Kỷ niệm 100 năm thư Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XV
gửi hàng lãnh đạo các quốc gia lâm chiến
Kỷ niệm 100 năm thư Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XV gửi hàng lãnh đạo các quốc gia lâm chiến.
Vatican (9-08-2017) - Cách đây 100 năm ngày mùng 1 tháng 8 năm 1917 Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XV đã gửi quốc trưởng các nước tham gia Ðệ nhất thế chiến một bức thư tựa đề "Thư gửi các vị lãnh đạo các dân tộc lâm chiến", trong đó ngài mạnh mẽ lên án chiến tranh và định nghĩa thế chiến thứ nhất là "một tai ương vô ích". Ðây là một tài liệu quan trọng nhất trong số các tài liệu công bố trong hơn bốn năm chiến tranh máu lửa tàn khốc, khiến cho hơn 16 triệu người chết, trong đó có khoảng 9 triệu binh sĩ của mọi nước tham chiến và hơn 20 triệu người bị thương và tàn tật suốt đời.
Chính trong bầu khí chiến tranh ấy, Ðức Biển Ðức XV đã được bầu làm Giáo Hoàng ngày mùng 3 tháng 9 năm 1914, một tháng sau khi Ðệ nhất thế chiến bùng nổ, sau ba ngày họp mật nghị với sự tham dự các Hồng Y chia thành hai phe rõ rệt: một bên là 6 Hồng Y người Pháp, 2 vị người Anh, 1 vị người Ai len và 1 vị người Bỉ; bên kia là 4 vị người Áo Hungari và 2 vị người Ðức.
Trong bầu khí cuồng loạn của chủ thuyết duy quốc gia đầu độc tâm trí của các vị lãnh đạo chính trị, nhà văn, nhà thơ và giới trí thức thời bấy giờ, các lời kêu gọi ngưng chiến của Ðức Biển Ðức XV chỉ là tiếng kêu trong sa mạc.
Và chính việc Toà Thánh chọn lựa thái độ không thiên vị giữa các phe phái lâm chiến như con đường chính của Giáo Hội hồi thế kỷ thứ XIX đã khiến cho Toà Thánh Vaticăng bị cô lập hóa một cách thê thảm và bị chống đối, tuy ngày nay nó được xem như là một lập trường khôn ngoan và nhìn xa thấy rộng. Ðức Biển Ðức XV và Ðức Hồng Y Pietro Gasparri, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, đã làm tất cả những gì có thể để giữ cho Italia đứng ngoài vòng, không tham gia thế chiến. Nhưng không phải chỉ có các giới chức chính trị, xã hội và trí thức, mà cả các Hội Ðồng Giám Mục, hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân thời bấy giờ, cũng đều ủng hộ các chính quyền của mình tham chiến. Ngay trong hàng ngũ các Hồng Y cũng xảy ra chia rẽ.
Lập trường không thiên vị đã khiến cho Ðức Biển Ðức XV mạnh mẽ lên án thế chiến thứ nhất, và trong sứ điệp gửi ngày 28 tháng 7 năm 1915 nhân kỷ niệm một năm thế chiến thứ nhất bùng nổ, ngài gọi nó là "cuộc tàn sát rùng rợn từ một năm qua đã lấy mất danh dự của Âu châu". Ðây cũng là những lời ngài sẽ lập lại hai năm sau đó. Với một trực giác ngôn sứ Ðức Biển Ðức XV khẳng định rằng chiến tranh sẽ là "sự tự tử của Âu châu". Ðây là kiểu nói ngài đã sử dụng nhiều lần, như trong thư gửi Ðức Hồng Y Pompilj ngày mùng 4 tháng 3 năm 1916, và trong thư gửi Ðức Hồng Y Pietro Gasparri ngày mùng 5 tháng 5 năm 1917, cũng như trong diễn văn đọc trước Hồng Y đoàn ngày 24 tháng 12 năm 1917.
Tương lai sẽ chứng minh cho sự thật này, khi Âu châu bắt đầu xuống dốc, mất đi vai trò trung tâm của mình, trước sự đi lên của các dân tộc khác, và thế đứng bá quyền của Mỹ. Nhưng xem ra đã chỉ có Toà Thánh là nhận ra ngay lập tức sức lan tràn không thể kiểm soát nổi của sự say mê duy quốc gia quá khích này. Ðã không có ai chú ý tới các nhục nhã mà các quốc gia lâm chiến áp đặt lên nhau, gây ra các thù hận và oán ghét, trước sau gì cũng sẽ bùng nổ trong các xung đột mới. Sự nhục nhã mà nước Ðức đã gây ra cho Pháp trong năm 1870 đã là một bài học không dậy được ai hết. Nhưng đây là điều Ðức Biển Ðức XV đã nhận ra và cảnh cáo một cách khôn ngoan trong Tông huấn công bố ngày 28 tháng 7 năm 1915 khi viết: "Các quốc gia không chết: bị hạ nhục và đàn áp, chúng run rẩy mang ách được áp đặt trên chúng, bằng cách chuẩn bị sự phản công, và bằng cách thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một gia tài của thù hận và báo oán". Ước muốn rửa hận ấy tiêm độc dược vào lòng xã hội và bầu khí chung của Âu châu, và trong vài trường hợp lan tràn xa hơn đệ nhị thế chiến.
Toà Thánh đã làm hết cách để giữ cho Italia ở ngoài vòng chiến, bằng cách gửi Ðức Ông Eugenio Pacelli, Sứ thần tương lai bên Ðức, sang Vienne để thuyết phục hoàng đế nước Áo nhượng vùng Trentino cho Italia, nhưng mọi sự hoàn toàn vô ích. Áo không muốn nhượng, và Italia muốn chiến tranh. Ðường lối chính trị hoà bình của Toà Thánh và của Ðức Biển Ðức XV thất bại. Các nỗ lực của Toà Thánh gia tăng trong năm 1917, khi Hoa Kỳ gia nhập thế chiến, Nga hoàng từ chức, và chế độ quân phiệt Ðức quốc thắng thế tại Berlin, các vụng về của hoàng đế Carlo I, các dấu hiệu mệt mỏi và suy sụp của đạo binh các nước lâm chiến, và các hiểm nguy của khuynh hướng xã hội chủ nghĩa triệt để đã khiến cho Ðức Biển Ðức XV và Ðức Hồng Y Gasparri từ chỗ làm trung gian thinh lặng bước sang đề nghị hoà bình cụ thể. Ðây là lý do của bức thư "gửi hàng lãnh đạo các quốc gia lâm chiến" được gửi một cách trực tiếp hay gián tiếp qua ngã ngoại giao tới mọi chính quyền các nước tham gia đệ nhất thế chiến.
Sau đây là nội dung bức thư Ðức Biển Ðức XV công bố ngày 1 tháng 8 năm 1917, tức cách đây đúng 100 năm.
Mở đầu thư Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XV nêu bật đường hướng chính trị "hoàn toàn không thiên vị" của Toà Thánh và của Giáo Hội công giáo, ngay từ khi thế chiến bắt đầu, phù hợp với địa vị là cha chung của mọi người và yêu thương mọi con cái như nhau "không phân biệt quốc tịch cũng như tôn giáo". Ngài cũng nhắc lại mọi sáng kiến đã đưa ra giúp hoà giải các phe lâm chiến sau 3 năm chết chóc đẫm máu và tàn phá, khiến cho Âu châu có nguy cơ đi tới một cuộc tự tử đích thật" . Tuy đã không bỏ qua khả thể nào, và không ngừng khích lệ các dân tộc và các chính quyền lâm chiến tái trở lại là anh em với nhau, nhưng rất tiếc tất cả mọi cố gắng của Toà Thánh đã vô ích. Ngay cuối năm thứ nhất Toà Thánh đã tha thiết khích lệ và kêu gọi cũng như đề ra con đường phải theo để đạt tới một nền hoà bình ổn định và xứng đáng cho tất cả mọi người, nhưng rất tiếc lời kêu gọi đã không được lắng nghe: chiến tranh đã tiếp diễn thêm hai năm nữa với tất cả các kinh hoàng của nó: lan tràn ra trên đất liền, trên biển khơi, và cả trên không trung nữa, khiến cho các thành phố, làng mạc và dân chúng vô tội phải sống cảnh tang thương và chết chóc. Chẳng lẽ thế giới văn minh này phải trở thành cánh đồng chết hay sao? Chẳng lẽ Âu châu vinh quang tươi nở phong phú lại bị đảo lộn bởi một sự điên loạn đại đồng biến thành vực thẳm và đi tới một việc tự tử đích thật hay sao?
Không vì các đường lối chính trị đặc biệt nào, cũng không phải vì sự gợi ý hay lợi lộc của các phe phái lâm chiến nào, nhưng chỉ vì ý thức bổn phận của vị cha chung của các tín hữu, Toà Thánh lại lên tiếng kêu gọi hoà bình và lập lại lời kêu gọi nồng nhiệt các vị nắm trong tay vận mệnh các quốc gia dân tộc, đưa ra các đề nghị cụ thể hơn và mời gọi các chính quyền và dân tộc lâm chiến thỏa hiệp với nhau trên các điểm sau đây để đạt một nền hoà bình công bằng và lâu dài.
Ðiểm nền tảng là phải thay thế sức mạnh vật chất của vũ khí bằng sức mạnh luân lý của quyền lợi. Vì thế cần có một thoả hiệp công bằng giữa tất cả mọi phiá trong việc giảm thiểu đồng loạt các vũ khí, theo các điều lệ và bảo đảm cần thiết định trong mức độ cần thiết, nhằm duy trì trật tự công cộng trong từng quốc gia, bằng cách chấp nhận cơ cấu trọng tài có nhiệm vụ bảo hoà theo các điều lệ cần cùng nhau đưa ra và các trừng phạt chống lại quốc gia nào vi phạm và đặt để các vấn đề quốc tế cho sự phân xử hay chấp nhận quyết định của việc phân xử đó.
Ngoài ra cần phải tái mở các đường giao thông và bảo đảm việc tự do đi lại của các dân tộc. Ðiều này sẽ loại trừ nhiều lý do xung khắc và mở ra cho mọi người các nguồn phong phú và tiến bộ mới.
Liên quan tới các thiệt hai và chi phí chiến tranh cần có điều lệ tổng quát tha nợ hoàn toàn cho nhau. Ðiều này được biện minh bởi các lợi ích vô biên của việc giải trừ võ trang. Nhất là thật vô lý tiếp tục cuộc tàn sát chỉ vì các lý do thuộc trật tự kinh tế. Tuy nhiên, các thoả hiệp hoà bình này với các lợi thế vô cùng phát sinh từ đó sẽ không thể thực hiện được, nếu không trả lại cho nhau các vùng đất đã chiếm hiện nay. Từ phía Ðức phải rút lui toàn bộ khỏi nước Bỉ, bảo đảm sự độc lập hoàn toàn của nó trên bình diện chính trị, quân sự và kinh tế trước bất cứ cường quốc nào khác, cũng như rút lui khỏi đất Pháp. Từ phiá đối lập cũng phải trả lại cho Ðức các vùng đất của họ. Liên quan tới các vấn đề tranh chấp đất đai giữa Italia và Áo, giữa Ðức và Pháp, vì các lợi ích to lớn của một nền hoà bình lâu dài, các phiá liên hệ cần duyệt xét với tinh thần hoà giải, chú ý tới các khát vọng của các dân tộc, trong mức độ công bằng và có thể, và phối hợp các lợi lộc riêng với các lợi lộc chung của gia đình nhân loại.
Tinh thần bình đẳng và công bằng đó cũng phải hướng dẫn việc xem xét tất cả các vấn đề đất đai và chính trị khác liên quan tới Armenia, các quốc gia vùng Balcan và các nước thuộc vương quốc Ba Lan xưa kia, mà các truyền thống lịch sử cao quý và các khổ đau phải chịu đặc biệt trong cuộc chiến này, phải có được cảm tình của các quốc gia khác.
Kết luận thư gửi hàng lãnh đạo các quốc gia lâm chiến Ðức Biển Ðức XV khẳng đinh rằng đó là các nền tảng quan trọng đối với tương lại của các dân tộc. Chúng cho phép không lập lại các xung khắc tương tự nữa, và chuẩn bị giải pháp cho vấn đề kinh tế vô cùng quan trọng đối với tương lai và hạnh phúc vật chất của tất cả mọi quốc gia lâm chiến. Toà Thánh hy vọng rằng các đề nghị này sẽ được chấp thuận để chấm dứt mau chóng chừng nào có thể các chống đối kinh khủng này, mà mỗi ngày qua đi đều cho thấy nó là một tai ương vô ích. Ngoài ra tất cả đều thừa nhận rằng danh dự của quân đội được cứu thoát phía bên này cũng như phía bên kia. Vì thế xin hãy lắng nghe lời cầu xin của chúng tôi, xin hãy tiếp nhận lời mời gọi hiền phụ mà chúng tôi gửi tới quý vị nhân danh Chúa Cứu Thế, Hoàng Tử Hoà Bình. Xin hãy nghĩ tới trách nhiệm vô cùng nặng nề của quý vị trước mặt Thiên Chúa và loài người. Từ các quyết định của quý vị tuỳ thuộc sự thanh bình và niềm vui của biết bao nhiêu gia đình, cuộc sống của hàng ngàn người trẻ, và chính hạnh phúc của các dân tộc mà quý vị có quyền tuyệt đối mang lại. Xin Chúa gợi hứng cho quý vị có các quyết định phù hợp với ý muốn rất thánh của Ngài, và khiến cho quý vị xứng đáng với lời khen ngợi của hiện tại và bảo đảm cho quý vị tên gọi là những người tạo dựng hoà bình bên các thế hệ tương lai.
Về phần chúng tôi, trong khi sốt sắng hiệp nhất trong lời cầu nguyện và trong hãm mình với mọi linh hồn tín hữu ngưỡng vọng hoà bình, chúng tôi khẩn nài Thiên Chúa ban cho quý vị ánh sáng và cố vấn.
Nhưng rất tiếc mọi lời kêu gọi và nỗ lực của Ðức Biển Ðức XV và Toà Thánh đã không đem lại kết quả nào. Ðệ nhất thế chiến đã tiếp tục với các hậu quả thê thảm của nó trên các dân tộc kitô Âu châu. Những đổ vỡ, chết chóc, tàn phá thương đau đã hằn sâu trong con tim của các dân tộc lâm chiến, và sẽ là các lý do của thế chiến thứ hai, khiến cho hơn 71 triệu người chết trong đó có hơn 22.5 triệu binh sĩ, và hơn 48.5 triệu thường dân.
Với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ nhiều năm qua, với các tai ương thiên nhiên và nạn khủng bố phá hoại cũng như khuynh hướng ái quốc quá khích và cuộc nổi dậy của hằng trăm nhóm phiến quân hồi vũ trang đó đây trên thế giới, với bầu khí căng thẳng giữa các quốc gia, đặc biệt là giấc mộng chế tạo các vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, các tranh chấp Biển Ðông giữa Trung Quốc, Hoà Kỳ, Nhật Bản, Úc Ấn Ðộ và các quốc gia vùng Ðông Nam Á, các trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Âu châu đối với Liên Bang Nga, chúng ta bắt buộc phải tự hỏi liệu thế giới có thoát khỏi Ðệ Tam Thế Chiến và chiến tranh nguyên tử hay không?
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)