Niềm vui từ ơn lành
Niềm vui từ ơn lành.
Sàigòn
(VietCatholic News 24-09-2017) - Niềm vui từ ơn lành:
Nhóm Bông Hồng Xanh đến bệnh viện Chợ Rẫy để tham dự ngày "Chúa Nhật chia sẻ yêu thương" lần thứ 4. |
Niềm Vui thứ 1: Sáng ngày Chúa Nhật 24 tháng 9 năm 2017, Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi đến bệnh viện Chợ Rẫy để tham dự ngày "Chúa Nhật chia sẻ yêu thương" lần thứ 4 dành cho các bệnh nhân đang điều trị nội trú tại đây. Nhóm chúng tôi trao những phần quà qua hình thức xổ số bốc thăm may mắn. Ðây là một chương trình do bệnh viện tổ chức qua hình thức tập trung bệnh nhân tại một hội trường, cho họ được cắt tóc, gội đầu không nước, thưởng thức văn nghệ, xem ảo thuật... với mục đích đem lại bầu khí vui tươi cho bệnh nhân trong ngày Chúa Nhật. Ðã có một số lần nhóm chúng tôi đến giúp bệnh nhân khoa phỏng bệnh viện này nên khi có ý định tham gia, góp vui trong chương trình này, chúng tôi được đón nhận thật nồng hậu. Khi được trao cho 25 bệnh nhân các "phần quà may mắn" gồm tiền, sữa và bánh, chúng tôi thấy từ khuôn mặt, đang chịu những cơn đau của bệnh tật, ánh lên một niềm vui nho nhỏ... làm cho lòng chúng tôi dâng trào một niềm vui lớn. Rõ ràng, chung tay chia sẻ yêu thương, góp phần làm dịu nỗi đau trong xã hội là một việc làm có thể "tạo ra niềm vui" cho chính người thực hiện.
Niềm Vui thứ 2: Giữa tháng 8 năm 2017, chúng tôi đến dự lễ khấn trọn đời của mười nữ tu tại dòng Ða Minh Lạng Sơn ở Xóm Mới. Tôi gọi đây là niềm vui thứ nhất vì con gái út của ông anh họ là một trong mười sơ ấy. Dù ông nột của "Sơ cháu" và mẹ tôi là hai anh em ruột nhưng vì hay quan tâm đến nhau nên thân thiết nhiều. Nhờ Sơ này mà tôi hiểu thêm được khi một người gia nhập cộng đoàn thì có những niềm hân hoan nào và phải hy sinh những gì... Tôi thấy quí mến ông anh họ, bố của Sơ cháu. Anh hiền lành "như đất" từ thuở thanh niên, lại thích làm thơ, đọc báo. Chính tôi là người "cung cấp" báo Công Giáo được phát hành ở Sài Gòn cho anh. Lần nào về quê, anh em cũng nói chuyện thân tình. Mỗi mẹ Sơ lên Sài Gòn, tôi cũng chở lên nhà dòng. Từ khi đi vào tuổi sáu mươi tôi mới ngừng làm công việc "xe ôm" ấy. Có lần, Sơ đến nhà tôi nghỉ qua đêm, khi gần về sáng, Sơ ngồi bật dậy hai lần hỏi nhỏ: "Mấy giờ rồi cô?" Tôi trấn an: "Ðây là nhà cô, cứ yên tâm, thoải mái ngủ!". Tôi thấy thương vì sống trong cộng đoàn dòng tu phải dậy rất sớm; lúc nào cũng thấp thỏm chu toàn bổn phận.
Lần khác, chúng tôi và bố của Sơ cùng đến thăm nhà dòng, Sơ nhà tập không cho gặp mặt. Tôi bị "shock" vì ông anh đi quãng đường đến 240 cây số lên thăm con mà không được gặp; còn khuôn mặt ông anh thì có cảm xúc khó tả... rồi cùng chúng tôi ra về. Sau này tôi mới hiểu việc kỷ luật trong một cộng đoàn có đông người, sống chung nhiều thế hệ, là cần thiết. Sau lần ấy, tôi hiểu Thiên Chúa cho mỗi người một "vị trí sống" mà chỉ có Chúa hiểu hết "như thế nào" thì tốt lành cho người này, xứng hợp người kia, không khó để ai tinh ý nhận ra sự thượng trí của Người.
Niềm Vui thứ 3: Ngay sau tiệc mừng của lễ khấn, chúng tôi cùng "họ hàng hang hốc" đi thẳng về vùng Tân Hiệp, Kiên Giang: mọi người thì về nhà còn chúng tôi ở trọ nhà người thân để thuận tiện phát học bổng. Sau mốc thời gian đáng nhớ về công việc xã hội, chúng tôi lại có tiền để chia sẻ. Ðây là một "tín hiệu vui" để có thể hiểu rằng Chúa vẫn "tín nhiệm" và "ưa chuộng" những việc bé nhỏ mà chúng tôi cố gắng làm.
Sáng hôm sau, tôi sang Kênh 10. Ðường vào kênh 10 nhỏ, khó đi đối với chiếc xe bảy chỗ. Cha Ngọc ở đây là chỗ quen biết thân tình vì đã từng giúp nhóm Bông Hồng Xanh mua đất và giúp cất lên hai căn nhà tình thương vào năm 2011, mà dịp này chúng tôi cũng có ghé thăm. Cha đã chọn các thiếu nhi trong giáo xứ là học sinh giỏi, đều có giấy khen vì học tập tốt. Từng là cô giáo lâu năm nên tôi hiểu bản thân các cháu cũng phải ham học và siêng năng mới có được giấy khen; sự lựa chọn này là đúng.
Ðồng tiền ở vùng quê này thật là quí và khó kiếm, giúp nhiều hay ít cũng là tốt lắm rồi. Chúng tôi còn chia sẻ cho các em sống dọc con sông ở Kênh 1, người ta gọi là chỗ này Tầm Dông, là khu kinh tế mới. Nơi đây có nhiều hoàn cảnh cũng nghiệt ngã nên chúng tôi hài lòng vì đã lựa chọn vùng quê này để sẻ chia. Học thành tài là một quá trình dài và tốn kém, khuyến khích trong khả năng của người giúplà điều thật tốt đẹp.
Niềm Vui thứ 4: Ðã từ lâu, chúng tôi nghe người dân trong kênh nói về một bệnh viện miễn phí ở Kênh 7 do cha Thịnh, là linh mục chánh xứ ở đây thành lập, ban đầu thì nhỏ, rồi ngày càng phát triển và vững vàng. Chúng tôi quyết định ghé đến xem. Bệnh viện được xây trên khu đất rộng, phía sau nhà thờ, có vườn thuốc nam và cả hồ nước khá lớn. Khi cha qua đời, cha đã trao lại cho dòng Camilo chăm sóc và quản lý. Lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy máy sắc thuốc nam và những cái nồi thuốc có cắm điện trông hay hay. Một nhân viên ở đây nói cho chúng tôi biết ngọn ngành về các công việc ở đây. Chữa bệnh theo Ðông y thì miễn phí, còn nếu chữa theo Tây y thì thì phải đóng một khoản nào đó tùy theo bệnh, nhưng ai ghé vào nhà ăn thì hoàn toàn miễn phí.
Chúng tôi ra về khi vừa biết rằng ba ngày nữa, Ðức Cha phó Giáo Phận Long Xuyên sẽ khánh thành nhà ăn phục vụ miễn phí bệnh nhân, mà lòng bỗng dưng có một niềm vui khó tả... Chắc chắn là "yêu người khốn cùng" có một sự liên đới trong Chúa Kitô.
Chúng tôi cũng ghé vào Tòa Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên để thăm Ðức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần nữa.
Niềm Vui thứ 5: Giữa tháng 10, một bạn trẻ lên xe hoa, bước vào đời sống hôn nhân. Ðiều này bình thường thôi nhưng chúng tôi vui lâng lâng. Hơn mười năm qua, bạn trẻ này không những giúp chúng tôi nhiều lần đến với người cùng khổ mà còn chia sẻ cho các Giáo Hội địa phương ở nơi khác khi có lời quyên góp. Chúng tôi không buồn mà lại vui khi từ nay bạn trẻ này sẽ vun quén cho gia đình bé nhỏ của mình. Chúng tôi cảm nhận: người độc thân dễ "cho đi" vì lòng "thênh thang" không có gì ràng buộc; người có gia đình lo toan cho tổ ấm mình để xã hội tốt đẹp hơn; và người Kitô hữu chỉ cần giữ mười điều răn là đã "nên thánh" rồi, có đúng không?
Niềm Vui thứ 6: Từ hơn một năm qua, nhờ chầu Thánh Thể hằng ngày mà đời sống của tôi chia làm hai phần rõ rệt: cầu nguyện và hoạt động. Hoạt động thì công việc có tính "nhấn mạnh" là công tác xã hội mà ai quan tâm một chút sẽ "thấy hết" công việc chúng tôi làm. Riêng việc chầu Mình Thánh Chúa một ngày một giờ đã biến đổi tôi đến bất ngờ với hai nét rõ rệt. Ðặc biệt nhất là tâm hồn tôi được gọt giũa "tròn trịa". Ðã từ lâu tôi không tranh chấp, cãi vã với bất cứ ai dù trong gia đình hay môi trường xã hội, nhưng tha thứ cho người khác là điều rất khó. Nhờ đến gần Chúa trong bí tích Thánh Thể, tôi đã dám quên lỗi của người khác và thậm chí còn cầu nguyện cho những người tôi không thích. Thật là khó khi tôi cầu nguyện cho người làm tôi tổn thương tinh thần; tôi chào hỏi những người tôi "không ưa" khi "bất đắc dĩ" phải giáp mặt, tôi giúp đỡ người có tính vô ơn, tôi còn cầu nguyện cho những người làm cha mẹ tôi buồn ....... Ðó là một bước tiến bộ mà chỉ có ơn Chúa mới giúp được. Về phần xác, từ một người "nghiện" các loại nước ngọt, tôi bỏ hẳn thói quen đáng sợ đó và chỉ uống nước đun sôi. Tôi vui vì sự thay đổi của mình đến nỗi tôi muốn hình thành một nhà Chầu Thánh Thể tại một vùng sâu, vùng xa nơi có cộng đoàn đông giáo dân, hầu chỉ muốn chia sẻ việc chầu bí tíchThánh Thể cho người khác, nghĩa là tôi muốn "nhân rộng" niềm vui này.
Maria Vũ Loan