Ký giả làm việc

cho đài truyền hình Kurdistan TV

đã bị sát hại tại tư gia

 

Ký giả làm việc cho đài truyền hình Kurdistan TV đã bị sát hại tại tư gia.

Daqouq, Kurdistan (Vat. 7-11-2017) - Hôm 30 tháng 10 năm 2017, ký giả Arkan Charif, 54 tuổi người Kurde làm việc cho đài truyền hình Kurdistan TV đã bị sát hại tại tư gia ở Daqouq, cách Kirkuk 45 cây số về hướng Nam, bởi 4 người vũ trang đột nhập nhà riêng của ông và đâm chết ông bằng dao.

Ðài truyền hình Kurdistan TV đi theo khuynh hướng phò tổng thống Massoud Barzani, người đã đứng ra đòi hỏi tự trị cho vùng Kurdistan Irak. Hôm Chúa nhật 29 tháng 10 năm 2017, tổng thống Barzani tuyên bố là sẽ không còn làm tổng thống sau ngày 01 tháng 11 năm 2017 nữa bởi vì đã thất bại trong nỗ lực đòi hỏi tự trị cho vùng Kurdistan và đã đi đến chỗ mất gần hết những lãnh thổ mà người Kurde tranh dành với chính quyền Baghdad cho đến nay.

Cách đây hai tuần, dân quân Kurdes đã để mất tỉnh Kirkuk vốn là lãnh thổ sản xuất nhiều dầu hỏa vào tay quân đội chính quyền Irak. Từ lúc ấy, các phương tiện truyền thông Kurde tố cáo các lực lượng bán quân sự của Hachd al Chaabi, đa số thuộc hệ phái Chiit, phạm tội đàn áp bách hại các thường dân người Kurde tại đây.

Ðây là vụ giết hại ký giả mới nhất, cùng với vụ ám sát nữ ký giả Daphne, người Malta, vài ngày trước đó. Ngày 27 tháng 10 năm 2017, tổ chức UNESCO thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết rằng theo tin tức do các nước thành viên cung cấp, 90% tổng số các vụ sát hại ký giả thường không tìm ra thủ phạm và chỉ có khoảng 8% các vụ sát hại này là được đưa ra ánh sáng và thủ phạm bị kết án.

Bà Irina Bokova, tổng giám đốc UNESCO nhận định: Công lý là hòn đá tảng góc tường của mọi xã hội tự do. Nền công lý ngăn chặn tất cả những ai muốn đe dọa quyền tự do ngôn luận và củng cố những người muốn bảo vệ nó. Chính vì thế, sự bất công không tìm ra thủ phạm các vụ sát hại ký giả gây tổn hại cho mọi xã hội liên hệ.

Trong thời gian từ 2006 đến 2016, UNESCO đã lên án 930 vụ sát hại các ký giả. Trên tổng số này, có đến 102 ký giả bị giết chỉ trong năm 2016, theo báo cáo của tổ chức này về "Các khuynh hướng thế giới trong lãnh vực quyền tự do ngôn luận và phát triển truyền thông đại chúng." Ða số các ký giả bị giết trong năm 2016 thuộc về các ngành truyền thông địa phương. 50% các trường hợp này xảy ra tại những nước không có chiến tranh. Hồi năm trước đó 2015, con số này là 47%. Tỷ lệ các nữ ký giả bị sát hại tăng gấp đôi từ 5% hồi năm 2006 lên 10% năm 2016.

Trong khuôn khổ các nỗ lực bảo đảm an ninh kéo dài cho các ký giả, đồng thời giải quyết vấn đề sát hại ký giả mà không bị trừng phạt năm 2017, UNESCO đã kêu gọi 62 quốc gia thành viên có những trường hợp bạo hành ký giả vẫn chưa được làm sáng tỏ hãy cung cấp tin tức về cuộc điều tra hiện nay. Trong số 62 quốc gia này, có 46 nước trả lời. Nhân ngày thế giới chống hiện tượng bạo hành ký giả mà không bị trừng trị 02 tháng 11 năm 2017, Liên Hiệp Quốc cho biết trong năm 2017 đã có hơn 30 ký giả bị tấn công và kêu gọi toàn thế giới chấm dứt tệ nạn này.

 

Mai Anh

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page