Bài phát biểu của Ðức Thánh Cha
trong buổi gặp giới chức chính quyền, tổ chức dân sự
và ngoại giao đoàn tại thủ đô Dhaka
Ðức
Thánh Cha Phanxicô tông du Bangladesh: Bài phát biểu của Ðức Thánh
Cha trong buổi gặp
giới chức chính quyền, tổ chức dân sự và ngoại giao
đoàn tại
thủ đô Dhaka (Bangladesh).
Ðức Thánh Cha phát biểu với giới hoạt động chính trị tại Bangladesh |
Dhaka (WHÐ 2-12-2017) - Ngày 30 tháng 11 năm 2017, Ðức Thánh Cha bắt đầu tông du Bangladesh.
Trong lịch trình dày đặc sự kiện của ngày 30-11, lúc 17g30, Ðức Thánh Cha đã đến Dinh Tổng thống tại thủ đô Dhaka của Bangladesh. Tại đây, sau khi chào thăm chính thức Tổng thống Abdul Hamid của Bangladesh, Ðức Thánh Cha gặp giới chức chính quyền, tổ chức dân sự và ngoại giao đoàn.
Trong buổi gặp, Ðức Thánh Cha đã phát biểu với giới hoạt động chính trị tại Bangladesh.
Ðây là một trong những bài phát biểu của Ðức Thánh Cha được cả thế giới chờ đợi, trong bối cảnh vùng Nam Á này đang diễn ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị, ngoại giao và nhân đạo.
Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài phát biểu của Ðức Thánh Cha.
* * *
Kính thưa Tổng thống,
Quý Giới chức Chính phủ và Tổ chức dân sự,
Kính thưa Ðức hồng y, Quý anh em Giám mục của tôi,
Quý vị trong Ngoại giao đoàn,
Quý bà và quý ông,
Mở đầu chuyến viếng thăm Bangladesh, tôi muốn cảm ơn Tổng thống đã thịnh tình mời tôi đến thăm đất nước này, đồng thời cảm ơn Tổng thống đã dành cho tôi những lời chào mừng ý nhị. Tôi đến đây, nối gót hai vị tiền nhiệm của mình là Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II, để cầu nguyện với anh em, chị em tín hữu Công giáo của mình, và gửi đến những anh chị em này sứ điệp quý mến và khích lệ. Bangladesh là một quốc gia non trẻ nhưng luôn có một vị trí đặc biệt nơi trái tim các vị Giáo hoàng, ngay từ đầu đã bày tỏ sự liên đới với người dân Bangladesh, để giúp họ vượt qua khó khăn ban đầu và nâng đỡ họ thực hiện nhiệm vụ khẩn thiết xây dựng và phát triển đất nước. Cảm ơn quý vị đã dành cho tôi cơ hội được phát biểu tại đại hội này, nơi quy tụ quý ông bà đang đảm đương trọng trách định hình tương lai xã hội Bangladesh.
Trong chuyến bay đến đây, tôi nhắc mình nhớ rằng Bangladesh - "Bengal Vàng"- là một đất nước được cả một hệ thống thủy lộ, gồm sông ngòi và kênh đào lớn nhỏ kết nối với nhau. Vẻ đẹp tự nhiên này, theo tôi, gợi lên như một biểu tượng về bản sắc riêng của nhân dân đất nước quý vị. Bangladesh là một quốc gia đang nỗ lực đạt tới sự thống nhất về ngôn ngữ và văn hóa với sự tôn trọng những truyền thống và những cộng đồng khác nhau, tuôn chảy như biết bao dòng suối và tuôn đến làm giàu dòng chảy lớn của đời sống chính trị và xã hội của đất nước.
Trong thế giới ngày nay, không một cộng đồng cá biệt nào, một quốc gia hay Nhà nước nào, lại có thể tồn tại và phát triển trong sự cô lập. Là thành viên của gia đình nhân loại duy nhất, chúng ta cần đến nhau và lệ thuộc vào nhau. Tổng thống Bangaldesh - Sheikh Mujibur Rahman - thấu hiểu và đưa nguyên lý này vào Hiến pháp quốc gia. Tổng thống nhằm đến một xã hội hiện đại, đa nguyên và hòa nhập, trong đó, mỗi người và mỗi cộng đồng được sống trong tự do, hòa bình và an ninh, với sự tôn trọng phẩm giá vốn thuộc về con người và những quyền bình đẳng mọi người đều được hưởng như nhau. Tương lai của nền dân chủ non trẻ này và sức khỏe của đời sống chính trị chủ yếu gắn liền với quan điểm nền tảng này. Quả thật, chỉ qua đối thoại chân thành và tôn trọng sự đa dạng đích thực, một dân tộc mới có thể hòa giải mọi chia rẽ, vượt qua những cái nhìn một chiều và nhìn nhận giá trị của những quan điểm khác nhau. Bởi vì sự đối thoại đích thực thì hướng đến tương lai, xây dựng sự đoàn kết trong việc phục vụ lợi ích chung và lưu tâm đến những nhu cầu của tất cả công dân, nhất là người nghèo, người bất hạnh và những người không có tiếng nói.
Những tháng vừa qua, tinh thần quảng đại và liên đới, những dấu chỉ đặc thù của đời sống xã hội Bangladesh, đã được nhìn thấy một cách rõ rệt nhất qua những nỗ lực nhân đạo trước cả một dòng người tị nạn khổng lồ đến từ bang Rakhine, cung cấp cho họ nơi tạm trú và những nhu cầu tối thiểu để sống. Thực hiện được điều này cần đến không ít hy sinh. Cả thế giới đều nhìn thấy điều này. Không ai trong chúng ta lại không biết tình hình thật là nghiêm trọng, những đau khổ của con người và điều kiện sống bấp bênh của biết bao anh chị em chúng ta, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, chen chúc trong các trại tị nạn, đang là cái giá vô tận phải trả. Cộng đồng quốc tế cần phải có những biện pháp dứt khoát để giải quyết cuộc khủng hoảng này, không những bằng việc giải quyết những vấn đề chính trị đã dẫn đến cuộc di tản khổng lồ của người dân, mà còn bằng việc trợ giúp tức thời về vật chất cho Bangladesh đang cố gắng đáp ứng một cách hữu hiệu những nhu cầu cấp bách của con người.
Dù cuộc viếng thăm của tôi chủ yếu nhắm đến cộng đồng Công giáo Bangladesh, nhưng cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết của tôi vào ngày mai tại Ramma với các giới chức tôn giáo sẽ là một thời điểm đặc biệt. Chúng tôi sẽ cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình và cùng khẳng định lại quyết tâm của mình nhằm kiến tạo hòa bình. Bangladesh nổi tiếng là một một quốc gia có truyền thống tín đồ các tôn giáo sống hòa hợp với nhau. Bầu khí sống tôn trọng nhau này và xu thế đối thoại liên tôn ngày càng phát triển cho phép các tín hữu được tự do diễn tả niềm tin của mình về ý nghĩa và mục đích cuộc sống. Như vậy, họ có thể góp phần cổ võ những giá trị tinh thần vốn là nền tảng vững chắc cho một xã hội công bình và an vui. Trong một thế giới mà tôn giáo thường bị - thật bi đát - lạm dụng để gây chia rẽ, thì chứng từ về khả năng mang lại hòa giải và đoàn kết thì cần thiết hơn bao giờ hết. Ðiều này được thể hiện một cách hùng hồn qua việc cùng nhau phản ứng bày tỏ sự phẫn nộ ngay sau cuộc tấn công khủng bố tại Dhaka vào năm ngoái, và trong thông điệp được các nhà lãnh đạo tôn giáo gửi đi, nói rõ không thể viện Danh Cực Thánh của Thiên Chúa để biện minh cho hận thù và bạo lực chống lại anh em đồng loại chúng ta.
Các tín hữu Công giáo, dù con số tương đối ít, nhưng luôn tìm cách thể hiện vai trò trong việc phát triển đất nước, nhất là qua các trường học, bệnh viện và các trạm y tế của mình. Giáo hội trân trọng việc được tự do hành đạo và hoạt động từ thiện bác ái, mang lại lợi ích cho đất nước, nhất là qua việc mang lại cho giới trẻ, hiện thân của tương lai xã hội, một nền giáo dục chất lượng, đào luyện những giá trị đạo đức và nhân bản. Trong các trường học của mình, Giáo hội cổ võ nền văn hóa gặp gỡ, giúp học sinh biết gánh vác trách nhiệm trong đời sống xã hội. Quả thật, đại đa số học sinh và nhiều thầy cô trong các trường học này không phải là người Công giáo, mà là tín đồ các tôn giáo khác. Tôi tin tưởng rằng, theo những gì đã viết trong Hiến pháp và tinh thần của văn kiện này, cộng đồng Công giáo sẽ tiếp tục đựơc hưởng tự do để xúc tiến những công việc tốt đẹp, như một cách nói lên quyết tâm của mình đóng góp cho lợi ích chung.
Thưa Tổng thống, thưa quý vị,
Cảm ơn quý vị đã chăm chú lắng nghe. Tôi hứa cầu nguyện cho quý vị, để khi quý vị thực thi trách nhiệm cao đẹp, thì những lý tưởng cao cả là công bình và phục vụ đồng bào mà quý vị theo đuổi, sẽ luôn khơi nguồn cảm hứng cho quý vị. Tôi thiết tha nài xin Chúa ban cho quý vị và mọi người dân Bangladesh hồng ân được sống trong hòa hợp và bình an.
(Nguồn: Libreria Editrice Vatican)
Thành Thi chuyển ngữ