Bài giảng của Ðức Thánh Cha
trong thánh lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
ngày 7 tháng 1 năm 2018
Bài giảng của Ðức Thánh Cha trong thánh lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa ngày 7 tháng 1 năm 2018.
Roma (VietCatholic News 07-01-2018) - Chúa Nhật 7 tháng Giêng năm 2017 nhiều nơi trên thế giới cử hành Lễ Chúa Hiển Linh hay còn gọi là Lễ Ba Vua. Tại Vatican và 21 quốc gia khác trên thế giới, Lễ Chúa Hiển Linh đã được cử hành đúng vào ngày mùng 6 tháng Giêng, do đó, hôm Chúa Nhật 7 tháng Giêng năm 2018 Ðức Thánh Cha đã cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Dịp này, ngài ban phép rửa tội cho 34 hài nhi, và mời gọi các cha mẹ bảo tồn và làm tăng trưởng đức tin cho con cái.
Thánh lễ rửa tội bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi và kéo dài 1 tiếng rưỡi đồng hồ tại nhà nguyện Sistina trong dinh Tông Tòa. 34 hài nhi gồm 16 nam và 18 nữ, hầu hết là con của các nhân viên Vatican. Trong số các em nam, có nhiều em mang tên thánh là Phanxicô.
Ðây là lần thứ 5 Ðức Thánh Cha ban phép rửa tội cho các hài nhi tại Nhà nguyện Sistina, cũng là nơi được dùng làm mật nghị bầu giáo hoàng, và nổi danh với các bức bích họa của Michelangelo, được các du khách viếng thăm nhiều nhất trong số các tác phẩm nghệ thuật tại viện bảo tàng Vatican.
Phụ giúp Ðức Thánh Cha trong thánh lễ này có 3 Tổng Giám Mục, 1 Giám Mục và 13 giám chức khác, trước sự hiện diện của khoảng 300 người, trong đó có 68 cha mẹ của các em được rửa tội.
Giảng trong thánh lễ, Ðức Thánh Cha nói:
Các bậc cha mẹ thân mến,
Anh chị em đưa con cái đến đây để nhận Phép Rửa, nghĩa là anh chị em thực hiện bước đầu tiên trong nghĩa vụ truyền bá đức tin của mình.
Nhưng để truyền bá đức tin, chúng ta cần đến Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể tự mình thực hiện điều này. Việc truyền lại đức tin là ân sủng của Chúa Thánh Thần; và đó là lý do anh chị em mang con cái đến đây, bởi vì nhờ đó chúng nhận được Chúa Thánh Thần, lãnh nhận Chúa Ba Ngôi - Ngôi Cha, Con và Chúa Thánh Thần sẽ ngự đến trong lòng chúng.
Tôi chỉ muốn nói với anh chị em một điều duy nhất liên quan đến anh chị em: sự truyền bá đức tin chỉ có thể được thực hiện bằng "tiếng địa phương", bằng tiếng địa phương của gia đình, bằng phương ngữ của cha mẹ, ông bà nội ngoại. Sau đó, các giáo lý viên sẽ phát triển thêm sự truyền bá đầu tiên này, với những ý tưởng, với những lời giải thích ... Nhưng đừng quên điều này: anh chị em phải thực hiện "bằng tiếng địa phương" và nếu phương ngữ bị mất đi, nếu bạn không nói ngôn ngữ tình yêu ở nhà, việc truyền bá đức tin này sẽ không dễ dàng, nếu không muốn nói là không thể được thực hiện. Ðừng quên điều đó. Nghĩa vụ của anh chị em là truyền bá đức tin nhưng phải làm điều đó với phương ngữ của tình yêu trong mái ấm của anh chị em, trong gia đình của anh chị em.
Con cái anh chị em cũng có "phương ngữ" của riêng chúng, điều đó làm cho chúng ta cảm thấy tốt! Bây giờ tất cả đều yên lặng, nhưng chỉ cần một đứa ré lên là lập tức dàn giao hưởng được bắt đầu! Ðó là phương ngữ của trẻ em! Và Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải nên giống như những trẻ thơ, để có thể nói như chúng. Chúng ta không thể quên ngôn ngữ này của trẻ em, chúng đơn sơ muốn nói gì thì nói, nhưng đó là ngôn ngữ mà Chúa Giêsu thích rất nhiều. Và trong những lời cầu nguyện của anh chị em, hãy đơn sơ, hãy nói với Chúa Giêsu những điều xảy đến trong trái tim của anh chị em như các trẻ nhỏ. Hôm nay hãy nói với nước mắt, vâng, như các trẻ em. Phương ngữ của cha mẹ là tình yêu để truyền bá đức tin và phương ngữ của trẻ em là điều phải được cha mẹ chào đón để chúng có thể phát triển trong đức tin.
Chúng ta sẽ tiếp tục buổi lễ; và có thể con cái anh chị em sẽ bắt đầu dàn giao hưởng bởi vì chúng không cảm thấy thoải mái, hay nóng quá, ngột ngạt quá, hay đói ... Nếu chúng đói, hãy cho chúng bú, đừng sợ, hãy cho chúng bú, bởi vì đó là ngôn ngữ của tình yêu.
J.B. Ðặng Minh An dịch