Khoảng 56 triệu người
qua đời trong năm 2015
Khoảng 56 triệu người qua đời trong năm 2015.
Geneva (ANSA 16-17-05-2017; Vat. 26-05-2017) - Ngày 17 tháng 05 năm 2017, tổ chức Sức Khỏe thế giới gọi tắt là OMS đã công bố thống kê về sức khỏe thế giới trong năm 2015, theo đó, có khoảng 56 triệu người qua đời trong năm 2015.
Vẫn theo thống kê của OMS mới công bố, tỷ số trẻ em chết yểu trong năm 2015 và con số người chết vì bệnh Aids hay còn gọi là liệt kháng giảm sút, nhưng vẫn còn rất nhiều điều phải làm trong lãnh vực chống trả những rắc rối trong lúc sinh sản hay trong lãnh vực chủng ngừa.
Trong năm 2015, mỗi ngày có 860 phụ nữ chết vì sinh sản, tức với tỷ lệ 216 người trên 100 ngàn, còn quá xa so với mục tiêu 70 phụ nữ chết vì sinh sản mỗi 100 ngàn người đã được OMS đề ra trong vòng năm 2030 tới đây. Về phương diện trẻ em chết yểu, thì trong năm 2015 tỷ lệ trẻ em chết dưới 5 tuổi là 43 trên 1,000 em tức là giảm 44% so với năm 2000. Cuộc chiến chống bệnh Aids và sốt rét cũng đang đem lại nhiều thành quả tốt đẹp, song song với sự giảm hạ số người chết vì các chứng bệnh không truyền nhiễm như ung thư hay tiểu đường.
Thống kê của OMS cũng đề cao việc các phương tiện vệ sinh được phổ biến hơn và các chiến dịch chủng ngừa cũng được phát động sâu rộng hơn, chặn đứng nhiều loại bệnh khác.
Một yếu tố được thống kê của tổ chức Sức Khỏe thế giới chú ý nhiều đó là con số người chết vì tai nạn lưu thông và vì các thiên tai.
Vẫn theo thống kê nói trên, con số người trẻ chết mỗi ngày trên toàn thế giới là 3,000 người, đại đa số chết vì những nguyên nhân có thể tránh được, đứng hàng đầu là các tai nạn lưu thông.
Quả thật, tai nạn lưu thông là nguyên do chính gây ra cái chết cho các trẻ em trong lớp tuổi từ 10 đến 19. Con số người chết vì tai nạn lưu thông là 1.2 triệu trên khắp thế giới, đa số tại các nước đang trên đường phát triển. Kế đến là các loại bệnh viêm đường hô hấp, hơn 72 ngàn, và tự tử 67 ngàn.
Bà bác sĩ Flavia Bustreo, phó tổng giám đốc OMS nói: Nhiều thái độ sống của người trẻ hiện nay có thể để lại nhiều hậu quả xấu cho tương lai như quan hệ tính dục liều lĩnh, hiện tượng lười hoạt động thể thao thể dục hay chạy theo những kiểu kiêng cữ sai lạc.
Trong mấy thập niên gần đây, người ta không mấy chú ý đến việc giáo dục người trẻ để phòng ngừa sai lầm về sức khỏe. Cần phải đầu tư nhiều hơn vào việc hướng dẫn người trẻ giữ gìn sức khỏe để họ có thể trở thành những con người trưởng thành và đủ ý thức đóng góp vào việc thăng tiến cộng đoàn xã hội và hướng dẫn các thế hệ tương lai.
(ANSA 16-17.05.2017)
Mai Anh
(Radio Vatican)