Cuộc tấn công nhắm vào
hệ thống internet toàn cầu
Cuộc tấn công nhắm vào hệ thống internet toàn cầu.
Hoa Kỳ (Tổng Hợp 18-05-2017; Vat. 23-05-2017) - Trong tuần qua, thế giới rất chú ý đến cuộc tấn công trên mức độ hoàn vũ nhắm vào hệ thống internet của trên 150 quốc gia. Cuộc tấn công này đã khởi đầu ngày thứ sáu 12 tháng 05 năm 2017, mệnh danh là Wannacry, muốn khóc, cài mã độc vi rút vào máy tính và khóa các files lại, không cho máy tính hoạt động nữa. Các hackers dùng các công cụ tấn công mạng của cơ quan an ninh quốc gia NSA của Hoa Kỳ, đòi phải trả tiền chuộc bằng tiền Bitcoin, tức là đơn vị tiền ảo thì mới mở khóa, bằng không sau một thời gian ngắn, các files trong máy tính nhiễm vi rút sẽ bị xóa bỏ.
Nhiều hệ thống internet thế giới, chẳng hạn như mạng vi tính của bộ y tế Anh quốc, bị thiệt hại trầm trọng. May nhờ một thiếu niên người Anh tình cờ tìm ra phương thế ngăn chặn cuộc tấn công thứ nhất này. Tuy nhiên đợt tấn công thứ hai đã tiếp tục suốt tuần qua và nhắm đặc biệt đến hệ thống các máy vi tính Trung quốc. Các hệ thống chống tin tặc tiếp tục hoạt động để đối phó với các âm mưu tấn công.
Cho đến nay, các chuyên viên vẫn chưa xác định chắc chắn nguồn gốc phát sinh chiến dịch tấn công Wannacry. Một số người cho là cuộc tấn công này phát sinh từ Triều Tiên. Nhưng Văn phòng cảnh sát châu Âu Europol khẳng định hôm thứ ba 16 tháng 05 năm 2017, là còn quá sớm để xác quyết điều này.
Các chuyên viên an ninh mạng internet khám phá là một khả thể liên kết cuộc tấn công với Triều Tiên, nhưng chưa có gì là rõ rệt. Họ chỉ biết một điều là nhóm hackers Shadow Brokers dọa sẽ tung lên mạng hàng đống dữ liệu lấy cắp được từ các ngân hàng chuyển tiền, các chương trình tên lửa hạt nhân của Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên; đồng thời hứa sẽ cung cấp các mã độc mới cho bất cứ ai trả tiền mua, gia tăng nguy cơ thâm nhập các bí mật thương mại lớn của thế giới công nghệ.
Các chuyên viên kêu gọi cập nhật các thảo chương và yêu cầu người dùng đừng mở những điện thư không rõ xuất xứ chắc chắn để tránh bị tấn công. Mỹ đã tránh được tổn thất nặng nề trong lần tấn công này vì chỉ còn rất ít máy tính xử dụng những phiên bản cũ của hệ điều hành Windows. Ðại đa số các máy tính khác đã được nâng cấp hoặc cập nhật thêm những miếng vá tránh các sơ hở khiến các mã độc như Wannacry có thể xâm nhập và phá hoại. Theo hãng bảo mật Avast của cộng hòa Czech, vụ tấn công bằng mã độc Wannacry gây thiệt hại nặng nề nhất tại Nga, Ðài Loan, Ucraina và Ấn Ðộ.
Ông Daren Anstee giám đốc kỹ thuật của Arbor Networks, đã bình phẩm về cuộc tấn công Wannacry như sau: Biến cố này nêu rõ những vấn đề liên quan đến việc phải liên tục cập nhật hóa các cơ cấu vi tính. Càng điều tra kỹ lưỡng, người ta càng nhận rõ hai điều. Trước hết thành phần nhân sự của một cơ quan có thể trở thành điểm yếu nhất về mặt an ninh bảo mật, nhất là trong lúc này, khi những kỹ thuật cài mã độc trong những thư giả lên đến mức độ tinh vi. Thứ đến cần phải huấn luyện nhân viên biết nhận dạng và không mở các thư giả ấy.
Ông Anstee cũng đề cập đến sự kiện một người trẻ chuyên truy lùng mã độc đã tình cờ khám phá ra biện pháp để tắt mã độc Wannacry giúp chặn đứng cuộc tấn công này và cảnh cáo rằng không nên có ảo tưởng an ninh vì đây chỉ là một loại an ninh nhất thời mà thôi.
(Tổng Hợp 18.05.2017)
Mai Anh
(Radio Vatican)