Giám Quản Tông tòa

và việc bổ nhiệm các chức vụ

 

Giám Quản Tông tòa và việc bổ nhiệm các chức vụ.

Quy Nhơn (GL CG 06-05-2017) - Giám Quản Tông tòa và việc bổ nhiệm các chức vụ:

Có những thể loại Giám Quản Tông Tòa (amministratore apostolico) khác nhau:

- Giám quản Tông Tòa cho trường hợp khuyết vị (sede vacante), ad nutum Sanctae Sedis (do Tông Tòa định đặt)

- Giám quản Tông Tòa cho trường hợp không trống tòa (sede plena)

- Giám quản Tông Tòa cho trường hợp cản tòa (sede impedita)

- Giám quản Tông Tòa được thiết lập cách bền vững (stabilita erecta)

Ở bài này chúng ta chỉ bàn đến vị Giám quản Tông Tòa trong trường hợp khuyết vị (amministratore apostolico, sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis), liên quan đến hai vấn đề:

- Ðặt cha Tổng Ðại Diện hoặc cha Ðại Diện Giám Mục

- Ðặt cha sở

Về sự khuyết vị, Giáo Luật quy định như sau:

Toà Giám Mục khuyết vị khi Giám Mục Giáo Phận qua đời, khi sự từ nhiệm của ngài được Ðức Giáo Hoàng chấp thuận, khi ngài được thuyên chuyển và khi lệnh bãi nhiệm được thông báo cho ngài (đ. 416).

1. Ðặt Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện Giám Mục

a- Giám quản Tông Tòa có thể đặt Tổng Ðại Diện hoặc Ðại Diện giám mục với quyền thừa ủy

Khi Tòa trở nên khuyết vị, Tổng Ðại Diện và các Ðại Diện giám mục hết quyền (đ. 418 # 2,1).

Theo luận lý thông thường, không ai thi hành quyền, đại diện cho người đã hết quyền. Các Tổng Ðại diện và các Ðại diện Giám Mục hết quyền vì lý do là vị Giám Mục đã không còn quyền.

Vị Giám Quản Tông Tòa có thể đặt một cha Tổng Ðại Diện hay Ðại Diện giám mục không?

Bản Hướng Dẫn Cho Thừa Tác Vụ Các Giám Mục "Apostolorum Successores" (DIRETTORIO PER IL MINISTERO PASTORALE DEI VESCOVI "APOSTOLORUM SUCCESSORES") số 244 có ghi:

"...L'Amministratore Apostolico può però confermare, in forma delegata, il Vicario Generale e i Vicari episcopali, fino alla presa di possesso della diocesi da parte del nuovo Vescovo..."

"...The apostolic Administrator may confer delegated power upon the Vicar general and episcopal Vicars until the new Bishop takes possession of the See..."

Tạm dịch bản tiếng Ý:

"... Giám quản Tông Tòa có thể chuẩn nhận, với thể thức uỷ nhiệm, vị Tổng Ðại Diện và các vị Ðại Diện giám mục cho tới khi vị tân Giám Mục đảm nhận giáo phận... ".

Tạm dịch bản tiếng Anh:

"...Giám Quản Tông Tòa có thể ban quyền thừa ủy cho Tổng Ðại Diện và những Ðại Diện Giám Mục cho đến khi vị tân Giám Mục nhận Tòa..."

Vì vậy, Giám Quản Tông Tòa, có thể đặt một vị với quyền của Tổng Ðại Diện hay của Ðại Diện Giám Mục với quyền thừa ủy (delegata) chứ không phải quyền thông thường (ordinaria) như trong trường hợp không trống tòa. Việc cắt đặt này không có nghĩa là bổ nhiệm một tân Tổng Ðại Diện hay tân Ðại Diện Giám Mục.

Vị được ban quyền nói trên, theo thư của Ủy Ban Giáo Hoàng về Văn Bản Lập Pháp, Prot. N. 14925/2015, ngày 15-05-2015, được giải thích là vị cựu Tổng Ðại Diện. Tuy nhiên thư cũng nói là có thể đặt một linh mục khác cũng với các quyền hành pháp thừa ủy, nghĩa là cũng với quyền thừa ủy giống như vị cựu Tổng Ðại Diện.

Thư này cũng cắt nghĩa thêm vị cựu Tổng Ðại Diện được cắt đặt ở vị trí mới không còn là Tổng Ðại Diện nữa, nhưng là một "Ðại Diện thừa ủy" (tale soggetto non sara più un Vicario generale bensi un "Vicario delegato"), theo như thực hành lâu đời của Giáo Hội, được nói đến ở thư ngày 8-12-1919 của bộ Phúc Âm Hóa Muôn Dân (AAS 12 [1920] 120).

Có một khó khăn là, các văn bản của Tòa Thánh đã được nêu trên, không chỉ định danh xưng cho vị được ban quyền thừa ủy nói trên, nhưng chỉ giải thích về quyền là như thế nào. Danh xưng "Ðại Diện thừa ủy" mà thư của Ủy Ban Giáo Hoàng về Văn Bản lập Pháp đề cập đến thực ra cũng không phải là danh xưng được chỉ định cho vị mới được đặt lên, cho dù vị đó là vị cựu Tổng Ðại Diện hay là một vị linh mục khác. Theo luật, cả hai vị này đều có quyền như nhau, tức là quyền thừa ủy về hành pháp. Chúng ta còn thấy rằng, Hội Thánh nếu đã chỉ định danh xưng "Ðại Diện thừa ủy" thì DIRETTORIO PER IL MINISTERO PASTORALE DEI VESCOVI "APOSTOLORUM SUCCESSORES" số 244 cũng đã chỉ định danh xưng này, nhưng thực tế đã không chỉ định.

Do đó, chúng ta dùng danh xưng nào cũng là một vấn đề khó mà giải thích cho thỏa đáng. Ðiều quan trọng cần thiết là trong sắc lệnh đặt chức vụ, Ðại Diện Tông Tòa phải xác định rõ là ngài ban quyền cho như một vị Tổng Ðại Diện hay Ðại Diện Giám Mục với quyền thừa ủy về hành pháp cho dù là với danh xưng nào, cho tới khi vị Tân Giám Mục nhận Tòa.

Xin đề nghị hai danh xưng:

- "Tổng Ðại Diện với quyền thừa ủy", gọi tắt là "Tổng Ðại Diện" và được hiểu là với quyền thừa ủy.

- "Quyền Tổng Ðại Diện"

Còn danh xưng "Ðại Diện thừa ủy" (Vicario delegato) mà thư của Ủy Ban nói đến cũng không nên dùng. Vì thực ra đó cũng không phải là danh xưng mà trước đây đã dùng và bây giờ được tái xác nhận, nhưng là một khái niệm được thư của Uỷ Ban đưa ra để giải thích cho rõ ý nghĩa.

Ngoài ra danh xưng "Ðại Diện thừa ủy" nghe chỏi tai, không thích hợp và cũng vì không diễn tả được quyền "tổng" hay "phổ quát" (generale) cho dù chỉ là thừa ủy. Nên biết, theo Giáo Luật vị Tổng Ðại Diện có quyền tổng quát, trong khi vị Ðại Diện Giám Mục (Vicario episcopale) không có quyền phổ quát, chỉ có quyền về một lãnh vực nào đó mà thôi.

b- Phân biệt về quyền (potestas)

Quyền (potestas) lãnh đạo (lập pháp, hành pháp, tư pháp) có nhiều đặc tính, được phân biệt:

- Quyền thông thường hay còn gọi thường quyền (potestas ordinaria), được định nghĩa là quyền gắn liền với giáo vụ (officium ecclesiasticum, thường gọi là chức vụ) do luật định (đ. 131~1).

Giáo vụ (officium ecclesiasticum, thường gọi là chức vụ) được định nghĩa là "bất cứ nhiệm vụ nào đã được thiết lập một cách bền vững hoặc do ý định của Thiên Chúa hay của Giáo Hội để được thi hành nhằm một mục đích riêng" (đ. 145~1).

Ðức Giám Mục Giáo phận có thường quyền cả về lập pháp, hành pháp và tư Pháp, được gắn liền với chức vụ Giám Mục giáo phận. Tổng Ðại Diện có thường quyền về hành pháp gắn liền với chức vụ Tổng Ðại Diện.

Vì vậy, Ðấng Bản Quyền còn được gọi là Ðấng Thường quyền (Ordinarius). Trong giáo phận Ðấng Bản Quyền địa phương (Ordinarius loci) không chỉ có Ðức Giáo Mục Giáo Phận, mà còn có Tổng Ðại Diện Giám mục, Ðại Diện Giám Mục. Cả ba vị đều được gọi là Ðấng bản Quyền địa phương.

- Quyền thừa ủy (potestas delegata) được định nghĩa là quyền không gắn liền với chức vụ mà do thượng cấp ban cho không qua trung gian của giáo vụ (đ. 131~1). Vì vậy, bất cứ quyền nào được thượng cấp ban mà không gắn liền với chức vụ thì được gọi là quyền thừa ủy.

Ví dụ 1: Ðức Giám Mục Giáo phận ban quyền cho cha quản hạt được miễn chuẩn các ngăn trở hôn phối. Tự chức vụ quản hạt không có quyền chuẩn hôn phối, nên quyền chứng hôn nơi cha quản hạt là quyền thừa ủy (được ủy).

Ví dụ 2: Cha Ðại Diện tư pháp, có thường quyền bên tư pháp, không có thường quyền bên hành pháp. Nếu cha được Giám Mục ban quyền miễn chuẩn ngăn trở hôn nhân (thuộc quyền hành pháp), thì cha có quyền này, thể loại thừa ủy.

Cũng cần phân biệt là thường quyền có thể là quyền riêng hay quyền đại diện (đ. 131~2).

- Quyền riêng (potestas propria) là quyền do tự mình. Ví dụ, Ðức Giám Mục giáo phận có thường quyền và là quyền riêng (propria).

- Quyền đại diện (potestas vicaria) là quyền đại diện hay thay thế cho người khác. Ví dụ, Tổng Ðại Diện có thường quyền hành pháp nhưng lại là quyền đại diện (vicaria) về hành pháp.

1) Khi Tòa Giám Mục giáo phận không trống tòa:

- Ðức Giám Mục Giáo phận có quyền lãnh đạo: Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp. Các quyền của ngài là quyền thường quyền (ordinaria) và là quyền riêng (propria).

- Tổng Ðại Diện, Ðại Diện Giám Mục có quyền hành pháp thông thường (ordinaria) nhưng là quyền đại diện (vicaria). Ðại Diện Ðức Giám Mục giáo phận.

- Ðại Diện tư pháp có quyền tư pháp thông thường (ordinaria) và là quyền đại diện (vicaria).

2) Khi Tòa Giám Mục giáo phận khuyết vị

- Giám quản Giáo phận hay Giám Quản Tông Tòa có quyền của Giám Mục Giáo Phận, được luật quy định:

"Giám Quản Giáo Phận buộc phải giữ các nghĩa vụ của Giám Mục Giáo Phận và ngài có quyền của Giám Mục Giáo Phận, ngoại trừ những gì bản chất sự việc hoặc chính luật đã loại trừ" (đ. 427~1).

Tuy nhiên, có khác với Giám Mục giáo phận, vị Giám Quản này tuy vẫn có quyền thông thường (ordinaria) về hành pháp và tư pháp nhưng lại là quyền đại diện (vicaria), đại diện cho Ðức Giáo Hoàng. Tất nhiên, vị Giám Quản không có quyền lập pháp.

- Tổng Ðại Diện, Ðại Diện Giám Mục có quyền hành pháp được ủy nhiệm hay thừa ủy (delegata) chứ không thông thường (ordinaria) và là quyền đại diện (vicaria).

- Ðại Diện tư pháp cũ không hết quyền, nghĩa là, vẫn có quyền tư pháp thông thường (ordinaria) và là quyền đại diện (vicaria).

Cũng nên biết thêm, là dù có trống tòa hay không:

- Không hề có vị Ðại Diện lập pháp, vì Giáo Hội không cho phép.

- Các cha quản hạt hay cha sở không có quyền nào trong các quyền (potestas) trên. Các ngài chỉ có thể được quyền ủy nhiệm (delegata) một vài quyền, như ủy quyền miễn chuẩn hôn phối.

2. Ðặt cha sở

Ðiều 525 quy định:

Trong lúc toà Giám Mục khuyết vị hoặc bị cản trở, thuộc về giám quản Giáo Phận hoặc vị tạm thời lãnh đạo Giáo Phận:

1. Việc cắt đặt hoặc phê chuẩn những Linh Mục đã được đề cử hoặc bầu cử hợp lệ để coi một giáo xứ;

2. Việc bổ nhiệm các cha sở, nếu toà bị khuyết vị hay bị ngăn trở đã được một năm (CIO 286).

Chỉ sau một năm tòa khuyết vị, Giám Quản Giáo Phận hay Giám Quản Tông Tòa mới có quyền bổ nhiệm cha sở.

Thử giải thích tại sao, trước khi đủ một năm, Giáo Luật lại quy định là việc cắt đặt một linh mục coi sóc một giáo xứ mà lại không mang danh là cha sở.

Giáo Luật phải ra các quy định cho nhiều tình huống khác nhau và nhiều khi rất là phức tạp. Ðiều cần thiết là các quy định phải ăn khớp với nhau, không đối chọi nhau hay bất hợp lý.

Giám Quản Giáo Phận hay Giám Quản Tông Tòa chỉ lãnh đạo giáo phận tạm thời. Thời gian tại chức của các ngài có thể rất ngắn. Vì vậy nếu cho phép đặt cha sở thì Giáo Luật sẽ bị bất hợp lý ở quy định về cha sở. Ví dụ, điều 522 nói :

Cha sở phải được hưởng sự ổn định, vì thế ngài phải được bổ nhiệm cho một thời gian vô hạn; Giám Mục Giáo Phận có thể bổ nhiệm cha sở cho một thời gian hữu hạn, nếu Hội Ðồng Giám Mục đã chấp nhận điều đó qua một sắc lệnh.

"Sự ổn định" và "cho một thời gian vô hạn" của chức vụ cha sở mà được một vị lãnh đạo "tạm thời" thiết lập thì không có sự hợp lý.

Ngoài ra, Giáo Luật còn quy định: "Trong lúc toà khuyết vị, không được đổi mới bất cứ điều gì" (đ 428 # 1). Về mặt mục vụ, vị tân Giám Mục giáo phận sẽ khó xử nếu ngài thấy cha sở đó không phù hợp.

Tuy nhiên để dự trù cho nhu cầu cần có linh mục coi sóc một giáo xứ, Giáo Luật lại cho phép đặt một linh mục để coi sóc. Như đã nói, vị linh mục này không có chức danh là cha sở nhưng phải có quyền lợi, bổn phận và lãnh đạo như một cha sở.

Có những trường hợp mà vị linh mục coi sóc giáo xứ có quyền như cha sở nhưng vẫn không được gọi là cha sở.

Ðiều luật sau đây là một minh họa:

Ðiều 517

~1 Ở đâu hoàn cảnh đòi hỏi, trách nhiệm mục vụ của một giáo xứ hoặc của nhiều giáo xứ cùng một lúc có thể được uỷ thác cách liên đới cho nhiều tư tế, với điều kiện là một vị trong các tư tế ấy phải là người điều hành việc thi hành trách nhiệm mục vụ; nghĩa là vị này phải chỉ đạo hoạt động chung và phải chịu trách nhiệm trước Giám Mục về hoạt động ấy.

~2. Nếu vì thiếu các tư tế, Giám Mục Giáo Phận xét thấy cần phải uỷ thác cho một phó tế, hoặc cho một người không có chức tư tế, hoặc cho một nhóm người, được tham gia vào việc thi hành trách nhiệm mục vụ của một giáo xứ, thì ngài phải đặt một tư tế có các quyền và các năng quyền của một cha sở làm người điều hành trách nhiệm mục vụ.

Có một vấn đề khó khăn là vị tư tế mà điều 517 này nói đến phải được gọi là gì?

- Có những đề nghị là: "Cha quản nhiệm", "Cha điều hành", "Quyền cha sở"...

Một điều tương tự, được thấy ở điều 540~1, nói đến vị "giám quản giáo xứ" (L'amministratore parrochiale):

"Giám quản giáo xứ cũng có các nghĩa vụ và cũng được hưởng các quyền lợi như cha sở, trừ khi Giám Mục Giáo Phận ấn định cách khác".

Vị Giám Quản giáo xứ này được điều 539 nói là:

"Khi giáo xứ khuyết vị hoặc khi cha sở bị ngăn trở không thể thi hành trách nhiệm mục vụ trong giáo xứ được vì bị giam cầm, bị lưu đày hoặc bị sa thải, không có năng lực hoặc vì thiếu sức khoẻ, hoặc vì một lý do nào khác, Giám Mục Giáo Phận phải chỉ định càng sớm càng tốt một giám quản giáo xứ, tức là một tư tế để thay thế cha sở chiếu theo quy tắc của điều 540".

"Giám Quản giáo xứ", trong trường hợp này "có các nghĩa vụ và cũng được hưởng các quyền lợi như cha sở". Vì vậy, cũng có thể dùng danh xưng "Giám Quản giáo xứ" để chỉ vị tư tế mà Giám quản Giáo phận cắt đặt để coi sóc một giáo xứ.

 

JB. Lê Ngọc Dũng

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page