Sứ điệp Ðức Thánh Cha

gửi Hội nghị Thượng Ðỉnh G-20

 

Sứ điệp Ðức Thánh Cha gửi Hội nghị Thượng Ðỉnh G-20.

Vatican (SD 7-07-2017) - Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các chính phủ dành ưu tiên cho những người nghèo khổ không phân biệt chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, và loại bỏ các cuộc xung đột võ trang.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp gửi đến thủ tướng Ðức, Bà Angela Merkel, để chuyển tới Hội nghị thượng đỉnh của 20 cường quốc kinh tế, gọi là G-20, tiến hành tại thành phố Hamburg, Bắc Ðức, trong hai ngày 7 và 8 tháng 7 năm 2017.

Ðức Thánh Cha khẳng định rằng:

"Nơi tâm trí của các nhà cầm quyền và trong mỗi giai đoạn thực hiện các biện pháp chính trị, có một nhu cầu cần dành ưu tiên tuyệt đối cho người nghèo, người tị nạn, những người đau khổ, tản cư và bị loại trừ, không phân biệt quốc gia, chủng tộc, tôn giáo hoặc văn hóa, và loại bỏ các cuộc xung đột võ trang".

Ðức Thánh Cha tha thiết kêu gọi các vị Quốc trưởng và thủ tướng chính phủ tại Hội nghị G-20 cũng như toàn thể cộng đoàn thế giới quan tâm tới thảm trạng của Nam Sudan, vùng Hồ Tchad, vùng Sừng ở Phi châu và Yemen, nơi đang có 30 triệu người không có lương thực và nước để sống còn. Sự dấn thân cấp thiết đáp ứng những tình trạng đó và nâng đỡ cấp thời cho các dân tộc ấy là một dấu chỉ chứng tỏ sự dấn thân nghiêm túc và chân thành trong ngắn hạn để cải tổ kinh tế thế giới và bảo đảm cho nó được phát triển hữu hiệu".

Trong Sứ điệp, Ðức Thánh Cha cũng kêu gọi các nước thuộc khối G-20 nỗ lực giảm bớt những mức độ xung đột, chặn đứng sự chạy đua võ trang hiện nay và từ khước không xen mình trực tiếp hoặc gián tiếp vào các cuộc xung đột.. Thật là một điều mâu thuẫn bi thảm và lời nói không đi đôi với việc làm khi mà bề ngoài có vẻ hiệp nhất trong những diễn đàn chung với mục đích kinh tế, hoặc xã hội, mà lại cố tình muốn hoặc chấp nhận sự kéo dài các cuộc xung đột võ trang.

Ðức Thánh Cha kêu gọi các vị lãnh đạo trong khối G-20 suy nghĩ về sự kiện khối này đại diện cho 90% mức sản xuất thế giới về các hàng hóa và dịch vụ, trong khi đa số các nước còn lại chỉ đại diện cho 10% mức sản xuất. Phần này của nhân loại có tiềm năng lớn lao để góp phần vào sự tiến bộ của tất cả mọi người.

Ngoài ra, cần luôn tham chiếu về Liên Hiệp Quốc, các chương trình và các tổ chức liên hệ của Liên Hiệp Quốc, cũng như các tổ chức miền, tôn trọng và thi hành các hiệp ước quốc tế và tiếp tục cổ võ đặc tính đa phương, để các giải pháp thực sự có tính chất hoàn vũ và lâu bền, mưu ích cho tất cả mọi người". (SD 7-7-2017)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page