Ðại hội Thế giới lần thứ XXIV

của Hội Tông đồ Hàng hải

 

 

Ðại hội Thế giới lần thứ XXIV của Hội Tông đồ Hàng hải.


Ðại hội Thế giới lần thứ XXIV của Hội Tông đồ Hàng hải.


Ðài Loan (WHÐ 03-10-2017) - Nạn buôn người trong giới di dân làm nghề đánh cá, nạn cưỡng bức lao động trong ngành hàng hải và đánh cá bất hợp pháp sẽ là những đề tài chính trong các cuộc thảo luận tại Ðại hội Thế giới lần thứ XXIV của Hội Tông đồ Hàng hải (AoS) được tổ chức tại Cao Hùng, Ðài Loan từ ngày 01 đến ngày 07 tháng Mười năm 2017.

Với chủ đề "Mắc lưới", Ðại hội sẽ tìm hiểu Giáo hội sẽ làm gì - qua công việc của các vị tuyên uý AoS và các tình nguyện viên ở các bến cảng trên toàn cầu -, để tăng cường trợ giúp cho các ngư dân, thường được gọi là những "thuyền viên bị lãng quên".

Ðức hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện, trong đó có AoS, nói rằng việc chăm sóc mục vụ cho ngư dân thuộc về công việc hằng ngày của nhiều vị tuyên uý AoS và các tình nguyện viên; họ không những trợ giúp các thuỷ thủ về tinh thần và vật chất mà còn nâng đỡ các ngư dân và gia đình của những người này nữa.

Ðức hồng y Turkson nói: "Chủ đề của Ðại hội: Mắc lưới thể hiện mối quan tâm của AoS, không chỉ giới hạn trong các vấn đề biến đổi khí hậu và đánh bắt quá mức, mà còn chú trọng đặc biệt đến các vấn đề con người, đó là tình trạng các ngư dân phải làm việc trong các điều kiện phi nhân, mà kết thúc thường là rơi vào tay của các nhóm tội phạm có tổ chức, trở thành nạn nhân của nạn buôn người và bị cưỡng bức lao động".

Ðức hồng y nói thêm: "Hiện tượng này không chỉ giới hạn ở một số vùng địa lý nhất định mà đang lan rộng khắp thế giới, bao gồm người nam, người nữ và cả trẻ em. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định buôn người là một tội ác chống lại loài người. Chúng ta muốn dấn thân chống lại điều đáng xấu hổ này, bất hạnh thay, lại đang hiện diện bằng nhiều cách, cả trong ngành đánh bắt cá".

Ðức hồng y Turkson nói, vì thế Ðại hội rất quan trọng đối với việc Hội Tông đồ Hàng hải có thể làm gì trong lĩnh vực này, trong bối cảnh của một bổn phận mục vụ không loại trừ bất kỳ khía cạnh nào trong việc bảo vệ sự toàn vẹn và nhân phẩm của con người.

Theo Ðức hồng y, "chủ đề này cho thấy mối quan tâm của Giáo hội không chỉ đối với công ích mà còn đối với con người và các quyền cơ bản của họ. Ðại hội này chắc chắn sẽ giúp nâng cao nhận thức và ý thức của chúng ta đối với ngư dân và tái khẳng định rằng Giáo hội không bỏ quên họ mà cùng cùng đi với họ".

Hơn 250 đại biểu từ 52 quốc gia đã ghi danh tham dự hội nghị, trong đó có hai Hồng y, 17 Tổng giám mục và Giám mục, 67 linh mục và 8 phó tế, tất cả đều làm việc trong mạng lưới toàn cầu của AoS.

Bài phát biểu chính của Ðức hồng y Turkson có tiêu đề "Chúng ta hãy trở nên những người bảo vệ tạo thành, bảo vệ lẫn nhau và bảo vệ môi trường". Sau đó, Ðức ông Slađan Cosic, Ðại biện lâm thời của Toà Thánh tại Ðài Loan, sẽ đọc Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Ðại hội.

Trong số các đề tài được thảo luận, có việc bảo vệ ngư dân và tính bền vững của nghề cá, nhân quyền và phúc lợi, bảo vệ và chống lại nạn buôn người và nạn nô lệ hiện đại tại các bến cảng, và tình hình của ngư dân Myanmar và người Rohingya.

AoS có mặt tại 311 bến cảng trên toàn thế giới, với 216 vị tuyên uý sẵn sàng trợ giúp các ngư dân và thuỷ thủ hằng ngày.

(Nguồn: www.apostleshipofthesea.org.uk)

 

Minh Ðức

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page