Bài giảng của Ðức Thánh Cha

trong Thánh lễ tại Yangon

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô tông du Myanmar: Bài giảng của Ðức Thánh Cha trong Thánh lễ tại Yangon

"Những sứ giả loan báo sự khôn ngoan và sức mạnh chữa lành của Thiên Chúa".

Yangoon (WHÐ 29-11-2017) - Sáng ngày 29 tháng 11 năm 2017, tại Sân Kyaikkasan của thành phố Yangon, Myanmar, lúc 8g30 (giờ địa phương), Ðức Thánh Cha Phanxicô đã dâng Thánh lễ với sự tham dự của hàng trăm ngàn tín hữu Công giáo đến từ khắp nơi trên đất nước Myanmar, và từ nhiều quốc gia khác.

Ngoài ra còn có sự hiện diện của các quan chức trong chính quyền Myanmar, đặc biệt của nhiều thành viên kỳ cựu trong Ðảng Liên minh quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi.

Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có các vị chủ chăn Giáo hội tại Myanmar và tại các quốc gia châu Á. Ðặc biệt, có các giám mục Việt Nam: Ðức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (Tổng Giám Phận Hà Nội), Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm (Giáo Phận Mỹ Tho, Tổng Thư ký Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam), Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ (Giáo Phận Thái Bình) và Ðức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn (Giáo Phận Bà Rịa). Ngoài ra còn có đông đảo các linh mục Myanmar và nhiều quốc gia châu Á khác. Khoảng 30 linh mục Việt Nam đến từ nhiều nước cũng đồng tế Thánh lễ đặc biệt này.

Trong bài giảng Thánh lễ, Ðức Thánh Cha đã giảng giải, qua bài đọc I (Ðn 5, 1-6, 13-14, 16-17, 23-28) và bài Tin Mừng (Lc 21, 12-19), về sứ điệp Thiên Chúa gửi đến cho con người, đặc biệt cho dân Chúa tại đất nước Myanmar: sự khôn ngoan và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa.

Bài giảng của Ðức Thánh Cha được chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp (nguồn: Librairie éditrice du Vatican) với những tiểu đề do người chuyển ngữ đặt.

Toàn văn như sau:

* * *

"Tôi biết có những anh chị em đã đi bộ, tận những miền cao nguyên xa xôi đến đây"

"Anh chị em thân mến,

Trước khi đến đất nước Myanmar, tôi mong đợi giây phút này đã lâu. Nhiều người trong anh chị em từ xa, tận những miền cao nguyên xa xôi đến đây, có những anh chị em đã đi bộ. Tôi có mặt ở đây như một người hành hương, để nghe anh chị em nói và được học hỏi từ anh chị em, và để mang lại cho anh chị em những lời khơi niềm hy vọng và khích lệ.

"Thập giá: sự khôn ngoan và sức mạnh chữa lành của Thiên Chúa"

Bài đọc I hôm nay, trích sách Ðanien, giúp chúng ta thấy sự khôn ngoan của vua Balthazar và các thầy bói giới hạn biết bao. Họ biết cách "ca ngợi các thần của mình bằng vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ và đá" (Ðn 5, 4) nhưng không có được sự khôn ngoan để chúc tụng Thiên Chúa đang dùng bàn tay vẽ cuộc đời chúng ta và ban sinh khí cho chúng ta. Trái lại, Ðanien có được sự khôn ngoan của Chúa và có thể giải thích những màu nhiệm lớn lao.

Người giải thích cuối cùng những màu nhiệm của Thiên Chúa, chính là Chúa Giêsu. Bản thân Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 1,24). Chúa Giêsu không dạy sự khôn ngoan của Người bằng những bài diễn văn tràng giang đại hải hoặc những cuộc biểu dương rầm rộ về quyền lực chính trị hay trần thế, mà bằng hiến mạng sống mình trên thập giá. Chúng ta có thể đôi khi rơi vào cạm bẫy tin vào sự khôn ngoan của mình, nhưng sự thật là chúng ta dễ dàng mất phương hướng. Giờ đây, chúng ta cần nhắc mình nhớ rằng chúng ta có một la bàn chắc chắn ngay trước mặt, đó là Chúa chịu đóng đinh thập giá. Nơi thập giá, chúng ta tìm thấy sự khôn ngoan, hướng dẫn cuộc sống chúng ta với ánh sáng phát xuất từ Thiên Chúa.

Thập giá còn mang lại sự chữa lành. Nơi đó, Chúa Giêsu dâng các thương tích của Người lên Chúa Cha vì chúng ta, nhờ những thương tích này chúng ta được chữa lành (x. 1P 2,24). Mong sao đừng bao giờ chúng ta lại không tìm kiếm nơi thương tích Chúa Kitô nguồn ban mọi sự chữa lành! Tôi biết, ở Myanmar, nhiều người mang thương tích vì bạo lực, những vết thương hữu hình và vô hình. Cám dỗ ở đây là: dùng sự khôn ngoan thế gian để đối phó với những thương tích, giống như ông vua trong bài đọc I, thì thật sai lầm. Chúng ta cho rằng có thể dùng giận dữ và trả thù để chữa trị vết thương. Nhưng báo thù không phải là đường lối của Chúa Giêsu.

Ðường lối của Chúa Giêsu hoàn toàn khác. Bị thù ghét và khước từ nên Người đã chịu khổ nạn và chịu chết, nhưng Người đã đáp lại bằng tha thứ và thương yêu. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nói chúng ta có thể cũng giống như Người, bị chối từ và cản trở, nhưng Người sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan không ai chống lại được (x. Lc 21,15). Ở đây Người từ Thánh Thần mà nói, nhờ đó tình yêu của Thiên Chúa tuôn tràn vào lòng chúng ta (x. Rm 5,5). Với ơn Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu làm cho mỗi người chúng ta có thể trở thành dấu chỉ sự khôn ngoan của Người, sự khôn ngoan vượt trên sự khôn ngoan của thế gian này, và trở nên dấu chỉ lòng thương xót của Người, lòng thương xót xoa dịu những vết thương đớn đau nhất.

Hôm trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu trao ban chính mình cho các Tông đồ dưới hình bánh và hình rượu. Trong hy lễ Thánh Thể, chúng ta không chỉ nhận ra với đôi mắt đức Tin, hiến lễ mình và máu của Người, mà còn học biết cách an nghỉ nơi thương tích của Người, và ở đó, được rửa sạch mọi tội lỗi, và những con đường gập ghềnh.

"Náu mình nơi thương tích Chúa Kitô"

Anh chị em thân mến,

Náu mình nơi thương tích Chúa Kitô, chúng ta được tận hưởng dầu thơm lòng thương xót của Cha đang xoa dịu chúng ta và tìm được sức lực mang dầu thơm ấy đến cho mọi người, để xức lên từng vết thương và từng ký ức đau đớn. Như vậy, anh chị em sẽ là những chứng nhân của hòa giải và hòa bình Chúa đang muốn đặt vào ngự trị trong mỗi trái tim con người và trong từng cộng đồng.

"Giáo hội tại Myanmar đang mang dầu thơm lòng thương xót của Thiên Chúa đến cho mọi người"

Tôi biết Giáo hội tại Myanmar đã làm nhiều việc để mang dầu thơm lòng thương xót của Thiên Chúa có sức chữa lành đến cho mọi người, nhất là những ai đang cần đến dầu này nhất. Có những dấu chỉ rõ ràng, dù với những phương cách rất giới hạn, nhưng nhiều cộng đoàn đã mang Tin Mừng đến với các bộ tộc thiểu số, không hề ép buộc hay cưỡng bức, mà luôn chỉ mời gọi và đón nhận. Trong cảnh bần hàn và cùng cực, nhiều anh chị em vẫn mang lại sự trợ giúp và liên đới rất cụ thể đến với những người nghèo và những ai đang chịu đau khổ. Nhờ được sự lưu tâm hằng ngày của các giám mục, linh mục, tu sĩ và các giáo lý viên, và nhất là qua công việc rất đáng khen ngợi của Catholic Karuna Myanmar (Tổ chức Công giáo Cứu trợ Myanmar) và sự trợ giúp quảng đại của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, Giáo hội tại đất nước này đã cứu giúp rất nhiều người nam nữ và trẻ em, không phân biệt tôn giáo hay sắc tộc. Tôi có thể minh chứng Giáo hội tại đây thật sống động, Ðức Kitô đang sống động và Người hiện diện ở đây, với anh chị em và với những anh em, chị em thuộc các cộng đoàn Kitô giáo khác. Tôi mong anh chị em chia sẻ sự khôn ngoan vô giá mình đã lãnh nhận cho mọi người, chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa đang tuôn trào từ trái tim Chúa Giêsu.

"Anh chị em đang ra sức gieo những hạt chữa lành và hòa giải"

Chúa Giêsu muốn ban dồi dào sự khôn ngoan này. Chắc chắn Người sẽ ban thưởng cho anh chị em đang ra sức gieo những hạt chữa lành và hòa giải trong gia đình mình, cộng đoàn mình và trong cuộc sống xã hội của đất nước này. Chúa đã chẳng nói sự khôn ngoan của Người thì không thể cưỡng lại được đó sao (x. Lc 21,15)? Sứ điệp tha thứ và thương xót của Người sử dụng loại lô-gích mà tất cả đều không muốn hiểu, và sẽ gặp cản trở. Tuy nhiên, tình yêu của Người, được mặc khải trên thập giá, xét cho cùng, thì không thể cưỡng lại. Tình yêu ấy như một "GPS thiêng liêng" chỉ đường chính xác cho chúng ta đi tới sự sống tràn trề của Thiên Chúa và trái tim người lân cận của chúng ta.

Ðức Trinh nữ Maria cũng đã theo chân Con của Mẹ lên Núi Sọ tăm tối và Mẹ đang đồng hành với chúng ta trên từng bước hành trình trần thế. Xin Mẹ giúp chúng ta lãnh nhận ơn trở nên sứ giả của sự khôn ngoan đích thực, có lòng thương xót vô hạn đối với những người đang gặp khó khăn, biết tìm niềm vui được nghỉ ngơi nơi thương tích Chúa Giêsu, Ðấng đã yêu thương chúng ta đến cùng.

Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho tất cả anh chị em! Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho Giáo hội tại Myanmar! Xin Thiên Chúa lấy bình an của Người mà chúc lành cho mảnh đất này! Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho Myanmar!"

 

Thành Thi chuyển ngữ

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page