Nhân loại đã không học được

bài học của chiến tranh

 

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Nhân loại đã không học được bài học của chiến tranh.

Roma (WHÐ 3-11-2017) - Hôm thứ Năm, 2 tháng Mười Một năm 2017, ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến nghĩa trang Nettuno, cách Roma khoảng 70 km về phía Nam, để cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân của tất cả các cuộc chiến và một lần nữa ngài lên án thảm trạng này.

Cầm một bó hồng trắng trên tay, Ðức Thánh Cha chậm rãi đi giữa các hàng mộ, đặt hoa trên một số thánh giá và ngôi sao Ðavit trắng trên thảm cỏ xanh. Ðó là các ngôi mộ của một người Mỹ gốc Ý, một người Do Thái, một người lính không rõ danh tính, họ đã hy sinh trong Thế chiến thứ hai.

Nghĩa trang Nettuno là nơi yên nghỉ của 7,861 binh lính Hoa Kỳ, cả đàn ông và phụ nữ, tất cả đều thiệt mạng trong trong Thế chiến thứ hai.

Chiến tranh là thế: chúng ta tự huỷ diệt chính mình

Trong buổi đọc kinh Truyền tin ở Quảng trường Thánh Phêrô trưa ngày hôm trước, thứ Tư 1 tháng 11 năm 2017, Ðức Thánh Cha đã giải thích: "Chiến tranh chẳng đem lại gì ngoài nghĩa trang và những người chết: đó là lý do tại sao tôi muốn cảnh báo điều này vào lúc mà nhân loại chúng ta dường như chưa học được, hay không muốn học bài học ấy".

Trong bài giảng không soạn sẵn, Ðức Thánh Cha đưa tay chỉ vào hàng ngàn ngôi mộ ở chung quanh và nói: "Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho mọi người đã qua đời, nhưng đặc biệt là cho những người trẻ này, vào lúc mà biết bao nhiêu cuộc chiến đang diễn ra mỗi ngày trong cuộc chiến tranh từng mảng".

Ðức Thánh Cha nhắc lại lời của các vị giáo hoàng tiền nhiệm Bênêđictô XV và Piô XII: "Xin Chúa hãy ngăn lại! Ðừng bao giờ để xảy ra chiến tranh nữa, đừng bao giờ! Ðừng bao giờ xảy ra cuộc tàn sát vô ích này nữa! Với chiến tranh, tất cả đều mất mát. Hàng ngàn, hàng ngàn, hàng ngàn và hàng ngàn niềm hy vọng bị dập tắt. Chiến tranh là thế: chúng ta tự huỷ diệt chính mình".

Nhân loại đã không học được bài học của chiến tranh

Với giọng nói và đôi mắt đượm buồn, Ðức Thánh Cha cảnh báo: "Ðã nhiều lần trong lịch sử, con người nghĩ đến việc gây chiến tranh, tin rằng làm thế là để xây dựng một thế giới mới, kiến tạo một mùa xuân: nhưng kết thúc lại là mùa đông ảm đạm, tàn nhẫn, trong vương quốc của khủng bố và cái chết. Ðó là thói kiêu ngạo của một nhân loại vẫn chưa học được bài học của chiến tranh".

Sau Thánh lễ tuy đơn giản nhưng rất cảm động này, Ðức Thánh Cha đã đến một nơi quan trọng khác của Chiến tranh Thế giới thứ hai ở Italia: Ðài tưởng niệm Hang Ardeatine ở ngoại ô Roma, nơi Ðức Quốc xã đã sát hại 335 con tin (trong đó có khoảng 60 người Do Thái) vào ngày 24 tháng 03 năm 1944, để trả đũa một cuộc tấn công của lực lượng Italia nhằm vào binh lính Ðức trong ngày hôm trước.

Tại lối vào Ðài tưởng niệm, đại diện của các gia đình nạn nhân đã chào đón Ðức Thánh Cha, và ngài lắng nghe phần giải thích của những người phụ trách Ðài tưởng niệm, sau đó Ðức Thánh Cha đi vào hành lang dài bắng đá dẫn đến hầm mộ.

"Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp"

Ðức Thánh Cha đã thinh lặng cầu nguyện trong ít phút, trước cánh cổng bằng đồng dẫn vào khu hầm mộ, là nơi tìm thấy thi thể của 335 nạn nhân, ba tháng sau vụ thảm sát,

Sau đó, cùng với vị rabbi ở Roma là Riccardo Di Segni, Ðức Thánh Cha vào bên trong hầm mộ, nơi các nạn nhân, kể cả mười hai người chưa xác định được danh tính, yên nghỉ dưới một phiến đá granit.

Xúc động bởi nỗi đau của nơi tối tăm này và bước đi đầy suy tư giữa các hàng mộ, Ðức Thánh Cha đã đặt một cành hồng trắng lên một số ngôi mộ ở đây, cũng như ở nghĩa trang Nettuno.

Sau khi vị rabbi cầu nguyện bằng tiếng Do Thái, Ðức Thánh Cha cầu nguyện rằng: "Lạy Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp, Chúa của 335 người bị giết ở đây, xin nhìn đến nỗi đau khổ của dân Chúa".

Sau đó Ðức Thánh Cha đã ghi vào Sổ lưu niệm như sau: "Ðây là hậu quả của chiến tranh: thù hận, chết chóc, báo thù ... Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con!"

Kết thúc buổi lễ, Ðức Thánh Cha đã trở về Vatican để cầu nguyện cho các giáo hoàng được an táng ở đó cũng như cho mọi tín hữu đã qua đời.

(La Croix)

 

Minh Ðức

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page