Bài phỏng vấn Ðức Thánh Cha

dành cho các nhà báo

trên chuyến bay Cartagena Roma

 

Bài phỏng vấn Ðức Thánh Cha dành cho các nhà báo trên chuyến bay Cartagena - Roma.


Bài phỏng vấn Ðức Thánh Cha dành cho các nhà báo trên chuyến bay Cartagena - Roma.


Roma (Vat. 12-09-2017) - Theo thông lệ, ngày 11 tháng 9 năm 2017 trên chuyến bay từ Cartagena bên Colombia về Roma, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một cuộc phỏng vấn dài về nhiều vấn đề của Colombia cũng như các vấn đề quốc tế. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung phần đầu bài phỏng vấn này:

- Mở đầu ông Greg Burke, giám đốc Phòng báo chí kiêm phát ngôn viên Toà Thánh, đã ngỏ lời cám ơn Ðức Thánh Cha dành thời giờ cho các nhà báo, tuy đã có một chuyến công du rất bận rộn mệt nhọc, rất vất vả đối với vài người, nhưng cũng là một chuyến viếng thăm có nhiều hoa trái. Ðức Thánh Cha đã nhiều lần cám ơn dân chúng vì những gì họ đã dậy cho Ðức Thánh Cha, chúng con cũng học hỏi được biết bao nhiêu điều từ các nền văn hoá gặp gỡ này, và chúng con cũng xin cám ơn Ðức Thánh Cha vì điều này. Ðặc biệt dân nước Colombia, với quá khứ mới đây - và không phải chỉ với quá khứ mới đây - đã cống hiến cho chúng con vài chứng tá rất mạnh mẽ - các chứng tá cảm động về sự tha thứ và hoà giải. Tuy nhiên, nó cũng cho chúng con một bài học liên tục về sự tươi vui và niềm hy vọng, là hai từ Ðức Thánh Cha đã dùng rất nhiều lần trong chuyến công du này. Bây giờ chắc Ðức Thánh Cha muốn nói điều gì rồi chúng ta sẽ sang phần các câu hỏi của các nhà báo.

Ðáp: Tôi xin chào và cám ơn các anh các chị về công việc của các anh các chị. Tôi thật cảm động về sự tươi vui, dịu hiền, trẻ trung và sự cao quý của nhân dân Colombia. Họ thật là một dân tộc cao quý, không sợ hãi nói lên điều họ cảm nghĩ, không sợ hãi cảm nhận và cho thấy điều họ cảm nhận. Tôi đã nhận ra như vậy. Ðây là lần thứ ba đến Colombia, tôi nhớ thế, nhưng một Giám Mục đã nói: "Không đây là lần thứ tư, nhưng tôi đã chỉ đến Colombia cho các cuộc họp nhỏ". Một lần và hai lần khác tại Bogota hay ba, nhưng tôi không biết Colombia một cách sâu rộng, Colombia mà người ta biết trên các đường phố. Và tôi cám ơn vì chứng tá của niềm vui, niềm hy vọng, sự kiên nhẫn trong đau khổ của dân tộc này. Họ đã làm ích cho tôi biết bao. Xin cám ơn.

- Câu hỏi đầu tiên là của anh Cesar Moreno nhân viên của đài phát thanh Radio Caracol.

Hỏi: Thưa Ðức Thánh Cha, trước hết con muốn cám ơn Ðức Thánh Cha, thay mặt cho tất cả các nhân viên truyền thông Colombia tháp tùng chúng ta trong chuyến viếng thăm này, cho mọi đồng nghiệp và thân hữu, đã đến trên quê hương chúng con, đã cho chúng con biết bao nhiêu sứ điệp hay đẹp, sâu sắc, và vì biết bao nhiêu yêu thương, gần gũi mà Ðức Thánh Cha đã chứng minh cho nhân dân Colombia thấy. Chúng con xin hết lòng cám ơn Ðức Thánh Cha. Câu hỏi của con là: Ðức Thánh Cha đã đến trong một quốc gia chia rẽ, qua con đường của tiến trình hoà bình, giữa những người chấp nhận hay không chấp nhận tiến trình này. Phải làm gì một cách cụ thể, đâu là các bước tiến phải làm để cho các phe chia rẽ xích lại gần nhau, để từ bỏ hận thù, để từ bỏ oán ghét? Nếu Ðức Thánh Cha trở lại Colombia trong 4 năm nữa, Ðức Thánh Cha nghĩ thế nào, Ðức Thánh Cha muốn trông thấy Colombia như thế nào?

Ðáp: Tôi thích rằng ít nhất khẩu hiệu "Chúng ta hãy đi bước thứ hai", ít nhất điều đó được thực hiện - Tôi đã nghĩ là các năm chiến tranh, tôi đã tính chúng là 60 năm, nhưng người ta nói với tôi là 54 năm chiến tranh du kích, ít nhiều là như vậy, và trong đó người ta chồng chất lên biết bao nhiêu, biết bao nhiêu thù ghét, oán hận, biết bao nhiêu tâm hồn đau yếu; và bệnh tật không có lỗi, nó đến và bạn bị lây bệnh sởi. Và với các cuộc chiến du kích mà họ đã làm - chiến tranh du kích, các dân quân cũng như những người bên kia và cả nạn gian tham hối lộ nữa, biết bao nhiêu lần xảy ra trong quốc gia - đã phạm các tội xấu xa dấy lên sự thù hận đó# Nhưng đã có các bước tiến trao ban hy vọng, các bước tiến trong việc thương thuyết, và cuối cùng là việc ngưng bắn của lực lượng Quân đội giải phóng quốc gia: tôi xin cám ơn họ rất nhiều, rất nhiều vì điều đó. Nhưng còn có cái gì hơn nữa, mà tôi đã nhận ra, đó là ước muốn tiến tới trong tiến trình này, nó vượt xa hơn các cuộc thương thuyết đang được làm và cần phải làm. Ðó là một ước muốn tự phát, và trong đó có sức mạnh của dân chúng. Tôi hy vọng nơi điều này. Dân chúng muốn thở, nhưng chúng ta phải trợ giúp họ và trợ giúp họ với sự gần gũi, lời cầu nguyện và nhất là với sự cảm thông biết bao nỗi khổ đau bên trong tâm hồn của biết bao người dân.

- Ông Burke nói bây giờ tới phiên anh José Mujica của tờ El Tiempo Thời báo. Anh hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha.

Hỏi: Thưa Ðức Thánh Cha thật là một vinh dự được ở đây với Ðức Thánh Cha. Con tên là José Mujica, nhà báo của tờ El Tiempo bên Colombia và con cũng xin chào Ðức Thánh Cha nhân danh tất cả các nhà báo Colombia và giới truyền thông của quốc gia này. Colombia đã khổ đau trong nhiều thập niên vì bạo lực, chiến tranh, xung đột vũ trang và cả vì nạn buôn bán ma tuý nữa, nhưng các hậu quả của nạn gian tham hối lộ trong giới chức chính trị thật là tàn phá, y như chiến tranh vậy và cả khi nạn tham ô hối lộ là một thực tại mới, chúng con đã luôn luôn biết nó hiện hữu, giờ đây có thể trông thấy rõ ràng hơn, bởi vì không còn có các tin chiến tranh và xung đột vũ trang nữa. Phải làm gì trước tệ nạn này, và cho tới độ nào với các người thối nát, làm thế nào để trừng phạt họ và sau cùng có cần phải dứt phép thông công họ hay không?

Ðáp: Anh đã đưa ra một câu hỏi, mà chính tôi cũng đã đặt ra biết bao lần. Và tôi đã đặt câu hỏi kiểu này: kẻ thối nát có được ơn tha thứ hay không? Tôi đã đặt câu hỏi như vậy đó. Và tôi đã đặt câu hỏi này, khi xảy ra một trường hợp trong tỉnh Catamarca bên Argentina - một trường hợp đối xử tàn tệ, lạm dụng và hãm hiếp một thiếu nữ và có liên quan tới các quyền bính chính trị và kinh tế của tỉnh này.

Tôi đã nghe nói tới một bài báo của nhà báo Frigerio đăng trên tờ "La Nacion" thời bấy giờ. Tôi đã viết một cuốn sách nhỏ gọi là "Tội lỗi và thối nát". Chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi, và chúng ta biết rằng Chúa gần gũi chúng ta, Ngài không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta. Nhưng có sự khác biệt: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ, nhưng người tội lỗi có khi hồi sinh và xin lỗi. Vấn đề đó là kẻ thối nát mệt mỏi khi xin lỗi và quên phải xin lỗi làm sao: đây là vấn đề nghiêm trọng. Ðó là một tình trạng vô cảm đối với các giá trị, đối với sự phá hoại, đối với việc khai thác bóc lột con người. Họ không có khả năng xin lỗi. Và như là một việc kết án, do đó rất khó trợ giúp một người thối nát, rất khó. Nhưng Thiên Chúa có thể làm điều đó, và tôi cầu nguyện cho điều này.

- Ông Burke giới thiệu anh Hernan Reyes của tờ "Telam".

Hỏi: Thưa Ðức Thánh Cha. Câu hỏi này là của nhóm các nhà báo tiếng Tây Ban Nha. Ðức Thánh Cha đã nói tới bước đầu tiên mà Colombia đã làm. Hôm nay trong Thánh Lễ Ðức Thánh Cha đã nói rằng một cuộc đối thoại giữa hai phe không đủ, mà cần phải đưa thêm nhiều tác nhân khác nữa vào trong cuộc đối thoại. ÐTC có nghĩ rằng có thể lập lại mô thức này của Colombia trong các xung đột khác trên thế giới hay không?

Ðáp: Tháp nhập những người khác vào... cả ngày hôm nay nữa trong bài giảng tôi đã đề cập tới điều này bằng cách đi từ Phúc Âm. Tháp nhập các người khác: đây không phải là lần đầu tiên... trong biết bao cuộc xung đột đã có các người khác được tháp nhập vào cuộc đối thoại. Ðây là một cách tiến tới, một kiểu chính trị khôn ngoan, phải không? Có sự khôn ngoan xin trợ giúp... Nhưng tôi tin rằng ngày hôm nay tôi đã muốn nhấn mạnh trong bài giảng - nó đã là một sứ điệp hơn là một bài giảng - tôi tin rằng các kiểu kỹ thuật chính trị ấy giúp ích; đôi khi chúng yêu cầu sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc để ra khỏi cuộc khủng hoảng. Nhưng một tiến trình hoà bình sẽ chỉ có thể tiến tới, khi nhân dân cầm nó trong tay. Nếu người dân không cầm nó trong tay, người ta có thể tiến tới một chút, người ta sẽ đi tới một giàn xếp... Ðó là điều tôi đã tìm làm cho cảm thấy trong chuyến viếng thăm này: tác nhân của việc hoà giải hoặc là dân chúng hay người ta sẽ đi tới một điểm nào đó: nhưng khi một dân tộc nắm lấy việc tạo hoà bình trong tay, thì nó có khả năng làm tốt điều ấy. Và tôi sẽ nói rằng đó là con đường cao hơn.

- Tới phiên chị Elena Pinardi.

Hỏi: Con xin chào Ðức Thánh Cha, trước hết chúng con muốn hỏi Ðức Thánh Cha có khoẻ không. Chúng con tất cả đã trông thấy Ðức Thánh Cha vập đầu vào xe díp, Ðức Thánh Cha có khoẻ không, có đau không ạ?

Ðáp: Lúc đó tôi quay ra chào các trẻ em và tôi đã không trông thấy kính và bùm một cái...

Hỏi: Câu hỏi của con là: trong khi ở trên máy bay chúng ta bay gần cơn bão Irma. Sau khi đã gây ra bao tàn phá khiến cho hàng chục người chết và gây ra các thiệt hại khổng lồ tại các đảo thuộc quần đảo Caraibi và Cuba, người ta sợ rằng nhiều vùng rộng lớn trong tiểu bang Florida có thể bị ngập lụt. Sáu triệu người đã phải bỏ nhà cửa của họ. Sau trận bão Harvey hầu như đã có thêm 3 trận bão khác đồng thời đổ vào vùng này. Các nhà khoa học cho rằng việc hâm nóng các đại dương là một yếu tố góp phần khiến cho các cơn dông bão mùa này ngày càng mạnh hơn. Có trách nhiệm luân lý của các vị lãnh đạo chính trị khước từ cộng tác với các quốc gia khác để kiểm soát việc thải thán khi vào không trung hâm nóng trái đất hay không, bởi vì họ từ chối cho rằng khí hậu thay đổi là lỗi tại con người?

Ðáp: Xin cám ơn chị. Tôi trả lời phần cuối cùng của câu hỏi để khỏi quên: ai chối điều này thì phải đi tới với các nhà khoa học và hỏi họ. Các khoa học gia đã nói rất rõ ràng. Các khoa học gia rất chính xác. Hôm trước khi có tin tức của chiếc tầu của Nga - tôi tin thế - chiếc tầu này đã từ Na Uy sang Nhật Bản hay Ðài Loan và đã đi qua Bắc Cực, mà không có các tầu làm bể đá băng, các hình chụp cho thấy các mảng đá băng... nhưng bây giờ có thể đi qua Bắc Cực. Nó thật rõ ràng. Thật là rõ ràng. Khi tin này được một đại học tung ra - tôi không nhớ đại học này ở đâu - thì có một tin khác nói rằng: "Chúng ta chỉ còn có 3 năm nữa để quay lại đàng sau. Nếu không, thì các hậu quả sẽ kinh khủng". Tôi không biết có thật "ba năm" hay không, nhưng nếu chúng ta không trở lại đàng sau, thì chúng ta sẽ chìm hết, điều này thật. Khí hậu thay đổi người ta trông thấy các hậu quả và các khoa học gia nói một cách rõ ràng con đường chúng ta phải theo. Và chúng ta tất cả đều có một trách nhiệm: tất cả mọi người. Mỗi người một phần trách nhiệm nhỏ, một phần trách nhiệm lớn hơn, một trách nhiệm luân lý phải chấp nhận, góp ý kiến hay lấy các quyết định... Và chúng ta phải làm điều đó một cách nghiêm chỉnh. Tôi tin rằng nó là một điều không thể đùa giỡn được: nó vô cùng nghiêm trọng. Và chị hỏi tôi đâu là trách nhiệm luân lý? Mỗi một người đều có trách nhiệm luân lý của mình. Cả các chính trị gia cũng có trách nhiệm của họ. Mỗi người đều có trách nhiệm của mình. Câu trả lời thứ hai thì có rồi.

Hỏi: Có người nhận thức rằng chúng ta đang đi tới thời tận thế như tả trong sách Khải Huyền với tất cả các biến cố khí quyển... Ðức Thánh Cha nghĩ sao?

Ðáp: Tôi không biết... Tôi sẽ nói: thứ nhất, mỗi một người có trách nhiệm luân lý riêng của mình. Thứ hai, nếu một người hơi nghi ngờ rằng nó không thật, thì hãy đi hỏi các khoa học gia đi. Các khoa học gia rất rõ ràng. Những điều họ nói không phải là các ý kiến trong không khí đâu. Chúng rất rõ ràng. Và rồi hãy quyết định. Và lịch sử sẽ phán xử các quyết định ấy.

- Sau các câu hỏi của các nhà báo Cesar Moreno, José Mujica, Hernan Reyes, và Elena Pinardi, tới phiên anh Enzo Romeo.

Hỏi: Con xin chào Ðức Thánh Cha, con tiếp câu hỏi của chị Elena. Tại sao trong các bài diễn văn tại Colombia Ðức Thánh Cha đã lại nhiều lần nói đến việc cần phải làm hoà với Thụ tạo, tôn trọng môi sinh như điều kiện cần thiết để có thể tạo ra một nền hoà bình xã hội ổn định. Và chúng ta trông thấy các hậu quả cuả sự kiện khí hậu thay đổi cả tại Italia nữa. Con không biết Ðức Thánh Cha có biết bản tin này không: đã có nhiều người chết tại tỉnh Livorno vì nước lũ và bùn.

Ðáp: Có... sau ba tháng rưỡi không có mưa...

Hỏi: Vâng đúng thế. Tại Roma thì có biết bao nhiêu là thiệt hại... vì thế chúng ta tất cả đều bị liên lụy trong tình trạng này. Nhưng mà tại sao lại có sự chậm trễ trong việc ý thức như vậy, nhất là từ phía các chính quyền, mà xem ra họ lại nhanh chóng đến thế trong các lãnh vực khác - luôn luôn liên quan tói vấn đề vũ trang: chúng ta đang trông thấy thí dụ như cuộc khủng hoảng của Ðại Hàn, cả liên quan tới vấn đề này con cũng thích có được ý kiến của Ðức Thánh Cha...

Ðáp: Tại sao? Tôi nhớ tới một câu trong Thánh Kinh Cựu Ước, tôi tin là của Thánh Vịnh: "Con người là một đứa ngu dại, là một tên cứng đầu không trông thấy". Con con vật duy nhất của Thụ Tạo đặt chân vào cùng một cái lỗ là con người. Con ngựa và các con vật khác thì không làm điều đó. Có sự kiêu căng, sự tự đủ... "Không, nó không biết như vậy..." và rồi có ông thần Túi. Không phải chỉ liên quan tới Thụ Tạo mà thôi đâu, nhưng đối với biết bao nhiêu điều, biết bao nhiêu quyết định, biết bao nhiêu mâu thuẫn và vài mâu thuẫn này tuỳ thuộc tiền bạc. Hôm nay tại Cartagena tôi đã bắt đầu một đàng gọi nó là phần Cartagena nghèo nàn đáng thương. Nghèo nàn đáng thương. Ðàng khác là phần du lịch, sang trọng và sang trọng vô chừng mực luân lý, chúng ta hãy nói thế. Mà những người đi tới đó họ không nhận ra điều này sao? Hay các chuyên viên phân tích, các nhà xã hội chính trị không nhận ra sao? "Con người là một kẻ ngu si" Thánh Kinh đã nói thế. Và như vậy khi người ta không muốn trông thấy, thì họ không trông thấy. Người ta chỉ nhìn từ một phía thôi. Tôi không biết, và liên quan tới Bắc Hàn tôi xin nói thật, tôi không hiểu, tôi thật sự không hiểu. Nhưng tôi tin là đối với điều tôi thấy thì có sự tranh giành lợi lộc vượt thoát khỏi tôi, tôi thực sự không giải thích được. Nhưng có điều khác quan trọng mà người ta không ý thức được. Tôi nghĩ tới Cartagena hôm nay. Nhưng đây là điều bất công và người ta có thể ý thức không? Ðó là điều đến trong trí tôi. Xin cám ơn anh.

- Ông Burke nói: bây giờ tới phiên chị Valentina Alazraki.

Ðức Thánh Cha nói: A, chị trưởng nhóm...

Chị Valentina hỏi Ðức Thánh Cha ra sao, có đau không?

Ðáp: Không, không đau, nó chỉ làm tôi bầm mắt thôi.

Hỏi: Nhưng chúng con lấy làm tiếc cả khi nó không làm Ðức Thánh Cha đau. Thưa Ðức Thánh Cha mỗi lần gặp giới trẻ tại bất cứ phần đất nào trên trái đất này Ðức Thánh Cha luôn luôn nói với họ: "Các bạn đừng để cho niềm hy vọng bị ăn trộm, đừng để mình bị lấy trộm đi niềm vui và tương lai". Rất tiếc bên Hoa Kỳ luật của "những người mơ mộng" đã bị huỷ bỏ: chúng ta đang nói tới 800,000 người trẻ Mêhicô, Colombia, và của biết bao nhiều quốc gia khác. Ðức Thánh Cha không tin rằng với luật này, với việc huỷ bỏ này các bạn trẻ này mất đi niềm vui, niềm hy vọng và tương lại hay sao? Thề rồi lợi dụng lòng tử tế của Ðức Thánh Cha và của các đồng nghiệp, con không biết Ðức Thánh Cha có thể đọc một lời cầu nguyện nhỏ, có một tư tưởng nhỏ cho tất cả các nạn nhân động đất tại Mêhicô và của cuồng phong Irma không? Con xin cám ơn Ðức Thánh Cha.

Ðáp: Thật không... vâng tôi hỏi không biết chị nói về luật nào thế. Tôi đã nghe nói tới luật này, nhưng tôi đã không thể đọc các bài viết và người ta đã quyết định như thế nào. Tôi không biết rõ luật này, nhưng mà trước hết tách rời người trẻ khỏi gia đình không phải là một điều cho kết quả tốt: không tốt cho người trẻ, cũng không tốt cho gia đình, Tôi nghĩ rằng luật này không đến từ Quốc hội nhưng từ Ban hành pháp và nếu là như thế - nhưng mà tôi không chắc - thì có hy vọng là người ta nghĩ lại một chút. Bởi vì tôi đã nghe tông thống Mỹ nói chuyện: ông ta trình diện như một người bênh vực sự sống, và nếu ông là một người phò sự sống giỏi, thì ông hiểu rằng gia đình là chiếc nôi của sự sống, và phải bênh vực sự hiệp nhất của nó. Vì thế tôi muốn nghiên cứu kỹ lưỡng luật này. Nhưng đúng thật là khi người trẻ cảm thấy - nói chung trong trường hợp này hay trong các trường hợp khác - khi người trẻ cảm thấy họ bị khai thác, như trong biết bao nhiêu trường hợp, thì sau cùng họ cảm thấy không có hy vọng. Và ai ăn cắp niềm hy vọng ? Ðó là ma tuý, các tuỳ thuộc khác, tự tử... Người trẻ tự tử là sự kiện rất mạnh, và nó xảy ra, khi họ bị giật khỏi các gốc rễ. Thật rất quan trọng tương quan của một người trẻ với các gốc rễ của họ. Ngày nay các người trẻ bị bứng gốc kêu cứu: họ muốn tìm trở lại gốc rễ của họ. Chính vì thế tôi nhấn mạnh rất nhiều trên cuộc đối thoại giữa các người trẻ và người già... bởi vì ở đó có các gốc rễ, và chúng ở xa hơn một chút, để tránh các xung khắc có thể có với các gốc rễ gần hơn như gốc rễ của cha mẹ. Nhưng giới trẻ ngày nay cần tìm lại được các gốc rễ. Bất cứ điều gì đi ngược lại các gốc rễ, thì ăn cắp niềm hy vọng. Tôi không biết tôi đã trả lời ít nhiều cho câu hỏi của chị chưa.

Hỏi: Họ có thể bị đầy khỏi Hoa Kỳ thưa Ðức Thánh Cha...

Ðáp: Vâng, vâng: họ mất đi một gốc rễ... Ðây là một vấn đề. Nhưng thật thế tôi không muốn có ý kiến liên quan tới luật này, bởi vì tôi đã không đọc nó và tôi không thích nói về điều mà tôi đã không nghiên cứu trước. Thế rồi chị Valentina là người Mêhicô và đất nước Mêhicô đã đau khổ biết bao nhiêu, và với chuyện cuối cùng này tôi xin tất cả mọi người vì tình liên đới với chị trưởng nhóm - và có một anh trưởng nhóm khác nữa ở đầu kia - tôn xin một lời cầu nguyện cho quê hương của chị. Xin cám ơn.

- Ông Burke nói: Xin cám ơn Ðức Thánh Cha. Bây giờ tới phiên anh Fausto Gasparroni của hãng thông tấn ANSA.

Hỏi: Thưa Ðức Thánh Cha, nhân danh nhóm các nhà báo nói tiếng Ý con muốn hỏi một câu liên quan tới vấn đề của người di cư, cách riêng sự kiện mà Giáo Hội Italia mới đây đã nói lên - chúng ta hãy nói như thế - một loại cảm thông đối với chính sách mới của chính quyền là thắt chặt vấn đề các cuộc khởi hành từ Libia và như vậy thắt chặt các vụ đổ bổ vào Italia. Người ta cũng viết rằng đã có một cuộc gặp gỡ của Ðức Thánh Cha với ngoại trưởng Gentiloni. Chúng con muốn biết đề tài này đã có thực sự được đề cập tới trong cuộc gặp gỡ này hay không, đã có cuộc gặp gỡ hay không và đề tài có được nói tới hay không, và nhất là Ðức Thánh Cha nghĩ gì về đường lối chính trị đóng các cuộc khởi hành này, cũng để ý đến sự kiện các người di cư ở trên đất Libia - như đã được các cuộc điều tra chứng minh - họ phải sống trong các điều kiện vô nhân, trong các điều kiện vô cùng bấp bênh. Con xin cám ơn Ðức Thánh Cha.

Ðáp: Trước hết cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Gentiloni đã là một cuộc gặp gỡ cá nhân và không liên quan tới đề tài này. Cuộc gặp gỡ đã xảy ra trước vấn đề. Vấn đề đã nảy sinh sau vài tuần, hầu như một tháng sau. Nghĩa là truớc khi có vấn đề.

Thứ hai, tôi cảm thấy có bổn phận biết ơn hai nước Italia và Hy Lạp, vì họ đã mở rộng con tim cho người di cư. Nhưng mở rộng con tim thôi không đủ. Vấn đề của người di cư là trước hết rộng mở con tim, luôn luôn rộng mở con tim. Vì đó cũng là một điều răn của Chúa dậy tiếp đón họ, " vì ngươi đã là nô lệ, di cư bên Ai Cập ", Thánh Kinh nói thế. Nhưng một chính quyền phải diều hành vấn đề này với nhân đức riêng của người cai trị, nghĩa là với sự thận trọng. Nó có nghĩa là gì ? Trước hết : tôi có bao nhiêu chỗ ? Thứ hai : không chỉ tiếp nhận họ, nhưng phải sát nhập họ vào cuộc sống. Sát nhập họ. Tôi đã trông thấy biết bao nhiêu thí dụ - ở Italia này - các thí dụ hội nhập rất tốt đẹp ; Khi tôi đến thăm đại học Roma III, đã có 4 sinh viên hỏi tôi; chị sinh viên cuối cùng đưa ra câu hỏi. Tôi nhìn chị, và gương mặt này tôi biết mà. Và chị là bạn trẻ gần một năm trước đến từ đảo Lesbo với tôi trong cùng chuyến bay. Chị đã học tiếng, và vì chị đã học môn sinh học tại nước của chị, nên chị đã xin được công nhận ngang hàng với chương trình tại Italia và đã tiếp tục học. Chị đã học tiếng Ý... điều này gọi là hội nhập. Trong một chuyến bay khác khi tôi từ Thụy Ðiển trở về, tôi tin thế, tôi đã nói về chính sách hội nhập của Thụy Ðiển như một mô thức, và cả chính quyền Thụy Ðiển cũng đã nói: "Con số là thế này. Nhiều hơn thì tôi không thể nhận", bởi vì có nguy cơ không hội nhập. Thứ ba, có một vấn đề nhân đạo, là vấn đề mà anh đề cập tới. Nhân loại ý thức được các trại tập trung này, về các điều kiện mà anh nói tới trong sa mạc. Tôi đã trông thấy các hình chụp... Trước hết là các người khai thác bóc lột... Tôi tin rằng anh đã nói tới chính quyền Italia, chính quyền cho tôi cảm tưởng là đang làm tất cả cho các công tác nhân đạo là cũng giải quyết vấn đề mà họ không thể đảm trách. Nhưng con tim luôn rộng mở, thận trọng, hội nhập và gần gũi nhân đạo. Và có một điều cuối cùng, đây là điều tôi muốn nói và điều này có giá trị nhất là đối với Phi châu. Có trong tiềm thức tập thể của chúng ta một khẩu hiệu, một nguyên tắc: "Phải khai thác bóc lột Phi châu". Hôm nay tại Cartegena chúng ta đã trông thấy một thí dụ của việc khai thác bóc lột con người. Và một thủ tướng chính phủ đã làm và đã nói lên một sự thật rất đẹp: "Những người chạy trốn chiến tranh là một vấn đề. Nhưng có biết bao nhiêu người chạy trốn đói khát: chúng ta hãy đầu tư tại đó để cho họ lớn lên". Nhưng trong tiềm thức tập thể có sự kiện là biết bao quốc gia phát triển sang Phi châu là để khai thác bóc lột. Và chúng ta phải lật ngược tình thế: Phi châu là bạn và cần được trợ giúp để lớn lên. Thế rồi có các vấn đề khác của chiến tranh đi theo các phe khác. Không biết với điều này tôi đã minh giải vấn đề chưa...

- Ông Burke nói còn một câu hỏi cuối cùng nữa của anh Xavier Le Normand.

Hỏi: Thưa Ðức Thánh Cha, hôm nay sau Kinh Truyền Tin Ðức Thánh Cha đã nhắc tới Venezuela. Ðức Thánh Cha đã nói rằng phải đẩy lui mọi loại bạo lực trong cuộc sống chính trị. Ngày thứ năm sau Thánh Lễ tại Bogota Ðức Thánh Cha đã chào 5 Giám Mục Venezuela. Chúng ta đều biết Toà Thánh đã và còn dấn thân rất nhiều cho một cuộc đối thoại tại nước này. Từ nhiều tháng qua Ðức Thánh Cha đã kêu gọi chấm dứt mọi bạo lực. Nhưng tổng thống Maduro một đàng đã có những lời lẽ rất bạo lực chống lại các Giám Mục, đàng khác ông cũng nói rằng ông đứng về phía Ðức Giáo Hoàng Phanxicô. Có thể có các lời lẽ mạnh mẽ hơn nữa và có lẽ rõ ràng hơn nũa không thưa Ðức Thánh Cha. Con xin cám ơn.

Ðáp: Tôi tin rằng Toà Thánh đã nói rất mạnh và một cách rõ ràng. Ðiều mà tổng thống Maduro nói thì chính ông phải giải thích : tôi không biết tổng thống có gì trong trí ông. Nhưng Toà Thánh đã làm biết bao, đã gửi tới đó, trong nhóm làm việc của bốn nguyên tổng thống, đã gửi một Sứ Thần hàng đầu, rồi đã nói, đã nói với nhiều người, đã nói một cách công khai. Biết bao nhiêu lần trong Kinh Truyền Tin tôi đã nói về tình hình bằng cách luôn luôn tìm một lối thoát cho Venzuela và trợ giúp, bằng cách cống hiến trợ giúp để ra khỏi tình trạng này. Tôi không biết... nhưng xem ra rất khó, và điều đau lòng nhất là vấn đề nhân đạo: biết bao nhiêu người trốn chạy và khổ đau ; cũng có một vấn đề nhân đạo mà dầu sao đi nữa chúng ta cũng phải giúp giải quyết. Tôi tin rằng Liên Hiệp Quốc cũng phải lên tiếng để trợ giúp.

- Ông Burke nói: Thưa Ðức Thánh Cha con tin là chúng ta phải kết thúc.

Ðức Thánh Cha hỏi: vì các dằn sóc của máy bay phải không?

Ông thưa: vâng.

Ðức Thánh Cha nói:

Người ta nói là có vài dằn sóc và chúng ta phải đi về chỗ ngồi. Tôi cám ơn anh chị em, tôi cám ơn anh chị em rất nhiều vì công việc của anh chị em. Và một lần nữa tôi muốn cảm ơn gương sáng của nhân dân Colombia. Và tôi muốn kết thúc với một hình ảnh, hình ảnh đã đánh động tôi nhất nơi người Colombia, trong bốn thành phố tôi thăm viếng đã có đông dân chúng đứng hai bên đường chào đón. Ðiều đã đánh động tôi nhất là thấy các người cha, các bà mẹ giơ con lên cao cho chúng trông thấy Giáo Hoàng và để Giáo Hoàng chúc lành cho chúng. Như thể nói: "Ðây là kho tàng của con, đây là niềm hy vọng của con, đây là tương lai của con. Con tin vào đó". Ðiều đó đã đánh động tôi. Sự hiền dịu. Các đôi mắt của các người cha, các đôi mắt của các bà mẹ. Rất đẹp. Rất đẹp! Ðây là một biểu tượng, biểu tượng của niềm hy vọng của tương lai. Một dân tộc có khả năng sinh con cái, rồi cho thấy chúng, làm cho chúng trông thấy như vậy, như thể để nói rằng: "Ðây là kho tàng của tôi". Ðó là một dân tộc có niềm hy vọng và có tương lai. Xin cám ơn anh chị em rất nhiều.

- Ông Burke đại diện các nhà báo cám ơn Ðức Thánh Cha và chúc ngài nghỉ ngơi tốt.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page