Kitô hữu phải là thừa sai của niềm hy vọng

 

 

Kitô hữu phải là thừa sai của niềm hy vọng.

Vatican (Vat. 4-10-2017) - Nhiệm vụ của kitô hữu trong thế giới này là ttở thành các thừa sai của niềm hy vọng, mở ra các không gian của ơn cứu rỗi, như các tế bào của sự tái sinh, có khả năng tái trao ban nhựa sống cho những gì xem ra đã mất đi vĩnh viễn.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hanh hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần, mùng 4 tháng 10 năm 2017.

Ngài đã quảng diễn ý nghĩa trình thuật Phúc Âm thánh Luca chương 24 kể lại vụ Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các môn đệ, kể rằng: "Trong khi các tông đồ còn đang nói, thì chính Ðức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! " Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? " Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? " (Lc 24,36-41). ÐTC nói: hôm nay tôi muốn nói về đề tài "Các thừa sai của niềm hy vọng ngày nay". Tôi hài lòng làm điều này vào đầu tháng 10 là tháng truyền giáo và cũng là lễ kính thánh Phanxicô thành Assisi đã là vị thừa sai lớn của niềm hy vọng.

Thật thế, kitô hữu không phải là một ngôn sứ của tai ương. Hiểu chưa? Chúng ta không phải là các ngôn sứ cuả tai ương. Nòng cốt lời loan báo của họ ngược lại, ngược lại với tai ương: đó là Chúa Giêsu chết vì yêu thương và Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại sáng ngày Phục Sinh. Và đó là nòng cốt của niềm tin kitô. Nếu các Phúc Âm đã chỉ dừng lại trên việc an táng Chúa Giêsu, lịch sử của vị ngôn sứ này sẽ chỉ được thêm vào biết bao nhiêu tiểu sử của các nhân vật anh hùng đã tiêu hao cuộc sống cho một lý tưởng. Phúc Âm khi đó sẽ chỉ là một cuốn sách xây dựng và an ủi, nhưng sẽ không phải là một loan báo của niềm hy vọng.

Nhưng các Phúc Âm không khép lại với ngày thứ sáu tuần thánh, chúng đi xa hơn. Và chính mảnh cuối cùng này biến đổi cuộc sống chúng ta. Các môn đệ của Chúa Giêsu đã bị đánh quỵ trong ngày thứ bẩy sau vụ Ngài bị đóng đanh; hòn đá đã đuợc lăn lấp cửa mồ cũng đã đóng kín ba năm hăng say sống với vị Thầy làng Nadarét. Xem ra tất cả đã chấm dứt, và vài người thất vọng sợ hãi đã đang rời bỏ Giêrusalem.

Nhưng Chúa Giêsu sống lại! Sự kiện không chờ đợi này lật ngược và đảo lộn tâm trí các môn đệ. Bởi vì Chúa Giêsu không sống lại cho chính mình làm như thể là sự tái sinh của ngài là một đặc ân cần ganh tỵ: nếu Ngài lên với Thiên Chúa Cha là bởi vì Ngài muốn rằng sự sống lại của Ngài được chia sẻ cho mỗi người và lôi cuốn mọi thụ tạo lên cao. Và trong ngày lễ Ngũ Tuần các môn đệ được biến đổi bởi hơi thở của Chúa Thánh Thần. Các vị sẽ không chỉ có một tin đẹp mang đến cho mọi người, mà chính các vị sẽ là những người đầu tiên như được tái sinh vào cuộc sống mới. Sự sống lại của Chúa Giêsu biến đổi chúng ta với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu sống, và sống giữa chúng ta. Ngài sống và có sức mạnh biến đổi chúng ta.

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Thật đẹp biết bao nghĩ rằng mình là những người loan báo sự sống lại của Chúa Giêsu không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng cả các việc làm và với chứng tá cuộc sống nữa! Chúa Giêsu muốn các môn đệ không chỉ có khả năng lập lại các công thức đã học thuộc lòng. Ngài muốn các chứng nhân: những người loan truyền niềm hy vọng với kiểu tiếp đón, cười và yêu thương của mình. Nhất là yêu thương: bởi vì sức mạnh của sự sống lại khiến cho các kitô hữu có thể yêu thương, cả khi tình yêu xem ra đã lạc mất các lý do của nó. Có một điều "hơn" ở trong sự hiện hữu kitô, và nó không được giải thích một cách đơn sơ với sức mạnh của tâm hồn hay một sự lạc quan lớn hơn. Không, đức tin, niềm hy vọng của chúng ta không chỉ là một sự lạc quan; nó là một cái gì khác, hơn nhiều! Nó như thể các tín hữu là những người có một "mảnh trời" hơn nữa ở trên đầu. Ðiều này thật đẹp! Chúng ta là những người có một mảnh trời hơn nữa ở trên đầu, được đồng hành bởi một sự hiện diện mà ai đó không thể trực giác được.

Như thế nhiệm vụ của các kitô hữu trong thế giới này là mở ra các không gian của ơn cứu rỗi, như các tế bào của sự tái sinh có khả năng trả lại nhựa sống cho những gì xem ra đã mất luôn mãi. Khi toàn bầu trời âm u, thì thật là một phước lành ai biết nói về mặt trời.

Ðức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Ðó, kitô hữu đích thật là như thế: không than van và giận dữ, nhưng xác tín nhờ sức mạnh của sự sống lại, xác tín rằng không có sự dữ nào vô tận, không có đêm đen nào mà không kết thúc, không có người nào sai lầm một cách vĩnh viễn, không có thù hận nào mà không có thể chiến thắng bởi tình yêu thương.

Chắc chắn là đôi khi các môn đệ sẽ trả giá mắc mỏ cho niềm hy vọng mà Chúa Giêsu đã ban cho họ. Chúng ta hãy nghĩ tới biết bao nhiêu kitô hữu đã không từ bỏ dân tộc của họ, khi thời bách hại đến. Họ đã ở lại đó, nơi người ta không chắc chắn với ngày mai, nơi không thể đưa ra các chương trình thuộc bất cứ loại nào, họ ở lại đó hy vọng nơi Thiên Chúa. Và chúng ta hãy nghĩ tới các anh chị em vùng Trung Ðông làm chứng cho niềm hy vọng và dâng hiến cuộc sống cho chứng tá ấy. Những người này là các kitô hữu đích thật. Những nguời này mang bầu trời trong tim, họ nhìn xa hơn, luôn luôn xa hơn.

Ai đã được ơn ôm ấp sự sống lại của Chúa Giêsu thì còn có thể hy vọng nơi điều không thể hy vọng. Các vị tử đạo thuộc mọi thời đại, với lòng trung thành của các vị với Chúa Kitô, kể lại rằng sự bất công không phải là tiếng nói cuối cùng trong cuộc sống. Nơi Chúa Kitô phục sinh chúng ta có thể tiếp tục hy vọng. Những người nam nữ có một lý do "tại sao" sống, thì có nhiều sức kháng cự hơn những người khác trong thời gian lao khốn khó. Nhưng ai có Chúa Kitô bên cạnh, thì họ thật không sợ hãi gì hết. Và chính vì vậy các kitô hữu không bao giờ là những người dễ dãi và thoả hiệp, các kitô hữu đích thật. Ðúng không? Không được lầm lẫn sự dịu dàng của họ với một ý thức về sự không chắc chắn và nhượng bộ. Thánh Phaolô khích lệ Timôthê chịu đau khổ vì Tin Mừng và nói như thế này : "Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ" (2 Tm 1,7). Bị ngã họ luôn luôn đứng dậy.

Anh chị em thân mến, đó là lý do tại sao tín hữu kitô là một thừa sai của niềm hy vọng. Không phải vì công nghiệp của họ, nhưng nhờ ơn của Chúa Giêsu là hạt giống đã rơi vào lòng đất, đã chết và đã sinh nhiều bông hạt (x. Ga 12,24).

Ðức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp và Thụy Sĩ, đặc biệt tín hữu thuộc giáo phận Avignon với Ðức Tổng Giám Mục Jean Pierre Cattenoz. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Êcốt, Dan Mạch, Nigeria, Australia, Indonesia, Niu Dilen, Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha, cách riêng tín hữu giáo xứ Chúa Phục Sinh Jardim.

Trong số các nhóm nói tiếng Ðức, ngài đặc biệt chào tín hữu giáo xứ Thánh Maria Cloppenburg-Bethen và học sinh trường trung học Franziskus Kreuzburg. Chào các đoàn hành hương Ba Lan, Ðức Thánh Cha nói mùng 4 tháng 10 là lễ thánh Phanxicô thành Assisi. Ngài khích lệ mọi người để cho Chúa biến họ thành các thừa sai của niềm hy vọng. Ðức Thánh Cha cũng nhắc cho mọi người biết 100 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima và trong 6 lần hiện ra Ðức Mẹ xin chúng ta lần hạt mỗi ngày. Chúng ta hãy đáp lại lời Mẹ xin, cầu nguyện cho Giáo Hội, Ngai toà Thánh Phêrô và cho các ý chỉ của toàn thế giới. Chúng ta hãy xin ơn tha thứ cho kẻ tội lỗi, ơn hoán cải cho những người nghi ngờ, cho những người chối bỏ Thiên Chúa và cho các linh hồn trong luyện ngục.

Tiếp đến Ðức Thánh Cha báo cho mọi người biết trong các ngày từ 19 đến 24 tháng 3 năm 2018 Văn phòng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục sẽ triệu tập phiên họp tiền Thượng Hội Ðồng Giám Mục với sự tham dự của các người trẻ công giáo, các giáo hội kitô và các tôn giáo khác cũng như các người trẻ không tín ngưỡng đến từ nhiều vùng trên thế giới. Sáng kiến này ở trên con đường chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về đề tài "Người trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi" vào tháng 10 năm 2018. Với lộ trình này Giáo Hội muốn lắng nghe tiếng nói, sự nhậy cảm, niềm tin và các nghi ngờ cũng như các phê bình của giới trẻ. Chúng ta phải lắng nghe người trẻ. Vì thế các kết luận sẽ được chuyển tới các nghị phụ.

Trong các nhóm tiếng Ý, Ðức Thánh Cha chào các tham dự viên Tổng tu nghị dòng Marist và các nữ tử Ðức Bà Thánh Tâm. Ngài khích lệ các tu sĩ can đảm thăng tiến đặc sủng của mình với tinh thần phục vụ và trung thành với Giáo Hội. Ngài cũng chào Uỷ ban gia đình vùng Triveneto với Ðức Cha Giuseppe Zenti, Giám Mục Verona, người trẻ cộng đoàn Trái tim Vô nhiễm Ðức Mẹ tỉnh Pescara, hiệp hội giúp trẻ em tàn tật và phối hợp môi sinh Anagni.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người biết mùng 4 tháng 10 là lễ thánh Phanxicô thành Assisi. Ðức Thánh Cha cầu mong gương sống của thánh nhân củng cố người trẻ và giúp họ chú ý tới thụ tạo; trợ giúp các bệnh nhân và thoa dịu các khổ đau của họ; giúp các cặp vợ chồng mới cưới xây dựng gia đình trên tình yêu bác ái.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page