150 ngàn tín hữu Myanmar
tham dự thánh lễ với Ðức Thánh Cha
150
ngàn tín hữu Myanmar tham dự thánh lễ với Ðức Thánh Cha.
Ðức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ tại Yangoon. |
Yangoon (Vat. 29-11-2017) - Sáng ngày 29 tháng 11 năm 2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Yangoon, cố đô của Myanmar, trước sự tham dự của 150 ngàn tín hữu. Ðây là thánh lễ đông đảo tín hữu nhất trong lịch sử Giáo Hội tại Myanmar.
Lúc gần 7 giờ rưỡi sáng, Ðức Thánh Cha rời tòa Tổng Giám Mục để tới sân vận động Kyaikksan, cách đó 6 cây số để cử hành thánh lễ cộng đồng đầu tiên trên đất Myanmar. Sân thể thao này rộng 60 hécta ở trung tâm thành phố, tại đây có tới 30 bộ môn thể thao được thực hành, từ bóng đá, tới bóng rổ, bóng chuyền, đua xe đạp, bắn tên và cả các bộ môn võ thuật. Sân Kyaikkasan được thành lập hồi đầu thế kỷ 20, dưới thời người Anh đô hộ đất nước này và được dùng làm trường đua ngựa.
Ðến sân vận động vào lúc gần 8 giờ, Ðức Thánh Cha đã đi xe mui trần chào thăm các tín hữu dự lễ. Thánh lễ được cử hành sớm hơn nửa tiếng so với chương trình dự định ban đầu, để tránh trời nóng. Số người tham dự chiếm tới gần hơn phần 4 tổng số tín hữu Công Giáo tại Myanmar. Nhiều người đi từ các bang xa xăm ở miền bắc, đông bắc và tây bắc về đây bằng mọi phương tiện có thể, kể cả đi bộ. Ðặc biệt trong số các tín hữu dự lễ cũng có 50 Linh Mục và 1 ngàn giáo dân đến từ Việt Nam.
Thánh lễ được cử hành bằng tiếng la tinh, Anh và Miến. Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có hơn 30 Hồng Y và Giám Mục trong phẩm phục màu xanh lá cây của mùa thường niên, hàng trăm linh mục và đông đảo các phó tế.
Bài giảng của Ðức Thánh Cha
Trong bài giảng thánh lễ bằng tiếng Ý, và được dịch ra tiếng Miến, Ðức Thánh Cha đề cao sức mạnh chữa lành của sự khôn ngoan thần linh từ thập giá Chúa Kitô, và mời gọi các tín hữu vượt thắng cám dỗ báo thù vì những bất công phải chịu. Ngài cũng ca ngợi sức sinh động và lòng nhiệt thành, cũng như các hoạt động bác ái của Giáo hội tại Myanmar.
Ðức Thánh Cha nói:
"Trước khi đến nước này, tôi đã chờ đợi từ lâu giờ phút này. Nhiều người trong anh chị em đến từ xa, và từ những vùng núi xa xăm, và cũng có một số người đi bộ. Tôi đến đây như như một người lữ hành để nghe và học hỏi nơi anh chị em, và để cống hiến anh chị em vài lời hy vọng và an ủi."
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã diễn giải ý nghĩa 2 bài đọc thánh lễ: bài thứ I trích từ sách Daniel cho thấy sự khôn ngoan hạn hẹp của vua Baldassar và các thày bói của ông. Họ biết ca ngợi "các thần tượng bằng vàng bạc, bằng đồng, bằng sắt và gỗ đá" (Dnl 5,4), nhưng lại không có sự khôn ngoan để chúc tụng Thiên Chúa, Ðấng nắm giữ mạng sống và hơi thở của chúng ta. Trái lại, Daniel được sự khôn ngoan của Chúa và có khả năng giải thích các mầu nhiệm cao cả của Ngài.
Ðức Thánh Cha giải thích rằng: "Vị giải thích chung kết các mầu nhiệm Thiên Chúa là Chúa Giêsu. Ngài chính là hiện thân sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Xc. 1 Cr 1,24). Chúa Giêsu không dạy chúng ta sự khôn ngoan của Ngài bằng những diễn văn dài hoặc qua những biểu dương hùng mạnh quyền lực chính trị và trần thế, nhưng bằng cách hiến mạng sống của Ngài trên thập giá. Ðôi khi chúng ta có thể rơi vào cạm bẫy cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, nhưng sự thực là chúng ta có thể dễ bị lạc hướng. Trong lúc ấy cần nhớ lại rằng chúng ta có một địa bàn chắc chắn trước mặt chúng ta, đó là Chúa Chịu Ðóng Ðanh. Trong thập giá chúng ta tìm được sự khôn ngoan có thể hướng dẫn cuộc sống chúng ta với ánh sáng đến từ Thiên Chúa".
Ðức Thánh Cha đề cao quyền năng chữa lành từ thập giá của Chúa Giêsu và áp dụng vào hoàn cảnh của Myanmar.
Ngài nói:
"Tôi biết rằng nhiều người ở Myanmar này đang mang những vết thương vì bạo lực, hữu hình cũng như vô hình. Cám dỗ là đáp trả những vết thương ấy bằng một sự khôn ngoan trần tục, một sự khôn ngoan bị hư hỏng sâu đậm, như thứ khôn ngoan của nhà vua trong bài đọc thứ I. Chúng ta nghĩ rằng phương dược trị liệu vết thương có thể đến từ sự giận giữ và báo thù. Nhưng con đường báo thù không phải là con đường của Chúa Giêsu.
"Con đường của Chúa hoàn toàn khác hẳn. Khi oán ghét và phủ nhận dẫn đưa Ngài đến cuộc khổ nạn và cái chết, Chúa Giêsu đáp lại bằng sự tha thứ và cảm thương.. Với ơn của Chúa Thánh Linh, Chúa Giêsu làm cho mỗi người chúng ta trở thành dấu chỉ sự khôn ngoan của Ngài, chiến thắng trên sự khôn ngoan của thế gian này, trở thành dấu chỉ lòng thương xót của Chúa, thoa dịu cả những vết thương đau đớn nhất".
Ca ngợi Giáo hội tại Myanmar
Tiếp tục bài giảng, Ðức Thánh Cha nói:
"Tôi biết rằng Giáo hội tại Myanmar đang làm rất nhiều để mang thuốc thơm lòng thương xót có năng lực chữa lành của Thiên Chúa cho tha nhân, nhất là những người túng thiếu. Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, dù với những phương tiện hạn hẹp, nhiều cộng đoàn công bố Tin Mừng cho các nhóm dân bộ lạc thiểu số khác, không bao giờ bó buộc hoặc cưỡng bách ai, nhưng luôn mời gọi và đón nhận. Giữa bao nhiêu nghèo túng và khó khăn, nhiều người trong anh chị em giúp đỡ cụ thể và liên đới với những người nghèo khổ. Qua sự chăm sóc hằng ngày của các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ và giáo lý viên của anh chị em, đặc biệt qua công việc của tổ chức bác ái Công Giáo Karuna Myanmar và sự trợ giúp quảng đại do các Hội Giáo Hoàng truyền giáo cung cấp, Giáo Hội tại đất nước Myanmar này đang giúp đỡ nhiều người nam nữ, trẻ em, không phân biệt tôn giáo hoặc chủng tộc. Tôi có thể làm chứng rằng Giáo hội tại đây sinh động, Chúa Kitô sinh động và ở đây cùng với anh chị em, cũng có các anh chị em thuộc các cộng đồng Kitô khác. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục chia sẻ với tha nhân sự khôn ngoan vô giá anh chị em đã nhận lãnh, đó là tình thương của Thiên Chúa trào dâng từ Trái Tim Chúa Giêsu."
Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Chúa Giêsu muốn trao tặng dồi dào sự khôn ngoan này. Chắc chắn Ngài sẽ thưởng công những cố gắnh của anh chị em trong việc gieo vãi những hạt giống chữa lành và hòa giải trong gia đình, cộng đoàn và trong xã hội rộng lớn hơn của đất nước này... Sứ điệp tha thứ và thương xót của Chúa dùng đường lối và tiêu chuẩn mà không phải tất cả mọi người đều muốn hiểu và sứ điệp ấy sẽ gặp những chướng ngại, nhưng tình thương của Chúa Giêsu, được biểu lộ trên thập giá là điều chung kết, không thể chặn lại được". Tình thương của Chúa Giêsu giống như "máy chỉ đường GPS thiêng liêng" hướng dẫn chúng ta tiến bước không sai lầm vào đời sống thân mật của Thiên Chúa và hướng về tâm hồn tha nhân của chúng ta".
Phần lời nguyện giáo dân được xướng lên bằng 6 thứ tiếng bộ tộc có đông tín hữu Công Giáo hơn cả, từ tiếng Shan, tới tiếng Chin, Tamil, Karen, Kachin và Kayan..
Cuối thánh lễ, trong lời cám ơn Ðức Thánh Cha, Ðức Hồng Y Charles Bo, Tổng Giám Mục Yangoon, đã gọi đây là một biến cố lịch sử. Cách đây một năm, không người nào ở Myanmar dám nghĩ tới sự kiện các tín hữu có thể tham dự thánh lễ với Ðức Thánh Cha như thế này. Ðức Hồng Y nói: "Cuộc sống của chúng con sẽ không còn như trước. Chúng con trở về nhà vơi một nghị lực thiêng liêng đặc biệt".
Sau thánh lễ, Ðức Thánh Cha đã về tòa Tổng Giám Mục Yangoon lúc 11 giờ để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi, chuẩn bị hoạt động ban chiều là gặp gỡ Hội đồng tối cao của Phật giáo Miến.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)