Vài nét về quốc gia Bangladesh

nơi Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm

 

Vài nét về quốc gia Bangladesh nơi Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm.

Bangladesh (VietCatholic News 20-10-2017) - Cùng với Ấn Ðộ, miền đất Bangladesh ngày nay đã từng được thánh Tôma Tông Ðồ đến truyền giáo và một con số đông đảo dân chúng đã đón nhận đức tin Kitô. Chẳng may, vào thế kỷ thứ 10, thánh chiến Hồi Giáo xâm chiếm vùng này và hầu hết dân chúng cải đạo sang Hồi Giáo.

Năm 1598, một linh mục người Bồ Ðào Nha theo chân các thương gia đã đến được vùng này. Cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé đã được tái sinh từ đó.

Sau thời kỳ cai trị của Anh, vào năm 1947, Ấn Ðộ thuộc Anh được chia thành hai quốc gia độc lập là Ấn Ðộ và Pakistan. Trong 24 năm sau đó, Bangladesh hiệp nhất với Pakistan thành một quốc gia duy nhất. Pakistan được gọi là Tây Hồi, trong khi Bangladesh được gọi là Ðông Hồi. Cuộc chiến tranh giải phóng Ðông Hồi khỏi tay người Pakistan thành công vào năm 1971, và quốc gia Bangladesh được chào đời, đặt thủ đô tại Dhaka.

Theo thống kê vào tháng 7 năm 2017, quốc gia nghèo khổ này có đến 157,826,600 dân trong đó 98% dân chúng là người theo sắc tộc Bengali. Về mặt tôn giáo, 89.1% theo Hồi Giáo, 10% theo Ấn Giáo. 0.9% số dân còn lại theo Phật Giáo và Kitô Giáo.

Người Công Giáo chỉ chiếm khoảng 350,000 người; tức là chưa đến 0.2% dân số. Khó có thể biết chính xác có bao nhiêu người Công Giáo tại quốc gia này vì số đông người Công Giáo tại đây là dân cư của các bộ lạc sống rải rác tại các vùng hẻo lánh.

Hội Ðồng Giám Mục Bangladesh được hình thành vào năm 1971 ngay sau khi quốc gia này giành được độc lập từ Pakistan.

Từ ngày quốc gia Bangladesh được khai sinh, các vị Giáo Hoàng đã nâng lên hàng Giám Mục tổng cộng 34 vị trong đó 14 vị vẫn còn tại thế, cai quản 2 tổng giáo phận là tổng giáo phận thủ đô Dhaka và tổng giáo phận Chittagong và 6 giáo phận.

Ðức Hồng Y Patrick D'Rozario là vị Hồng Y tiên khởi và cũng là vị Hồng Y duy nhất trong lịch sử Bangladesh. Ngài là Tổng Giám Mục thủ đô Dhaka. Ðức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Hồng Y cho Ðức Tổng Giám Mục Patrick D'Rozario ngày 19 tháng 11 năm 2016.

Tuy là một thiểu số nhỏ bé giữa một đại đa số những người Hồi Giáo, Giáo Hội tại đây rất năng động, đặc biệt là trong các lãnh vực giáo dục, y tế và bác ái. Chính vì thế, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được chào đón nhiệt liệt khi ngài thăm Dhaka vào tháng 11 năm 1986.

Chẳng may là trong hai thập niên trở lại đây trào lưu cực đoan Hồi Giáo phát triển mạnh tại quốc gia này. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các nhóm nhân quyền thường đánh giá Bangladesh như một quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì bạo lực nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm cả người Ấn Giáo lẫn các Kitô hữu.

Tiêu biểu cho tình trạng bạo lực đối với Kitô hữu là một cuộc tấn công bằng bom vào năm 2001 vào một nhà thờ Công Giáo trong Thánh Lễ sáng Chúa Nhật, giết chết chín người và làm bị thương hàng chục người khác.

Kể từ khi al-Qaida và ISIS lần lượt chào đời, bạo lực, đe dọa và các hình thức đàn áp người không theo đạo Hồi đã tăng lên ở Bangladesh một cách chóng mặt. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2014 cho thấy chính phủ nước này chẳng có một nỗ lực nào nhằm bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số.

Tháng Giêng năm 2014, khi nhiều người Công Giáo sử dụng quyền công dân của họ là tham gia vào cuộc bầu cử Quốc Hội, như những công dân khác, hàng trăm nhà cửa của họ đã bị đốt cháy và 8 người Công Giáo bị đánh đập tàn tệ.

Tháng 7 năm 2014, một đám đông 60 người đã tấn công một tu viện Công Giáo, đánh đập các nữ tu và một linh mục.

Tháng 4 năm 2015, một đám đông tấn công các nhà thờ và đâm một linh mục đang cử hành Lễ Phục sinh.

Tháng 12 năm 2015, ba anh chị em một gia đình Công Giáo bị tấn công trong khi ở trong nhà. Hai cô gái bị thương nghiêm trọng.

Ðầu tháng 2 năm 2016, một nhóm 20 người đột kích vào nhà thờ và một tu viện vào ban đêm. Các nữ tu đã bị đánh đập và tài sản bị cướp phá.

Tháng 7 năm 2016, gần hai chục người đã bị giết bởi bọn khủng bố Hồi Giáo trong một cuộc tấn công vào một nhà hàng nổi tiếng ở Dhaka, nơi các Kitô hữu và những người không phải Hồi giáo khác, chủ yếu là người nước ngoài, thường đến ăn ở đó.

 

Ðặng Tự Do

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page