Hàng tỷ tấn rác rưởi bằng nhựa plastic
bị thải ra thiên nhiên
Hàng tỷ tấn rác rưởi bằng nhựa plastic bị thải ra thiên nhiên.
Hoa Kỳ (AFP 19-07-2017) - Hôm 19 tháng 07 năm 2017, tạp chí Hoa Kỳ có tên là Science Advances, Tiến bộ khoa học, đã công bố kết quả một cuộc nghiên cứu báo động rằng trái đất chúng ta hiện nay đang bị hàng tỷ tấn rác rưởi bằng nhựa plastic tràn ngập và tình trạng này ngày càng tệ hại hơn.
Các nhà khoa học thuộc đại học bang Georgia và California tham gia cuộc nghiên cứu nói trên kiểm thực rằng có khoảng 8.3 tỷ tấn đồ vật bằng plastic đã được chế tạo trong khoảng thời gian từ 1950 đến 2015, trong đó có 6,3 tỷ tấn đã trở thành rác rưởi rất khó tan rã vào thiên nhiên. Trong tổng số 6,3 tỷ tấn này, chỉ có 9% là được tái chế. 12% bị đốt và thiêu hủy, 79% còn lại bị chồng chất trong những kho chứa rác hoặc trong thiên nhiên, nhất là trong các đại dương. Mỗi năm có đến 8 triệu tấn rác bằng nhựa plastic bị đổ vào các đại dương.
Bà Jenna Jambeck, giáo sư phân khoa kỹ sư thuộc đại học Georgia, một trong các chuyên viên soạn thảo kết quả cuộc nghiên cứu nói trên khẳng định rằng "phần lớn các chất liệu plastic không tự phân hủy được, khiến cho chúng tiếp tục tồn tại sau hàng trăm năm dài, nếu không muốn nói là sau hàng ngàn năm. Những điều chúng tôi kiểm chứng được ở đây buộc chúng ta phải nghiêm chỉnh suy tư lại về các chất liệu chúng ta đang dùng và cách thức chúng ta xử lý rác rưởi mà chúng ta thải ra.
Hồi năm 1950, số lượng vật liệu bằng nhựa plastic thế giới sảm xuất ra là 2 triệu tấn. Năm 2015, số lượng này lên đến 400 triệu tấn, cao hơn mọi loại chất liệu khác con người làm ra. Giáo sư Roland Geyer, chuyên dạy môn khoa học môi sinh tại đại học Santa Barbara ở California, nhân vật chủ đạo trong cuộc nghiên cứu này, nhận định rằng: Hơn một nửa các vật dụng bằng nhựa plastic trở thành đồ rác sau chỉ trên dưới 4 năm xử dụng. Ðiều mà chúng tôi cố gắng làm bây giờ là đặt ra những yếu tố nền tảng để xây dựng một chương trình quản lý các chất liệu xử dụng lâu dài. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc bàn thảo hoạch định những chính sách cần thiết cho lãnh vực này, dựa trên những con số thu thập được cho đến nay.
Nhóm chuyên viên khoa học thực hiện cuộc nghiên cứu nói trên nhấn mạnh rằng họ không muốn loại bỏ việc chế tạo vật dụng bằng nhựa plastic trong nền kinh tế hiện nay, nhưng chỉ muốn khích lệ cuộc thảo luận về lãnh vực dùng và sản xuất vật liệu bằng plastic, đồng thời nghiên cứu lãnh vực tái chế. Bà Karra Lavender Law, chuyên viên nghiên cứu của hiệp hội giáo dục về biển khơi, chuyên tìm hiểu các đại dương, nhận định rằng: nhiều lãnh vực xử dụng đòi hỏi các vật dụng chế tạo bằng plastic và có thể kéo dài quy trình xử dụng rất lâu dài trong thời gian. Nhưng cần phải suy nghĩ lại về việc mở rộng lãnh vực xử dụng vật dụng bằng plastic và chúng ta phải tự hỏi là có nên chỉ dùng chất liệu này, hay là có thể dùng các chất liệu khác thay thế.
Việc tái chế chất plastic có thể mang lại lợi ích lớn, chẳng hạn như giảm bớt sức sản xuất chất plastic mới, nhưng đốt plastic để thiêu hủy lại là một việc gây nhiều hậu quả nguy hại cho môi trường thiên nhiên và cho sức khỏe con người. Hầu như tất cả các thể loại plastic hiện hành đều không thể tự hủy và sẽ khiến lượng rác rưởi plastic sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Mặt khác, một số chuyên viên khoa học cũng đã lên tiếng báo động vì hiện tượng các vật dụng bằng plastic bị đổ vào đại dương sau một thời gian dài, biến dạng thành những mảnh plastic li ti chìm xuống đáy đại dương. Các loại thủy sinh thường hay nhầm lẫn các mảnh plastic li ti này như là thực phẩm, chúng ăn những mảnh ấy và tích tụ trong thân mình, rồi có thể chuyển sang loài người.
(AFP 19.07.17)
Mai Anh
(Radio Vatican)