Ðại Hội Công Giáo Việt Nam Ðức Quốc
lần thứ 41 tại thành phố Aschaffenburg
Ðại Hội Công Giáo Việt Nam Ðức Quốc lần thứ 41 tại thành phố Aschaffenburg.
Aschaffenburg (VietCatholic News 11-06-2017) - Ðại Hội Công Giáo Việt Nam Ðức Quốc lần thứ 41 tại thành phố Aschaffenburg.
Ðẹp thay Ðại Hội Chúa Thánh Thần
Bảy ơn cần kíp để canh tân
Giúp con sửa đổi thay cuộc sống
Cao sang dấn bước tiến lên dần.
Ngày Khai Mạc Ðại Hội
Từ sáng thứ bảy 03 tháng 06 năm 2017 từng đoàn người nô nức từ khắp muôn phương trên nước Ðức, có những người đến từ xa hơn như Hòa Lan, Bỉ, Pháp, Tiệp -Khắc, Ukraina v.v... tìm về thánh phố Aschaffenburg để tham dự Ðại Hội Công Giáo hằng năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Ghi danh nhận phòng tất bật đúng như ý nghĩa của ngày Ðại Hội. Tiếng chào hỏi xôn xao tay bắt mặt mừng vui hớn hở. Năm nay tôi thấy có đông các nam nữ tu sỹ trẻ tham dự, các bạn trẻ cũng thế, hình như mỗi năm số các bạn trẻ lại tăng dần lên, đây là dấu hiệu đáng mừng cho Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Ðức.
-
Ðúng 18.30 tại hội trường Aschffenburg thuộc tiểu bang Bayern
Ông chủ tịch Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam. Gioan Baotixita
Phùng Khải Tuấn đã thay mặt Ban Chấp Hành, và Ban Tổ Chức
chào mừng đến qúy Linh Mục Tu Sỹ cùng toàn thể qúy vị
tham dự viên đã hiện diện trong ngày hôm nay tại đây.
Ðặc biệt ông chào mừng đến các bạn trẻ vào các cháu
thiếu nhi. Các bạn các cháu sẽ là rường cột tương lại
kế tiếp cho Liên Ðoàn Công Giáo và cho tương lại Việt Nam
của chúng ta. Ðặc biệt hơn nữa là Ông trân trọng giới
thiệu và chào mừng Linh Mục Viện trưởng Viện Thần Học
Giáo Hoàng, đến từ Roma. Cha Thomas Nguyễn Ðình Anh Nhuệ.
Ðại Hội Công Giáo Việt Nam Ðức Quốc lần thứ 41 tại thành phố Aschaffenburg. |
Ông cũng chào mừng và giới thiệu Linh Mục Phaolô Phan Ðình Dũng, đang quản Giáo Xứ Ðức lần đầu tiên đến với Ðại Hội và sẽ đặc trách cho giới trẻ trong Ðại hội lần này.
Ðại Hội năm nay diễn ra vào dịp kỷ niệm 100 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima với thông điệp: " Hãy ăn năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm và siếng năng lần chuỗi Mân Côi. Thưa Qúy Vị, cách đây 42 năm Quê hương Tổ quốc Việt Nam chúng ta bước sang giai đoạn đau thương, chúng ta là những người con dân đất nước Việt Nam, tuy sống xa ngoài quê hương, nhưng lúc nào cũng hướng về Quê cha Ðất tổ với lòng yêu mến và biết ơn. Xin Thiên Chúa nhờ lời bầu cử của Ðức Mẹ La Vang và các Thánh Tử đạo Việt Nam chúc phúc lành cho Ðại Hội chúng ta được thành công tốt đẹp.
Cùng trong tâm tình vui mừng khai mạc Ðại Hội Cồng Giáo chúng con xin chúc mừng. Thầy Ðaminh Bùi Trọng Biên, thuộc giáo phận Fulda và Thầy Phêrô Nguyễn Ðức Thiện, thuộc Tổng giáo phận Paderborn đã nhận chức linh mục ngày 03 tháng 06 năm 2017 sáng hôm nay. Xin chúc mừng Hai Cha mới. Và chúng con cũng chúc mừng Ngân khánh Linh mục của Cha Phaolô Phạm Văn Tuấn và Cha Giuse Huỳnh Công Hạnh.
Giờ đây thay mặt Ban tổ chức con xin long trọng khai mạc Ðại Hội Công Giáo Việt Nam tại Ðức kỳ thứ 41 với chủ đề ''LAUDATO SI , Hãy Ngợi Khen Chúa''.
"Ðại Hội Công Giáo Việt Nam tại Ðức Quốc" lần thứ 41 đã được lọng trọng khai mạc ngay sau bài diễn văn chào mừng của ông chủ tịch Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam Gioan Baotixita Phùng Khải Tuấn.
- Cây Thánh Giá của giới trẻ đã được rước lên bàn Thánh do một Sr trẻ cùng bẩy em thiếu niên rất trẻ cầm biểu tượng của bẩy ơn Chúa Thánh Thần và đông đảo giới trẻ.
Tiếp theo là các em giúp lễ và đoàn đồng tế tiến lên lễ đài.
Trước khi khai mạc thánh lễ Linh Mục Stêphanô Bùi Thượng Lưu đại diện Tuyên úy đoàn chào mừng Ðại Hội. Cha cũng chào mừng và chúc mừng tới sự hiện diện của qúy Linh Mục, tu sỹ qúy cha giảng thuyết. Ðặc biệt cha cũng chào mừng và khen ngợi các em thanh thiếu niên hôm nay hiện diện rất đông đảo. Ðiển hình là ca đoàn trẻ, rất trẻ với hơn 70 ca viên. Cha mong rằng chúng con phát triển lên mãi. Cha và các bậc cha mẹ luôn hãnh diện vì các con. Hôm nay ca đoàn các bạn trẻ sẽ đảm trách hát trong toàn bộ thánh lễ khai mạc Ðại Hội, đây là một sự hãnh diện của chúng ta. Cha cũng giới thiệu cha chủ tế và chia sẻ Lời Chúa hôm nay là Linh Mục Phaolô Phan Ðình Dũng.
Và đoàn dâng hoa trước thánh lễ do các em ở Wiesbaden và Frankfurt với ý nghĩa 100 năm Ðức Mẹ Maria hiện ra với 3 trẻ tại Fatima khuyên lần chuỗi Mân Côi.
Ca đoàn trẻ khoảng 70 em thanh thiếu niên đã dâng những lời ca tiếng hát của mình bằng cả 3 ngôn ngữ Ðức, Anh, Việt rất điêu luyện. Cảm ơn các bạn thuộc thế hệ trẻ Việt Nam tại Ðức. Thánh lễ hôm nay do Linh Mục Phaolô Phan Ðình Dũng chủ tế và chia sẻ Lời Chúa bằng song ngữ Ðức Việt rất linh động lưu loát và tràn đấy hứng khởi cho toàn Ðại Hội với chủ đề Laudato Si (Ngợi khen Chúa) Ðây là thông điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành để bảo vệ trái Ðất mà Thiên Chúa đã ban cho chúng con cái Ngài là chúng ta đang ở, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ nó.
Linh Mục Phaolô Phan Ðình Dũng đã chia sẻ lời Chúa dựa theo chủ đề Ðại Hội thật tuyệt vời! cha đã nói thật lưu loát cả hai ngôn ngữ Ðức -Việt cho các em và toàn thể đại hội cùng hiểu thật rõ ràng. Quả thật ngài có tài diễn thuyết thật rõ ràng và sâu sắc. Mong sao trong tương lai ngài sẽ giúp cho giới trẻ Việt Nam tại Ðức được nhiều hơn và thường xuyên hơn.
Tất cả các chương trình khai mạc và trọn ngày đầu tiên là do giới trẻ đảm trách thật sốt sắng, nhiệt thành, hăng say và tuyệt vời.
Sau thánh lễ nghỉ giảo lao ít phút là chương trình lại bắt đầu sinh hoạt giới trẻ tại hội trường chính tôi cũng rất phục các bạn trẻ hôm nay vì trời nóng qúa nhất là trong hội trường vậy mà các bạn vẫn cô gắng sinh hoạt thật nhiệt thành, những màn hoạt cảnh theo chủ đề của Ðại Hội như thông điệp của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô '' LAUDATO SI , Hãy Ngợi Khen Chúa''. Cảm ơn các bạn trẻ thật nhiều.
Song song với sinh hoạt giới trẻ bên hội trường phụ thì có Linh Mục Ðaminh Nguyễn Ngọc Long và các bà mẹ Công Giáo hướng dẫn giờ chầu Thánh thể thật đông đảo, lồng trong giờ chầu Thánh Thể có lần hạt "Lòng Chúa Thương Xót" những bài hát, kinh cầu Trái Tim Chúa, còn có kinh cầu Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp và từng người tay cầm những cánh hoa hồng thắm tươi tiến lên dâng kính Ðức Mẹ với những lời khấn nguyện cho Quê Hương, Ðất Nước và Dân Tộc Việt Nam. Kết thúc giờ chầu Thánh Thể với phép lành xong, còn có phần kính các thánh Tử Ðạo Việt Nam và mọi người lên hôn kính xương thánh, kính xin các ngài phù trợ cho Tổ Quốc Việt Nam. Chương trình chấm dứt vào khoảng 23 giờ đêm.
Chúa Nhật: Ngày Chính Của Ðại Hội
Tiết trời hôm nay chúa nhật ngày 04 tháng 06 năm 2017 thật đẹp, khi ánh bình mình vừa ló dạng, thì qúy Sr. cũng hướng dẫn mọi người cất lên những lời kinh để cảm tạ và ca tụng Thiên Chúa.
Hương kinh sáng sớm dâng Ngài
Cảm ơn ngày mới khoan thai dịu dàng
Chan hòa Thần khí ươm vàng
Ðẹp thay! ơn Chúa Thánh Thần ban trao.
Vâng, sáng nay nắng thật nhẹ nhàng, không nắng gắt như ngày hôm qua. Sau giờ kinh sáng do các Sơ hướng dẫn là những ly cà phê thơm ngát và khúc bánh mỳ thịt đã được ban ẩm thực phục vụ chu đáo và rất vui vẻ. Ngày hôm nay cũng nhiều người đến tham dự hơn.
Ðúng 08g30 Linh Mục Thomas Nguyễn Ðình Anh Nhuệ chính thức chia sẻ với Ðại Hội chủ đề Laudato Si "Hãy ngợi khen Chúa" đây không phải là chủ đề mới mẻ gì. Vì trước đây gần chục thế kỷ thánh Phanxicô thành Asisi đã có những suy tư viết ra những chương trình này rồi. Ngài thường gọi vạn vật trong vũ trụ này bằng anh chị em, như là chị Nước, anh Lửa, em Gió, mẹ Ðất, cha Trời v.v....
Những hình ảnh và nhiều câu chuyện thật hay và dí dỏm được ngài lồng vào trong bài thuyết trình bằng song ngữ Việt-Ðức. Những từ ngữ về Thánh Kinh được ngài giải thích thật rõ ràng. Ví dụ: "Như hình lưỡi lửa xuống trên đầu các Tông Ðồ" trong sách Tông Ðô Công Vụ. Nhưng đâu phải là lửa, vì nếu là lửa thì các môn đệ lúc đó làm gì còn tóc. Chắc cháy hết rồi. Hoặc là trong sách Tân Ước nói rằng khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa xong thì Thánh Thần hiện xuống trên Ngài "Như hình chim bồ câu" chứ không phải là hình con chim bồ câu như người ta thường vẽ.v.v... Ðúng như dự đoán của người viết. 2 giờ nói chuyện hình như qúa ngắn cho buổi hội thảo này vì cha Nguyễn Ðình Anh Nhuệ tuy nhỏ con nhưng mà chí lớn, và sự hiểu biết của ngài qủa thực là mênh mông. Cha thông hiểu nhiều ngôn ngữ như: Tiếng Nga, Ba Lan, Ý, Anh, Pháp, v.v... thậm chí cả tiếng Ðức cha phát âm cũng rất chuẩn cha đã thu hút được người nghe không chán nhưng phải ngưng lại vì giờ dâng thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đã đến. Ngài lại tiếp tục chia sẻ trong thánh lễ thật hay và vui tươi đúng là ơn Chúa đang xuống tràn đầy trong ngài thật.
Song song với giờ chia sẻ cho người lớn thì cũng có Linh Mục Phaolô Phan Ðình Dũng hướng dẫn và chia sẻ tâm linh với thanh thiếu niên bên hội trường nhỏ. Phải nói là cả hai thuyết trình viên cho cao niên và thanh thiếu niên năm nay đều còn khá trẻ nhưng rất tuyệt vời với những kiến thức và thông hiểu những vấn đề xã hội và tâm lý của từng giới nên sự thành công là chắc chắn.
Thánh lễ đồng tế hôm nay rất đông Linh Mục và một thầy phó tế. Song song chương trình thánh lễ thì phía bên hội trường phụ cũng có thánh lễ cho thiếu nhi do cha Antôn Ðỗ Ngọc Hà phụ trách nghe cha nói năm nay thiếu nhi rất đông trên 500 em.
Các em cũng được các anh chị huynh trưởng hướng dẫn cho những sinh hoat cầu nguyện và tô vẽ những hình ảnh đạo đức và đầy cả ý nghĩa theo cùng chủ đề "Laudato Si Hãy ngợi Chúa" và bào vệ trái đất với những kỳ công của Ngài.
Trước khi ban phép lành cuối thánh lễ, Linh mục Antôn Ðỗ Ngọc Hà đã dâng thánh lễ cho thiếu nhi thông báo đúng ra theo chương trình thì các em cùng qua đây hiệp chung phần cuối. Nhưng vì năm nay các em đang vẽ rất nhiều băng rôn lớn về thông điệp của Ðức Giáo Hoàng "Laudato Si = Hãy Ngợi Khen Chúa" nên không sang kip. Năm nay hơn 500 em đã tham dự thánh lễ phía bên hội trường phụ, rất cảm ơn các em đặc biệt là các anh chi Huynh Trưởng.
Sau phép lành thánh lễ mừng Ðại Hội Chúa Thánh Thần kết thúc thì các em ào ào cầm những biểu ngữ và hình ảnh bảo vệ môi trường và trái đất kéo sang. Qúy linh mục mời các em thiếu nhi, và ca đoàn chụp hình chung. Cha Stêphanô Ðại diện Tuyên Úy Ðoàn cũng cám ơn các em và hãnh diện vì các em.
Ðẹp Thay! Ðại Hội Chúa Thánh Thần
Cho muôn vạn loài những linh ân
Thổi hương Thần Khí ban sức sống
Như vạn mầu sắc giữa mùa xuân.
Sau cơm trưa là những sinh hoạt ngoài trời như đá banh thể thao do vùng Linh Mục Antôn Ðỗ Ngọc Hà phụ trách. Sinh hoạt thanh thiếu niên do ban thanh niên công giáo v.v.. và v.v...
Ngoài sân hôm nay trời nắng đẹp nên vô cùng nhộn nhịp tưng bừng đúng như ý nghĩa của ngày Ðại Hội Công Giáo toàn quốc. Tôi đi dạo một vòng ra bên ngoài để quan sát và có quay đoạn Video sinh hoạt nhưng vì bài viết dài nên không tiện đưa vào đây.
Buồi chiều 14g30 chương trình tiếp nối đề tài của buổi sáng nay còn giang dở cũng vẫn hấp dẫn như ban sáng, những trận cười vang trong hội trường, mặc dù buổi chiều nay khá oi bức trong hội trường nhưng diễn giả đã khôn khéo lồng vào những bài hát ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa như: Ephata, Laudato Si cho cả hội trường đứng lên cùng múa hát và vỗ tay nên những tham dự viên dẫu có buồn ngủ thì cũng phải tỉnh thức để nghe. Ðây cũng là những kinh nghiệm gia dẵng của những người chuyên môn để thành công của ngày Ðại Hội. Phải cộng nhận rằng đề tài cha soạn rất công phu nhưng không đủ thời gian để chia sẻ nên nhiều mục phải vắn tắt lại cho kịp giờ chầu Thánh Thể lúc 16g30.
Giờ chầu Thánh Thể hôm nay do Linh Mục Vicent Trần Văn Bằng phụ trách vô cùng tâm tình và cảm động. Cha đã có thật nhiều tâm tình và gợi ý để cho chúng ta nâng tâm hồn lên Thánh Thể, những tâm tình nhẹ nhàng như một người con trở về với Cha mình, những tâm tình ngợi khen và tạ ơn trong cuộc sống nơi xứ sở tự do này. Chúa đã ban cho mọi thứ từ không khí trong lành để ta thở, nguồn nước sách cho ta uống, nguồn lương thực nuôi ta sống v.v...
Cúi niệm qùy đây, Nhan Thánh Ngài
Tình Ngài dâng hiến trọn cho ai?
"Cứu Nhân Thập Tự treo dâng hiến
Ðộ Thế Dọc Ngang gạch nối dài"
"Máu Thánh nuôi hồn tươi sự sống
Thần Lương bổ dưỡng chẳng tàn phai"
Giêsu Thánh Thể trong hình bánh
Mãi ở cùng con suốt tháng ngày.
Chúng ta hãy đến với Thánh Thể và tâm tình với Chúa ngự trong đó, và qua đó nuôi hồn ta sống và sẽ sống sung mãn nếu ai siêng năng đến với Thánh Thể Ngài . Giờ chầu chấm dứt lúc 17g30 để giải lao và ăn cơm chiều.
Ðúng 19giờ, theo lời dẫn nhập của MC đến qúy vị quan khách và mọi người đứng dậy trang nghiêm theo nghi thức rước Hoàng Kỳ từ dưới cuối hội trường lên lễ đài. 14 nam thanh nữ tú nghiêm trang bước song hành theo nhịp trống với 2 lá Hoàng Kỳ Việt Nam và quốc kỳ Ðức tiến lên lễ đài nghiêm trang cử hành nghi lễ chào Quốc Kỳ.
Tất
cả quan khách và mọi người theo sự hướng dẫn của MC. nghi
lễ chào cờ với Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa nghiêm trang sốt
sắng. Chúng tôi luôn cảm thấy hãnh diện khi được đứng
dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ biểu tượng của tự do dân
chủ, của lòng thương yêu giữa 3 miền Ðất Nước, của sự
cao sang qúy trọng mà tiền nhân chúng ta để lại đến bây
giờ. Mỗi khi được đứng dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ
và hát Quốc Ca. Tôi luôn cảm thấy một sự cao qúy lạ
lùng như đang sống lại những ngày vàng son trước đây hơn
42 năm trước. Tôi chắc chắn rằng một ngày không xa nữa
lá cờ biểu tượng cho tự do dân chủ này sẽ phất phới
tung bay trên bầu trời tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng
ta.
Ðại Hội Công Giáo Việt Nam Ðức Quốc lần thứ 41 tại thành phố Aschaffenburg. |
- Tiếp theo nghi thức chào Quốc Kỳ là một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến tiền nhân anh dũng đã hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc và giang sơn Việt Nam và đã nằm xuống vì một lý tưởng cao qúy cho chính nghĩa dân tộc. Cho tất cả những người đã bỏ mình trong rừng sâu nước độc trong chốn lao tù cs., hay trên biển cả đại dương để đánh đổi lấy sự tự do, vì không thể cúi đầu chấp nhận sự kìm kẹp của một chế độ vô thần, độc tài và bất công.
- Tiếp theo là phần nghi thức cầu nguyện cho quê hương và đất nước rất cảm động. Những lời nguyện tha thiết nhất được dâng lên Thiên Chúa nhờ lời bầu cử của Thánh danh Mẹ Maria. cả Ðại Hội cùng hát kinh hòa bình và chấm dứt nghi thức cấu nguyện cho Quê Hương Việt Nam.
- Ðại Hội cũng đã tưởng niệm đến vị đại ân nhân của hơn 11,300 thuyền nhân Việt Nam trốn chạy cộng sản trên biển đông. Tiến Sĩ Dr Rupert Neudeck, Ông qua ngày 31 tháng 05 năm 2016.
- Một chương trình văn nghệ thật hay và sôi nổi được điều khiển bởi hai MC Như Lan và Tiến Nhật kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ với thật nhiều tiết mục ca vũ nhạc kịck và hoạt cảnh. Màn trình diễn Trống Taiko Japanisches Trommeln của nhóm Kirinoki Wadaiko v.v... Một số tiết mục đặc biệt như hoạt cảnh thật công phu của vùng cha Ðaminh Trầm Mạnh Nam là Áo Mẹ Áo Em, Diễn tả lại tà áo trắng nữ sinh Trưng Vương trong thời chiến tranh cộng sản xâm lược miền nam Việt Nam, những chàng sinh viên trẻ phải bảo vệ quê hương nhập ngũ tòng chinh ra chiến trường đã hy sinh cho Tổ Quốc bỏ lại những người vợ trẻ, con thơ, sống trong đau khổ cho đến sau khi miền nam bị cộng sản cưỡng chiếm và đày ải đi vùng kinh tế mới xa xôi, ôi biết bao nhiêu đau thương tang tóc cho người phụ nữ Việt Nam nước tôi ngày hôm nay. Ðang bị đảng cộng sản bán ra nước ngoài làm nô lệ với danh từ xuất khẩu lao động v.v...
Những màn vũ như của Cộng đoàn Hamburg, của Wiesbaden, v.v... cũng rất hấp dẫn. Tù nhân Nguyễn Xuân Diệu cùng anh Bùi Minh Ðức song ca bài "Bát Cơm Tù" và 10 phút chia sẻ và cảm ơn của anh đến với tất cả các ân nhân, các hội đoàn không ngừng nghỉ trong những lời cầu nguyện và tranh đấu vận động để anh được sống sót. Cộng sản Việt Nam bị sức ép mạnh của Âu Châu và thế giới đến độ phải đưa anh từ trong tù thẳng sang Pháp chứ không cho anh trở vê nhà gặp gia đình để từ giã. Cuối cùng anh và một nhóm thân hữu mời cả hội trường cùng hát bài "Trả Lại Cho Dân" thật hào hùng và sôi động.
- Lồng trong chương trình văn nghệ ông Ðinh Kim Tân đại diện Ban Tư Vấn trưởng ban bầu cử lên giới thiệu Tân Ban chấp hành Liên Ðoàn Công Giáo tại Ðức, nhiệm kỳ 2017-2019. Thành phần Tân Ban Chấp Hành gồm có:
Chủ Tịch: Gioan Baotixita Phùng Khải Tuấn,
Phó Chủ Tịch Nội Vụ: Phaolô Phạm Anh Tuấn Tú,
Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ: Phanxicô Nguyễn Duy Hoàng,
Tổng Thư Ký: Martinô Phạm Duy Vũ,
Thủ Qũy: Thomas Dương Văn Ðá.
Anh hoạ sĩ tài ba Lê Ðức Lập (không phải người Công Giáo) nhưng mấy năm nay anh đều đến tham dự Ðại Hội, Anh đã vẽ tặng Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Ðức bức tranh đặc biệt ý nghĩa để gây qũy chi phí một chút cho 3 ngày Ðại Hội. Bức tranh diễn tả lại cảnh Ðức Mẹ Maria đã hiện ra tại làng Fatima nước Bồ Ðào Nha với ba trẻ chăn chiên cách đây đúng 100 năm mà năm nay giáo hội mừng kính trọng thể. Lời Ðức Mẹ nói với ba trẻ chăn chiên ngoài đồng rằng: "Hãy ăn năn đền tội, Hãy tôn sùng Mẫu Tâm, Hãy năng lần hạt Mân Côi". Vì giá trị của bức ảnh nên tiết mục đấu giá diễn ra rất sôi nổi hào hứng và hấp dẫn gay cấn và cuối cùng một tham dự viên nữ đã chiến thắng với giá là 4,000 Euro. Cảm ơn chị đã mở rộng tấm lòng đón Ðức Mẹ về nhà tôn kính chắc chắn rằng hàng ngày gia đình chị sẽ câu nguyện đặc biệt cho Việt Nam. Ðặc biệt sau lưng Ðức Mẹ có lá Hoàng Kỳ của Tổ Quốc. Kẻ viết bài này cũng đã trả giá khá cao nhưng cuối cùng đành chấp nhận, nhưng xin luôn hiệp ý để cùng cầu nguyện cho Tổ Quốc chúng ta. Cảm ơn anh Họa sỹ Lê Ðức Lâp thật nhiều cầu xin Thiên Chúa ban ơn lành cho anh và gia đình. Chương trình văn nghệ chấm dứt lúc khoảng 22giờ30 để nhường sân khấu lại cho giới trẻ sinh hoạt văn nghệ tiếp tục cho đến tận thật khuya.
Thứ Hai: Bế Mạc
Sáng nay thời tiết xuân
Ðoàn con đến quây quần
Dưới chân Mẹ cầu khấn
Ðất Việt bớt gian truân
Buổi sáng nay thứ hai, ngày bế mạc Ðại Hội, ngoài trời tươi đẹp những cánh hoa bồ công anh bay nhe nhẹ trong gió, những tiếng chim hòa tấu như cảm tạ những hồng ân của Chúa Thánh thần, cho tươi xanh trên mặt đất, cho hồn người tươi đẹp dưới áo Trinh Vương từ ái Maria. Bên trong hội trường lớn đoàn kiệu cung nghinh Thánh tượng Ðức Mẹ La Vang bắt đầu di chuyển. Linh mục đoàn những tu sỹ, ca đoàn, các hội đoàn và tất cả tham dự viên hát lên với cả tâm hồn bài.
"Lạy Ðức Mẹ La Vang! dân Việt nam khắp trên toàn cầu,
Lạy Ðức Mẹ La Vang! dân con Việt đồng thanh bái chào!
Nơi xứ người tạm dung, nguyện xin Mẹ dìu dắt chúng con.
Trên bước đường ly hương, đoàn chúng con sống trong tình thương"
Giữa những lời kinh của chuỗi mân côi, là những lời nguyện dâng, xin cho giáo hội quê hương được an bình, cho lòng người biết thay đổi để cùng nhau giữ được quê cha đất tổ. Khi xưa Mẹ đã hiện ra nơi La vang đất nước chúng con an ủi và dạy bảo những bậc cha ông chúng con trong cơn bách đạo cùng quẫn những vẫn luôn kiên trung giữ gìn đức tin, nhiều vị nay ngự trên hàng hiển thánh, những tâm hồn ngây thơ trong trắng tung hoa hát mừng Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con, con tin chắc rằng Mẹ sẽ vui và nhận lời chúng con khẩn nguyện. Kính xin Ðức Mẹ cầu bầu cho quê hương Việt Nam chúng con ngày một tươi sáng hơn lên. Năm nay thời tiết thật đẹp, đoàn kiệu rước đi thật xa vòng ra tới dòng sông hiền hòa, qua những hàng cây tươi mát, đoàn con cái Mẹ đông đảo kéo dài đoàn kiệu như bất tận hơn một giờ đồng hồ mới trở vào hội trường nơi lễ đài chính.
Trước khi mừng đại lễ Chúa Thánh Thần và tạ ơn để bế mạc Ðại Hội lần thứ 41. Các thanh nữ thuộc cộng đoàn Hamburg dâng lên Trinh Vương Maria một vũ khúc tiến hoa thật uyển chuyễn, mềm mại như ân tình ngát hương, thật đẹp thay! những bông hoa tươi thắm, kính dâng lên ngai tòa Ðức Mẹ giữa mùa xuân của hương ngàn sắc thắm, như màu của những trái tim thành tâm tìm về đây hằng năm kính dâng hiệp hoan trong 3 ngày Ðại Hội.
Linh Mục Stêphanô Chủ tịch Hội Ðồng Tuyên Úy gởi lời chào mừng như lời cảm ơn đền tất cả mọi người đã hết mình đóng góp trong 3 ngày đại hội. Ngài cũng chào mừng và giới thiệu Linh Mục Phaolô Phạm Văn Tuấn mừng 25 năm ngân khánh Linh Mục và sẽ chủ tế thánh lễ hôm nay. Thầy phó tế Vicent Nguyễn Công Trứ công bố Tin Mừng và linh mục Thomas Nguyễn Ðình Anh Nhuệ giảng thuyết. Vào đầu bài chia sẻ ngài nói rằng hôm nay bị khan tiếng nên chia sẻ ngắn.
"Hôm qua giảng thuyết ào ào,
hôm nay mất tiềng thiều thào vài câu
Thế mà ngài giảng khá lâu
Bao nhiêu ý đẹp cao sâu Tin mừng"
Thật là cảm động cả Ðại Hội hôm nay đã cùng hợp với lời ca tiếng hát của ca đoàn tổng hợp dâng lên, như dâng cả tâm hồn lên Thiên Chúa. Ca đoàn với bao vất vả luyện tập cho ngày Ðại Hội và đã đóng góp phần mình cho công việc chung thật tuyệt vời. Ðây cũng là nhưng chúng nhân đang sống Ðức Tin để làm gương cho con em chúng ta, đây là một công việc chung của đoàn dân Chúa.
Lời chúc Bình An: Cùng đưa tay nắm lấy bàn tay nhau trong thánh lễ bế mạc hôm nay. Xin Ngài ban Thánh Thần xuống từng tâm hồn chúng ta. Xin Ngài thương giải thoát ách thông trị vô thần cho giáo hội mẹ Việt Nam. Quê Hương đang khốn khổ điêu linh vì những sự bất lương của con người đang nắm vận mệnh đất nước. Ðang thông đồng với lòng tham của giặc ngoại xâm. Chúng con chỉ biết phó dâng và tín thác vào Ngài là Thiên Chúa của chúng con.
Trước khi ban phép lành bế mạc Ðại Hội ông chủ tịch Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam Phùng Khải Tuấn đại diện Ban Chấp Hành và ban tổ chức Ðại Hội, nói lời chân thành cám ơn tới tất cả mọi người. Từ tu sỹ đến giáo dân, từng bàn tay thiện chí đóng góp âm thầm hay công khai cho ngày Ðại Hội được tốt đẹp.
Ban Tổ Chức và Linh mục đoàn cũng đặc biệt cám ơn hai ca đoàn, xin hết lòng tri ân, xin Chúa Thánh Thần ban tràn đầy hồng ân xuống trên từng người chúng ta, và hẹn nhau vào kỳ đại Hội Công Giáo ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 2018. Cả Ðại Hội đã vang lên tràng pháo tay như bất tận.
Sau Phép lành trọng thể bế mạc 3 ngày Ðại Hội, những nhiếp ảnh gia được dịp bấm máy thoải mái và những nụ cười chẳng tắt trên môi. Sau đó hội trường mỗi người một bàn tay dọn dẹp ban ghế v.v.. nhanh gọn sạch sẽ theo như những năm qua.
Ðẹp thay ơn Chúa Thánh Thần
Ngài làm đổi mới canh tân muôn loài
Ơn lành ban xuống mãi hoài
Như làn gió mát khoan thai tâm hồn
Sớm mai cho tới hoàng hôn
Ba ngày Ðại Hội kính tôn ơn Trời
Tạ ơn tình Chúa yêu người
Ban cho Ðại Hội tuyệt vời! vui thay
Bàn tay nắm lấy bàn tay
Bình an san sẻ ba ngày vui tươi
Chia tay lưu luyến nụ cười
Thánh Thần tác động tim người nở hoa
Từ nam chí bắc hoan ca
Dâng lời cảm tạ ơn Cha nhân lành
Hồn xuân nở tận cao xanh
Hẹn nhau năm tới tâm thành dựng xây
Ðại Hội lại trở về đây
Abschaffenburg ngất ngây lòng người
Thánh Thần ban xuống cho đời
Tình Yêu Thên Chúa tuyệt vời lắm thay!
(Trầm Hương Thơ)
Diễn văn về chủ đề Ðại Hội Công Giáo Việt Nam tại Ðức Chủ đề: "Laudato Si, Hãy Ngợi Khen Chúa
Thân ái mến chào Ðại Hội,
Chào mừng các em thiếu nhi và các bạn trẻ,
Chào mừng tất cả quý ông bà anh chị em đến từ 11 cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Ðức cũng như quý khách đến từ các nước khác.
Thay mặt cho các linh mục trong tuyên úy đoàn xin mến lời chào tới tất cả quý nam nữ tu sĩ, quý linh mục đang hiện diện...
Kính thưa Ðại Hội,
Lễ Chúa Thánh Thần là lễ sinh nhật của Hội Thánh
Ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khởi đầu của Hội Thánh, nói đúng hơn đó là ngày "Sinh Nhật" của Hội Thánh, ngày các môn đệ Chúa Kitô không còn "đóng kín cửa vì sợ người Do Thái" (Ga 20:19), nhưng bắt đầu mở toang cửa, mạnh dạn bước ra ngoài rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho dân ngoại (Cv 2:14) và kết quả đã có nhiều người sám hối tin nhận Chúa và xin lãnh nhận Phép Rửa để gia nhập Hội Thánh Chúa (Cv 2:41). Chính Chúa Thánh Thần, Thánh Thần của Chân Lý và Sự Sống, Ðấng Phù Trợ mà Chúa Phục Sinh hứa ban, đã biến cải các Tông đồ nhát sợ và dốt nát trở nên những người can đảm, thông thạo Thánh Kinh và ghi nhớ mọi điều Chúa Giêsu đã giảng dạy.
Kể từ ngày đó, nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động và hướng dẫn, bước chân truyền giáo của các môn đệ Chúa Kitô đến mọi hang cùng ngõ hẻm, dù gian lao thử thách, vẫn tiếp tục phát triển qua dòng lịch sử cho đến ngày nay, và Hội Thánh được mở rộng đến moi dân, mọi nước (Lc 24:47) để đem Tin Mừng tình thương và ơn cứu rỗi đến cho mọi người, để tất cả những "ai tin thì sẽ được cứu rỗi..." (Mc 16:15).
Mừng lễ vọng Chúa Thánh Thần là chúng ta mừng cuộc sáng tạo đầy yêu thương của Thiên Chúa: mỗi người chúng ta đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta nhận biết Ðấng Tạo Thành trời đất. Và với lòng biết ơn vô bờ bến, chúng ta mở rộng vòng tay đón nhận món quà thánh thiêng và quý giá của Thiên Chúa cho toàn thể chúng sinh: đó là mẹ trái đất và vũ trụ bao la xinh đẹp...
Thánh Kinh mạc khải cho chúng ta biết, thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần, Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Ngay từ khi "Ðất trời trống không mông quạnh, và tối tăm trên mặt uông mang, và Thần Khí là là trên mặt nước" (xem St 1, 2),Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang và vũ trụ đã được khai sinh.
Chính vì vậy, trời đất phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa: "Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự việc tay Ngài làm" (Tv 19,2). Ðức nguyên Giáo hoàng Biển Ðức XVI đã diễn tả thật tuyệt vời như sau: "Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa" (Trích bài giáo lý về Chúa Thánh Thần).
Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta với bẩy hồng ân cao quý. Ngài đã buớc vào trong lịch sử của thế giới trong công trình tạo dựng, vào lịch sử của Hội Thánh ngày lễ hiện xuống. Trong tình thương quan phòng của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần đến gặp nhân loại chúng ta qua mỗi tạo vật. Vì Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất, Chúa Thánh Thần trao ban cho chúng ta sự sống và sự tự do của con cái Thiên Chúa. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần. Thánh tông đồ Phaolo nói rằng thụ tạo "nóng lòng hướng tới" sự giải thoát và "rên siết" như nỗi đau đớn sinh con (x. Rm 8,20-22). "Năng lực có khả năng di chuyển thế giới không chỉ là một sức mạnh vô danh và mù quáng, mà là hoạt động của Thần Khí của Thiên Chúa, là Ðấng "bay là là trên mặt nước" (St 1,2) lúc khởi đầu việc tạo dựng" (Ðức Biển Ðức XVI, bài giảng, 31-5-2009). Chúng ta cùng tha thiết khẩn nguyện trong những ngày Ðại Hôi 2017 này: "Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo..."
Ðại hội Công Giáo Việt Nam tại Ðức lần thứ 41 năm nay có chủ đề "Laudato Si" Hãy Ngợi Khen Chúa"
- Ðây là chủ đề thời sự nóng bỏng trên thế giới, tại Quê Hương Việt Nam từ mấy năm qua với thảm họa ô nhiễm biển miền Trung, tại nước Ðức chúng ta đang sinh sống và ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta...
Nóng bỏng nhất là biến cố Tổng Thống Donald Trump của Hoa Kỳ đã tuyên bố rút chân ra khỏi hiệp định Paris về khí hậu tại vườn hồng tòa bạch ốc vào chiều tối thứ sáu đầu tháng sáu hôm qua. Dưới thời Tổng Thống Barack Obama, Hoa Kỳ đồng ý cùng với 198 quốc gia khác, từ nay đến năm 2025, giảm khí thải từ 26% đến 28% so với mức khí thải của năm 2005, tức vào khoảng 1.6 tỉ tấn.
Các khoa học gia nói rằng, trái đất gần như chắc chắn sẽ bị nguy hiểm vì sẽ nóng sớm hơn, do quyết định của tổng thống, bởi vì Hoa Kỳ là quốc gia xả khí thải nhiều làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Các tính toán cho thấy, rút khỏi Hiệp Ước Paris sẽ làm bầu không khí có thêm khoảng 3 tỉ tấn carbon dioxide mỗi năm - đủ để làm tan các tảng băng nhanh hơn, làm nước biển dâng lên cao hơn, và làm cho thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Vì Hoa Kỳ là quốc gia thải chất carbon dioxide nhiều thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Liên hiệp truyền thông Công Giáo Việt Nam hải ngoại qua bản tin trong Vietcatholic tựa đề "Phản ứng Công Giáo đối với việc Tổng Thống Trump rút chân ra khỏi hiệp định Paris về khí hậu" của ký giả Vũ Văn An đã tóm lược như sau:
Mới tuần trước, Tổng Thống Trump thưa với Ðức Giáo Hoàng Phanxicô rằng ông sẽ đọc thông điệp Laudato Si' về môi trường và thay đổi khí hậu của ngài. Nhưng căn cứ vào các biến cố ngày 1 tháng Sáu hôm qua, rõ ràng một là ông chưa đọc thông điệp này, hai là ông không đồng ý với những gì Ðức Phanxicô viết trong đó.
Quả thế, ngày 1 tháng 6, tại Vườn Hồng, Ông Trump đã tuyên bố rằng Hiệp Chúng Quốc sẽ rút chân ra khỏi Hiệp Ðịnh Khí Hậu Paris, một hiệp định mà hầu như mọi quốc gia trên quả địa cầu này đều đã tham gia để giảm thiểu các hậu quả của việc thay đổi khí hậu. Như thế, Hoa Kỳ cùng với Syria và Nicaraguay là ba nước duy nhất không cam kết đối với các giới hạn tự nguyện ghi trong hiệp định.
Khắp Hoa Kỳ và thế giới, các nhà lãnh đạo Công Giáo nhanh chóng lên tiếng tỏ ý lo ngại. Sau đây, theo tạp chí America, là một số lo ngại này:
Các giám mục Hoa Kỳ
Ðức Cha Oscar Cant của Las Cruces, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Quốc Tế của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố như sau: "Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, cùng với Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và toàn thể Giáo Hội Công Giáo, vốn nhất quán đề cao hiệp định Paris như bộ máy quốc tế quan trọng để cổ vũ việc quản lý môi trường và khuyến khích giảm thiểu việc thay đổi khí hậu. Quyết định của Tổng Thống không tôn trọng sự cam kết của Hiệp Chúng Quốc đối với hiệp định Paris là điều gây bối rối sâu xa.
"Thánh
Kinh khẳng định giá trị của việc săn sóc tạo thế và săn
sóc lẫn nhau trong tình liên đới. Hiệp định Paris là một
thỏa thuận quốc tế nhằm cổ vũ các giá trị này. Quyết
định của Tổng Thống Trump sẽ có hại cho nhân dân Hiệp
Chúng Quốc và thế giới, nhất là những người nghèo nhất,
những cộng đồng dễ bị thương tổn hơn cả. Các tác động
của việc thay đổi khí hậu đã được cảm nghiệm qua việc
dâng cao mực nước biển, những vụ tan băng đá, nhiều cơn
bão tăng tốc, và nhiều vụ hạn hán thường xuyên hơn.Tôi
chỉ có thể hy vọng rằng: Tổng Thống sẽ đề xuất các
phương cách cụ thể nhằm giải quyết việc thay đổi khí hậu
hoàn cầu và cổ vũ việc quản lý môi trường".
Ðại Hội Công Giáo Việt Nam Ðức Quốc lần thứ 41 tại thành phố Aschaffenburg. |
Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học và Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Các Khoa Học Xã Hội
Sáng ngày 1 tháng Sáu, nhật báo Ý la Repubblica cho đăng cuộc phỏng vấn Ðức Cha Marcelo Sánchez Sorondo thuộc Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học. Ngài gọi hành động của Tổng Thống Trump là một "thảm họa" và là một "cái vả vào mặt" Vatican. Trả lời một câu hỏi về mối liên hệ của Giáo Hội với khoa học, Ðức Cha Sorondo nhận định rằng chủ trương coi thế giới không thể nào tiếp tục sống được nếu không dựa vào cácbon và dầu hỏa cũng "giống như nói rằng trái đất không tròn vậy". Ngài cũng cho rằng việc rút chân ra này là kết quả của việc dựa vào các sắc lệnh tổng thống để chống lại việc thay đổi khí hậu.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người đã đồng ý tham gia Thoả thuận Paris, đã ngay lập tức chỉ trích quyết định của ông Trump:
"Ngay cả khi không có sự đóng góp của Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo, ngay cả khi chính quyền này đi cùng một vài nước khác khước từ tương lai, tôi tin rằng các quốc gia, các thành phố, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ đứng lên và làm thậm chí còn nhiều hơn nữa để dẫn dắt, và để bảo vệ hành tinh mà chúng ta có cho các thế hệ tương lai," ông nói trong một tuyên bố.
"Ðây là một hành động điên rồ của tổng thổng này," ông Jerry Brown, thống đốc California, nói, và phản kháng mạnh mẽ quyết định này, cho rằng đây là "hành động sai lầm của một người có chức vụ cao nhất quốc gia."
Chủ tịch Câu lạc bộ Sierra nói trong một thông cáo gửi cho VOA qua email: "Donald Trump đã mắc sai lầm lịch sử mà cháu chắt của chúng ta sẽ nhìn lại với nỗi kinh ngạc về chuyện làm sao mà một nhà lãnh đạo thế giới có thể xa rời thực tế và đạo đức như vậy,"
- Như vậy quyết định chọn chủ đề "Laudato Si" Hãy Ngợi Khen Chúa cho Ðại Hội 41 là một đề tài thật sự nóng bỏng, khẩn thiết vì liên quan đến mỗi người chúng ta, liên quan đến tính mạng của hơn 90 triệu dân tộc Việt Nam, liên quan đến toàn thế giới, nhất là cho thế hệ con cháu chúng ta...
Vài hàng về ý nghĩa chính yếu của Thông điệp Laudato Si:
Ngày 13 tháng 03 năm 2013, Ðức Hồng Y Jorge Mario Bergolio, sau khi đắc cử Giáo hoàng, đã nhận tên Thánh Phanxicô thành Assissi. Thánh nhân là tác giả 'Kinh Hòa bình' và 'Bài ca Vạn vật' để ca ngợi các công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Do đó, ngày 29 tháng 09 năm 1979, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố Thánh nhân là Bổn mạng các nhà môi sinh học. Quan niệm sống Thánh Phanxicô là sống với, sống chung chan hòa giữa con người và mọi tạo vật. Tiếp nối công trình Thánh Phanxicô, Ðức đương kim Giáo hoàng đã viết và gởi cho tín hữu Công Giáo và mọi người thiện chí khắp nơi Thông điệp 'Laudato Sí'.
Ngày 18 tháng 06 năm 2015, Thông điệp 'Laudato sí' (Hãy ngợi khen Thiên Chúa) về bảo vệ thiên nhiên được Ðức Thánh Cha Phanxicô ban hành. Thông điệp lấy tên từ lời cầu của thánh Phanxicô. 'Laudato sí, mí Signore' (Lạy Chúa của con, con chúc tụng Chúa), trong 'Bài ca Vạn vật' nhắc nhở mọi người rằng trái đất là 'căn nhà chung của chúng ta'.
Ðức Thánh Cha đã đặt câu hỏi như là trọng tâm thông điệp 'Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?' và để mời chúng ta 'săn sóc căn nhà chung'. Người viết tiếp 'Nghi vấn này không chỉ liên quan đến môi trường mà thôi, vì ta không thể đặt câu hỏi chỉ một phần', và điều này khiến phải tự hỏi về ý nghĩa cuộc sống và những giá trị làm căn bản cho đời sống xã hội: 'Chúng ta đến trần thế này để làm gì? Chúng ta hoạt động và tranh đấu với mục đích nào? Tại sao trái đất lại cần chúng ta?'. 'Nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn bản này, thì tôi không tin rằng những quan tâm của chúng ta về môi trường có thể có những giải đáp quan trọng'.
'Laudato sí, mí Signore' (Lạy Chúa của con, con chúc tụng Chúa). 'Bài ca Vạn vật' nhắc chúng ta trái đất là căn nhà chung của mình, 'cũng như người chị chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay mẹ' (1). Do 'chúng ta là đất' (x. St 2,7), nên thân thể chúng ta được cấu thành nhờ những thành tố của trái đất, không khí là yếu tố mang lại cho chúng ta hơi thở và nước từ trái đất làm cho chúng ta được sống và được bổ dưỡng' (2).
Trong thời đại chúng ta, trái đất bị ngược đãi và cướp phá đang kêu than và những tiếng than trách đó đang hiệp với những tiếng rên xiết của những người bị bỏ rơi trên thế giới này. Ðức Thánh Cha Phanxicô mời chúng mình hãy lắng nghe họ, tất cả và từng người, cá nhân hay tập thể (gia đình, quốc gia và cộng đồng quốc tế) hãy 'hoán cải về môi sinh', theo đề nghị của Thánh Gioan Phaolô II, tức 'đổi hướng', đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để 'săn sóc căn nhà chung'.
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tha thiết xin chúng ta: "'Ngôi nhà chung' của chúng ta đang đổ nát, và gây tổn thương đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất trong chúng ta".Do đó, tôi kêu gọi mọi người hãy có tinh thần trách nhiệm, dựa trên nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao cho loài người khi tạo dựng vũ trụ, đó là: 'cầy cấy và gìn giữ khu vườn' mà loài người được đặt vào (x. St 2:15). Tôi mời gọi tất cả mọi người đón nhận tài liệu này với trái tim rộng mở, một tài liệu nằm trong hệ thống học thuyết xã hội của Giáo Hội."
Sám hối về môi sinh
Thói dửng dưng và ích kỷ lan rộng làm cho vấn đề môi trường thêm trầm trọng
Ðức Giáo Hoàng Phanxicô dành những lời phê phán mạnh mẽ nhất cho những người giàu không quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, và nhất là ảnh hưởng của nó đối với người nghèo
Ích kỷ cũng dẫn đến sự bốc hơi các khái niệm về công ích. Trong thế giới của Laudato Si' không có chỗ cho thói ích kỷ hay dửng dưng. Chúng ta không thể chăm sóc thiên nhiên "nếu cõi lòng chúng ta thiếu sự nhân hậu, lòng thương xót và quan tâm đến người đồng loại của chúng ta" (số 91).
Trong Laudato Si' (LS), tại số 217, nhắc lại lời của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI "Các sa mạc bên ngoài ngày càng nhiều, vì những sa mạc bên trong đã quá bao la", Ðức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: "Cuộc khủng hoảng sinh thái, vì thế, đòi hỏi sự hoán cải nội tâm sâu sắc", qua đó, người tín hữu làm cho "hoa trái của cuộc gặp gỡ giữa họ với Ðức Giêsu Kitô trở nên chứng tá trong mối tương quan của họ với thế giới xung quanh".
Quả thực, "đây không phải là một tùy chọn hay một khía cạnh thứ yếu của kinh nghiệm Kitô giáo của chúng ta" (LS số 217), mà là một thực tại quan trọng trong đời sống Kitô hữu.
Hơn ai hết, chúng ta phải là những tông đồ của ơn hoán cải.
Một cuộc hoán cải cá nhân và cộng đồng
Là một cuộc hoán cải đúng nghĩa, hoán cải sinh thái đương nhiên và trước hết phải là cuộc hoán cải của mỗi cá nhân, trong đó, "chúng ta xét lại đời sống và nhận chân những gì chúng ta gây thiệt hại đến công trình tạo dựng của Thiên Chúa ngang qua những hoạt động của chúng ta và cả những hành động cần làm mà chúng ta bỏ qua" (LS số 218).
Trong Laudato Si số 220, Ðức Thánh Cha nhắc đến bốn thái độ căn bản trong cuộc hoán cải sinh thái:
- Biết ơn: "Trước hết là lòng biết ơn và sự cho không, nhận biết rằng thế giới là quà tặng yêu thương của Thiên Chúa, và chúng ta được mời gọi âm thầm noi theo lòng quảng đại của Ngài trong sự hy sinh tự hiến và trong những việc lành phúc đức."
- Hiệp thông với toàn thể tạo thành: "Sự hoán cải này cũng bao hàm một nhận thức trìu mến về sự liên kết của chúng ta với toàn thể thụ tạo, cùng dự phần trong sự hiệp thông hoàn vũ tuyệt vời. Là tín hữu, chúng ta không nhìn thế giới từ bên ngoài mà từ bên trong, ý thức về các mối dây Chúa Cha đã liên kết chúng ta với tất cả mọi hữu thể."
- Phát triển khả năng bản thân: Ðó là "việc phát triển cá nhân và những khả năng Thiên Chúa ban tặng". "Chúng ta đừng hiểu sự ưu việt của chúng ta là một lý do để vinh vang cá nhân hay thống trị một cách vô trách nhiệm, nhưng đó là một trách nhiệm nghiêm túc xuất phát từ niềm tin của chúng ta."
- Góp phần giải quyết các vấn đề sinh thái: "Sự hoán cải sinh thái có thể thúc đẩy chúng ta sáng tạo và nhiệt thành hơn trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới và trong việc hiến dâng chính bản thân chúng ta lên Thiên Chúa "như một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Người" (Rm 12,1)."
Như mọi cuộc hoán cải, cuộc hoán cải sinh thái gồm ba bước:
- nhận biết những sai lỗi,
- sám hối chân thành,
- và khao khát thay đổi.
Ðiều đáng nói: Ðức Thánh Cha đề nghị hoán cải không chỉ về những hành động tàn phá môi trường. Ngài nói đến một cuộc hoán cải toàn diện: về những sai lầm, những tội lỗi, những thiếu sót và cả những thất bại của chúng ta trong việc chăm sóc ngôi nhà chung (LS số 218). (trích bài "Việt Nam cần lắm một cuộc hoán cải sinh thái"của Ngọc Hùynh)
Sau khi học hiểu thông điệp Laudato sí này, việc xét mình, - phương thế mà Giáo Hội luôn cổ võ để định hướng cuộc sống của mình dưới ánh sáng tương quan với Chúa, - phải bao gồm một chiều kích mới: không những cứu xét xem ta đã sống tình hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân và với bản thân như thế nào, nhưng còn với toàn thể các loài thụ tạo và thiên nhiên nữa.
Ðó cũng là cuộc hoán cải mà Ðức Mẹ Fatima đã nhắc cho con cái loài người từ 100 năm qua.
Kính thưa Ðại Hội
Trong những ngày Ðại Hội quý giá này, không những chúng ta có dịp để tay bắt mặt mừng gặp gỡ nhau... Là tín hữu của gia đình Hội Thánh, chúng ta là chi thể của Chúa phục sinh, chúng ta hãy sống gắn bó với Chúa, sống tình huynh đệ và tung vãi niềm tin yêu cho mọi người đặc biệt trong những ngày đại hội này và trong cuộc sống thương ngày, để mọi người nhìn ra bộ mặt đầy yêu thương của Chúa đang hiện diện giữa thế gian.
Chúng ta có dịp may được học hỏi thông điệp quý giá và thiết thực này qua Cha Thomas Nguyễn Ðình Anh Nhuệ để hiểu biết vấn đề có liên quan đến vận mạng thế giới, vận mạng của gia đình chúng ta, của Quê hương dấu yêu, của thế hệ tương lai con cháu chúng ta.
và cha Phalo Dũng sẽ giúp các bạn trẻ học hiểu và yêu mến công trình tạo dựng thiêng liêng của Cha trên trời.
Nguyện chúc tất cả một Ðại Hội tràn đầy hồng ân của Chúa Thánh Thần
Ước gì Mười hai hoa trái của Chúa Thánh Thần tỏa hương thơm và sinh quả ngọt trong cuộc đời mỗi người : đó là bác ái - hoan lạc - bình an - kiên nhẫn - quảng đại - nhân từ - từ tâm - khoan dung - trung tín - khiêm nhu - tiết độ - khiết tịnh.
Chúa Thánh Thần là cánh buồm đẩy chúng ta tiến tới. Ngài là Ðấng ban cho chúng ta khả năng có tràn đầy niềm hy vọng, giúp chúng ta không bao giờ chán nản ngã lòng, và trở thành những người gieo vãi niềm hy vọng và sự ủi an trong trái tim con người và trong toàn vũ trụ. (ÐTC Phanxicô).
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
(Ðại diện tuyên uý đoàn CGVN tại Ðức)