Myanmar và thảm cảnh

của người hồi Rohingya

 

Myanmar và thảm cảnh của người hồi Rohingya.

Yangon (Vat. 28-11-2017) - Bắt đầu từ thứ hai 27 tháng 11 năm 2017 Ðức Thánh Cha Phanxicô chính thức viếng thăm Myanmar, tiếp theo đó là Bangladesh cho tới ngày mùng 2 tháng 12 năm 2017. Ðây là chuyến công du thứ 21 của Ðức Thánh Cha ngoài Italia. Trong buổi họp báo giới thiệu chuyến công du của Ðức Thánh Cha Phanxicô ông Greg Burke, phát ngôn viên Tòa Thánh nói với các nhà báo rằng: "Hơn là một chuyến công du, đây là một cuộc mạo hiểm" vì tình hình khó khăn của cả hai nước, trong đó có sự kiện chủng tộc Rohingya bị bách hại tại Myanmar khiến cho hơn 600,000 người phải trốn sang Bangladesh. Phát ngôn viên Toà Thánh cũng cho biết trong những ngày viếng thăm Myanmar Ðức Thánh Cha sẽ gặp tướng Mi Aung Hlaing, chỉ huy trưởng quân đội Myanmar, ngày 30 tháng 11 năm 2017 tại Yangon cũng như đại diện các chủng tộc thiểu số. Chính Ðức Hồng Y Charles Bo, Tổng Giám Mục Yangon, đã gợi ý cho hai cuộc gặp gỡ này cũng như không nhắc tới chủng tộc Rohingya. Bởi vì mục đích chuyến công du của Ðức Thánh Cha cũng là để đem đến cho những quốc gia ngài viếng thăm "sứ điệp hoà bình, hoà giải và tha thứ". Ông Burke cũng cho các nhà báo biết ngày mùng 1 tháng 12 năm 2017 Ðức Thánh Cha cũng sẽ gặp một nhóm người tỵ nạn Rohingya bên Bangladesh. Vấn đề của chủng tộc thiểu số Rohingya cũng giao thoa với vấn đề của các tín hữu công giáo là tôn giáo thiểu số trong cả hai nước được Ðức Thánh Cha viếng thăm.

Cộng hoà hiệp nhất Myanmar, hay cũng còn gọi là Birmania, rộng 658,500 cây số vuông và có 55.5 triệu dân, bao gồm 135 chủng tộc khác nhau. Chủng tộc lớn nhất là Bamar chiếm 69% tổng số dân. Tiếp đến là chủng tộc Shan chiếm 9%, Karen chiếm 7%, Rakhine chiếm 4%, Người Tầu chiếm 3%, người Chin chiếm 2.94%, người Mon chiếm 2.73%, người Ấn Ðộ chiếm 2.35%, các chủng tộc khác chiếm 4%. Tuy nhiên, trong tiểu bang Shan có tới 33 nhóm dân nói ít nhất 4 thứ tiếng khác nhau. Trên bình diện tôn giáo 89% người dân Myanmar theo Phật giáo Tiểu Thừa, đặc biệt của người Bamar, Rakhine, Shan, Mon và Tầu. Kitô giáo chiếm 0.6%, trong đó có 450 ngàn tín hữu công giáo. Hồi giáo chiếm khoảng 4% đa số là hồi giáo Sunnít sống trong vùng Rakhine, trong đó có chủng tộc Rohingya. Tuy trên lý thuyết mọi tôn giáo đều được tự do thực hành đạo như khẳng định trong Hiến Pháp, nhưng trên thực tế các tín hữu Kitô, Hồi giáo và các tôn giáo khác nhiều khi bị kỳ thị và đàn áp bách hại. Ðiển hình như các tín hữu Hồi Rohingya.

Người hồi Rohingya được khoảng 800 ngàn, đa số sống trong tiểu bang Rakhine. Có vài giả thuyết cho rằng người Rohingya đã sống tại Myanmar từ nhiều thế kỷ nay, nhưng cũng có các giả thuyết cho rằng chủng tộc Rohingya đã đến sống tại Myanmar cách đây một thế kỷ. Có điều chắc chắn là sự hiện diện của họ đã được chứng thực vào năm 1785 trong cuộc xâm lăng của người Birma khiến cho hàng ngàn thổ dân bị giết, trong đó có rất nhiều người thổ dân Rohingya. Những người sống sót chạy trốn về các vùng biên giới nằm dưới quyền kiểm soát của người Anh. Sự kiện người Anh đánh chiếm Arakan, là tên cũ của tiểu bang Rakhine, đã khích lệ hàng ngàn người Rohingya đến lập cư trong vùng từ Bengala là Bangladesh tới Arakan.

Dưới thời chính quyền quân phiệt cai trị Myanmar từ năm 1962 cho tới nay chủng tộc Rohingya đã bị kỳ thị nặng nề, vì chính sách quốc gia quá khích coi những người xa lạ với Myanmar là "mọi rợ". Sự kiện chính quyền quân đội cáo chung cũng đã không cải tiến tình trạng sống của người hồi Rohingya bao nhiêu, vì họ vẫn bị coi là các người di cư bất hợp pháp. Và luật năm 1982 vẫn không cho người Rohingya vào danh sách 135 chủng tộc được chính thức thừa nhận. Vì không có quyền công dân nên họ bị đàn áp, kỳ thị và bách hại. Chính quyền Bangladesh là nơi họ chạy sang lánh nạn cũng không thừa nhận quyền công dân của họ, và cũng không đủ các phương tiện để tiếp nhận họ. Do đó tình trạng sống của 600,000 người hồi Rohingya vô cùng thiếu thốn và khó khăn. Tại Bangladesh số người hồi Rohingya chỉ chiếm 0.24% trên tổng số 170 triệu dân.

Làn sóng bách hại người Hồi Rohingya bùng nổ hồi năm 2012 sau khi một phụ nữ trẻ phật giáo là bà Thida Htwe bị hãm hiếp và bị giết chết. Các vụ đụng độ giữa các nhóm phật tử cuồng tín và người hồi đã khiến cho 650 người thiệt mạng và hàng ngàn người phải di tản, nhiều hàng quán bị cướp phá, và nhiều làng mạc bị tàn phá bình địa. Theo thống kê chính thức của Liên Hiệp Quốc đã có 240,000 người Rohingya bị bó buộc rời bỏ nhà cửa ruộng vườn đi lánh nạn và chạy sang Baladesh, và 180,000 người chạy đến các trại tỵ nạn, trong đó có 103,000 trẻ em. Nhưng trong các tháng đầu năm 2017 con số người hồi Rohingya chạy sang Bangladesh đã lên tới 620,000 người.

Tại Myanmar người Rohingya phải có phép đặc biệt mới được lập gia đình hay di chuyển đó đây, kể cả để tìm công ăn việc làm hay buôn bán, đi bác sĩ khám bệnh hay tham dự một đám tang. Rất nhiều người bị bắt buộc lao động, bị bắt giữ không có lý do, bị tịch thu tài sản, bị đánh thuế bất công và bị bạo hành thể lý cũng như tâm lý. Sinh viên học sinh không được bảo đảm quyền được đi học. Các vụ đụng độ giữa các nhóm phật từ cuồng tín và người hồi Rohingya xảy ra như cơm bữa trong nhiều thành phố, thường khi do chính lực lượng cảnh sát khơi dậy, thay vì được gọi đến để chặn đứng bạo lực.

Ðiều gây kinh ngạc nhất là chính một số các nhà sư, đặc biệt các nhà sư thành lập nhóm gọi là nhóm 969 chủ mưu trong các vụ này. Lãnh tụ của nhóm là thượng tọa Ashin Wirathu, ngưòi đã bị tù 8 năm vì tội khích động thù hận, nhưng đã được trả tự do trong một cuộc ân xá. Nhóm này rao giảng Phật giáo tinh tuyền, cấm các vụ hôn nhân hỗn hợp tôn giáo, và tẩy chay hàng quán của người hồi Rohingya. Theo các nhà sư Phật giáo Myanamar, 969 là con số biểu tượng cho các nhân đức của Ðức Phật, các khổ nhọc của ngài và các tín hữu của ngài. Nó rất được các đồ đệ phổ biến và được dán khắp nơi trên các bảng số xe, trên các hàng quán. Bài ca chính thức của phong trào 969 có các câu giống các câu xách động bài Do thái của Ðức quốc xã hồi thập niên 1930: "Chúng sống trên đất nước chúng ta, chúng uống nước của chúng ta và chúng không đem lại sự tôn trọng". Phong trào phật giáo quá khích này cho rằng Myanamar sẽ trở thành hồi giáo, nếu chúng ta tỏ ra yếu đuối. Người Hồi kiểm soát nền kinh tế và nhắm xoa bỏ Phật giáo và nền văn hoá Myanmar nội trong vòng ít năm nữa". Trước tất cả những điều này chính quyền Myanmar đã giữ thinh lặng và ngầm ủng hộ việc bách hại người hồi Rohingya.

Trong nhiều trường hợp tướng Thein Sein, đã đề nghị đầy ải hàng loạt người Rohingya, và bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel hoà bình, và hiện là ngoại trưởng của chính quyền Myanmar, cũng đã có thái độ hàm hồ, không rõ ràng về vấn đề này. Bà đã tránh né nhiều lần không đề cập đến số phận và tình trạng bị bách hại của người hồi Rohingya. Chỉ vào tháng 5 năm 2017 bà đã lên tiếng chống lại luật mỗi gia đình chỉ có một con áp đặt trên người dân sống trong tiểu bang Rakhine, và gọi nó là bất hợp pháp và kỳ thị. Nhưng lập trường của bà thật ra là đâm rễ trong ý tưởng tôn trọng luật công dân, mà không công khai lên án các vụ bạo lực chống lại người hồi Rohingya. Trong chuyến công du Âu châu mới đây bà cũng đã thường tránh né không đề cập đến vấn đề của người hồi Rohingya.

Ngày 20 tháng 11 năm 2013 Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu chính quyền Myanmar chấp nhận cho thiểu số người hồi Rohingya có quốc tịch Myanmar. Giới quan sát quốc tế nhận xét rằng nếu nhà nước Yangon không đưa ra các thay đổi rộng rãi, vấn đề của người hồi Rohingya có nguy cơ trở thành một cuộc diệt chủng trong sự thinh lặng của cộng đồng quốc tế.

Hiện nay tình trạng sống của người hồi Rohingya vô cùng thê thảm. Không thực phẩm, không nước uống, là nạn nhân của các bạo lực đàn áp, nhưng lại bị các nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan khước từ không chấp nhận.

Sự kiện hàng trăm ngàn người Rohingya phải bồng bế nhau trốn chạy khỏi Myanmar đã khiến cho Ðức Thánh Cha Phanxicô vô cùng âu lo, và đã nhiều lần mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi chính quyền Myanmar thừa nhận quyền công dân của họ. Ðồng thời Ðức Phanxicô cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp tìm ra các giải pháp cho vấn đề của người Rohingya. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 27 tháng 8 năm 2017 Ðức Thánh Cha đã tố cáo "các cuộc bách hại tôn giáo chống lại các anh chị em người Rohingya của chúng ta", đúng 48 giờ sau các vụ đụng độ giữa quân dân hồi ARSA, tức lực lượng "Quân đội cứu vãn Rohingya Arakan" và quân chính phủ Myanamar Tatmadaw đã mở các cuộc tấn công quy mô, mà nhiều bản tường trình quốc tế định nghĩa là "thanh lọc chủng tộc" chống lại người hồi Rohingya. Lời tố cáo này cũng đã được ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson lập lại.

Tình hình tế nhị đến độ Ðức Hồng Y Charles Bo và các tu sĩ dòng Tên đã gợi ý xin Ðức Thánh Cha tránh nhắc tới người Rohingya trên đất Myanamar, vì nó có thể tạo ra các phản ứng khuynh đảo các thế quân bình nội bộ của nền dân chủ vốn đã rất mong manh. Ông Greg Burke phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết Ðức Thánh Cha ghi nhận các lời khuyên hữu ích này. Dầu sao đi nữa ngài sẽ rất gần gũi với cộng đoàn hồi thiểu số này, và sẽ gặp một nhóm nhỏ trong cuộc gặp gỡ liên tôn bên Bangladesh, nơi hiện có tới 620,000 người tỵ nạn Rohingya, trong đó có rất đông trẻ em và người trẻ. Cuộc gặp gỡ này sẽ là một trong những biến cố nổi bật của chuyến viếng thăm, và đã được đưa vào chương trình sau này cùng với cuộc hội kiến với tướng Min Aung Hlaing, chỉ huy quân đội Myanmar. Hồi năm 2008 chính ông là người đã đưa ra Hiến pháp chống dân chủ, có hiệu lực cho tới năm 2015, khi bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ của bà thắng cử trong cuộc đầu phiếu tháng 11. Ông Burke cho biết cuộc hội kiến này với tướng Min Aung Halaing đã được Ðức Hồng Y Bo tha thiết yêu cầu.

Vượt ngoài các tranh luận và các vấn đề hóc búa phát ngôn viên Toà Thánh nêu bật rằng chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha là một biến cố lịch sử, vì đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng công du Myanmar, trong khi tại Bangladesh ngài là vị Giáo Hoàng thứ ba đến thăm nước này sau Ðức Gioan Phaolô II năm 1986 và Ðức Phaolô VI năm 1970, khi thủ đô Dhaka còn nằm trên đất Pakistan. Trên phần đất này của Á châu Ðức Thánh Cha thể hiện sự chú ý của Giáo Hội đối với các vùng ngoại biên, nơi dân chúng của cả hai nước rất nghèo - Bangladesh đã chỉ ra khỏi danh sách các nước chậm tiến năm 2015 - cũng như chú ý tới số phận của các nhóm chủng tộc và tôn giáo thiểu số. Ðức Thánh Cha sẽ dành đa số các biến cố cho họ với sứ điệp tha thứ hoà bình và hoà giải. Tại cả hai nước Ðức Thánh Cha sẽ kết thúc chuyến viếng thăm với cuộc gặp gỡ giới trẻ, là dấu chỉ niềm hy vọng của Giáo Hội nơi các thế hệ mới trong việc xây dựng tương lai.

Trong số các biến cố ý nghĩa nhất của chương trình chính thức có cuộc gặp gỡ Hội đồng tối cao Sangha của các nhà sư Mayanmar ngày 29 tháng 11 năm 2017 tại trung tâm Kaba Aye ở Yangon, và với các Giám Mục trong phòng khách nhà thờ chính toà. Sau cuộc gặp gỡ Ðức Thánh Cha sẽ làm phép các viên đá của 16 nhà thờ, của đại chủng viện và của Toà Sứ Thần chưa được xây cất. Ngày 30 tháng 11 năm 2017 tại Dhaka bên Bangladesh Ðức Thánh Cha sẽ kính viếng Ðài kỷ niệm các vị tử đạo Savar, và thánh lễ truyền chức cho 16 tân linh mục ngày mùng 1 tháng 12 năm 2017 cũng như cuộc gặp gỡ đại kết với các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô và cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hoà bình.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page