký ức quá khứ liên quan tới cội nguồn của Giáo Hội và ơn gọi của từng người. Ðức Thánh Cha nói:
"Ðại chủng viện tiếp đón cuộc gặp gỡ này là một trong các đại chủng viện đầu tiên được thành lập tại Châu Mỹ Latinh và đã đào tạo biết bao thế hệ những người loan báo Tin Mừng cho các dân tộc tại đây. Vùng đất này cũng đã trông thấy thánh Toribio de Mogrogejo, Bổn Mạng Hội Ðồng Giám Mục châu Mỹ Latinh, qua đời trong khi truyền giáo tại đây. Tất cả đều đưa chúng ta trở về với cội nguồn quá khứ. Ðức tin và ơn gọi của chúng ta tràn đầy ký ức giúp chúng ta nhận ra rằng không phải cuộc sống, không phải đức tin, không phải Giáo Hội bắt đầu với việc sinh ra của ai đó, nhưng là qua khứ tuới đầy nhựa sống con tim của các môn đệ dọc dài các thế kỷ.
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã quảng diễn trình thuật ơn gọi của hai tông đồ Anrê và Gioan và đề nghị vài nhân đức giúp sống phong phú ơn gọi đời môn đệ.
Trước hết phải luôn tươi vui, ý thức nhiệm vụ là mình dụng cụ của Chúa như Gioan Tẩy Giả, khi thấy Chúa Giêsu đi qua, đã giới thiệu Chúa với hai môn đệ của mình. Gioan Tẩy Giả là người lớn nhất trong những người do phụ nữ sinh ra nhưng ông không phải là Ðấng phải đến. Ông biết mình chỉ là môn đệ được mời gọi chỉ cho thấy Chúa đi qua trong cuộc đời dân chúng, chứ ông không phải là Ðấng Cứu Thế. Là những người được thánh hiến chúng ta, không được mời gọi thay thế Chúa với các công việc, sứ mệnh và nhiều sinh hoạt của chúng ta. Chúng ta chỉ được yêu cầu làm việc với Chúa, sát cánh với Ngài nhưng không bao giờ chiếm chỗ của Ngài.
Ý thức mình không phải là Ðấng Cứu Thế giải thoát chúng ta khỏi tin rằng mình quá quan trọng và quá bận rộn. Giầu ký ức giải thoát chúng ta khỏi cám dỗ của các chủ trương cứu thế. Có thể đánh đuổi cám dỗ này bằng nhiều cách cả với việc biết cười. Phải, học biết cười chính mình trao ban cho chúng ta khả năng tinh thần ở trước mặt Chúa với các hạn hẹp, sai lầm và tội lỗi của mình, nhưng cả với những thành công và niềm vui biết rằng Ngài ở bên cạnh chúng ta. Cười cứu chúng ta khỏi chủ trương chỉ tin vào sức lực của riêng mình và cảm thấy mình cao hơn người khác.
"Ðiểm thứ hai là biết nhớ ngày giờ Thiên Chúa gọi chúng ta theo Ngài. Thánh Gioan nhớ "lúc đó khoảng bốn giờ chiều" (Ga 1,39). Khi chúng ta quên đi giờ đó thì cũng quên cội nguồn và gốc rễ của mình và bỏ qua một bên điều quý báu nhất mà một người sống đời thánh hiến có đó là cái nhìn của Chúa. Có thể chúng ta không hài lòng với nơi Chúa gặp gỡ chúng ta. Mỗi người biết nơi đâu và khi nào có lẽ trong một tình trạng phức tạp hay khổ đau nhưng Thiên Chúa đã gặp chúng ta tại đó để biến chúng ta trở thành chứng nhân Sự Sống của Ngài. Thật là tốt nếu chúng ta nhớ rằng ơn gọi của chúng ta là để yêu thương và phục vụ. Tình yêu thương sâu thẳm tận ruột gan, tình yêu thương xót để ra đi phục vụ tha nhân theo kiểu của Chúa Giêsu.
Tiếp tục bài giảng, Ðức Thánh Cha khích lệ các linh mục tu sĩ và chủng sinh biết quý chuộng đức tin và các truyền thống tôn giáo bình dân mà họ đã nhận được từ gia đình. Tại Perù này các biểu lộ lòng đạo đức bình dân có những hình thức tuyệt vời, diễn tả lòng yêu mến Chúa Giêsu, Ðức Mẹ, các Thánh và các Chân phước. Các đền thánh nơi tín hữu đến hành hương đã ghi dấu các quyết định đổi đời của nhiều người. Nhiều ơn gọi của anh chị em cũng được ghi trên các bức tường của các đền thánh đó. Vì thế đừng coi rẻ lòng tin đơn sơ và trung thành của dân tộc anh chị em. Ðừng biến thành những chuyên viên của sự thánh thiêng quên đi dân tộc của mình. Ðừng đánh mất đi ký ức và sự tôn trọng đối với những ai đã dậy anh chị em cầu nguyện. Một linh mục tu sĩ là một người giầu ký ức, tươi vui và biết ơn. Ðó là ba từ cần ghi nhớ như vũ khí trước mọi mặt nạ ơn gọi. Dân Chúa rất thính mũi và biết phân biệt một công chức của sự thánh thiêng với một người phục vụ biết ơn. Dân Chúa biết chịu đựng nhưng nhận ra ai phục vụ và săn sóc họ với dầu của sự tươi vui và lòng biết ơn.
Sau cùng Ðức Thánh Cha khích lệ các linh mục tu sĩ chủng sinh biết thông truyền niêm vui cho tha nhân, như Anrê đã thông truyền niềm vui tìm được Ðấng Cứu Thế cho anh mình là Simon. Niềm tin nơi Chúa Giêsu lan tỏa và không thể bị đóng kín. Việc truyền giáo nảy sinh tự phát từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Anrê bắt đầu với người gần nhất là anh của ông. Niềm vui là một nét thường hằng trong con tim của các Tông Ðồ. Nó tràn đầy con tim của những người gặp gỡ Chúa Giêsu. Nó rộng mở chúng ta cho tha nhân và là niềm vui thông truyền.
Thực tại vỡ vụn của thế giới cũng có trong lòng Giáo Hội. Các chia rẽ, chiến tranh, cô lập cũng có trong các cộng đoàn của chúng ta và gây đau đớn biết bao! Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở thành những người đem lại sự hiệp thông và hiệp nhất, nhưng nhiều khi chúng ta làm ngược lại bằng cách chia rẽ và khèo chân làm cho nhau vấp ngã. Tạo dựng hiệp thông và hiệp nhất không có nghĩa là tất cả suy nghĩ như nhau làm mọi sự như nhau, nhưng là biết trân trọng các khác biệt, các đặc sủng trong lòng Giáo Hội, vì biết rằng mỗi người đều cống hiến phần riêng chuyên biệt cho toàn thể Giáo Hội, và ai cũng cần đến người khác.
"Phải coi chừng cám dỗ là con một muốn có mọi sự và không chia sẻ gì với ai hết. Tôi đặc biệt xin những người có trách nhiệm phụ vụ quyền bính đừng trở thành những người tự quy chiếu nhưng hãy biết săn sóc các anh chị em khác làm sao để họ cảm thấy thoải mái vì sự thiện lây lan. Ðừng rơi vào cái bẫy của quyền bính biến thành độc tài mà quên rằng trước hết nó là một sứ mệnh phục vụ, biết trân quý lòng đạo đức bình dân từng làm nảy sinh ra ơn gọi và sống tươi vui để giãi toả Chúa và Tin Mừng cứu độ."
Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha cũng ứng khẩu kể lại rằng tháng trước đây, trong một cuộc họp các giáo tập và linh hướng, có người nêu câu hỏi: Làm sao chúng ta dạy cho những người mới vào tu cách cầu nguyện? Người ta có thể dùng một cuốn cẩm nang, hoặc nói "trước hết em hãy làm điều này, rồi đến điều kia", nhưng nói chung, những vị giáo tập và linh hướng, nam, nữ, khôn ngoan hơn, thì phải dạy các tập sinh tiếp tục cầu nguyện như ở nhà họ, và rồi dần dẫn đưa họ tới một cách cầu nguyện khác. Nghĩa là hãy cầu nguyện như mẹ hoặc bà của họ đã dạy. Ðó là đức tin phải theo, và đừng coi nhẹ kinh nguyện ở nhà vì đó là kinh nguyện mạnh mẽ hơn".
Cuộc gặp gỡ của Ðức Thánh Cha với các Linh Mục, tu sĩ và chủng sinh kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của ngài. Trước khi rời nơi gặp gỡ, Ðức Thánh Cha còn chụp hình lưu niệm với một nhóm nhân viên của học viện.
G. Trần Ðức Anh OP và Linh Tiến Khải
(Vatican News)