Những lời của Ðức Giáo hoàng Phanxicô
ở Myanmar sẽ bị "soi" kỹ lưỡng
Những lời của Ðức Giáo hoàng Phanxicô ở Myanmar sẽ bị "soi" kỹ lưỡng.
Yangon, Myanmar (CNS 24-10-2017) - Các lãnh đạo Giáo hội sẽ lắng nghe các lời của Ðức Giáo hoàng Phanxicô với tâm trạng hồi hộp lo lắng và hy vọng ngài sẽ không đề cập đến từ "R" - ám chỉ đến tên Rohingya, một nhóm Hồi giáo mà người dân Phật giáo Myanmar rất ghét.
Cha Mariano Soe Naing, giám đốc truyền thông của Hội đồng giám mục Myanmar nói với hãng tin Công giáo Hoa kỳ: "Chúng tôi đang rất lo lắng với chuyến viếng thăm của Ðức giáo hoàng vì có thể có nhiều điều không hay xảy ra. Một lời không đúng của Ðức Giáo hoàng có thể đẩy đất nước này vào tình trạng hỗn loạn. Nếu Ðức Thánh Cha đề cập đến người Rohingya trong diễn văn của ngài, các nhóm dân tộc chủ nghĩa sẽ đáp trả. Ðây là một vấn đề lịch sử, và chúng ta cần rất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề này. Chúng ta không thể chỉ nói điều này hay điều kia. Ðó là lý do tại sao bà Aung San Suu Kyi không thể nói gì."
Bà Aung San Suu Kyi bị thế giới chỉ trích nặng nề vì sự im lặng trước các thảm kịch xảy ra với người Rohingya ở bang Rakhine. Nhưng cha Soe Naing cho biết là bà ấy không có quyền nói điều gì vì quân đội có quyền quyết định mọi việc. Cha nói: "Thế giới chỉ trích bà, muốn bà vì nền dân chủ phải chiến đấu chống lại quân đội. Nhưng đó là một cuộc chiến mà bà không thể thắng. Bà ấy có thể có sức mạnh của dân chúng ủng hộ bà nhưng máu sẽ chảy lênh láng, sẽ chảy như sông ở nước này. Quân đội không dễ gì đầu hàng và bà ấy hiểu điều này."
Cha Soe Naing nhắc lại rằng chỉ vài ngày sau hàng loạt cuộc tấn công khủng bố của nhóm Hồi giáo Rohingya nhắm vào lực lượng an ninh của chính phủ, Ðức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho người Rohingya. Ðiều này khiến cho người dân Myanmar tức giận, bởi vì các trụ sở cảnh sát Myanmar bị tấn công nhưng ngài không nói gì đến các cuộc tấn công.
Cha cho biết là người dân Myanmar không muốn nghe tên 'Rohingya.' Họ không được phép dùng từ này ở Myanmar. Nếu Ðức Thánh Cha đến Myanmar và nói về những xung đột, những người theo chủ nghĩa quốc gia có thể sẽ nổi lên chống lại ngài. Cha nói: "Ðây là điều chúng tôi lo sợ. Nhưng chúng tôi tin là Ðức Thánh Cha biết điều gì nên nói và điều gì không. Chúng tôi tin tưởng vào sự khôn ngoan của ngài."
Dù tình hình căng thẳng như thế, nhưng Win Tun Kyi, giám đốc Hội Tương trọ xã hội Karuna, cơ quan cứu trợ và phát triển của Giáo hội Công giáo Myanmar, đã phủ nhận âm hưởng tiêu cực của việc Ðức giáo hoàng đề cập đến xung đột nội bộ của Myanmar. Ông nói: "Khi Ðức Giáo hoàng nói điều gì đó về Rohingya, một số người theo chủ nghĩa dân tộc Phật giáo đã rất tức giận. Nhưng sau 2 hay 3 tuần là ngừoi dân quên đi vù có nhiều tin tức mới hấp dẫn trên Facebook và truyền thông." Ông cũng hy vọng rằng trong các tuyên bố chính thức của ngài, Ðức Giáo hoàng sẽ như các lãnh đạo chính trị, nhạy cảm trước các vấn đề tế nhị.
Patrick Loo Tone, chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Myanmar chia sẻ rằng cách chung, người dân không biết khác biệt giữa Công giáo và Tin lanh. Vì thế khi Ðức Giáo hoàng đến thì toàn cộng đồng Kitô giáo được hưởng lợi, nhưng nếu có điều gì sai thì không chỉ người Công giáo bị ảnh hưởng. Ông nói: "Phần lớn Phật tử không tin tưởng người Hồi giáo và người Hồi giáo không tin tưởng Phật tử. Tuy nhiên hiện nay, đến một mức nào đó, cả người Hồi giáo và Phật tử đều tin tưởng các Kitô hữu. Nhưng nếu chúng ta nói hay làm điều gì đó tỏ ra ủng hộ Hồi giáo thì các Phật tử sẽ nghi ngờ và cảm thấy không thoải mái với chúng ta. Chúng ta phải cẩn thận về điều chúng ta nói hoặc các Kitô hữu chúng ta có thể là mục tiêu kế tiếp của họ."
Dù những cạm bẫy chính trị đang chờ đón Ðức Giáo hoàng, các người ngoài Công giáo đang nhiệt tình đóng vai trò hỗ trợ trong việc chào đón vị giáo hoàng. Với hàng chục ngàn tín hữu muốn đến nhìn thấy và nghe Ðức Giáo hoàng, nhiều nhà thờ và các cơ sở sẵn sàng tiếp đón. Ngay cả những tu viện Phật giáo cũng cung cấp chỗ cho các tín hữu trong dịp này. Ông Loo Tone nói: "Một số người có thể thấy chuyến viếng thăm của Ðức Giáo hoàng là tiêu cực, nhưng tôi tin Chúa sẽ làm cho chuyến viếng thăm này trở thành một trải nghiệm tích cực cho mọi người." (CNS 24/10/2017)
Hồng Thủy
(Radio Vatican)