Ðức Thánh Cha tiếp kiến

11 ngàn người thuộc Gia Ðình Vinh Sơn

 

Ðức Thánh Cha tiếp kiến 11 ngàn người thuộc Gia Ðình Vinh Sơn.

Vatican (Rei 14-10-2017) - Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi đại gia đình thánh Vinh Sơn Phaolô tiếp tục con đường của Thánh Nhân và ngài đề nghị họ thể hiện qua 3 hành động: thờ lạy, đón tiếp và ra đi.

Ngài trình bày lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy 14 tháng 10 năm 2017, tại Quảng trường thanh Phêrô dành cho hơn 11 ngàn người thuộc đại gia đình thánh Vinh Sơn Phaolô, từ các 99 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, về Roma tham dự diễn đàn trong 3 ngày qua, nhân kỷ niệm 400 năm đoàn sủng của Thánh Vinh Sơn.

Ðức Thánh Cha đã tiến vào Quảng trường Thánh Phêrô lúc 12 giờ trưa và tiến qua các lối đi để chào thăm mọi người. Khi lên đến lễ đài ở thềm Ðền thờ Thánh Phêrô, ngài dừng lại để tôn kính Hài Cốt Thánh Vinh Sơn Phaolô.

Trong lời chào mừng Ðức Thánh Cha, Cha Mavric Tomaz, Bề trên Tổng Quyền dòng Lazzariste, chính thích thông báo thành lập "Liên minh hoàn cầu cho những người vô gia cư" và lễ hội Phim Vinh Sơn.

Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nói: "Thánh Vinh Sơn đã tạo nên một đà tiến bác ái kéo dài qua các thế kỷ. Ngày hôm nay, tôi muốn khích lệ anh chị em tiếp tục hành trình ấy, và đề nghị với anh chị em 3 động từ đơn sơ mà tôi thấy là rất quan trọng đối với tinh thần Vinh Sơn, và cho đời sống Kitô nói chung, đó là: thờ lạy, đón tiếp và ra đi.

- Trước hết là Thờ Lạy. Thánh Vinh Sơn thường mời gọi các môn đệ vun trồng đời sống nội tâm và chuyên chăm cầu nguyện có sức thanh tẩy và mở rộng tâm hồn. Ðối với Thánh Nhân, cầu nguyện là điều thiết yếu, là địa bàn của mỗi ngày, như cẩm nang của cuộc sống... Theo Thánh Vinh Sơn, cầu nguyện là dừng lại trước Thiên Chúa để ở với Người, phó thác và tận tình đối với Chúa. Ðó là kinh nguyện tinh tuyền nhất, dành chỗ cho Chúa và chúc tụng Chúa, tín thác nơi Chúa.

- Tiếp đến là đón tiếp. Trở thành những người hiếu khách, sẵn sàng, quen tận tụy với người khác. Như Thiên Chúa cư xử với chúng ta, cả chúng ta cũng phải xử như vậy với tha nhân. Ðón tiếp có nghĩa là điều chỉnh lại cái tôi của mình, sửa sai cách suy tư và hiểu rằng cuộc sống không phải là tài sản riêng của tôi và thời gian không thuộc về tôi. Ðó là một sự từ từ rời bỏ tất cả những gì là của tôi: thời gian, sự nghỉ ngơi, các quyền và chương trình của tôi. Ai đón tiếp thì từ bỏ cái tôi và đi vào trong cuộc sống của tha nhân và của chúng ta".

Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: Kitô hữu đón tiếp là một người thực sự của Giáo Hội, vì Giáo Hội là người Mẹ đón tiếp và đồng hành với cuộc sống. Như một ngừơi con giống mẹ, mang những sắc thái của mẹ, Kitô hữu cũng mang những nét của Giáo Hội. Người đón tiếp là người trở thành người con trung tín đích thực của Giáo Hội, người không than trách thì kiến tạo sự hòa hợp và hiện thông, và với lòng quảng đại họ gieo vãi hòa bình, dù không được đáp trả".

- Ðộng từ sau cùng là ra đi. Ðức Thánh Cha nói: "Tình yêu có đặc tính năng động, ra khỏi bản thân mình. Người yêu thương thì không ngồi trên ghế bành mà nhìn, chờ đợi cho tình hình thế giới được cải tiến, nhưng với lòng hăng say và đơn sơ, họ đứng lên và ra đi. Thánh Vinh Sơn đã nói chí lý: "Ơn gọi của chúng ta là ra đi, không phải trong một giáo xứ và cũng chẳng phải trong một giáo phận, nhưng là toàn trái đất, để làm cho tâm hồn con người nồng cháy, làm điều mà Con Thiên Chúa đã làm: Chúa đã đến trong thế giới để mang lửa để làm cho tình yêu của Ngài nồng cháy. Ơn gọi này có giá trị đối với tất cả mọi người. Nó đặt cho mỗi người những câu hỏi: Tôi có ra đi gặp tha nhân, như Chúa muốn hay không. Tôi tôi đến, tôi có mang theo lửa tình thương hay tôi khép kín để sưởi mình trước lò sưởi của tôi mà thôi?".

Trước khi rời quảng trường, Ðức Thánh Cha còn nồng nhiệt bắt tay chào ông Tajani, Chủ tịch Quốc Hội Âu Châu.

Ban sáng, từ lúc 9 giờ, tại Quảng trường thánh Phêrô, mọi người hiện diện đã tham dự buổi sinh hoạt với các chứng từ, âm nhạc, ca hát và cầu nguyện trước Hài Cốt Thánh Vinh Sơn. Phần âm nhạc và ca hát do ca đoàn Gen Xanh và nhiều ban nhạc, ca đoàn khác. (Rei 14-10-2017)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page