Kitô hữu là những người
noi gương Chúa Giêsu đi ngược dòng đời
Kitô hữu là những người noi gương Chúa Giêsu đi ngược dòng đời.
Vatican (Vat. 28-06-2017) - Kitô hữu là những người theo Chúa Giêsu đi ngược dòng đời bị ghi dấu bởi tội lỗi biểu lộ dưới nhiều hình thức của ích kỷ và bất công. Họ trung thành với Chúa và làm chứng cho Ngài cho tới chỗ anh hùng, từ bỏ và hy sinh chính mình cho tới chết vì Tin Mừng. Nhưng tử đạo không phải là lý tưởng cao nhất của cuộc sống kitô. Bởi vì trên nó còn có lòng bác ái, là tình yêu thương đối với Thiên Chúa và tha nhân. Sức mạnh đó là dấu chỉ niềm hy vọng lớn lao linh hoạt các vị tử đạo, một niềm hy vọng chắc chắn rằng không có gì và không ai có thể chia lìa họ khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 28 tháng 06 năm 2017. Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha khai triển đề tài "Niềm hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo", bằng cách giải thích ý nghĩa vài câu trong chương 10 Phúc Âm thánh Mátthêu viết rằng: "Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. "Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ... "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát." (Mt 19,16-17.21-22). Ðức Thánh Cha nói: Trong Phúc Âm khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo, Ngài không lừa dối các ông với các ảo ảnh của thành công dễ dãi, trái lại, Ngài báo trước một cách rõ ràng rằng việc loan báo Nước Thiên Chúa luôn luôn bao gồm một sự chống đối. Và Chúa cũng dùng một kiểu nói lạ lùng: "Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét." (Mt 10,22). Các kitô hữu yêu thương, nhưng họ không luôn luôn được yêu thương. Chúa Giêsu đã lập tức đặt để chúng ta trước thực tại này: trong một mức độ nào đó ít nhiều mạnh mẽ việc tuyên xưng đức tin xảy ra trong một bầu khí thù nghịch.
Ðức Thánh Cha định nghĩa các kitô hữu như sau:
Như thế các kitô hữu là những người nam nữ đi "ngược dòng đời": Ðó là điều bình thường, bởi vì thế giới bị ghi dấu bởi tội lỗi, được biểu lộ ra trong nhiều hình thức khác nhau của ích kỷ và bất công, ai theo Chúa Kitô thì bước đi trên hướng ngược lại. Không phải vì tinh thần tranh luận nhưng vì trung thành với cái luận lý của Nước Thiên Chúa, là một luận lý của niềm hy vọng và được diễn tả ra trong kiểu sống dựa trên các chỉ dẫn của Chúa Giêsu.
Chỉ dẫn thứ nhất là sự nghèo khó. Khi Chúa Giêsu gửi các môn đệ đi truyền giáo, xem ra Ngài chú ý đến sự "lột bỏ các vị" nhiều hơn là "mặc cho các vị". Thật thế, một kitô hữu không khiêm tốn và nghèo khó, tách rời khỏi các giầu sang và quyền bính và nhất là tách rời khỏi chính mình, thì không giống Chúa Giêsu. Kitô hữu đi trên con đường của mình trong thế giới với cái nòng cốt cho lộ trình, nhưng với con tim tràn đầy tình yêu thương. Sự thất bại đích thật của họ là rơi vào trong cám dỗ của báo thù và bạo lực, bằng cách lấy sự dữ đáp trả lại sự dữ. Chúa Giêsu nói: "Thầy sai anh em như chiên vào giữa sói" (Mt 10,10). Như vậy, không mõm, không móng vuốt, không vũ khí. Kitô hữu trái lại phải thận trọng, đôi khi cũng phải mưu mẹo: đây là các nhân đức được luận lý tin mừng chấp nhận. Nhưng không bao giờ bạo lực. Ðể đánh bại sự dữ không thể chia sẻ các phương pháp của sự dữ.
Ðức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ:
Sức mạnh duy nhất của kitô hữu là Tin Mừng. Trong các thời điểm khó khăn phải tin rằng Chúa Giêsu ở trước mặt chúng ta, và không ngừng đồng hành với các môn đệ Ngài. Bách hại không phải là một mâu thuẫn đối với Tin Mừng, nhưng là phần của nó: nếu họ đã bách hại Thầy của chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể hy vọng rằng chúng ta được miễn phải chiến đấu? Tuy nhiên, giữa cơn lốc xoáy, kitô hữu không được mất đi niềm hy vọng, nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ rằng: "Cả đến tóc trên đầu các con cũng đã được đếm rồi" (Mt 10,30). Như thể nói rằng không có khổ đau nào của con người, kể cả các khổ đau nhỏ nhặt và kín ẩn nhất, là vô hình đối với con mắt của Thiên Chúa. Thiên Chúa trông thấy, chắc chắn che chở và giải thoát. Thật ra giữa chúng ta có Ai đó mạnh mẽ hơn sự dữ, mạnh mẽ hơn các tổ chức tội phạm, các mưu mô đen tối, mạnh mẽ hơn kẻ kiếm lời trên da thịt của những người tuyệt vọng, của ai nghiền nát kẻ khác với sự đàn áp... Có Ai đó luôn lắng nghe tiếng máu của Abel kêu lên từ đất.
Như vậy các kitô hữu phải luôn luôn ở phiá bên kia của thế giới, phía được Thiên Chúa lựa chọn: chứ không phải là các người bách hại, không ngạo mạn nhưng khiêm tốn; không phải là những kẻ bán khói, nhưng là những người phục tùng sự thật, không phải là những người lừa đảo nhưng liêm chính.
Ðức Thánh Cha định nghĩa kiểu sống này của Kitô hữu như sau:
Sự trung thành với kiểu sống của Chúa Giêsu - là kiểu sống của niềm hy vọng - cho tới chết, sẽ được các kitô hữu tiên khởi gọi với một tên rất đẹp "martirio" có nghĩa là "chứng tá". Có biết bao nhiêu khả thể khác do từ này cống hiến: ta có thể gọi nó là sự anh hùng, sự từ bỏ, hy sinh chính mình. Trái lại, các kitô hữu tiên khởi đã gọi nó với một tên có hương vị của việc làm môn đệ. Các vị tử đạo không sống cho chính mình, không chiến đấu để khẳng định các tư tưởng riêng, và chấp nhận phải chết chỉ vì trung thành với Tin Mừng. Tử đạo cũng không phải lý tưởng tối cao của cuộc sống kitô, bởi vì trên nó còn có tình bác ái, được hiểu như là tình yêu thương đối với Thiên Chúa và tha nhân. Thánh Phaolô đã nói rất rõ trong bài thánh thi bác ái: "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi." (1 Cr 13,3). Các kitô hữu ghê tởm tư tưởng các người tự tử mưu sát được gọi là "tử đạo": không có gì trong mục đích của nó có thể được để gần với thái độ của các con cái của Thiên Chúa.
Ðôi khi đọc lịch sử của biết bao vị tử đạo hôm qua và ngày nay - nhiều hơn các thời kỳ ban đầu - chúng ra kinh ngạc trước sức mạnh của các vị khi đương đầu với thử thách. Sức mạnh đó là dấu chỉ của niềm hy vọng lớn lao linh hoạt các vị: niềm hy vọng rằng không có gì và không có ai có thể tách rời các vị khỏi tình yêu của Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô (x. Rm 8,38-39)
Xin Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta sức mạnh là các chứng nhân của Ngài. Xin Chúa ban cho chúng ta sống niềm hy vọng kitô, nhất là trong sự tử đạo kín ẩn chu toàn tốt và với tình yêu thương các bổn phận thường ngày của chúng ta.
Ðức Thánh Cha đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài đặc biệt chào ban nhạc La Rosablanche, và mời gọi các tín hữu Pháp và Thụy Sĩ đọc cuộc đời các vị tử đạo để khám phá ra các vị đã đương đầu với các thử thách với sức mạnh nào.
Chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Êcốt, vùng Galles, Thuỵ Ðiển, Australia, Hồng Kông, Indonesia, Philippines và Hoa Kỳ, nhất là các thành viên tham dự đại hội về lý do nền tảng của chức Linh mục, ngài cầu chúc họ được nhiều niềm vui và sự bình an của Chúa.
Trong số các nhóm nói tiếng Ðức ngài đặc biệt chào người trẻ vùng Oldenburger Muensterland và cầu mong mọi người biết sống chứng tá cho Chúa Giêsu trong cuộc sống thường ngày.
Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha, Ðức Thánh Cha nhắc ngày 29 tháng 6 là lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô Phaolo là các vị đã hiến dâng mạng sống vì tình yêu Chúa Kitô, xin các thánh cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng ta tất cả sức mạnh để làm chứng cho niềm hy vọng kitô bằng cách chu toàn bổn phận hằng ngày.
Với các nhóm nói tiếng Bồ Ðào Nha, Ðức Thánh Cha cám ơn các lời cầu nguyện của họ cho sứ vụ Phêrô của ngài.
Với các đoàn hành hương Ba Lan, Ðức Thánh Cha đặc biệt chào các tín hữu về Roma hành hương tháp tùng các Tổng Giám Mục sẽ nhận dây Pallium vào ngày 29 tháng 6. Ngài khích lệ mọi người xin hai thánh Phêrô Phaolô bầu cử với Chúa cho họ là các chứng nhân trung thành của Chúa trong cuộc sống mọi ngày.
Trong các nhóm Italia, Ðức Thánh Cha chào các nữ tu Thăm viếng Ốc đảo Tabor và các nữ tử Chúa Quan Phòng đang tham dự tổng tu nghị tại Roma, các tham dự viên hội nghi của Hiệp hội thân nhân của giáo sĩ Italia. Ngài nhắn nhủ họ vun trồng tình bạn với các linh mục, cách riêng với các vị cô đơn nhất bằng cách yểm trợ ơn gọi và sứ vụ của các vị. Ngài cũng chào các tham dự viên cuộc hành hương đền thánh Santiago di Compostella theo Con lộ Francigena, các quân nhân lữ đoàn 17 Acqui Capua, tín hữu Altamura và đoàn múa cờ tỉnh Grumo Appula.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn. Ngài nhắc cho mọi người biết ngày 29 tháng 6 lễ kính hai thánh tông đồ Phêro Phaolo, Bổn Mạng Giáo Hội Roma. Ngài chúc các bạn trẻ noi gương hai thánh tông đổ tử đạo can đảm làm chứng cho các giá trị Tin Mừng; người đau yếu được các vị trao ban hy vọng trong thử thách khổ đau, và các cặp vợ chồng mới cưới biết dậy dỗ con cái sống đạo hạnh, tận hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)