Bài giảng của Ðức Hồng Y Pietro Parolin
trong lễ vọng mừng 100 năm Ðức Mẹ Fatima
Tờ bạc giả - Bài giảng của Ðức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong lễ vọng mừng 100 năm Ðức Mẹ Fatima.
Fatima (VietCatholic News 17-05-2017) - Tối 12 tháng 5 năm 2017, tại linh địa Fatima, Ðức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chủ sự thánh lễ vọng mừng 100 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima.
Dưới đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn bài giảng của ngài:
Kính thưa anh chị em tín hữu hành hương,
Với niềm vui và lòng biết ơn, chúng ta tập trung tại Ðền thờ này để kỷ niệm những lần Ðức Mẹ hiện ra với ba trẻ chăn cừu. Chúng ta tham gia vào đoàn lũ đông đảo những người hành hương, những người hàng trăm năm qua đã đến đây để tỏ lòng tín thác nơi Mẹ Thiên Ðàng. Chúng ta đang cử hành Bí Tích Thánh Thể này để tôn vinh Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ. Trong bài đọc đầu tiên, chúng ta nghe người ta kêu lên: "bà đã cứu chúng ta thoát hoạ diệt vong, vì bà đã sống ngay thẳng trước nhan Thiên Chúa." (Gdt 13:20). Những lời ngợi khen và lòng biết ơn này đã được dân thành Bethulia thốt lên để ca tụng Judith, nhà vô địch của họ, "Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa, Ðấng dựng nên trời đất; Người đã hướng dẫn bà chặt đầu tướng giặc!" (Gdt 13: 18). Nhưng những lời này thực sự chỉ đạt đến ý nghĩa viên mãn nơi Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhờ con mình là Ðức Chúa Giêsu Kitô, Mẹ đã có thể "nghiền nát đầu" (xem Sáng thế ký 3:15) "con rắn cổ đại, là ma quỷ, là Satan, là kẻ lừa dối cả thế giới". Satan tức giận với người phụ nữ, và gây chiến với những đứa con còn lại của bà, là những người giữ các điều răn của Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa Giêsu" (Kh 12: 9.17).
Vì Mẹ Maria quan tâm đến những thử thách của con cái mình, nên Mẹ Maria xuất hiện ở đây với một sứ điệp an ủi và hy vọng cho một thế giới đang có chiến tranh và cho một Giáo Hội đang đau khổ: "Cuối cùng, Trái tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ chiến thắng" (Lần hiện ra tháng 7 năm 1917 ). Nói cách khác: "Các con hãy tin tưởng! Cuối cùng, tình yêu và hòa bình sẽ chiến thắng, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn sức mạnh của ma quỷ. Những gì dường như không thể đối với con người đều là có thể đối với Thiên Chúa". Ðức Mẹ cũng yêu cầu chúng ta tham gia vào trận chiến của Con Thiên Chúa của Mẹ, đặc biệt là trong việc đọc chuỗi Mân Côi hàng ngày cho hòa bình thế giới. Mặc dù tất cả mọi thứ phụ thuộc vào Thiên Chúa và ân sủng của Người, chúng ta vẫn cần phải hành động như thể mọi thứ phụ thuộc vào chúng ta, qua việc kêu cầu Ðức Trinh Nữ Maria để con tim của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, lịch sử của các dân tộc và tình huynh đệ của toàn thể nhân loại được thánh hiến và bảo vệ và được đặt dưới sự hướng dẫn của Mẹ. Mẹ muốn mọi người có lòng cậy trông nơi Mẹ! "Nếu các con làm những gì Mẹ nói, nhiều linh hồn sẽ được cứu và sẽ có được hòa bình" (Lần hiện ra tháng 7 năm 1917). Cuối cùng, chiến thắng sẽ thuộc về một trái tim: là Trái tim của Ðức Mẹ trước hàng triệu con trai và con gái của Mẹ.
Tối nay, chúng ta cảm tạ và ngợi khen Ba Ngôi Cực Thánh vì sự dấn thân của rất nhiều người nam nữ trong sứ mệnh hòa bình được Mẹ Ðồng Trinh giao phó. Từ Ðông sang Tây, tình yêu của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria đã giành được một vị trí trong lòng các dân tộc như một nguồn hy vọng và ủi an. Công đồng Vatican II đã nhóm họp để làm mới lại khuôn mặt của Giáo Hội và trình bày chính mình như một Công đồng của tình yêu. Các tín hữu, các giám mục, và Ðức Giáo Hoàng đã vâng lời Mẹ Thiên Chúa và toàn thể thế giới đã được thánh hiến cho Mẹ. Ở mọi nơi, các nhóm và các cộng đồng tín hữu tiếp tục tăng trưởng. Bừng tỉnh khỏi sự thờ ơ của ngày hôm qua, giờ đây họ tích cực hoạt động để trình bày trước thế giới bộ mặt đích thật của Kitô Giáo.
"Nếu họ làm những gì Mẹ nói với các con, thế giới sẽ có hòa bình". Một trăm năm sau những cuộc hiện ra này, đúng như Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét, "với nhiều người hôm nay, hoà bình dường như là một ơn lành tự dưng mà có, vì người ta không phải nghĩ nhiều đến chuyện làm sao giành được nó, trong khi đối với đông đảo những người khác, hòa bình vẫn là một giấc mơ xa vời. Hàng triệu người vẫn phải sống giữa các xung đột vô nghĩa. Ngay cả ở những nơi từng được coi là an toàn, người ta vẫn thấy một cảm giác sợ hãi bao trùm. Chúng ta thường bị choáng ngợp bởi những hình ảnh về cái chết, bởi nỗi đau của những người nam nữ vô tội, những phụ nữ và trẻ em cầu xin giúp đỡ và an ủi, bởi nỗi thương tiếc của những người người thân đối với những người đã chết vì hận thù và bạo lực, và những hình ảnh của đoàn lũ những người tị nạn chạy trốn chiến tranh và những người di cư đang đối diện với những cái chết thảm khốc" (Diễn từ trước ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh ngày 9 tháng Giêng năm 2017). Trước những mối âu lo và sự bất định về tương lai, điều Fatima yêu cầu chúng ta là gì? Ðó là sự bền đỗ trong việc thánh hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ, thể hiện hàng ngày qua việc đọc Kinh Mân Côi. Và nếu, bất chấp những lời cầu nguyện của chúng ta, chiến tranh vẫn tiếp tục thì sao? Ngay cả khi những kết quả tức thời có thể chưa nhìn thấy được, chúng ta hãy kiên trì trong lời cầu nguyện. Cầu nguyện không bao giờ là vô ích. Sớm hay muộn, nó sẽ sinh hoa kết quả. Cầu nguyện là vốn liếng của chúng ta trong tay Thiên Chúa; Người đã biến nó thành một tài khoản tốt vào thời điểm thích hợp và theo cách của Ngài, rất khác với suy nghĩ của chúng ta.
Bài đáp ca sau bài đọc thứ nhất trình từ bài ca Magnificat, với sự tương phản rõ rệt giữa một bên là những câu chuyện về sự "vĩ đại" của các quốc gia cùng các cuộc xung đột của các dân nước, những câu chuyện về sự vĩ đại của các vương triều theo niên đại lịch sử và các vùng địa lý mà họ cát cứ; và một bên là lịch sử "bé nhỏ" của những người nghèo, những người khiêm tốn và bất lực. Những người thứ hai này được mời gọi làm việc cho hoà bình với một lực lượng khác, với những phương tiện xem ra vô dụng hoặc chẳng có hiệu quả gì, như là hoán cải, ăn năn đền bồi và tin tưởng phó thác. Họ được yêu cầu ngăn chặn sự lan tràn của cái ác bằng cách chìm đắm trong đại dương của Tình Yêu Thiên Chúa như là một sự chống đối - quyết liệt không đầu hàng - trước những điều tầm thường và vòng kiềm tỏa của cái ác.
Chúng ta phải làm gì? Hãy để tôi giải thích bằng một ví dụ đã được Eloy Bueno de la Fuente trình bày trong cuốn "Sứ Ðiệp Fatima: Lòng Thương Xót của Thiên Chúa chiến thắng giữa những bi kịch của lịch sử" từ trang 235 đến trang 237. Nếu ai đó đưa cho chúng ta một tờ bạc giả, một phản ứng tự nhiên và hợp lý là làm mọi cách để đẩy nó sang người khác. Ðiều này cho thấy chúng ta đã sẵn sàng như thế nào để rơi vào một thứ logic ngớ ngẩn đang cố tóm lấy chúng ta và biến chúng ta thành một thứ công cụ lan truyền sự gian ác. Nếu tôi hành động theo logic này, tình hình của tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi là một nạn nhân vô tội khi tôi nhận được tấm giấy bạc giả, tôi là một nạn nhân của cái ác do người khác thực hiện. Nhưng một khi tôi quyết định tống khứ tấm giấy bạc giả ấy cho người khác, tôi không còn là người vô tội nữa. Tôi đã bị sức mạnh quyến rũ của cái ác tóm lấy, để thông đồng với nó tạo ra một nạn nhân mới. Tôi đã trở thành một kẻ đồng loã với cái ác, giờ đây tôi bị ràng buộc trách nhiệm vào hành vi gian ác này, và trở thành kẻ có tội. Một cách hành động khác là ngăn chặn sự lây lan của cái ác, nhưng điều đó chỉ xảy ra được khi tôi bằng lòng trả giá cho sự lương thiện của mình bằng cách giữ tờ giấy bạc giả ấy, và do đó tôi giải phóng người khác khỏi sự lây lan của cái ác.
Ðây là phản ứng duy nhất có thể ngăn chặn cái ác và ưu thế của nó. Con người giành được chiến thắng này khi họ có khả năng hy sinh để trở thành của lễ đền bù tội lỗi. Chúa Kitô đã thực hiện điều đó, và qua đó cho thấy cách thế yêu thương của Người là lòng thương xót. Tình yêu tột độ này có thể được nhìn thấy nơi thập giá của Chúa Giêsu. Ngài gánh lấy toàn bộ sức nặng của hận thù và bạo lực tuôn đổ xuống trên Ngài, không phản ứng lại bằng cách ăn miếng trả miếng hay đe doạ trả thù. Thay vào đó, Ngài tha thứ, và do đó cho thấy rằng có một tình yêu còn lớn hơn hận thù. Chỉ có Chúa mới có thể làm được điều này, là chặn lại "tờ bạc giả", bẻ gãy cái luận lý ngớ ngẩn của bạo lực. Cái chết của Ngài là một chiến thắng trên cái ác đã được tung ra bởi những kẻ tra tấn Ngài, bao gồm tất cả chúng ta. Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đinh và sống lại, là hòa bình và là sự hòa giải của chúng ta (Ê-phê-sô 2:14, 2Cor 5:18).
"Bà đã cứu chúng tôi thoát hoạ diệt vong, vì bà đã sống ngay thẳng trước nhan Thiên Chúa." Chúng ta hãy cùng cầu nguyện vào đêm canh thức này như là một dân tộc hành hương vĩ đại, đang dõi theo bước chân của Chúa Giêsu Phục Sinh, soi sáng cho nhau và giúp đỡ nhau tiến lên, dựa trên đức tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô. Các Giáo Phụ của Giáo Hội cho chúng ta biết rằng Ðức Maria đã cưu mang Chúa Giêsu trước hết trong đức tin và sau đó là trong xác thịt, khi Mẹ nói tiếng "Xin Vâng" với lời mời gọi của Thiên Chúa qua thiên thần. Nhưng những gì diễn ra một cách đặc biệt nơi Ðức Mẹ Ðồng Trinh cũng diễn ra một cách thiêng liêng trong chúng ta bất cứ khi nào chúng ta nghe Lời Chúa và đưa Lời Người vào thực hành, như Phúc Âm đã nói (xem Lc 11:28). Khi bắt chước sự quảng đại và can đảm của Ðức Maria, chúng ta hãy dâng thân xác của chúng ta lên Chúa Giêsu để Ngài có thể tiếp tục sống giữa chúng ta. Chúng ta hãy dâng đôi bàn tay lên Ngài để chăm sóc cho những đứa trẻ và người nghèo, hãy dâng đôi chân chúng ta khi gần gũi anh chị em của chúng ta, dâng cánh tay của chúng ta khi bảo vệ những người yếu đuối và khi chúng ta làm việc trong vườn nho của Chúa, dâng tâm trí chúng ta trong những suy nghĩ và kế hoạch dưới ánh sáng của Tin Mừng, và trên tất cả, hãy dâng lên Chúa con tim của chúng ta để yêu mến và đưa ra các quyết định theo thánh ý Chúa.
Chỉ có như thế, Ðức Trinh Nữ mới có thể định hình chúng ta, đưa chúng ta vào Trái tim Vô Nhiễm của Mẹ, như Mẹ đã làm với Lucia, Phanxicô và Jacinta. Vào ngày kỷ niệm những cuộc hiện ra này, với lòng biết ơn đối với ân sủng mà sự kiện, sứ điệp và đền Fatima này đã mang đến cho thế giới trong suốt thế kỷ vừa qua, chúng ta hãy cùng hợp tiếng với Ðức Trinh Nữ Maria: "Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người." (Lc 1:46-50)
J.B. Ðặng Minh An dịch