Ðức Thánh Cha tôn phong hiển thánh

cho 2 chân phước ở Fatima

 

Ðức Thánh Cha tôn phong hiển thánh cho 2 chân phước ở Fatima.


Ðức Thánh Cha tôn phong hiển thánh cho 2 chân phước ở Fatima.


Fatima (Vat. 13-05-2017) - Thứ bẩy 13 tháng 5 năm 2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tôn phong lên bậc hiển thánh 2 chân phước thiếu nhi đã được Ðức Mẹ hiện ra cách đây đúng 100 năm: Phanxicô và Giacinta Marto.

Quảng trường trước Ðền Thánh Ðức Mẹ là một biển người, trong đó có tổng thống Marcelo Rebelo de Souza của Bồ đào nha, Tổng thống Paraguay, và của São Tomé và Principe bên Phi châu Ông Evaristo do Espirito Carvalho. Thủ tướng Antonio Costa và hơn 11 bộ trưởng của Bồ. Ðặc biệt trong số các tín hữu hiện diện có bé Lucas, 10 tuổi, và cha mẹ em người Brazil. Cách đây 4 năm, em đã được phép lạ khỏi bệnh nhờ lời chuyển cầu của hai chân phước, khi em bị ngã từ cửa số xuống đất, bị chấn thương và hôn mê trong tình cảnh tuyệt vọng.

Lễ đài được thiết lập trên thềm Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Mân Côi và trên mặt tiền đền thờ có treo hai bức hình chính thức của hai vị chân phước được phong thánh. Bên trái bàn thờ là tượng Ðức Mẹ Fatima.

Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có 8 Hồng Y, hơn 135 Giám Mục và 2 ngàn linh mục quốc tế.

Nghi thức phong thánh

Mở đầu thánh lễ sau lời chào phụng vụ của Ðức Thánh Cha là nghi thức phong thánh bắt đầu với bài ca cầu xin ơn Chúa Thánh Thần:

Ðức Giám Mục giáo phận Leiría Fatima, António Augusto dos Santos Marto, xin Ðức Thánh Cha tôn phong 2 chân phước anh em Phanxicô và Giaxinta Marto lên bậc hiển thánh và tiếp đó một linh mục đã đọc tiểu sử tóm lược của hai vị chân phước.

Phanxicô Marto sinh ngày 11 tháng 6 năm 1908 và Giacinta sinh ngày 5 tháng 3 năm 1910. Hai em nhận được nền giáo dục Kitô đơn sơ nhưng vững chắc. Hai thiếu nhi cùng với chị họ Lucia đã được Ðức Mẹ hiện ra lần đầu ngày 13 tháng 5 năm 1917 trong lúc chăn đoàn vật trên đồi Cova da Iria.

Tháng 10 năm 1918, tức là 1 năm sau khi Ðức Mẹ hiện ra lần cuối cùng ngày 13 tháng 10 năm 1917, Phanxicô lâm bệnh, và đã chịu đựng cơn bệnh một cách bình thản. Các bác sĩ chẩn bệnh và thấy rằng cậu bé bị sốt Tây Ban Nha. Hôm trước ngày qua đời, Phanxicô nói với chị Lucia: "Chị à, em bệnh nặng lắm rồi, và sắp qua đi". Bấy giờ chị Lucia nói: "Vậy em hãy nhớ kỹ, đừng quên cầu nguyện nhiều cho kẻ có tội, có Ðức Thánh Cha, cho chị và cho Giaxinta nữa". "Ðồng ý, em sẽ cầu nguyện. Nhưng những chuyện đó, chị hãy xin Giaxinta thì tốt hơn, vì em sợ là sẽ quên khi em thấy Chúa. Với lại, trước hết em muốn an ủi ngài". Phanxicô qua đời tối ngày 4 tháng 4 năm 1919.

Giaxinta rất đau khổ vì cái chết của anh, và chẳng bao lâu sau cũng theo chân anh. Bệnh sốt Tây Ban Nha biến chứng thành sưng màng phổi có mủ, và cô bé được đưa vào nhà thương vào tháng giêng năm 1920. Và khi Giaxinta qua đời một mình ở nhà thương tại thủ đô Lisboa, trong đêm 20 tháng 2 năm 1920 sau đó lúc mới được 9 tuổi.

Ðức Thánh Cha đã mời gọi mọi người hát kinh cầu các thánh xin ơn phù trợ của các ngài trước khi tiến hành công việc trọng đại là việc tuyên thánh.

Kế đến Ðức Thánh Cha đã đọc công thức lấy quyền tông đồ tuyên bố là thánh và truyền ghi tên hai vị chân phước Phanxicô và Giacinta Marto vào số bộ các thánh của Giáo Hội và tôn kính các vị theo các qui luật của Giáo Hội vào ngày 20 tháng 2 hàng năm.

Cộng đoàn nhiệt liệt vỗ tay và hát mừng hai vị thánh mới của Giáo Hội.

Bài giảng của Ðức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, Ðức Thánh Cha đã diễn giải ý tưởng Mẹ Maria bảo vệ các tín hữu trong áo choàng Ánh sáng của Mẹ, ánh sáng xuất phát từ Thiên Chúa. Ngài nói:

"Một phụ nữ mặc mặt trời xuất hiện trên trời": Thánh Gioan người được thị kiến ở đảo Patmos trong sách Khải huyền (12,1) làm chứng điều đó, và quan sát thấy phụ nữ ấy sắp sinh con. Rồi trong Phúc Âm, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói với môn đệ: "Này là Mẹ con" (Ga 19,26-27). Chúng ta có một người Mẹ! Một "Bà rất đẹp" như 3 mục đồng Fatima bình luận trên đường về nhà trong ngày hồng phục ấy 13-5 cách đây 100 năm. Và ban tối hôm ấy, Giacinta không cầm giữ được và đã tỏ lộ bí mật với mẹ: "Hôm nay con đã thấy Ðức Mẹ". Các mục đồng đã thấy Mẹ của Trời Cao. Theo hướng nhìn của mắt các em, đôi mắt của nhiều người cũng nhìn theo, nhưng .. những người này không thấy điều các em đã thấy. Ðức Trinh Nữ Maria không đến để chúng ta thấy Mẹ: để làm điều ấy, chúng ta sẽ có cả thời gian vĩnh cửu, nếu chúng ta lên Trời.

Nhưng Ðức Mẹ, khi báo trước và cảnh giác chúng ta về nguy cơ hỏa ngục mà một cuộc sống không có Thiên Chúa và xúc phạm đến Chúa nơi các thụ tạo dẫn tới, Mẹ đến để nhắc nhở chúng ta về Ánh sáng của Thiên Chúa ở trong chúng ta và bao phủ chúng ta, vì như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ I, "Người con bị đưa về cùng Thiên Chúa" (Kh 12,5). Và theo lời chị Lucia, 3 trẻ em được đặc ân ở trong ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏ từ Ðức Mẹ. Mẹ bao phủ các em trong áo choàng Ánh sáng mà Thiên Chúa ban cho Mẹ. Theo tin tưởng và cảm thức của nhiều tín hữu hành hương, nếu không phải là tất cả, Fatima trước tiên là áo choàng Ánh sáng ấy bao phủ chúng ta, ở đây cũng như bất kỳ nơi nào trên trái đất khi chúng ta tìm đến nương náu dưới sự bảo vệ của Ðức Mẹ để cầu xin Mẹ, như kinh Lạy Nữ Vương, dạy chúng ta, "xin tỏ Chúa Giêsu cho chúng con".

Ðức Thánh Cha nói tiếp: "Các tín hữu hành hương rất thân mến, chúng ta có một Người Mẹ. Khi bám chặt vào Mẹ, chúng ta sống trong niềm hy vọng dựa vào Chúa Giêsu, vì như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ hai, "Những người nhận được dồi dào ân thánh và hồng ân công chính sẽ hiện trị trong cuộc sống nhờ một mình Chúa Giêsu Kitô', Roma đoạn 5 câu 17. Khi Chúa Giêsu lên trời, Ngài mang đến cạnh Chúa Cha nhân loại, nhân tính của chúng ta, nhân tính mà ngài đã đón nhận trong cung lòngÐức Trinh Nữ là Mẹ, và không bao giờ Ngài bỏ rơi. Như một cái neo, chúng ta gắn chặt niềm hy vọng của chúng ta nơi nhân tính được đặt trên Trời, ở bên hữu Chúa Cha (Xc Ep 2,6). Ước gì niềm hy vọng này là đòn bẩy cho cuộc sống của tất cả chúng ta! Một niềm hy vọng luôn nâng đỡ chúng ta cho đến hơi thở cuối cùng.

Với niềm hy vọng ấy, chúng ta tụ tập nhau nơi đây để cảm tạ Chúa vì vô số phúc lành mà Trời Cao đã ban cho chúng ta trong 100 năm qua dưới áo choàng Ánh sáng mà Ðức Mẹ, từ Bồ đào nha giầu hy vọng này, đã trải dài trên tứ phương của trái đất. Chẳng hạn, chúng ta đang có trước mắt thánh Phanxicô Marto và thánh nữ Giacinta mà Ðức Mẹ đã dẫn đưa vào vùng biển mênh mông Ánh sáng của Thiên Chúa, dẫn đưa các thánh ấy đến thờ lạy Chúa. Từ đó các thánh ấy được sức mạnh để vượt thắng nghịch cảnh và đau khổ. Sự hiện diện của Chúa trở nên liên lục trong đời sống hai thánh nhân, như được biểu lộ rõ ràng trong sự kiên trì cầu nguyện cho các kẻ có tội và trong ước muốn liên lỷ ở gần Chúa Giêsu ẩn náu trong nhà tạm.

Trong hồi ký (Memorie, III, n.6), chị Lucia dành lời cho Giacinta vừa mới được một thị kiến" "Con không thấy bao nhiêu con đường, những con lộ và cánh đồng đầy người đang khổ vì đói và không có gì để ăn sao? Và Ðức Thánh Cha trong một nhà thờ, trước Trái Tim vẹn sách của Mẹ Maria, đang cầu nguyện sao? Và bao nhiêu người cầu nguyện với Người sao?".

Ðức Thánh Cha nói:

"Cám ơn anh chị em đã đồng hành với tôi! Tôi không thể không đến đây để tôn kính Ðức Mẹ và phó thác cho Mẹ những con cái của Người. Dưới áo choàng của Mẹ, ta không bị lạc mất: từ vòng tay của Mẹ sẽ nảy sinh hy vọng và an bình mà họ đang cần và tôi cầu khẩn điều ấy cho tất cả các anh chị em của tôi trong bí tích rửa tội và trong nhân tính, đặc biệt các bệnh nhân và những ngừơi khuyết tật, các tù nhân và những ngừơi thất nghiệp, người nghèo và người bị bỏ rơi.

Anh chị em rất thân mến, trong niềm hy vọng chúng ta hãy cầu xin để mọi người lắng nghe chúng ta; và chúng ta hãy ngỏ lời với con người với nhiều tín thác Thiên Chúa sẽ cứu giúp chúng ta.

"Thực vậy, Chúa đã tạo dựng chúng ta như một niềm hy vọng cho tha nhân, một niềm hy vọng thực sự và có thể thực hiện được theo bậc sống của mỗi người. Khi yêu cầu và đòi hỏi mỗi người chúng ta chu toàn các nghĩa vụ của bậc sống của mình (thư chị Lucia 28-2-1943), Chúa tạo nên một sự tổng động viên chống lại sự dửng dưng làm cho con tim của chúng ta trở nên giá lạnh và gia tăng sự thiển cận của chúng ta. Chúng ta không muốn là một niềm hy vọng bị hỏng mất! Cuộc sống chỉ có thể sống còn nhờ lòng quảng đại của một sự sống khác. "Nếu hạt lúa rơi xuống đất không chết đi thì nó vẫn trơ trụi một mình; nhưng nếu chết đi, nó sẽ sinh nhiều hoa trái" (GA 12.24): Chúa đã nói và đã làm điều đó, Ngài luôn đi trước chúng ta. Khi chún gta đi qua một thập giá, Chúa đã đi trước chúng ta. Như thế chúng ta leo lên thập giá để tìm Chúa Giêsu; nhưng chính Ngài đã hạ mình và đi xuống tận thập giá để tìm chúng ta và trong chúng ta, Ngài chiến thắng tăm tối của sự ác và đưa chúng ta trở lại Ánh Sáng.

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng dưới sự bảo vệ của Mẹ Maria, chúng ta là những người canh ban mai biết ngắm nhìn tôn nhan đích thực của Chúa Giêsu cứu thế, tôn nhan chiếu tọa rạng ngời trong Ngày Phục Sinh, và tái khám phá khuôn mặt trẻ trung và đẹp đẽ của Giáo Hội; tôn nhan ấy chiếu tỏa sáng ngời khi có đặc tính thừa sai, niềm nở, tự do, trung thành, nghèo phương tiện nhưng giàu tình thương.

Trong phần dâng lễ vật, có 4 người thuộc gia đình bé Lucas được phép lạ khỏi bệnh lạ lùng nhờ hai vị thánh mơi được tôn phong, mang bánh rượu lên cho Ðức Thánh Cha.

Cuối thánh lễ có nghi thức thờ lạy Mình Thánh Chúa và Ðức Thánh Cha ban phép lành cho các tín hữu đặc biệt là anh chị em bệnh nhân.

Thánh lễ kết thúc lúc quá 12 giờ trưa và Ðức Thánh Cha đã về nhà trọ Ðức Mẹ Camelô để dùng bữa trưa với các Giám Mục Bồ đào nha và đoàn tùy tùng.

Lúc gần 2 giờ chiều, Ðức Thánh Cha đã trở lại Căn cứ không quân Monte Real bằng xe thường, cách Fatima 43 cây số. Tại đây có nghi thức từ giã đơn sơ với sự hiện diện của Tổng thống và 700 tín hữu, rồi Ðức Thánh Cha đáp máy bay về Roma.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page