Các nữ tu giúp đỡ dân Iraq
những người cảm thấy mình bị Chúa bỏ rơi
Các nữ tu giúp đỡ dân Iraq - những người cảm thấy mình bị Chúa bỏ rơi.
Illinois (Aleteia 05/04/2017; Vat. 14-04-2017) - "Lạy Chúa của con! Ôi Chúa của con! Sao Ngài bỏ con?" Các Kitô hữu trên khắp thế giới rất quen thuộc với những lời này - những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh giá. Nhưng người dân Hoa kỳ cũng được chia sẻ cho biết là những lời này đã nằm trên môi miệng của các Kitô hữu Iraq, khi họ trốn chạy khỏi các kẻ xâm lược chiếm đóng các làng của họ.
Ngày 5 tháng 4 năm 2017, nữ tu Habiba Bihnam Toma, dòng Ðaminh Iraq, đã chia sẻ với nhật báo Tin tức Miền Ðông ở Illinois về kinh nghiệm giúp đỡ các người tị nạn trốn chạy nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền bắc Iraq vào năm 2014. Sơ kể: Khi các Kitô hữu đang tản cư đi qua vùng của người Kurd ở Ankawa, họ nghe tiếng súng. Chúng tôi sợ hãi, chúng tôi kêu khóc, chúng tôi cầu nguyện và di chuyển chậm chạp giữa hàng ngàn người đang bò trên mặt đất để tránh đạn và kêu than: 'Lạy Chúa, Ngài ở đâu? Tại sao Ngài bỏ chúng con?'"
Các nữ tu ngần ngừ rời bỏ tu viện của họ ở Qaraqosh khi mà các Kitô hữu khác còn ở lại. Nhưng một người bạn đã gọi cho các sơ, khẩn khoản yêu cầu các sơ rời đi nhanh chóng, vì quân IS đã có mặt trong tỉnh lỵ. Các nữ tu buộc phải ra đi. Ðồ vật duy nhất các sơ mang theo mình, là các cuốn sách kinh nguyện của các sơ. Các sơ cảm thấy bị sốc khi phải rời bỏ tu viện ra đi và nhìn thấy trên đường đầy các chiếc xe hơi và người, cũng giống như các sơ, đang chạy khỏi thành phố vì sợ hãi, vì lo sợ cho tính mạng của mình. Con đường chính dẫn đến Ankawa đầy những xe và người đang đi bộ, nên các sơ không thể tiếp tục đi được. Các sơ đã rời bỏ con đường chính và đi theo một con đường ít người qua lại. Các sơ đã xin một người lính cho họ đi bằng xe hơi, vì các sơ đã già không thể đi bộ.
Khi đến được Ankawa, các Kitô hữu di tản phải sống ở bất cứ nơi nào họ tìm được chỗ trống: trên đường phố, trong các nhà thờ, các tòa nhà đang được xây dựng. Tất cả 75 nữ tu sống trong một tòa nhà bình thường chỉ đủ chỗ cho 20 người, Cả các Linh mục và Giám mục cũng phải di tản và họ cộng tác với các nữ tu để trợ giúp các người dân di tản nội địa. Từng hai người một, họ thăm các trại dành cho người tản cư. Hàng ngày các sơ thăm viếng những người di tản, lắng nghe các đau khổ của họ và khuyến khích họ kiên nhẫn, chờ đợi trong hy vọng và với sức mạnh của đức tin. Các sơ tập họp những người lớn lại cầu nguyện với nhau và chăm sóc các trẻ em, cho chúng chơi đùa. Họ nhận các đóng góp thực phẩm, quần áo, nước non và tiền bạc. Sơ Toma cho biết: mỗi gia đình có một không gian giới hạn, vài gia đình chung nhau một lớp học, những người khác thì tụ họp dưới chân cầu thang hay sống trong các lều bạt. Các người nam và những người trẻ thì ngủ ngoài trời. Khi năm học bắt đầu lại, các người tị nạn buộc phải di chuyển đến sống trong các lều. Khi trời mưa, rắn rết bọ cạp cũng bò đến. Cũng may là cuối cùng Giáo hội sắp xếp thuê các ngôi nhà cho các gia đình di tản. Một số người trẻ phải nghỉ học để lao động kiếm sống, phụ giúp cho gia đình. Khi các sơ nhận thấy tình trạng hành xử bạo lực gia tăng nơi các người trẻ, các sơ đã thành lập 4 trường mẫu giáo và hai trường tiểu học.
Sơ Toma chia sẻ: "Mọi người đau khổ vì quân Hồi giáo IS đã tàn phá không chỉ nhà cửa và trường học của chúng tôi, nhưng cả các nhà thờ, các đan viện và những địa danh nổi tiếng của nền văn hóa Kitô giáo đã có từ 2,000 năm trước. Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi chỉ có thể trở lại làng mạc của chúng tôi khi có hòa bình và khi cộng đồng quốc tế có thể bảo đảm sự an toàn và bảo vệ cho chúng tôi."
Khi sơ Toma đang chia sẻ ở Illinois thì một nữ tu người Siria, người đã chấp nhận hiểm nguy đến mạng sống, đã được phu nhân tổng thống Hoa kỳ Melania Trump vinh danh. Ðó là sơ Carolin Tahhan Fachakh, sống ở Aleppo, Siria, là một trong số 13 phụ nữ được trao giải thưởng "Người phụ nữ quốc tế của lòng can đảm" của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ. Sơ Fachakh đã hoạt động không mệt mỏi để trợ giúp các nhu cầu của những người dân khốn khổ nhất của Siria, đặc biệt là những người tị nạn nội địa và các trẻ em. Sơ là hải đăng của niềm hy vọng cho cả ngừoi Hồi giáo và Công giáo khi chấp nhận đối diện nguy hiểm để cứu giúp người dân. (Aleteia 05/04/2017)
Hồng Thủy
(Radio Vatican)