Người Hồi giáo và Kitô hữu

cùng nhau tái thiết tu viện Mosul

 

Người Hồi giáo và Kitô hữu cùng nhau tái thiết tu viện Mosul.

Mosul (WHÐ 06-06-2017) - Khi quân chính phủ đẩy lùi lực lượng tự xưng là "Nhà Nước Hồi giáo" đã chiếm đóng Mosul suốt 3 năm, các tín hữu Hồi giáo và Kitô giáo đã cùng nhau bắt tay tái thiết một tu viện tại đây.

Một trang Facebook có tên gọi "Ðây là Iraq của Kitô giáo" - nhằm nối kết các Kitô hữu Iraq và nuôi dưỡng đức tin trong thời gian bị ISIS đe dọa - mới đây đã đăng nhiều hình ảnh cho thấy nỗ lực chung của các tín hữu của hai tôn giáo.

Một bài đăng ngày 27 tháng Năm năm 2017 trên trang này cho biết những người Hồi giáo trẻ ở khu vực phía bắc đã cộng tác với các Kitô hữu trong việc dọn dẹp và sửa chữa Tu viện Thánh Georges.

Tu viện này của Giáo hội Công giáo Ðông phương theo nghi lễ Calđê, hiệp thông với Toà Thánh. Các chiến binh ISIS đã đập phá tu viện, phá các cửa sổ, mái vòm, và triệt hạ cây thánh giá.

Theo tờ Irish Times, mặc dù còn phải sửa chữa, Tu viện có từ thế kỷ 17 này vẫn quy tụ người Canđê vào dịp lễ Phục Sinh năm 2017. Một Kitô hữu dự lễ Phục sinh tại đây bày tỏ rằng: "Nếu Chúa muốn, việc mừng lễ Chúa phục sinh cũng sẽ đánh dấu sự trở lại và hồi sinh của các Kitô hữu ở Iraq".

Một cây thánh giá mới đã được thay thế, và sự kiện cả người Kitô hữu và người Hồi giáo cùng đến đây đánh dấu một giai đoạn đầy hứa hẹn cho cả hai tôn giáo, khi các tin tức tường thuật cho biết cuối cùng những kẻ khủng bố Hồi giáo đã bị đẩy lui.

Các cư dân đã chứng kiến lực lượng Iraq được Hoa Kỳ hậu thuẫn tập trung quanh thánh đường Hồi giáo Grand al-Nuri ở địa phương trong 48 giờ cho tới ngày 31 tháng Năm năm 2017, trong sự kiện mà Reuters gọi là "cuộc đụng độ cuối cùng".

Lá cờ màu đen của quân khủng bố đã tung bay trên nóc ngôi thánh đường Hồi giáo gần 1,000 năm tuổi này kể từ khi ISIS chiếm được thủ đô vào năm 2014. Ðây là nơi mà Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập Ðế chế Hồi giáo với một nhà lãnh đạo Hồi giáo mới.

Ba năm trước, "Nhà nước Hồi giáo" đã tiến vào Cánh đồng Nineveh của Iraq, và kể từ đó hơn 3.3 triệu người Iraq phải tản cư. Người Kitô hữu và cả người Hồi giáo ôn hoà đều bị bức hại. Họ thường bị buộc phải nộp những khoản thuế rất nặng hoặc thậm chí còn phải chọn lựa cải đạo hay bị giết.

Ðến năm 2016, các lực lượng trong nước và quốc tế đã chiếm lại nhiều phần của thành phố, và Ðông Mosul đã được tái chiếm hồi đầu tháng Giêng năm 2017.

Các lực lượng chính phủ hiện đang tập trung vào Tây Mosul, nơi có thánh đường Hồi giáo tọa lạc tại trung tâm Thành phố cổ, và ba quận gần bờ Tây của sông Tigris.

(Theo CNA)

 

Minh Ðức

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page