Ðức Thánh Cha gặp gỡ
người di dân và tị nạn tại Bologna
Ðức Thánh Cha gặp gỡ người di dân và tị nạn tại Bologna.
Bologna (Vat. 1-10-2017) - Trong cuộc gặp gỡ 500 người di dân và tị nạn tại một trung tâm ở Bologna, hôm 1 tháng 10 năm 2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi quảng đại đón tiếp và giúp đỡ hội nhập những người nhập cư và tị nạn.
Trung tâm tiếp cư này của miền Emilia Romagna, có thể đón nhận 1 ngàn người di dân và tị nạn được tạm trú trong khi chờ đợi được cứu xét đơn xin tị nạn, hoặc được phân phối đi định cư tại các nơi khác. Ðến nơi vào lúc 10 giờ rưỡi, dưới cơn mưa nhẹ, đã dành 50 phút để chào thăm bắt tay hàng trăm những người tị nạn, hầu hết từ Phi châu, và người nào cũng chụp hình selfie với ngài. Có những người dương biểu ngữ viết trên giấy, xin Ðức Thánh Cha can thiệp để họ được giấy tờ cư trú và qui chế tị nạn.
Huấn dụ của Ðức Thánh Cha
Ngỏ lời với 500 người trong cuộc gặp gỡ chung, Ðức Thánh Cha cho biết ngài muốn cuộc gặp gỡ tại đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên ở thành Bologna này, đồng thời nhận xét rằng:
"Nhiều người không biết anh chị em và họ lo sợ. Thái độ sợ hãi này làm cho họ cảm thấy có quyền xét đoán và họ làm điều này một cách gay gắt, lạnh lùng và tưởng là mình nhìn thấy rõ. Nhưng không phải như vậy. Người ta chỉ nhìn thấy rõ khi ở gần với lòng từ bi. Nếu không có sự gần gũi, từ bi như thế, thì tha nhân chỉ là một người xa lạ, thậm chí là một kẻ thù, không thể trở thành người thân cận của ta được... Nếu chúng ta nhìn tha nhân mà không có lòng từ bi thương xót, thì chúng ta không thể thấy đau khổ và các vấn đề của họ. Ngày hôm nay, tôi chỉ thấy ở đây bao nhiều ước muốn thân thiện và trợ giúp... Nơi anh chị em, cũng như nơi mỗi ngoại kiều gõ cửa nhà chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đồng hóa với ngoại kiều, trong mọi thời đại và mọi hoàn cảnh, Ngài được đón nhận hoặc phủ nhận (Xc Mt 25,35.43)
Ðức Thánh Cha tái cổ võ việc tiếp nhận người di dân và tị nạn, và nói:
"Tôi thực sự tin rằng cần có thêm nhiều quốc gia chấp nhận các chương trình hỗ trợ cá nhân và cộng đồng dành cho việc tiếp đón và mở ra những hành lang nhân đạo cho những người tị nạn ở trong những tình cảnh khó khăn hơn, để tránh những chờ đợi dài dẵng và phí thời giờ, có thể gây ra thất vọng. Sự hội nhập bắt đầu bằng sự nhận biết. Tiếp xúc với tha nhân sẽ giúp khám phá "bí quyết" của mỗi người và cả những năng khiếu của họ, cởi mở để đón nhận những mong đợi hợp pháp của họ, và nhờ đó học cách yêu mến họ hơn, vượt thắng sợ hãi, giúp họ hội nhập vào cộng đồng mới đón tiếp họ.
Ðức Thánh Cha cũng nói với những người di dân và tị nạn rằng:
"Trong tâm hồn tôi, tôi muốn mang những lo sợ, khó khăn, rủi ro, và cảm giác bấp bênh của anh chị em.. mang những người anh chị em yêu mến, và vì họ anh chị em lên đường tìm kiếm một tương lai. Mang họ trong đôi mắt và tâm hồn, sẽ giúp anh chị em làm việc hơn nữa để có một thành thị đón tiếp và có khả năng mang lại cơ hội cho tất cả mọi người. Vì thế, tôi khuyên anh chị em hãy cởi mở đối với nền văn hóa tại thành phố này, sẵn sàng tiến bước trên con đường được chỉ rõ qua các luật lệ của đất nước này".
Giáo Hội là một người Mẹ không phân biệt và yêu thương mỗi người như Con Cái Thiên Chúa là hình ảnh của Chúa. Bologna là một thành phố vẫn luôn nổi tiếng về tinh thần tiếp đón. Sự tiếp đón này được canh tân qua bao nhiêu kinh nghiệm về tình liên đới, đón tiếp trong các giáo xứ và các cơ sở tôn giáo, và cả trong nhiều gia đình và cơ cấu xã hội.
Trong lời kết thúc, Ðức Thánh Cha đã gọi những người di dân và tị nạn là "những người chiến đấu cho niềm hy vọng!".
Sau cuộc gặp gỡ anh chị em di dân và tị nạn, lúc giữa trưa, Ðức Thánh Cha đến Quảng trường trung tâm của Bologna, một thành phố có 390 ngàn dân cư, để gặp gỡ giới lao động và chủ sự buổi đọc Kinh truyền Tin.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)