Sứ mệnh của dòng Tên

 

Sứ mệnh của dòng Tên.

Roma (Oss. Rom 26-7-2017; Vat. 9-08-2017) - Ngày 31 tháng 7 năm 2017 lễ kính thánh Ignazio thành Loyola, tổ phụ dòng Tên, cha Arturo Sosa tân bề trên tổng quyền đã chủ sự thánh lễ kính thánh nhân tại nhà thờ Chúa Giêsu, trong đó có mộ của thánh nhân qua đời ngày 31 tháng 7 năm 1556. Cha Sosa người Venezuela, là vị đầu tiên không phải là người Âu châu đã được Tổng tu nghị bầu làm bề trên tổng quyền ngày 14 tháng 10 năm 2016.

Theo thống kê năm 2013 hiện nay trên toàn thế giới có 17,287 tu sĩ dòng Tên, trong đó có 12,293 linh mục, 1,400 tu huynh, 2,878 tu sĩ kinh viện và 711 tập sinh. So với năm 2012 số tu sĩ giảm bớt 337 vị. Trong 40 năm từ 1974 đến 2013 từ 29,436 số tu sĩ của dòng giảm xuống còn 17,287.

Trong năm 2013 đại lục duy nhất có số tu sĩ gia tăng là Phi châu, thêm 16 vị, trong khi miền có số tu sĩ giảm nhiều nhất là miền nam Âu châu, ít hơn 89 vị. Tuy nhiên, nếu chỉ chú ý tới các tập sinh, thì nam Âu châu và Hoa Kỳ có số tập sinh gia tăng trong năm 2012-2013. Tại Á châu Ấn Ðộ là vùng có đông tu sĩ nhất, 4,016 vị.

Dòng Tên do thánh Ignazio thành Loyola thành lập. Năm 1534 cùng với vài bạn học ở Paris thánh nhân khấn đi rao giảng Tin Mừng tại Thánh Dịa và hoàn toàn vâng phục Ðức Giáo Hoàng. Cả nhóm đến Venezia chờ tầu đi Thánh Ðịa, nhưng dự tính này bị bãi bỏ năm 1437, vì không thể thực hiện được. Thay vì đi Thánh Ðịa thánh Ignazio và các bạn về Roma. Ngày 27 tháng 9 năm 1540 Ðức Giáo Hoàng Phaolô III chấp nhận dòng. Năm sau đó ngày 22 tháng 4 năm 1541 thánh Ignazio và 4 bạn đầu tiên tuyên khấn trọn đời trong nhà nguyện dâng kính Thánh Giá trong gian ngang đền thờ thánh Phaolô ngoại thành.

Cũng như nhiều dòng quốc tế, dòng Tên giống như một ngọn lửa thắp sáng lên các ngọn lửa khác. Trong 5 thế kỷ qua dòng đã trao ban sức đẩy cho sự thay đổi của nhiều môi trường xã hội liên quan tới việc thăng tiến các lãnh vực công lý, văn hoá và phẩm giá con người. Ðôi khi dòng được ân huệ của các người quyền thế, khi khác lại dấy lên sự chống đối cho tới chỗ bị Ðức Giáo Hoàng Clemente XIV huỷ bỏ và giải tán năm 1773. Dòng sống sót trong các vùng đất công giáo bên Nga, vì hoàng hậu Caterina II không cho áp dụng sắc lệnh của Ðức Giáo Hoàng. Nhưng vào năm 1814 Ðức Giáo Hoàng Pio VII cho tái lập dòng Tên.

Từ bao thế kỷ qua dòng đã đóng góp cho Giáo Hội nhiều vị thánh nổi tiếng như thánh Phanxicô Xaviê, thánh Phanxicô Borgia, thánh Pietro Canisio, thánh Roberto Bellarmino, thánh Stanislao Kosstka, thánh Luigi Gonzaga, thánh Giovanni Berchmans, thánh Alberto Hurtado. Trong số các thừa sai nổi tiếng có cha Matteo Ricci, tông đồ Trung Quốc. Còn cha Teihard de Chardin được xếp vào danh sách các học giả.

Với 28 đại học trên thế giới dòng Tên đã đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ nhân tài và trí thức gồm các vua quan, các giới chức chính trị, các nhà khoa học đủ loại. Ngày 13 tháng 3 năm 2013 Ðức Hồng Y Jorge Bergoglio, Tổng Giám Mục Buenos Aires, được Mật nghị Hồng Y bầu làm chủ chăn Giáo Hội công giáo hoàn vũ, và là vị Giáo Hoàng dòng Tên đầu tiên.

Dòng Tên hiện có 85 tỉnh dòng họp thành 6 miền. Trong 9 tháng qua cha Sosa đã tham dự cuộc họp của 4 miền, và đã viếng thăm nhiều nước trong đó có Ấn Ðộ, Perù, Tây Ban Nha, Ðức, Ruanda, Burundi, Cộng hoà dân chủ Congo, Kenya, Indonesia, Camphuchia, và sắp tới đây là Bỉ.

Hỏi: Thưa cha Bề trên tổng quyền, cha nhận thấy tình hình quê hương Venezuela của cha như thế nào?

Ðáp: Mặc dù tất cả những điều xảy ra tôi có một cái nhìn lạc quan, cả khi tôi không biết tương lai. Nhưng dĩ nhiên là có nỗi lo lắng rất lớn, khi các tin tức tới dồn dập, như các Giám Mục và các tu sĩ dòng Tên Venezuela, Ðức Thánh Cha, Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và trong nhiều cách thế khác nhau Toà Thánh đã nhiều lần bầy tỏ. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một điều: cuộc trưng cầu dân ý ngày 16 tháng 7 đã là việc biểu lộ dân sự quan trọng nhất của toàn lịch sử Venezuela, bởi vì đã có 7.5 triệu người tham gia, nghĩa là phân nửa cử tri toàn nước. Lộ trình đối chiếu chính trị là con đường duy nhất giúp chặn đứng bạo lực và khiến cho chính trị thực sự phục vụ các nhu cầu to lớn của người dân.

Hỏi: Hơn 9 tháng đã qua đi, sau khi cha được bầu làm Bề trên tổng quyền dòng Tên. Cha đã sống thời gian này như thế nào thưa cha?

Ðáp: Tôi đã sống nó với sự bình an lớn lao, với nhiều việc làm và với sự cần thiết học hỏi biết bao nhiêu điều mới mẻ, một cách nhanh chóng. Trước hết tôi đã sống mọi sự trong sự bình an tinh thần, bởi vì tôi thi hành một nhiệm vụ, mà tôi đã không tìm kiếm và cũng đã không bao giở tưởng tượng được là nó có thể rơi trên tôi. Tôi đã nhận lãnh nhiệm vụ này từ các anh em trong tổng tu nghị, và tôi hiểu và sống nó như cái gì đến từ Chúa Giêsu, mà tôi đã chọn như là bạn đường hơn nửa thế kỷ qua. Công việc thật sự rất nhiều và không dễ dàng hiểu biết từ một vị trí mới này, một thân mình phong phú và khác biệt như vậy như dòng Tên, và các anh em của tôi trong sứ mệnh. Tất cả mọi điều này với tốc độ nhanh, bởi vì các quyết định không thể chờ đợi được.

Hỏi: Theo cha thì ngày nay thánh Iganzio sẽ làm gì?

Ðáp: Ðây là câu hỏi mà tôi tự đặt ra cho mình mỗi ngày, cùng với tất cả các tu sĩ dòng Tên. Trước hết cùng với 13 vị tổng cố vấn mà tôi gặp hàng tuần từng vị một, khi chúng tôi không bị ngăn trở vì các chyến du hành viếng thăm. Trong hai ngày thứ ba và thứ năm thì có cuộc họp của toàn ban cố vấn. Và mỗi năm 3 lần vào tháng giêng, tháng sáu và tháng chín đều có cuộc họp nới rộng kéo dài một tuần, nới rộng cho cả các vị chủ tịch của 6 vùng tỉnh dòng và 4 vị thư ký nữa, tổng cộng tất cả là 24 người.

Hỏi: Kiểu cai quản phức tạp, dấn thân và rất có lợi cho các quyết định mà bề trên tổng quyền phải đưa ra này nhắm tới điều gì thưa cha?

Ðáp: Mục đích chính là hiểu biết các lựa chọn phải làm, bởi vì đối với dòng Tên và đối với tất cả các tu sĩ của dòng trung thành một cách sáng tạo với ơn gọi và sứ mệnh riêng của mình là điều quan trọng và nền tảng. Khi ngắm nhìn thánh Ignazio, chúng tôi phải liên tục theo đuổi con đường trở về nguồn gốc của chúng tôi. Ðây là điều mà Công Ðồng Chung Vaticăng II đã muốn, và quyết định này đã là việc cứu vãn đối với cuộc sống tu sĩ, mà trong quan điểm công giáo nó là một gợi hứng của Chúa Thánh Thần.

Hỏi: Có các tiêu chuẩn giúp hiểu làm thế nào để thực hiện sự trung thành này không thưa cha?

Ðáp: Chúng ta hãy nhìn vào kinh nghiệm của 10 tu sĩ dòng Tên đầu tiên, khi thánh Ignazio và các bạn đến Venezia để lấy tầu đi Thánh Ðịa. Dự án đã không thể thực hiện được và biến thành chuyến đi Roma, có tính cách định đoạt đối với dòng, như được kể lại trong các nguồn tài liệu, và như được nhắc tới trong tổng tu nghị lần thứ 36 để bầu vị tổng quyền muà thu năm 2016 vừa qua. Ðây là mẫu mực của Venezia: sự hiệp nhất tâm trí, việc thực hành một cuộc sống khắc khổ, việc gần gũi trong tâm tình và thực tế với người nghèo, việc phân định chung và sự sẵn sàng đối với các đòi hỏi của toàn thể Giáo Hội được ÐTC nhận diện và bầy tỏ.

Hỏi: Thế đâu là sứ mệnh của các tu sĩ dòng Tên thưa cha?

Ðáp: Ngày nay dòng Tên mỗi ngày phải tìm ra con đường giúp thực thị sự hoà giải. Hoà giải trên ba bình diện: với Thiên Chúa, với con người và với môi sinh. Chúng tôi là các cộng sự viên của sứ mệnh của Chúa Kitô, là lý do sự hiện hữu của Giáo Hội, mà chúng tôi là thành phần. Chính kinh nghiệm của Thiên Chúa trao ban trở lại cho chúng tôi sự sự do nội tâm, và dẫn đưa chúng tôi tới việc hướng nhìn ai bị đóng đanh trong thế giới này, để hiểu hơn các lý do của bất công và góp phần vào việc soạn thảo ra các mô thức thay thế hệ thống làm nảy sinh ra nghèo đói, bất công, loại trừ, và khiến cho cuộc sống của hành tinh này gặp nguy hiểm. Như thế chúng tôi phải tái lập một tương quan quân bình với thiên nhiên. Góp phần vào việc hoà giải này cũng có nghĩa là phát triển các khả năng đối thoại giữa các nền văn hoá và các tôn giáo với nhau. Tôi vừa mới trở về từ một chuyến viếng thăm Á châu bên Indonesia, là quốc gia có đông tín hữu hồi nhất thế giới. Tôi đã nói chuyện lâu với một nhóm trí thức hồi, và bên Campuchia tôi đã gặp gỡ các nhà sư phật giáo , để làm chứng cho các khả thể cộng tác giữa các tôn giáo như là các yếu tố giúp tạo thuận tiện cho sự thoả thuận và chung sống hoà bình, và như là các con đường của việc tìm kiếm tinh thần.

Hỏi: Làm sao có được sự hoà giải này thưa cha?

Ðáp: Ðiều nòng cốt là sự hoán cải cá nhân, cộng đoàn cho việc phổ biến, là một từ ám chỉ sự cần thiết tông đồ của sứ mệnh, và sự cần thiết cơ cấu để tổ chức các cơ cấu làm việc và cai quản của chúng tôi hướng về việc thực thi sứ mệnh ấy. Ðó là sứ mệnh riêng của những người cảm thấy mình được mời gọi là tu sĩ dòng Tên.

(Oss. Rom 26-7-2017)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page