Giới thiệu Giáo Hội và đất nước Chile

sắp được Ðức Thánh Cha viếng thăm

 

Giới thiệu Giáo Hội và đất nước Chile sắp được Ðức Thánh Cha viếng thăm.

Chile (Vat. 10-01-2018) - Trong các ngày từ 15 tới 18 tháng giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm mục vụ nước Chile.

Khởi hành từ Roma sáng thứ hai 15 tháng giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha sẽ đến Chilê vào lúc sau 8 giờ tối giờ địa phương.

Chương trình viếng thăm bắt đầu ngày thứ ba 16 tháng giêng năm 2018 dầy đặc sinh hoạt: Ban sáng Ðức Thánh Cha sẽ gặp gỡ chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại dinh De la Moneda, rồi chủ sự thánh lễ tại công viên O'Higgins. Ban chiều ngài viếng thăm trung tâm cải huấn nữ trong thủ đô Santiago, rồi gặp các linh mục tu sĩ nam nữ chủng sinh trong nhà thờ chính toà, tiếp đến gặp các Giám Mục và viếng thăm đền thánh Alberto Hurtado dòng Tên và gặp gỡ các tu sĩ dòng Tên.

Ngày thứ tư 17 tháng giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha viếng thăm giáo phận Temuco, dâng thánh lễ, rồi dùng bữa trưa với một số thổ dân vùng Araucania. Vào ban chiều ngài trở về Santiago để gặp gỡ giới trẻ tại đền thánh Maipu. Tiếp theo đó, Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm đại học công giáo Chilê.

Thứ năm 18 tháng giêng năm 2018, Ðức Thánh Cha viếng thăm giáo phận Iquique, dâng thánh lễ cho dân chúng tại Campus Lobito, và vào lúc 5 giờ chiều từ giã Chilê để bay sang Perù.

Ðất nước Chile

Cộng hoà Chilê rộng gần 756 ngàn cây số vuông, không kể vùng nam cực rộng hơn 1 triệu 250 ngàn cây số vuông, mà Chile vẫn cho là của mình. Chile là quốc gia có chiều dài dài nhất thế giới 4,300 cây số từ bắc xuống nam, không kể vùng nam cực, nhưng chiều rộng chỉ được 180 cây số. Chile cũng là quốc gia có 23 ngọn núi cao từ 2,200 mét tới 6,323 mét, và 44 núi lửa cao từ 953 mét tới 6,891 mét. Chile cũng có 23 con sông, 51 hồ lớn và 36 đảo lớn nhỏ.

Tuy diện tích rộng mênh mông như thế nhưng Chile chỉ có hơn 17 triệu dân, đa số là người lại giống con cháu của người Tây Ban Nha thuộc địa và các thổ dân Indios Araguani, trong khi có 3.2% là người Amerindi, đa số sống tại miền nam. Trong hai thế kỷ XIX và XX có nhiều người dân gốc Âu châu như Anh, Ai Len, Italia, Pháp. Yougoslavi, vùng Basque di cư sang Chilê. Con cháu người Basque hiện chiếm 10% tổng số dân. Nhưng người dân Chile có lợi tức bình quân cao hơn cả Argentina, Uruguay, Mêhicô và Brasil. Từ năm 2010 Chile là thành viên của tổ chức Cộng tác phát triển OCSE.

Tên gọi Chile có thể bắt nguồn từ tên của một tộc trưởng là "Tili". Nhưng nó cũng có thể bắt nguồn từ tên thung lũng Chili trong vùng Aconcagua, hoặc do từ Chilli trong tiếng Mapuche có nghĩa là "nơi trái đất kết thúc", hay do từ Chin trong tiếng Quechua có nghĩa là "lạnh". Các người Tây Ban Nha nghe tên Chile từ thổ dân Incas và những sống sót trong cuộc chinh phục Perù đầu tiên của ông Diego de Almagro, đầu thế kỷ XVI tự gọi họ là "người của Chilli". Theo đức viện phụ Molina từ Chile bắt nguồn từ chữ "Chi" hay "Trih" trong tiếng Mapuche và có nghĩa là "con chim có một chấm đỏ trên cánh".

Chile có lịch sử rất cổ xưa bắt đầu từ 10,500 năm trước công nguyên với nhiều bộ lạc thổ dân sinh sống về nghề nông tại miền bắc như Aymara, Atacamenha và Diaguita. Bắt đầu từ thế kỷ XV đế quốc Incas thống trị phần lớn đất Chile hiện nay. Ở miền nam sông Aconcagua có nhiều nhóm Mapuche bán du mục sinh sống, và họ là chủng tộc chính của Chile. Ngoài ra còn có các nhóm chủng tộc khác như Chono, Yamana, Alacalufe và Ona sinh sống.

Vào năm 1520 Ferdinando Magellano là người âu châu đầu tiên thám hiểm Chile. Chỉ vào năm 1535 các người Tây Ban Nha mới chiếm các thung lũng Chile sau khi đánh bại đế quốc Incas. Tuy nhiên chiến tranh với thổ dân Mapuche kéo dài 3 thế kỷ với các thời gian hoà bình. Vương quốc Chile là một trong những vùng thuộc địa xa xôi nhất của Tây Ban Nha, vì thế Chile đã chỉ là một tỉnh nghèo thuộc quyền của phó vương Perù.

Chiến tranh độc lập bùng nổ năm 1814 và ông Bernardo O'Higgins Riquelme truyên bố Chile độc lập năm 1817. Trong các thập niên sau đó Chile tập trung sức lực vào việc tổ chức, phát triển và ổn định quốc gia. Phe bảo thủ đã nắm quyền trong 40 năm.

Hiến pháp và cộng hoà Chile được công bố năm 1925. Các thập niên sau đó chính quyền do các đảng phái xã hội chủ nghĩa, rồi phát xít và cộng sản cầm đầu.

Năm 1970 ông Salvatore Allende thuộc đảng xã hội được bầu làm tổng thống. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế khiến cho các tầng lớp nhân dân đình công bãi thị đưa tới cuộc đảo chánh của quân đội vào tháng 9 năm 1973 do tướng Augusto Pinochet cầm đầu, với sự trợ giúp của lực lượng CIA của Mỹ. Trong 30 năm độc tài từ 1973 tới 1990 tướng Pinochet đã thủ tiêu 30,000 người, trong đó có các thành viên đảng Nhân dân thống nhất, liên minh Allende, các đảng viên cộng sản, xã hội và dân chủ, cũng như các giáo sư, giới trí thức, hàn lâm, giới nghệ sĩ, chuyên nghiệp, tu sĩ, sinh viên và thợ thuyền. Bị thất bại sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1988 Pinochet chính thức thôi nhiệm vụ năm 1990, nhưng vẫn là chỉ huy tối cao của quân đội. Năm 1998 khi ông qua Luân Ðôn giải phẫu thì bị tổ chức Ân Xá quốc tế và nhiều tổ chức bảo vệ các quyền con người tố cáo các tội chống lại nhân loại và bị truy nã theo luật pháp quốc tế. Nhưng năm 2000 bộ trưởng nội vụ Anh Jack Straw quyết định trả tự do cho ông vì lý do nhân đạo. Tướng Pinochet sống hưu tại Chile, đã không bao giờ ra hầu toà và qua đời năm 2006, thọ 91 tuổi.

Các đảng phái khác nhau tại Chile thành lập liên minh trung tả và trung hữu đưa người của mình lên. Trong cuộc bầu cử năm 2005 bà Michelle Bachelet đắc cử tổng thống nhưng chính quyền phải đối phó với nhiều khó khăn và cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009. Theo gợi ý của Ðức Cha Alejandro Goic, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Chile, bà Bachelet công bố sắc lệnh ân xá cho một số các tù nhân nhân mừng kỷ niệm 200 lập quốc vào năm 2010. Sự chia rẽ giữa các đảng phái trong liên minh trung tả đã khiến cho bà thất cử trong cuộc đầu phiếu năm 2010. Biến cố ông Sebastian Pignera thắng cử lên làm tổng thống chấm dứt 20 năm cai trị của liên minh trung tả. Nền kinh tế Chile tiến triển mạnh, đi ngược chiều với cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Nhưng năm 2013 phe trung tả lại thắng cử, và bà Michelle Bachelet lại lên làm tổng thống.

Giáo Hội Công Giáo Chile

Giáo Hội Công Giáo chính thức hiện diện tại Chile ngày 13 tháng 12 năm 1540, khi đoàn viễn chinh do Pedro de Valdivia cầm đầu, đến thung lũng Mapocho, trong đó có 3 linh mục Tây Ban Nha là Rodrigo Gonzales Marmolejo, Juan Lobo và Diego Perez. Ngày 12 tháng 2 năm 1541 thành phố Santiago de la Nueva Extremadura được thành lập với một nhà thờ được xây cất ở mạn tây bắc quảng trường lớn, và một nhà nguyện kính Ðức Bà Monserrat trên đồi Cerro Blanco.

Trong vòng 20 năm các vùng đất này thuộc quyền của giáo phận Lima. Ngày 27 tháng 6 năm 1561 Ðức Giáo Hoàng Pio IV cho thành lập giáo phận Santiago de Cile với Giám Mục tiên khởi là Ðức Cha Rodrigo Gonzales Marmolejo. Tiếp theo đó là 3 Giám Mục dòng Phanxicô. Ðức Cha Diego de Medillin chia giáo phận thành 4 giáo xứ, thành lập chủng viện đào tạo các chủng sinh và truyền chức cho các linh mục đâu tiên người bản xứ, cũng như thành lập đan viện nữ đầu tiên. Các cuộc viễn chinh tiếp tục tiến về phiá nam. Sau khi thành phố La Imperial được thành lập, ngày 22 tháng 3 năm 1563 Ðức Giáo Hoàng Pio IV cho thành lập giáo phận Santissima Concezione.

Cho tới năm 1840 hai giáo phận này tuỳ thuộc tổng giáo phận Lima, và là hai giáo phận duy nhất tại Chile. Công việc rao giảng Tin Mừng được giao cho tu sĩ các dòng, nhất là các tu sĩ dòng Phanxicô, dòng Tên dòng Mercedari và dòng Agostino.

Kể từ khi Chile được độc lập năm 1818 Giáo Hội Công Giáo đã nắm giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống chính trị xã hội, và duy trì thế quân bình giữa việc bảo vệ quyền lợi của Tây Ban Nha và các tư tưởng độc lập của người dân Chile. Các năm đầu của chính quyền cộng hoà mang dấu vết căng thẳng giữa các giới chức chính trị, đa số theo bè phái Tam Ðiểm, và hàng giáo sĩ. Các căng thẳng giảm bớt vào năm 1833, khi Công Giáo được coi là quốc giáo. Nhưng các khó khăn gia tăng với các khuynh hướng duy đời muốn có một cộng hoà đời. Các căng thẳng chấm dứt với Hiến pháp năm 1925 tách rời nhà nước khỏi Giáo Hội. Giáo Hội công giáo từ bỏ các can thiệp ảnh hưởng trên quyền bính chính trị để duy trì vai trò phê bình tích cực và cố vấn trong các vấn đề xã hội. Các Giám Mục Chile đã góp phần rất lớn trong việc duy trì bầu khí hoà bình của tiến trình tách rời này.

Niên giám năm 2011 cho biết Giáo Hội Công Giáo có 5 tổng giáo phận, 18 giáo phận, 2 giáo quận, 1 giám quản tông toà và một bản quyền quân đội. Tổng giáo phận Santiago có hơn 4 triệu tín hữu trên gần 6 triệu dân, do Ðức Hồng Y Ricardo Ezzati Andrello cai quản với sự trợ giúp của 4 Giám Mục phụ tá. Giáo phận gồm 209 giáo xứ với 847 linh mục.

Dưới chế độ độc tài của tướng Pinochet từ 1873 tới 1990 Giáo Hội nắm giữ vai trò quan trọng trong việc bênh vực và bảo vệ các quyền con người, chính vì thế chính quyền quân phiệt coi Giáo Hội thuộc phe đối lập. Ðức Hồng Y Raul Silva Henriquez, Tổng Giám Mục Santiago, đã trở thành một trong những người cương quyết chống lại chính quyền quân phiệt độc tài. Cùng với các vị lãnh đạo các tôn giáo khác ngài đã thành lập "Uỷ ban cộng tác bảo vệ hoà bình Chile" bị tổng thống Pinochet giải tán. Nhưng sau đó nó biến thành "Văn phòng giám quản Liên Ðới" của tổng giáo phận, chuyên trợ giúp pháp lý và xã hội cho các nạn nhân của chính quyền độc tài và khiến cho Ðức Hồng Y trở thành điểm tham chiếu của tất cả những ai chống chế độ độc tài quân phiệt. Ðức Hồng Y thu thập tin tức liên quan tới hàng chục ngàn gười bị mất tích, tổ chức các trung tâm phát chẩn, phân phát thực phẩm cho dân nghèo trong các khu xóm ổ chuột.

Từ năm 1977 liên lạc giữa chính quyền quân đội và Giáo Hội bớt căng thẳng hơn, và nỗ lực hoà giải đạt tột đỉnh với chuyến công du mục vụ của Ðức Gioan Phaolô II năm 1987. Trong buổi gặp gỡ các Giám Mục Ðức Gioan Phaolô II đã khích lệ các vị kiên trì và táo bạo dành ưu tiên cho mục vụ hiệp nhất quốc gia, góp phần khước từ bạo lực và thù hận, can đảm bênh vực các quyền con người. Có nhiều người cho rằng chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II chỉ giúp củng cố chính quyền quân phiệt độc tài. Nhưng 10 năm sau cuộc trưng cầu dân ý đã hạ bệ tổng thống Pinochet. Sau khi chế độc quân phiệt độc tài cáo chung, Giáo Hội đã cương quyết đẩy mạnh tiến trình hoà giải quốc gia.

Ngày 18 tháng 9 năm 2003 trong bài giảng thánh lễ Ðức Hồng Y Francisco Javier Errazuris, Tổng Giám Mục Santigao de Cile, đã lấy lại đề tài "Không bao giờ nữa" là tiếng kêu của các xã hội và các quốc gia châu mỹ latinh dùng để tưởng niệm biết bao nhiêu nạn nhân của các chế độ quân phiệt độc tài. Ngài nói: "Không bao giờ nữa với biết bao nghèo đói, bất công xã hội, gian ác chiếm hữu của cải, không có khả năng đối thoại, thù hận đối với sự thật và nền dân chủ. Không bao giờ nữa đối với nền kinh tế đánh vào những người nghèo nhất. Không bao giờ nữa đối với việc chính trị hoá các lực lượng quân đội... Không bao giờ nữa đối với việc xuyên tạc tin tức, đấu tranh tư tưởng và ý thức hệ với giá các sinh mạng con người, với sự thờ ơ trước khổ đau và vi phạm có hệ thống các quyền con người".

Trong năm 2017 vừa qua Chile đang trải qua một cuộc khủng hoàng xã hội. Làn sóng bài công giáo gia tăng. Từ tháng giêng năm 2017 trở đi đã có 25 nhà thờ và một chủng viện bị đốt, các ảnh Chúa chịu nạn bị đập phá xúc phạm. Ngày mùng 2 tháng 3 năm ngoái đại chủng viện San Fidel thuộc giáo phận Villarrica đã bị một nhóm thổ dân Mapuche Trapilhue đốt cháy, vì nó nằm trên vùng đất mà thổ dân Mapuche đã từ lâu đòi chính quyền trả lại cho họ. Một lãnh tụ thổ dân tuyên bố: "Giáo Hội cho thấy mình là thành phần của nhà nước. Và sẽ không có hoà bình cho tới khi nào Giáo Hội bị đuổi ra khỏi đất của thổ dân Mapuche". Giáo Hội đang ở trong thế kẹt giữa các nguyện vọng chính đáng của các thổ dân và bạo lực khủng bố có thể châm ngòi cho một cuộc nổi loạn của các thổ dân.

Ngày mùng 9 tháng 6 năm 2017 trong một cuộc biểu tình tại thủ đô Santiago một đoàn sinh viên đầu trùm mũ che mặt đã đột nhập nhà thờ "Gratitud Nacional" "Quốc gia nhớ ơn" cướp bóc, và lôi tượng Chúa chịu đóng đanh ra dùng chân đá và đập phá. Thay vì ôn hoà biểu tình đòi chính quyền cải tổ nềng giáo dục trong nước, thì các nhóm sinh viên này lại đốt phá các nhà thờ. Lý do đòi cải tổ giáo dục chỉ là cớ cho các vụ khủng bố bạo lực chống lại Giáo Hội. Sau khi bà tổng thống mạnh mẽ lên án hành động này, Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Santiago đã dâng thánh lễ phạt tạ và đưa ra câu hỏi "Ðiều gì đang xảy ra tại Chilê?". Ngài cũng cho biết bạo lực và khủng bố đã gia tăng trong hai năm qua vì đã có tới 25 nhà thờ công giáo và tin lành bị đốt phá tại miền nam Chilê, đặc biệt trong hai vùng Biobio à Araucaria. Ðây là vùng có đông thổ dân Mapuche sinh sống. Nhóm này chiến 4% tổng số dân, và từ nhiều năm qua đã yêu cầu chính quyền trả lại đất đai cho họ. Các vùng đất này hiện do các tổ chức siêu quốc chiếm hữu và khai thác. Trong nhiều năm qua chính quyền đã chậm chạp không tìm ra các giải pháp thỏa đáng để giải quyết yêu cầu chính đáng của thổ dân Mapuche.

Ðể chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong các ngày qua Ðức Hồng Y Ricardo Ezzati Andrello, Tổng Giám Mục Santiago, đã cử hành thánh lễ tại đền thánh Ðức Bà Maipù, nơi ngày mùng 5 tháng 4 năm 1818 đã xảy ra trân đánh định đoạt của chiến tranh độc lập. Trước đó ngày 14 tháng 3 năm 1818 dân chúng trong vùng đã khấn hứa với Ðức Mẹ rằng nếu chiến thắng họ sẽ xây một đền thánh kính Ðức Bà Camêlô. Trong thánh lễ Ðức Hồng Y Ezzati đã gửi 2,500 sinh viên học sinh thuộc 40 trường cao học ra đi thực hiện dự án truyền giáo của mục vụ đại học công giáo xây 50 nhà nguyện cho dân nghèo trong các vùng ngoại ô. Chương trình này đã do các linh mục tuyên uý và sinh viên đại học phát động đáp trả lời Ðức Phanxicô mời gọi giới trẻ tại Rio de Janeiro trong Ngày quốc tế giới trẻ năm 2013. Dự án 50 nhà nguyện cho dân nghèo thành hình vào tháng 4 năm 2014 với mục đích sẽ được giới thiệu với Ðức Thánh Cha ngày ngài sẽ đến viếng thăm Chile.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page