Nhìn lại năm 2017 của Ðức Phanxicô

 

Nhìn lại năm 2017 của Ðức Phanxicô.

Roma (VietCatholic News 31-12-2017) - Nhân dịp năm 2017 sắp sửa qua đi, nhiều nhà báo chuyên theo dõi các hoạt động của Ðức Phanxicô có thói quen nhìn lại các hoạt động của ngài trong năm 2017. Inés San Martin của tạp chí Crux có tới 3 bài xoay quanh ba chủ đề lớn sau đây liên quan tới Ðức Phanxicô trong năm 2017: Ði dây trong các chuyến tông du, cải tổ Giáo Hội cả ở Rôma lẫn ở ngoài Rôma và theo đuổi hòa bình thế giới.

Các chuyến tông du

Bài đầu tiên bà viết về các chuyến tông du của Ðức Phanxicô. Nói chung, năm 2017, ngài cắt bớt con số các chuyến tông du, có thể vì việc chuẩn bị cho chúng không dễ dàng. Năm 2016, ngài thực hiện 6 chuyến đi: Cuba và Mễ Tây Cơ, Hy Lạp, Armenia, Ba Lan, Georgia và Azerbaijan và Thụy Ðiển. Năm 2017, ngài chỉ rời Rôma 4 lần để đi Ai Cập, Bồ Ðào Nha, Colombia, và Myanmar và Bangladesh.

Trong 4 trường hợp trên, hết 3 lần Ðức Phanxicô phải đắn đo lời nói và việc làm một cách rất cẩn thận, vì biết rằng nói nhiều quá, hay ít quá, có thể khơi bạo động chống lại các Kitô hữu ở các nước đa số theo Hồi Giáo, như Ai Cập chẳng hạn; có thể đánh đổ một hòa ước yếu ớt nhằm kết thúc một cuộc nội chiến kéo dài cả mấy thập niên nay, như ở Colombia; hoặc gây nguy hại cho thiểu số Hồi Giáo vốn đang bị bách hại, như ở Miến Ðiện.

Ai Cập

Cuộc tông du Ai Cập diễn ra vào cuối tuần sau cùng của Tháng Tư, và được công bố lần đầu vào Tháng Ba. Giữa khoảng thời gian ấy, khi Ðức Phanxicô đang cử hành Lễ Lá ở Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, thì các tên khủng bố đã lại một lần nữa phủ bóng tối lên Tuần Thánh, lần này bằng vụ nổ bom tại 2 Nhà Thờ Kitô Giáo Coptic tại Ai Cập khiến 45 người thiệt mạng và hơn 1 trăm người bị thương.

Dù Ðức Phanxicô chỉ ở Ai Cập hơn 24 tiếng đồng hồ một chút, cuộc tông du tới quốc gia Hồi Giáo hàng thứ sáu của thế giới, và hàng thứ nhất tại Trung Ðông, là một cuộc chơi xúc xắc, và ở thời điểm ấy được mô tả là một trong các cuộc tông duy nhiều rủi ro hơn cả trong triều giáo hoàng của ngài.

Thế nhưng, Ðức Phanxicô rõ ràng đã ra khỏi nó một cách ngẩng cao đầu. Vào ngày đầu tiên, ngài đã đọc một bài diễn văn theo khuôn khổ bài diễn văn thời danh của Ðức Bênêđictô XVI tại Regensburg, kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo, mà, trong bối cảnh Ai Cập, rõ ràng ám chỉ các nhà lãnh đạo Hồi Giáo, trước nhất và trên hết, bác bỏ bạo lực nhân danh Thiên Chúa.

Ngài nói: "một lần nữa, chúng ta hãy mạnh mẽ và rõ ràng nói lên chữ 'không' đối với mọi hình thức bạo lực, trả thù và thù hận nhân danh tôn giáo hay nhân danh Thiên Chúa. Cùng nhau, chúng ta hãy khẳng định sự bất khả tương hợp giữa bạo lực và đức tin, giữa niềm tin và thù hận".

Tại một quốc gia Trung Ðông có số dân Kitô Giáo đông nhất, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã đưa ra lời khích lệ đối với các Kitô hữu bị bách hại của Ai Cập; họ chiếm từ 10 tới 20 phần trăm dân số quốc gia.

Fatima

Chuyến tông du Fatima, Bồ Ðào Nha, chuyến đi duy nhất, mà đến cuối năm 2016, đã có ngày giờ nhất định, là một cuộc nhàn du so với chuyến đi Ai Cập. Diễn ra chỉ sau chuyến đi sau 2 tuần, tức các ngày 12 và 13 tháng Năm năm 2017, Ðức Phanxicô tránh mọi yếu tố chính trị bằng cách đi thẳng tới Fatima, để tôn kính Ðức Nữ Trinh Maria.

Thế nhưng bất kể sắc thái thiêng liêng của chuyến đi, yếu tố chính trị vẫn không thể tránh được.

Các lần Ðức Mẹ Mân Côi hiện ra bên ngoài làng với 3 trẻ chăn chiên thất học vào năm 1917 mãi mãi vẫn là những lần hiện ra tuy được nhiều người yêu mến nhất nhưng cũng gây tranh luận nhiều hơn cả trong các lần Ðức Mẹ hiện ra và được Giáo Hội công nhận. Trong 6 lần hiện ra, Ðức Mẹ đã trao cho các em 3 "bí mật" hay sứ điệp liên quan tới Hỏa Ngục, hai cuộc thế chiến, và mưu toan ám sát Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1981, một cuộc mưu sát diễn ra đúng vào ngày lễ Ðức Mẹ Fatima.

Chưa bao giờ phải đắn đo lời nói khi thách thức đoàn chiên của mình, trong bài giảng lễ phong thánh cho hai trẻ thị kiến Phanxicô và Giaxinta, Ðức Phanxicô cảnh cáo hàng trăm ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô rằng "Ðức Mẹ tiên báo và cảnh cáo chúng ta rằng lối sống không có Thiên Chúa và quả thực xúc phạm tới Thiên Chúa nơi các tạo vật của Người# Một đời sống như thế, thường được đề xuất và áp đặt, có nguy cơ dẫn đến hỏa ngục".

Colombia

Chuyến tông du của Ðức Phanxicô tới Colombia là một chuyến tông du được ngài nói đến gần như từ khi khởi đầu triều giáo hoàng của ngài. Duy trì lời hứa từng được lặp đi lặp lại một số lần khi hoà ước giữa chính phủ của Ông Juan Manuel Santos và phe kháng chiến lớn nhất có tên là FARC mới được ký và chưa ráo mực, chính Ðức Phanxicô xác nhận nó sẽ diễn ra.

Gần đến ngày ngài lên đường, một số nhà bình luận sợ rằng chuyến đi Colombia trong các ngày 6 đến 11 tháng Chín năm 2017 của Ðức Phanxicô sẽ chỉ là việc ủng hộ chính phủ Colombia và hòa ước đầy tranh cãi của họ với phe nổi loạn Mácxít, để lại phía sau nhiều chia rẽ sâu xa hơn, thay vì hòa giải.

Tuy nhiên, cuối cùng, nếu chuyến tông du có mừng chiến thắng của ai thì ai đó không phải là Ông Santos, dù ông rất có lợi, mà là chính nhân dân Colombia.

Ðức Phanxicô thăm 4 thành phố trong 5 ngày, tại đấy, hàng triệu người một lúc đã tới tham dự các Thánh Lễ ngài cử hành tại Bogotá, Villavicencio và Medellín, chưa kể nửa triệu người tại Cartagena, đại diện gần như một nửa dân thành phố.

Ngài khuyên giới trẻ trở thành các thầy cô của sự tha thứ. Ngài nhắc các nạn nhân và những kẻ phạm bạo lực nhớ rằng "hận thù dẫn đến hận thù, chết chóc dẫn đến chết chóc". Ngài kêu gọi việc tôn trọng sự sống ở mọi giai đoạn của nó, ngài lên án việc trẻ em bị cướp mất tuổi thơ, coi đây là điều không thể chấp nhận được, ngài kết án chủ nghĩa tự tôn nam tính (machismo), và nhắc người Công Giáo Colombia, chiếm tới 70 phần trăm dân số, nhớ rằng Chúa Giêsu không phải chỉ đòi hỏi người ta tuân hành luật lệ, trái lại, Người gần như tê liệt trước các lối giải thích luật lệ khe khắt.

Nhưng trên hết, điều mà cuộc tông du 5 ngày để lại là bằng chứng rờ mó được rằng bất chấp sự chia rẽ chính trị do hòa ước tạo ra, Colombia vẫn là một quốc gia có khả năng tạo hòa bình.

Bogotá, một thành phố trung bình mỗi ngày có 3.4 vụ chém giết đầy bạo lực, đã không có vụ chém giết nào trong 48 tiếng đồng hồ đầu tiên của chuyến tông du, và cũng một hiện tượng này đã diễn ra tại các thành phố khác được ngài viếng thăm. Truyền thông địa phương mô tả điều này như 1 phép lạ.

Một thành quả tức khắc khác của chuyến đi là lãnh tụ nổi tiếng của phe phản loạn, Rodrigo Londo#o, tư lệnh FARC và trước đây thường được biết dưới biệt danh "Timochenko", đã gửi một lá thư cho Ðức Phanxicô lúc ngài còn ở Colombia: "Các thông điệp được lặp đi lặp lại của Ðức Thánh Cha về lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa đã thúc đẩy con khẩn khoản xin Ðức Thánh Cha tha thứ cho bất cứ dòng nước mắt hay đau khổ nào chúng con đã gây ra cho nhân dân Colombia".

Miến Ðiện và Bangladesh

Khi các vị giáo hoàng tông du, các ngài thường muốn đưa ra các thông điệp về công lý, nhân phẩm và hòa bình, trong khi cũng củng cố các mối liên hệ với các chính phủ chủ nhà. Trong đường hướng này, chuyến đi ngoại quốc cuối cùng của Ðức Phanxicô trong năm 2017 là một bãi mìn hơn là một dây leo lơ lửng.

Quyết định đi Miến Ðiện và Bangaldesh là một quyết định vào phút chót, do sự kiện chuyến đi nguyên thủy tới Ấn Ðộ và Bangladesh đã không thực hiện được. Theo chính lời Ðức Phanxicô, chuyện "giấy tờ" rất mất thì giờ. Từ chuyến đi trở về, ngài nói với các nhà báo rằng ngài hy vọng chuyến thăm Ấn Ðộ sẽ xẩy ra trong một tương lai gần.

Phần lớn việc tường trình về chuyến đi từ ngày 27 tháng 11 tới ngày 2 tháng 12 năm 2017 rút gọn vào vấn đề liệu ngài có sử dụng hay không danh xưng Rohingya khi nhắc đến nhóm thiểu số Hồi Giáo hiện đang chạy trốn Miến Ðiện qua Bangladesh. Khoảng 650,000 người của nhóm này đã phải bỏ trốn kể từ cuối tháng 8, và Liên Hiệp Quốc vốn tố cáo chính phủ Miến Ðiện tội thanh trừng sắc tộc.

Trước đó, Ðức Giáo Hoàng vốn đã được các vị giám mục địa phương khuyến cáo không nên sử dụng danh xưng ấy, vì các ngài sợ rằng hậu quả sẽ là các cuộc biểu tình bạo động trên đường phố. Miến Ðiện vốn không thừa nhận người Rohingya là công dân, bất kể sự kiện họ từng sống ở đây nhiều thế hệ.

Ðức Phanxicô tránh dùng danh xưng ấy tới ngày 1 tháng 12 năm 2017, khi ngài gặp 16 người tị nạn Rohingya ở Bengladesh, nhân một cuộc gặp gỡ liên tôn. Sau khi đích thân thăm hỏi ừng người, ngài đã ứng khẩu nói một số nhận định trong đó, có lời xin lỗi vì sự "dửng dưng" của thế giới trước nỗi đau thương của họ.

Ngoài những lời kêu gọi trực tiếp và gián tiếp cho những người này và nhiều nhóm thiểu số khác bị cách hại ở Miến Ðiện trong đó, có các Kitô hữu, chiếm khoảng 6 phần trăm tổng dân số, Ðức Phanxicô cũng đưa ra một chiến lược liên tôn đặt căn bản trên việc chống lại bạo lực tôn giáo.

Trong danh sách các chuyến đi không được thực hiện, Nam Sudan và Congo đứng đầu sổ. Bất kể ý định của Ðức Giáo Hoàng, các khủng hoảng đang diễn ra tại các nước này khiến cho chuyến đi không tài nào diễn ra được. Tuy nhiên, ngài có hướng dẫn một buổi cầu nguyện ở Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô cho hòa bình tại hai quốc gia đang tả tơi vì tranh chấp này.

Việc cải tổ Giáo Hội

Ngay từ đầu, Ðức Phanxicô đã được mệnh danh là vị giáo hoàng cải tổ, và cũng ngay từ đầu, người ta không rõ cuộc cải tổ của ngài có nghĩa gì. Phải chăng đây là cuộc phục hồi sinh lực cho hình ảnh công cộng về Giáo Hội vừa thoát ra khỏi bầu khí của cuộc khủng hoảng vào hồi tháng 3 năm 2013, thay đổi xu hướng chính trị và thần học của Giáo Hội theo đường hướng mà một số nhà phân tích gọi là cuộc "hồi tâm mục vụ" hay là việc làm sạch nhà ngay tại chính Vatican?

Phải chăng là cả ba công việc trên, hay là một việc khác, hay không là việc nào cả? Thực vậy, liệu một số hình thức cải tổ vừa kể có đáng kể không hay chúng chỉ là những trệch hướng nguy hiểm? Tùy thuộc cách người ta trả lời các câu hỏi này, mà các phán đoán về việc cải tổ của Ðức Phanxicô có thể được coi như một thành công vẻ vang hay như một thất bại ảm đạm.

Dù thế nào, năm 2017 cũng là một năm có nhiều biến cố về phương diện cải tổ, và sau đây là một số biến cố đáng lưu ý.

Chính sách nhân viên

Khi được bầu làm giáo hoàng năm 2013, Ðức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Á Căn Ðình biết rằng một trong các tiền đề cho việc ủng hộ ngài chính là việc ngài biết đầu tay về sự hoạt động bất thường và hết sức chậm chạp của nền hành chánh Vatican, cũng như tâm lý học hết sức thiển cận và chạy vòng quanh của nó vì thiếu kinh nghiệm "dã chiến".

Ngay sau khi được bầu, ngài đã lập ra một nhóm 8 vị Hồng Y cố vấn để giúp ngài cải tổ giáo triều Rôma. Sau đó, ngài thêm cho nhóm này vị Quốc Vụ Khanh, tức Ðức Hồng Y người Ý Pietro Parolin, thành nhóm mà người ta quen gọi là "C9". Cho đến nay, nhóm này đã họp tới hơn 20 lần.

Các vị giáo phẩm trên xuất thân từ mọi lục địa và gồm nhiều bối cảnh nhân cách, chính trị và thần học khác nhau. Các vị được trao cho nhiệm vụ viết lại hiến pháp của Vatican, nhưng cho đến nay, chưa có tin tức gì cho thấy khi nào diễn trình này hoàn tất.

Năm 2017 là một năm được thấy một vài tiến bộ ít nhất trong việc cung cấp nhân viên cho hai siêu cơ quan mà Ðức Phanxicô đã thiết lập vào năm ngoái, dưạ vào các khuyến cáo của C9. Một dành cho việc Phát Triển Nhân Bản, do Ðức Hồng Y Peter Turkson của Ghana đứng đầu, còn cơ quan kia dành cho mọi việc liên quan tới gia đình, giáo dân và sự sống, do Ðức Hồng Y Kevin Farrell của Hoa Kỳ đứng đầu.

Một động thái khác về nhân viên từng gây chấn động là việc Ðức Phanxicô không tái bổ nhiệm Ðức Hồng Y người Ðức Gerhard Muller đứng đầu thánh bộ Giáo Lý Ðức Tin, thay vào đó, đã thăng thưởng người đứng thứ hai của thánh bộ này, tức Ðức Tổng Giám Mục dòng Tên người Tây Ban Nha, Luis Ladaria Ferrer.

Xét vì Ðức Tổng Giám Mục Ladaria vốn được coi như một người bảo thủ về thần học, giống Ðức Hồng Y Muller, nên việc chuyển quyền được những người hiểu chuyện ở Rôma coi không hẳn như một tuyên bố ý thức hệ của Ðức Phanxicô, cho bằng như một tuyên bố về lòng trung thành. Ðức Hồng Y Muller phần nào vốn đồng hóa ngài với phong trào chống lại văn kiện gây tranh cãi của Ðức Phanxicô về gia đình, tức tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, và việc tông huấn này mở cửa để các người Công Giáo ly dị và tái hôn được rước lễ, trong khi Ðức Tổng Giám Mục Ladaria đứng ngoài cuộc.

Một yếu tố lay động Giáo Triều Rôma nữa và là một yếu tố được nhiều người ủng hộ là các thay đổi liên quan đến các cuộc thăm mồ các Thánh Phêrô và Phaolô (ad-limina) của các vị giám mục thế giới, cứ năm năm một lần. Trong cuộc gặp gỡ vào cuối chuyến viếng thăm với sự hiện diện của Ðức Giáo Hoàng, nếu có một tranh luận nào đó xẩy ra, thì căn cứ vào loạt đầu thăm viếng vừa qua, Ðức Giáo Hoàng sẽ không về phe với các "quan chức" ở Rôma của mình, nhưng về phe với các vị mục tử của các giáo hội địa phương.

Về phương diện hoàn cầu, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục thúc đẩy để có một Giáo Hội chú trọng tới mục vụ nhiều hơn, hiển nhiên nhất qua các lần đề cử các tân giám mục cho hai thành phố Mexico và Paris. Ðức Hồng Aguiar Retes và Ðức Cha Michel Aupetit thay thế Ðức Hồng Y Norberto Rivera Carrera và Ðức Hồng Y André Vingt-Trois, đều là các vị vốn lãnh đạo các giáo phận của các ngài lâu năm.

Việc lạm dụng tình dục trẻ em

Nói tới cuộc đấu tranh bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em, Ủy Ban Bảo Vệ Vị Thành Niên của Ðức Phanxicô hiện đang bế tắc, chờ để Ðức Phanxicô công bố danh sách thành viên mới. Danh sách hiện nay có nhiệm kỳ 3 năm, chấm dứt vào ngày 17 tháng 12 năm 2017.

Vì cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em vốn được coi như cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong Giáo Hội kể từ cuộc Cải Cách Thệ Phản, nên nhiều nhà quan sát cho rằng việc Vatican trì trệ trong việc cung cấp cho ủy ban các tài nguyên và sự trợ giúp cần thiết là điều gây lo ngại.

Thêm vào đó, còn có vụ người Ái Nhĩ Lan sống sót cuộc lạm dụng, Marie Collins, từ chức khỏi Ủy Ban hồi tháng Ba, vì quá thất vọng với Giáo Triều Rôma. Một người sống sót khác, tức Peter Saunders, người Anh, từng xin nghỉ khiếm diện năm 2016 và ít ngày trước khi hết nhiệm kỳ đã tuyên bố từ nhiệm chính thức.

Cũng gây tranh cãi năm 2017 là vụ của Ðức Hồng Y George Pell, người Úc; hồi tháng Sáu năm 2017, ngài bị các công tố viên tại quê hương qui cho tội "vi phạm tính dục đã lâu năm". Ðức Hồng Y Pell cực lực bác bỏ các tố cáo này và hiện đang có mặt tại quê hương để bào chữa cho mình, sau khi được Ðức Phanxicô cho phép nghỉ khiếm diện khỏi chức vụ đứng đầu Văn Phòng Kinh Tế của Tòa Thánh.

Một khoảnh khắc chủ yếu khác của Ðức Phanxicô trong mặt trận chống lạm dụng tính dục sẽ diễn ra vào giữa tháng Giêng tới, khi ngài tới Chile trước khi qua Peru. Việc ngài, năm 2015, bổ nhiệm Ðức Cha Juan Barros đứng đầu giáo phận Osorno, bất chấp việc vị này bênh vực một linh mục ấu dâm tai tiếng nhất của Chile, đã phát khởi một cuộc tranh cãi sâu rộng và cuộc tranh cãi này đã tăng cường độ vì một cuốn video ghi được ở Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô trong đó, Ðức Phanxicô đích danh gọi những người biểu tình chống Ðức Cha Barros là "đần" và cho rằng những người này "bị nắm mũi bởi những người cánh tả đã dàn dựng tất cả những điều này".

Lúc ở Chile, có phần chắc Ðức Phanxicô sẽ bị áp lực phải giải thích việc ngài xử lý vụ Ðức Cha Barros.

Vấn đề tài chánh của Vatican

Khi Ðức Phanxicô được bầu hồi tháng Ba năm 2013, một số vị Hồng Y khi rời Nhà Nguyện Sistine có nói rằng "Sẽ không còn những tên Calvis nữa!", môt câu nói tổng hợp tất cả những gì các ngài mong mỏi nơi vị tân giáo hoàng. Câu nói này ám chỉ nhà tài chánh người Ý Roberto Calvi, người trước đó vốn có liên hệ sâu sắc với Ngân Hàng Vatican và đã chết trong những hoàn cảnh bí mật vào năm 1982, thành thử khi nhắc đến tên ông ta là một cách nói tắt thời tai tiếng tài chánh của Vatican đã qua rồi.

Ngay từ đầu, Ðức Phanxicô đã lập ra 3 cơ quan mới để lãnh đạo cuộc cải tổ toàn bộ việc quản lý tiền bạc của Vatican theo đường hướng trong sáng và có tinh thần trách nhiệm nhiều hơn: một Hội Ðồng Kinh Tế để đưa ra chính sách; một Văn Phòng Kinh Tế, để thi hành chính sách vừa nói; và một Tổng Thanh Lý độc lập, để buộc mọi người phải trung thực.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, hai trong số ba cơ quan mới này dường như đã chết yểu, trong khi quyền hành tài chánh từ từ đã trở về với Phủ Quốc Vụ Khanh, một cơ quan, oái oăm thay, vốn là thành trì mà các cuộc cải tổ thoạt đầu có ý định nhằm tới.

Ðức Hồng Y Pell hiện đang ở Úc và việc ngài trở lại nhiệm sở mỗi ngày mỗi thấy xa vời thêm, khiến cho Văn Phòng Kinh Tế không có vị Hồng Y đứng đầu. Trong khi ấy, Tổng Thanh Lý, người giáo dân Ý tên Libero Milone, thì hồi tháng Sáu, đã chấm dứt chức vụ của mình ở Vatican mà không có lời giải thích rõ ràng lý do tại sao.

Tháng Mười Một năm 2017, Milone đã được nối chân bởi phó giám đốc Ngân Hàng Vatican, cũng là 1 giáo dân Ý tên Giulio Mattietti, người đã bị hộ tống ra khỏi lãnh thổ thị quốc Vatican một cách không kèn không trống, và một lần nữa, cũng không có lời giải thích lý do.

Một phiên xử cao cấp ở Vatican vì các tội phạm tài chánh năm2017 cũng khiến nhiều người không hài lòng, vì nó kết thúc với việc qui tội một giáo dân Ý đã chuyển một ngân khoản nửa triệu dollars vốn dành cho một bệnh viện được Ðức Giáo Hoàng bảo trợ để sửa một căn hộ cho một vị Hồng Y của Vatican, nhưng không có một án lệnh nào được ban hành, thậm chí đến cả một cuộc điều tra cũng không nốt đối với vị Hồng Y được hưởng lợi ích của chuyển khoản này.

Tất cả các điều trên khiến một số quan sát viên không do dự cho rằng cuộc cải tổ tài chánh đã chết yểu, và nếu Ðức Phanxicô muốn hồi sinh nó, hẳn ngài phải khởi sự lại từ đầu trong năm 2018.

Tản quyền và phụng vụ

Ðức Phanxicô cũng đã thúc đẩy việc tản quyền. Về phương diện này, điều đáng chú ý là các tu chính hồi tháng Chín của ngài nhằm thay đổi luật lệ của Giáo Hội liên quan tới việc phiên dịch các bản văn phụng vụ, qua đó, các hội đồng giám mục địa phương được dành cho nhiều thẩm quyền hơn.

Quyết định trên đặt Ðức Phanxicô vào thế đối nghịch ít nhiều công khai với vị đứng đầu thánh bộ phụng vụ là Ðức Hồng Y Robert Sarah của Ghana với việc ngài sửa sai Ðức Hồng Y sau khi vị này cho rằng Rôma vẫn tiếp tục có tiếng nói sau cùng.

Dù một số coi động thái trên như một chiến thắng cho phe cấp tiến Công Giáo, đặc biệt nếu người ta nghĩ đến các bản dịch đang thực hiện của Ðức và của Ý, nhưng chẳng bao lâu sau đó, Ðức Phanxicô lại quay qua hướng đối nghịch khi về phe với vị tiền nhiệm là Ðức Bênêđíctô XVI để nhấn mạnh rằng trong Thánh Lễ, lúc truyền phép, chính xác hơn phải nói là "vì nhiều người" chứ không phải "vì mọi người".

Theo đuổi hòa bình thế giới

Về phương diện công luận, người ta nên quên những gì Sách Giáo Lý Của Giáo Hôi Công Giáo hay Giáo Luật nói về Ðức Giáo Hoàng. Vì đối với công luận, ngôi vị giáo hoàng là một việc làm gần như không thể có, bởi người ta mong các vị giáo hoàng cùng một lúc phải là các siêu sao truyền thông, các vị giảng thuyết lừng danh thế giới và là các quản trị viên thuộc hàng 500 của tạp chí Fortune, ấy là chưa kể phải là những vị thánh sống.

Người ta cũng mong các vị giáo hoàng là những tay chơi chính trị tài tình, có khả năng múa gậy ma thuật khiến cho mọi nan đề của thế giới tự dưng biến mất. Dĩ nhiên, đây là một cái nhìn hoàn toàn không thực tiễn chút nào, nhưng nó vẫn làm các vị giáo hoàng ráng sức, và Ðức Phanxicô có lẽ là vị cố gắng nhiều hơn cả.

Ngay từ đầu, Ðức Phanxicô đã có hoài vọng trở thành vị "Giáo Hoàng Hòa Bình", nhằm xử lý điều ngài gọi là "Thế Chiến Ba" được đánh từng mảng từ đầu thế kỷ 21. Từ việc giúp ngăn cản sự can thiệp quân sự của Tây Phương vào Syria năm 2013 tới vai trò làm nhẹ bớt căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Cuba, Ðức Phanxicô đã bước chân theo Thánh Gioan Phaolô II trong việc dấn mình vào nền địa chính trị của thời mình.

Năm 2017 đem lại một năm tích cực hoạt động nữa của Ðức Phanxicô trong việc theo đuổi nền hòa bình thế giới, cùng với các mục tiêu cốt lõi khác trong nghị trình xã hội của ngài.

Năm 2014, Ðức Phanxicô từng tố cáo "tội ác chống lại nhân loại" tức nạn nô lệ thời hiện đại. Năm 2015, tập chú của ngài chuyển qua môi trường, với thông điệp Laudato Sí về chủ đề này. Năm ngoái, ngài đặc biệt lưu tâm tới cuộc khủng hoảng di dân trên thế giới, nhất là cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng tới Âu Châu.

Luôn là vị giáo hoàng của người nghèo, Ðức Phanxicô khai mở Ngày Thế Giới Người Nghèo lần đầu tiên năm 2017.

Theo đuổi hòa bình

Tuy nhiên, không điều gì có thể sánh với việc theo đuổi hòa bình trong năm 2017.

Tháng 11, Tòa Thánh tổ chức một hội nghị lớn để thúc đẩy việc giải giới hạch nhân. Tại đây, Ðức Phanxicô nói rằng lý thuyết gián chỉ (deterrence) là điều không được phép về luân lý và các vũ khí giết người hàng loạt này "cho thấy não trạng sợ hãi".

Ngày 2 tháng 11, nói tại Nghĩa Trang Mỹ-Xilixi ở Nettuno, Ý, nơi gần 8,000 tử sĩ Hoa Kỳ đã được chôn cất, Ðức Phanxicô đã cầu nguyện cho mọi người đã qua đời nhân dịp Lễ Các Linh Hồn, nhưng đặc biệt cho những người "đang nằm tại đây# vào lúc thế giới đang có chiến tranh một lần nữa".

"Chúng ta cầu nguyện cho mọi người đã qua đời, và đặc biệt các người trẻ trong một khoảnh khắc trong đó quá nhiều người trẻ chết hàng ngày tại các mặt trận vì cuộc thế chiến 'từng mảng' này", ngài nói thế khi sử dụng lối nói quen thuộc của ngài để mô tả một thế giới trong đó không phải chỉ có một cuộc tranh chấp hoàn cầu lớn lao mà là hàng chục cuộc chiến tranh qui mô nhỏ hơn đang diễn ra tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới.

Ngài nói thêm "ngay cả các trẻ em cũng đang phải chết. Chết là kết quả của chiến tranh, và xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết khóc".

Các cuộc tông du ngoại quốc của ngài cũng lấy hòa bình làm cốt lõi cho các thông điệp của chúng, ngài từng cảnh cáo rằng cuộc tranh chấp Ðại Hàn đang đe dọa "phần tốt" của nhân loại, và đầu năm ngài phối hợp cả chủ đề hòa bình và chủ đề môi trường khi nói rằng thế giới đang lao đầu vào cuộc chiến tranh giành nước uống.

Một số câu chuyện khác

Bên kia các chủ đề lớn của năm 2017, là một số câu truyện khác liên quan tới Ðức Giáo Hoàng nhưng cũng giúp ta xác định được năm vừa qua.

Việc chống đối Ðức Phanxicô từ một số giới bảo thủ nhất trong Giáo Hội vẫn tiếp tục, trong đó, có nhóm thần học gia bảo thủ hồi tháng Chín tố cáo ngài gieo rắc lạc giáo. Dù tạo được khá nhiều ồn ào lúc đầu, nhưng cú giáng này chẳng bao lâu sau trở thành tiếng khóc thút thít.

Cũng chống lại Ðức Phanxicô còn có nhà thần học Hoa Kỳ, Linh Mục Thomas Weinandy, cựu trưởng chuyên viên tín lý của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, người đã từ chức sau khi lá thư ngài gửi cho Ðức Phanxicô trở thành công khai. Trong lá thư này, ngài nói với Ðức Phanxicô rằng trong văn kiện Niềm Vui Yêu Thương, "sự hướng dẫn của Ðức Thánh Cha đôi khi cố ý mơ hồ, do đó, đã tạo ra cả lối giải thích cổ truyền đối với giáo huấn Công Giáo về hôn nhân và ly dị lẫn lối giải thích hàm ngụ một sự thay đổi nào đó đối với giáo huấn ấy".

Tháng Mười năm 2017, Ðức Phanxicô chỉ trích 'khuynh hướng ưu sinh' (eugenic tendency) nhằm tận diệt những người khuyết tật. Ngài thừa nhận rằng vì các thất bại của mình, Giáo Hội phải cổ vũ sự an toàn cho trẻ em, và tố cáo rằng thu tích của cải trong khi trẻ em chết là "tội thờ ngẫu thần giết người". Ngài cũng triệu tập một Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Toàn Vùng Amazon.

Năm nay cũng là một năm đáng lưu ý đối với những người tin rằng Ðức Mẹ đã hiện ra tại thị trấn nhỏ Medjugorje của Bosnia. Ðức Giáo Hoàng đã cử một vị giám mục Ba Lan đi khảo sát tình trạng mục vụ tại nơi này, nơi đã trở thành một địa điểm hành hương cho hàng triệu người đến đó hàng năm để cầu nguyện. Ðức Tổng Giám Mục Henryk Hoser đã được Ðức Phanxicô bổ nhiệm hồi tháng Hai để tìm hiểu việc chăm sóc mục vụ cho cư dân thị trấn và người hành hương, và ngài tỏ ra tích cực một cách công khai đối với các khám phá của mình.

Tháng Mười Một năm 2016, trong một cuộc gặp gỡ được đăng tải trên báo chí, Ðức Phanxicô chế diễu hiện tượng Medjugorje, nhưng khi trả lời các câu hỏi của các phóng viên lúc từ Fatima trở về Rôma, giọng điệu của ngài hơi khác, ngài chấp nhận việc điều tra thêm khả tín tính của thông điệp vốn gán cho Ðức Mẹ Hòa Bình, như đã được các thị nhân mô tả.

Tháng Bẩy năm 2017, Ðức Phanxicô can dự vào câu truyện chung quanh bé Charlie Gard: ngài đứng về phía cha mẹ em bé 10 tháng bị bệnh đến thời kỳ cuối cùng, một biến cố được cả Vương Quốc Thống Nhất lưu ý. Bất kể một số bệnh viện sẵn sàng cung cấp việc điều trị, trong đó, có Bệnh Viện Bambino Gesu của Ðức Giáo Hoàng, em bé đã qua đời ngày 24 tháng Bẩy.

Tháng Sáu năm 2017, Ðức Phanxicô đe dọa sẽ ngưng chức các linh mục của một giáo phận ở Nigeria, trong một câu truyện dài đến nay vẫn chưa được giải quyết, và trước đó một tháng, ngài từng cố gắng hòa giải sự chia rẽ tả hữu bằng cách tuyên bố rằng Giáo Hội giống một con sông, và điều quan trọng là ở trong con sông này: "Nếu anh em ở giữa hay ở bên phải hoặc ở bên trái nhiều hơn, nhưng vẫn ở trong lòng con sông, thì sự đa dạng này là điều hợp pháp... Rất nhiều lần, chúng ta muốn con sông chẩy về phía chúng ta và kết án người khác... thì đó không phải là tình anh em. Mọi người đều ở trong con sông. Mọi người. Ðó là điều anh em học được trong chủng viện..."

Danh sách các hành động và lời nói của Ðức Phanxicô có thể gây sóng gió trong năm 2017 thì còn dài lắm, vì ngài gần như nói về đủ loại chủ đề trong Thánh Lễ hàng ngày, trong các buổi yết kiến mỗi thứ tư, trong các buổi yết kiến Chúa Nhật và rất nhiều các buổi gặp gỡ hàng ngày.

Qua năm 2018, người ta chưa được biết nhiều về những gì xẩy ra cho lịch trình sinh hoạt của Ðức Phanxicô, ngoại trừ chuyến đi Chile và Peru, và chuyến đi có thể có tới Ái Nhĩ Lan để tham dự Ngày Họp Mặt Các Gia Ðình Thế Giới. Ðiều rõ ràng về người vừa qua tuổi 81 là: đừng trông mong Cơn Lốc Châu Mỹ La Tinh này hãm đà nay mai.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page