Tìm Nét Riêng

của Học viện Công giáo Việt Nam

 

Tìm Nét Riêng của Học viện Công giáo Việt Nam.

Xuân Lộc (WHÐ 28-10-2017) - Sáng 21 tháng 10 năm 2017, tại Toà Giám mục Xuân Lộc, Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) đã tổ chức buổi họp mặt đầu tiên của năm học 2017-2018 giữa các giáo sư và các vị hữu trách thuộc Ban điều hành Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN). Ðây là dịp để các tham dự viên gặp gỡ, trao đổi và đóng góp ý kiến xây dựng Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN). Thành phần tham dự gồm có Ðức Giám mục Viện trưởng Giuse Ðinh Ðức Ðạo, Giám mục giáo phận Xuân Lộc, Chủ tịch Uỷ ban Giáo Dục; các cố vấn của Ðức Giám mục Viện trưởng: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ; Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng, Tổng giáo phận Sài Gòn; Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM; Lm. Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng, SCJ; cùng 23 thành viên thuộc các ban ngành của Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN): Ban Giảng huấn, Ban Ðồng hành, Ban Thư ký, Ban Thư viện và Ban Tài chính.

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh chủ sự phần cầu nguyện đầu giờ. Tiếp đến, Lm. Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng, Tổng Thư ký Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN), giới thiệu các tham dự viên. Mở đầu cuộc hội thảo, Ðức Giám mục Viện trưởng chào mừng các tham dự viên và bày tỏ tâm tình biết ơn đến các giáo sư, thành viên các ban ngành của Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN), những người đã tiên phong góp phần xây dựng Học viện. Ðức Giám mục Giuse nêu lên những thuận lợi cũng như những khó khăn về mọi mặt trong những bước khởi đầu xây dựng Học viện. Ngoài ra, Ðức Giám mục Viện trưởng xác định Học viện Công giáo cần xây dựng những nét riêng cũng như lập những truyền thống riêng cho Học viện. Ðức cha nhấn mạnh đến điểm khác nhau cơ bản của Học viện Công giáo và các Ðại chủng viện cũng như các học viện khác, đó là mục đích đào tạo. Học viện Công giáo nhằm đào tạo những người có khả năng suy tư, nghiên cứu, và giảng dạy Thần học cho Giáo hội.

Sau lời phát biểu của Ðức Giám mục Viện trưởng, Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, Trưởng ban Học vụ và Phụ trách chương trình Cao học của Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN), đã trình bày tư tưởng "Thử tìm Nét Riêng của Học viện Công giáo Việt Nam". Bài phát biểu đề cập nét đa dạng của Học viện với thành phần Ban giảng huấn đến từ nhiều môi trường học vấn khác nhau, thuộc nhiều nước và nhiều linh đạo khác nhau. Ngoài ra, Lm. Antôn cũng nhấn mạnh đến phương pháp học tập tích cực của Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) nhằm đào tạo những sinh viên có khả năng suy tư, nghiên cứu và phản biện; đồng thời biết trình bày những tư tưởng Thần học một cách khoa học và sáng sủa. Ngôn ngữ là phương tiện cần thiết cho sinh viên tiếp thu kiến thức và trình bày những suy tư của mình. Học viện quan tâm nhiều đến việc củng cố và phát triển khả năng Việt ngữ cũng như việc nâng cao khả năng đọc hiểu Anh ngữ cho sinh viên. Hơn nữa, Học viện còn quan tâm đến bối cảnh văn hóa xã hội và tôn giáo đặc thù ở Việt Nam để có thể "xây dựng một nền thần học với những nét riêng phù hợp với dân tộc Việt Nam".

Tiếp đến, Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng, Phụ trách Ban Ngôn ngữ đã trình bày "Anh văn và Ngôn ngữ trong Dự phóng Chương trình Ðào tạo Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN)". Bài phát biểu nêu lên những trăn trở trong việc phát triển khả năng đọc viết bằng tiếng Anh cho sinh viên và trình bày những chương trình cụ thể mà ban Anh ngữ Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) đang thực hiện trong học kỳ I của năm học 2017-2018.

Sau các bài phát biểu là phần đóng góp ý kiến sôi nổi và chân thành của các tham dự viên. Các ý kiến xoay quanh vấn đề chính như điều kiện tuyển sinh, chương trình học, phương pháp học, phương tiện hỗ trợ (thư viện và kỹ thuật) và những quy chế cần thiết của Học viện. Các ý kiến đã được Ðức cha Viện trưởng cùng các ban ngành của Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) trân trọng đón nhận. Chắc chắn những góp ý này sẽ được Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) cân nhắc để thực hiện trong tương lai.

Sau cùng, Ðức cha Viện trưởng trình bày những khó khăn trong việc tuyển sinh vào Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN). Mục tiêu hàng đầu của Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) là giúp đào tạo những ứng viên có tiềm năng để họ trở thành những người có khả năng phục vụ Giáo hội Việt Nam trong lãnh vực nghiên cứu và giảng dạy Thần học. Vì vậy, Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) cần những giáo sư không những chỉ có chuyên môn vững vàng để giảng dạy, mà cần có tấm lòng để nâng những sinh viên tiềm năng thành những nhà nghiên cứu tài đức cho Giáo hội.

Sau cuộc hội nghị, các thành viên cùng chia sẻ bữa ăn agapé với Ðức cha Giuse và Ðức cha Phụ tá giáo phận Xuân Lộc Gioan Ðỗ Văn Ngân.

Cũng cần nhắc lại: ngày 14 tháng 09 năm 2015, Bộ Giáo dục Công giáo Toà Thánh đã ký sắc lệnh thành lập Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) nhằm đáp ứng nhu cầu học hỏi và trau dồi thêm kiến thức Thần học và Mục vụ của các thành phần Dân Chúa. Năm học 2017-2018, Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) có 68 sinh viên theo học ba chương trình: Cử nhân Thần học gồm 40 sinh viên, Cao học Thần học gồm 18 sinh viên, và Năm Chuẩn bị cho chương trình Cao học gồm 10 sinh viên. Hiện nay, các hoạt động của Học viện Công giáo Việt Nam (HVCGVN) diễn ra tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn -, số 6 bis Tôn Ðức Thắng, Quận 1.

 

Nữ tu Bình Minh

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page