Tóm lược nội dung
Thông điệp Populorum Progressio
"Tiến bộ các dân tộc"
Tóm lược nội dung Thông điệp Populorum Progressio "Tiến bộ các dân tộc" của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI.
Roma (Vat. 2-04-2017) - Cách đây 50 năm ngày 26 tháng 3 năm 1967, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã công bố Thông điệp "Populorum progressio - "Tiến bộ các dân tộc", đề ra các đường hướng mới cho xã hội, trong đó có tình liên đới như dụng cụ cai trị các dân nước. Thông điệp đã ghi dấu một cuộc cách mạng thường được gọi là "cuộc cách mạng Montini". Ngay từ năm 1963 Ðức Phaolô VI đã bắt đầu thu thập các tài liệu rộng rãi liên quan tới "Sự phát triển kinh tế, xã hội, luân lý. Chất liệu nghiên cứu cho một thông điệp về các nguyên tắc luân lý của sự phát triển". Việc soạn thảo Thông điệp như thế đã kéo dài nhiều năm, và sử dụng tất cả các bản tường trình của các vị Sứ Thần Tòa Thánh, các thư từ và tài liệu của các Giám Mục, phần đóng góp của các thần học gia, kinh tế gia và chính trị gia. Tài liệu đã được soạn thảo 7 lần liên tiếp, lần đầu tiên vào tháng 9 năm 1964 cho tới văn bản chung kết vào tháng 2 năm 1967, và được công bố ngày 26 tháng 3 cùng năm.
Thông điệp gồm 87 số từ phần dẫn nhập cho tới lời kêu gọi kết thúc. Phần nhập đề khẳng định rằng "vấn đề xã hội là vấn đề luân lý". Phần I của Thông điệp đề cập tới mục đích thông điệp nhắm tới là thăng tiến một sự phát triển toàn diện cho con người, tại khắp nơi trên thế giới này. Nó duyệt qua một số các dữ kiện giải thích tại sao lại cần phát triển con người toàn diện. Tiếp đến là tương quan giữa Giáo Hội và sự phát triển, và công việc cần thực hiện trong các lãnh vực cụ thể của cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.
Sau đây là một vài nét chính yếu tóm lược nội dung Thông điệp Populorum Progressio "Tiến bộ các dân tộc":
Tóm lược phần đầu của Thông điệp Populorum Progressio "Tiến bộ các dân tộc"
Trong phần dẫn nhập Ðức Phaolô VI ghi nhận rằng sau Công Ðồng Chung Vatican II Giáo Hội ý thức rõ ràng hơn về các đòi buộc của Tin Mừng trong việc phục vụ con người, đặc biệt các dân tộc từ bao lâu nay đang phải sống dưới gánh nặng của nghèo đói, bần cùng, tật bệnh và dốt nát mà không được hưởng các hoa trái của nền văn minh nhân loại. Vấn đề xã hội có chiều kích luân lý sâu rộng, và các dân tộc nghèo đói gọi hỏi các dân tộc sung túc. Ðây đã là lý do khiến cho Tòa Thánh thành lập Hội Ðồng Công Lý và Hòa bình để thăng tiến sự phát triển của các dân tộc nghèo nhất. Dưới ánh sáng Tin Mừng Giáo Hội đề xướng một sự phát triển toàn diện cho con người, cho mọi người tại khắp nơi trên trái đất này. Thật thế, con người sống tại bất cứ đâu trên trái đất này cũng đều khát khao có được một cuộc sống bảo đảm, có công ăn việc làm ổn định, được giáo dục, được săn sóc sức khỏe, có các quyền tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng, được góp phần tràn đầy vào các trách nhiệm lo cho công ích, thoát khỏi mọi hoàn cảnh bần cùng, bị áp bức bất công và có được các điều kiện sống xứng đáng với con người hơn. Một số các tình trạng này đã có thể là hậu quả của các chế độ thực dân, hay của các cơ cấu xã hội thối nát.
Tuy chúng có các hậu quả xấu xa, nhưng một số các cơ cấu các chế độ thực dân để lại cũng hữu ích cho các dân tộc địa phương, nhất là việc chống lại mù chữ dốt nát, bệnh tật, cũng như trong lãnh vực thông thương và cải tiến các điều kiện sống. Tuy nhiên, thực tại kinh tế tân tiến cũng tạo ra tình trạng mất quân bình, và hố sâu cách biệt giữa người giầu và người nghèo ngày càng gia tăng. Tại các quốc gia nghèo, giới nông dân ngày càng ý thức được các bất công họ phải gánh chịu. Tiến trình độc lập quốc gia khiến cho dân chúng muốn sống kinh nghiệm các quyền từ do cá nhân, chính trị, xã hội, kinh tế.
Ngoài ra còn có sự va chạm giữa các nền văn minh truyền thống và nền văn minh kỹ nghệ tân tiến. Các thế hệ già vẫn bám víu vào các giá trị truyền thống, trong khi các thế hệ trẻ hướng tới các mới mẻ và coi chúng là chướng ngại vô ích cần loại bỏ. Nguy cơ chạy theo các chủ trương cứu thế hứa hẹn ảo tưởng, các phản ứng bạo động và nổi dậy có thể đẩy đưa các dân tộc rơi vào các ý thức hệ độc tài là một vấn đề nghiêm trọng.
Thật ra, ngay từ lúc khởi đầu Giáo Hội đã luôn luôn lưu tâm tới việc phát triển toàn diện cho con người, noi gương Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng đến để phục vụ. Ðó cũng là điều được hàng hàng lớp lớp các thế hệ thừa sai thực thi khắp nơi trên thế giới, đặc biệt trong lãnh vực phát triển văn hóa. Tuy hai lãnh vực đạo đời khác nhau, nhưng Giáo Hội ước mong trợ giúp con người và mọi dân tộc đáp ứng các khát vọng chính đáng của họ bằng cách cống hiến cho các dân tộc một quan niệm toàn cầu về con người và về nhân loại. Vì thế sự phát triển phải bao gồm mọi chiều kích cuộc sống con người, chứ không phải chỉ trên bình diện kinh tế. Thiên Chúa tạo dựng con người có trí thông minh và sự tự do, vì thế con người có trách nhiệm đối với sự phát triển cũng như ơn cứu rỗi và sự thành công hay thất bại của chính mình. Con người có bổn phận phát triển mọi tài năng và khả thể của mình để là người hơn theo ý định của Ðấng Tạo Hoá. Tuy nhiên, toàn cộng đoàn xã hội và nhân loại trong đó con người sống cũng có bổn phận tạo mọi thuận tiện cho sự phát triển này với các cơ cấu cần thiết thích hợp. Tình liên đới đại đồng cũng là một bổn phận. Tuy nhiên, việc chiếm hữu các của cải có thể dẫn đưa con người tới sự ham hố, bị cám dỗ ngày càng muốn có nhiều của cải và quyền lực hơn. Tính hà tiện của các cá nhân và các quốc gia có thể lây sang các người có ít của cải cũng như người giầu, và dấy lên một chủ trương duy vật bóp nghẹt con người. Khi đó tâm trí con người trở thành chai cứng, khép kín và con người không còn gặp nhau trong tình bạn nữa, nhưng chia rẽ và chống đối nhau vì lợi lộc. Hà tiện là hình thái hiển nhiên nhất của tình trạng kém mở mang luân lý.
Việc phát triển đòi buộc phải có thêm nhiều chuyên viên kỹ thuật, nhưng cũng cần có nhiều tư tưởng gia có khả năng suy tư để tìm ra một nền nhân bản mới, cho phép con người tìm lại chính mình và tiếp nhận các gia trị cao hơn của tình yêu thương, tình bạn, của lời cầu nguyện và việc chiêm niệm, là những giá trị giúp con người đạt các điều kiện nhân bản hơn. Do đó cần làm sao để loại bỏ tất cả những gì khiến cho con người ít là người hơn như: sự thiếu thốn các điều kiện vật chất tối thiểu cho cuộc sống, các cơ cấu đàn áp, lạm dụng quyền bính, khai thác bóc lột nhân công, và mọi hình thức bất công xã hội khác. Phải thăng tiến các điều kiện giúp cuộc sống con người được nhân bản hơn như chiến thắng các tai ương xã hội, thăng tiến sự hiểu biết, văn hóa giáo dục và tôn trọng nhân phẩm, cộng tác lo cho công ích, phát huy hoà bình và thừa nhận các giá trị siêu việt, Thiên Chúa và niềm tin.
Trong số các công tác phải làm để thực hiện việc phát triển toàn diện cho con người có ý thức tài nguyên thiên nhiên được ban cho tất cả mọi người. Cần sử dụng chúng thế nào để cung cấp cho mọi người các phương tiện sinh sống. Mọi nguời và mọi dân tộc đều phải được hưởng các lợi ích của chúng theo các luật lệ công bằng. Tư sản là một quyền, nhưng nó không được gây thiệt hại cho công ích. Công ích đôi khi cũng đòi buộc việc truất hữu, cấm chuyển vốn ra ngoài từ những người có lợi tức cao phát xuất từ các nguồn lợi và sinh hoạt quốc gia, vì chuyển vốn như thế là gây thiệt hại cho đất nước.
Việc kỹ nghệ hoá cần thiết cho sức tăng trưởng kinh tế là dấu chỉ của sự phát triển. Nó thúc đẩy con người khám phá, tìm tòi, sáng chế. Nhưng các điều kiện mới của xã hội làm nảy sinh ra một hệ thống coi lợi nhuận như động lực nòng cốt của việc phát triển kinh tế, dẫn đưa tới chủ thuyết tự do không kìm hãm và chế độ độc tài, mà Ðức Piô XI gọi là "đế quốc quốc tế của tiền bạc", là nguồn gốc của biết bao nhiêu khổ đau và bất công, cũng như các cuộc chiến huynh đệ tương tàn trên thế giới này.
Công việc làm trong mọi hình thái khác nhau của nó khiến cho con người cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, hiệp nhất các ý chí, và làm cho các tâm hồn xích lại gần nhau. Nhưng nó cũng có thể biến con người thành nô lệ, vì hứa bẹn tiền bạc, thụ hưởng và quyền lực mời gọi ích kỷ hay nổi loạn. Vì thế cần cấp bách trả lại phẩm giá cho người lao động, và tái lập thế quân bình giữa các tầng lớp xã hội với các cuộc cải cách nông nghiệp và kỹ nghệ được chuẩn bị kỹ lưỡng để đừng tạo ra các đau khổ và bần cùng mới.
Trong những trường hợp bất công, trong đó toàn dân phải sống trong các điều kiện tuỳ thuộc không thể thăng tiến văn hoá và tham gia vào đời sống xã hội chính trị, thì cám dỗ dùng bạo lực để thay đổi rất lớn. Ngoại trừ trường hợp của một chế độ độc tài hiển nhiên kéo dài chà đạp các quyền nền tảng của con người và gây thiệt hại cho đất nước, cách mạnh bạo lực là nguồn gốc của các bất công, các mất quân bình và các đổ vỡ mới. Cần phải can đảm dẹp bỏ và chiến thắng các bất công. Việc phát triển đòi hỏi các thay đổi bạo dạn, các canh tân sâu rộng và các chương trình khích lệ, kích thích, phối hợp, trợ giúp, và hội nhập hoạt động của các cá nhân và các tổ chức trung gian làm sao để tránh nguy cơ của việc tập thể hoá toàn diện chối bỏ các quyền tự do của con người. Mọi chương trình đều phải nhắm phục vụ con người, giảm bất công, chống lại kỳ thị, giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ, và thăng tiến vật chất, tinh thần, luân lý, tiến bộ xã hội và tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế và kỹ thuật chỉ có ý nghĩa khi chúng phục vụ và thăng tiến con người toàn diện. Cần phải tránh các sai lầm của chủ thuyết tự do và của các nước kỹ nghệ phát triển trong quá khứ.
Vì sư tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự phát triển xã hội nên cần phát huy giáo dục, chống nạn mù chữ dốt nát, đào tạo các chuyên viên cho mọi ngành nghề và lãnh vực cuộc sống xã hội. Tiếp đến phải thăng tiến gia đình là môi trường xã hội đầu tiên giúp con người phát triển toàn diện và quân bình. Cần cải tổ các cơ cấu xã hội cũ rích và cứng nhắc tại các quốc gia nghèo đang trên đường phát triển. Gia đình tự nhiên một vợ một chồng ổn định theo chương trình của Thiên Chúa và được Kitô giáo thánh hóa phải là nơi gặp gỡ của các thế hệ trợ giúp nhau có được sự khôn ngoan lớn hơn và hài hoà các quyền của các bản vị với các đòi buộc của cuộc sống xã hội.
Việc dân số gia tăng nhanh chóng tạo ra các khó khăn mới cho sự phát triển, vì thế người ta bị cám dỗ ngăn chặn dân số gia tăng với các biện pháp triệt để. Các giới hữu trách xã hội phải lựa chọn các biện pháp phù hợp với các đòi hỏi luân lý, và các cha mẹ là những người có quyền quyết định số con họ muốn cho chào đời, theo lương tâm của họ.
Bên cạnh cơ cấu gia đình việc phát triển cũng cần tới các tổ chức chuyên môn giúp giáo dục, đào tạo, gia tăng ý thức về công ích và các bổn phận của từng thành phần xã hội. Một đa nguyên tổ chức hoạt động xã hội chuyên nghiệp và nghiệp đoàn có thể chấp nhận được, khi nó bảo vệ tự do và các quyền con người, Kitô hữu không thể chấp nhận triết thuyết duy vật vô thần không tôn trọng tôn giáo, tự do và phẩm giá con người.
Ngoài các tổ chức nghề nghiệp cũng cần có các cơ cấu văn hoá. Tương lai thế giới sẽ gặp nguy hiểm, nếu xã hội không có các người khôn ngoan. Các tổ chức văn hoá bảo đảm cho cuộc sống con người có các biểu lộ cao hơn trong các lãnh vực nghệ thuật , trí thức và tôn giáo của cuộc sống tinh thần.
Các dân tộc nghèo phải đề phòng kiểu mẫu phát triển mà các nước kỹ nghệ giầu đề nghị chỉ nhằm chiếm hữu sự sung túc vật chất. Cần biết lựa chọn các thiện ích đích thật. Ðể có thể phát triển đích thực cần thăng tiến một nền nhân bản toàn cầu giúp phát triển con người toàn vẹn và thăng tiến tất cả mọi người, rộng mở cho Ðấng Tuyệt Ðối. Vì con người chỉ thực hiện chính mình, khi siêu thăng chính mình.
Nội dung phần hai Thông điệp Populorum progressio "Tiến bộ các dân tộc"
Cách đây 50 năm ngày 26 tháng 3 năm 1967 Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Thông điệp "Populorum progressio Tiến bộ các dân tộc". Ðây là một trong các tài liệu quan trọng nhất trong thế kỷ XX. Sau khi khẳng định "vấn đề xã hội là vấn đề luân lý", phần đầu trình bầy một số các dữ kiện đồng thời cũng là lý do đòi buộc phải thăng tiến phát triển toàn vẹn cho mọi người và mọi dân tộc trên thế giới. Ðây là điều Chúa Giêsu và Giáo Hội đã làm từ khi Kitô giáo khai sinh và vẫn tiếp tục làm cho tới ngày nay. Nỗ lực thăng tiến phát triển ấy bao gồm mọi lãnh vực cuộc sống con người, trong gia đình ngoài xã hội, trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá và tôn giáo. Tất cả dựa trên phẩm giá của con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, có các quyền tự do nền tảng không thể vi phạm, cũng như dựa trên sự thật các tài nguyên thiên nhiên là của toàn gia đình nhân loại, cần phải được khai thác và phân chia đồng đều và dựa trên đòi buộc luân lý mọi chương trình phát triển đều phải nhắm tới công ích, phục vụ và thăng tiến an sinh cho tất cả mọi người trên thế giới này.
Phần hai của Thông điệp tựa đề "Hướng tới việc phát triển liên đới của nhân loại". Việc phát triển toàn vẹn cho con người chỉ có thể thực hiện được trong tình liên đới với ý thức cao độ tất cả là anh chị em với nhau trong đại gia đình nhân loại, con cái của Thiên Chúa. Ðó là một sự hiệp thông thánh thiện, trong đó các con người, các dân tộc và các quốc gia gặp gỡ nhau trong tình huynh đệ, và có bổn phận cùng nhau làm việc để xây dựng tương lai chung của nhân loại. Tình liên đới huynh đệ bao gồm ba bổn phận. Trước hết là bổn phận của các quốc gia giầu phải trợ giúp các nước nghèo đang trên đường phát triển. Thứ hai là bổn phận tạo dựng công bằng xã hội trong các tương quan thương mại, kinh tế giữa các dân tộc hùng mạnh và các dân tộc yếu kém. Và thứ ba là bổn phận bác ái đại đồng nhằm thăng tiến một thế giới nhân bản hơn cho tất cả mọi người, trong đó ai cũng có cái gì đó để cho và để nhận, mà không trở thành chướng ngại phát triển của nhau.
Sự trợ giúp các anh chị em yếu kém hơn bao gồm việc chống lại nạn nghèo đói. Trên thế giới có hàng trăm triệu người không có đủ thực phẩm mỗi ngày, thiếu dinh dưỡng và phải chết vì đủ mọi thứ tật bệnh. Với các tổ chức bác ái xã hội của mình như Caritas, Giáo Hội liên lỉ tìm cải tiến tình trạng sống của các anh chị em này không phân biệt ai. Tuy cấp thiết nhưng cuộc chiến chống lại bần cùng nghèo đói không đủ. Cần phải xây dựng một thế giới, trong đó tất cả mọi người, không phân biệt mầu da, chủng tộc và tôn giáo, có được một cuộc sống tràn đầy nhân bản, với các quyền tự do được tôn trọng hoàn toàn, trong đó công quyền dấn thân củng cố việc phát triển an sinh cho dân, các quốc gia giầu liên đới trợ giúp các nước nghèo phát triển. Mỗi nước phải sản xuất nhiều hơn và tốt hơn để nâng cao mức sống nhân bản cho dân tộc mình, và góp phần thăng tiến phát triển cho toàn nhân loại. Ðể được như vậy cần đào tạo các nhà giáo dục, kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật, các khoa học gia dùng các khả năng hiểu biết của mình phục vụ xã hội. Những dư thừa của các nước giầu phải được dùng để trợ giúp các nước nghèo, một cách quảng đại, không hà tiện, khép kín trong ích kỷ.
Ðể hữu hiệu tất cả mọi nỗ lực nói trên phải được phối hợp nhịp nhàng với các chương trình rõ ràng cụ thể, được nghiên cứu kỹ lưỡng, và với các phương tiện hữu hiệu hầu đáp ứng các nhu cầu trong hiện tại và trong tương lai. Việc thành lập một ngân quỹ quốc tế trợ giúp phát triển là một thí dụ cụ thể giúp đạt các mục đích đề ra với các thoả hiệp song phương hay đa phương, được thực thi nghiêm chỉnh, dựa trên nguyên tắc bình đẳng pháp lý và chính trị, tránh các tương quan tuỳ thuộc hay các hận thù phát xuất từ thời thực dân. Cũng phải làm sao để tránh chế độ tân thực dân kinh tế chính trị đẩy đưa các nước nghèo vào vòng kiềm toả của các nước giầu. Trước thảm cảnh nghèo đói của biết bao nhiêu người cần thực phẩm, thuốc men, trường học, nhà thương, nhà ở, mọi phung phí hay chi tiêu, đặc biệt là việc chạy đua vũ trang, nhằm khoa trương thanh thế quốc gia hay cá nhân, đều là các gương mù gương xấu đáng lên án.
Trong việc trợ giúp tài chánh phát triển cần có đối thoại làm sao để tinh thần liên đới quảng đại tránh cho các nước nghèo bị đè bẹp bởi tình trạng nợ nần vì tiền lời quá cao, hay bị can thiệp nội bộ khiến cho các cơ cấu xã hội bị đảo lộn.
Ðặc biệt quan trọng là sự bình đẳng trong các tương quan thương mại giữa các nước kỹ nghệ giầu bán sản phẩm của mình trên thị trường thế giới và các nước nghèo chỉ sống về nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, thường là nạn nhân của nạn giá cả thay đổi lên xuống thất thường. Luật lệ của việc tự do trao đổi thương mại không thể một mình chỉ huy các tương quan quốc tế, vì sẽ tạo ra bất công trong các liên lạc thương mại. Một nền kinh tế trao đổi không thể chỉ dựa trên luật tự do cạnh tranh, thường tạo ra sự độc tài kinh tế và bất công xã hội. Vì thế cần có các biện pháp giúp bảo vệ thế quân bình trong việc canh tranh thế nào để giữ nó trong các giới hạn của công bằng, hợp luân lý và nhân bản. Cần có các hiệp ước quốc tế rộng rãi có khả năng đưa ra các luật lệ tổng quát điều hợp giá cả, bảo đảm việc sản xuất, nâng đỡ các kỹ nghệ mới khai sinh, làm sao để các tương quan quốc tế giữa các dân tộc được công bằng hơn về lâu về dài.
Trong việc xây dựng một thế giới công bằng và liên đới đại đồng hơn có các chướng ngại cần thắng vượt: đó là khuynh hướng duy quốc gia và kỳ thị chủng tộc. Lo lắng cho nền độc lập của quốc gia là một quyền chính đáng, nhưng cần thắng vượt nó để thoát ra ngoài sự khép kín cô lập gây thiệt thòi, bằng tình bác ái đại đồng bao gồm mọi thành phần của gia đình nhân loại. Sự kỳ thị chủng tộc thường khi che giấu các cạnh tranh bộ tộc và đảng phái chính trị tạo ra bất công, gây nguy hại cho hoà bình và ngăn cản sự cộng tác giữa các thành phần của cùng một quốc gia và giữa các nước với nhau. Cần thắng vượt các chướng ngại đó bằng cách phát huy tình liên đới đại đồng để mọi dân tộc đều được hưởng các lợi ích từ các tương quan tích cực trong các chương trình đầu tư, phân phối khả năng sản xuất, và trao đổi giữa các quốc gia láng giềng, vùng miền.
Ðây cũng là điều đáng được các tổ chức đa quốc và cơ quan quốc tế lưu tâm để giúp các nước nghèo thoát ra khỏi tình trạng bế tắc của họ. Tình liên đới thế giới ngày càng hữu hiệu hơn phải cho phép mọi dân tộc là chính mình và nắm lấy vận mệnh của mình trong tay, thắng vượt các tương quan vũ lực trong quá khứ giữa các quốc gia, để đi tới các liên lạc quốc tế của sự tôn trọng và tình bằng hữu, tùy thuộc và cộng tác với nhau để thăng tiến chung với tinh thần trách nhiệm của từng người. Các dân tộc yếu kém hơn yêu cầu được góp phần tích cực vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, tôn trọng các quyền con người và ơn gọi của từng người hơn.
Thế giới ngày nay đang bệnh hoạn, không phải vì phung phí tài nguyên và tham lam vơ vét từ phía ít người cho bằng thiếu tình huynh đệ giữa con người và các dân tộc đối với nhau. Vì là anh chị em trong cùng một đại gia đình nhân loại nên mọi người đều có bổn phận tiếp đón, liên đới và bác ái trợ giúp nhau theo tinh thần kitô. Ðiều này đặc biệt quan trọng đối với người trẻ và các gia đình di cư tỵ nạn, sinh viên và công nhân di cư. Phải có các cơ cấu tiếp đón huynh đệ làm sao để bảo vệ họ chống lại sự cô đơn, tâm tình bị bỏ rơi, sự tuyệt vọng làm tê liệt các khả năng luân lý, và các tình trạng không lành mạnh, các ảnh hưởng tiêu cực đẩy đưa tới bạo lực, hay làm mất đi các giá trị tinh thần cao quý, hoặc bị khai thác bóc lột bất công.
Ý thức xã hội cũng phải hướng dẫn các nhà kỹ nghệ, doanh thương, giới lãnh đạo các hãng xưởng lớn khởi xướng tiến bộ xã hội và thăng tiến nhân bản tại các nước nghèo, tạo công ăn việc làm cho dân nghèo địa phương tại các quốc gia họ có hãng xưởng, chuẩn bị công nhân chuyên môn, huấn luyện các kỹ sư và giám đốc, tạo cơ hội để họ cộng tác và nắm giữ các trọng trách cao hơn. Trong cùng đường hướng đó việc gửi các chuyên viên phát triển của các tổ chức quốc tế hay song phương hoặc của các tổ chức tư là một hình thức cộng tác phát triển rất tốt. Bên cạnh sự chuyên nghiệp kỹ thuật cũng cần có tình yêu thương vô vị lợi, tinh thần cởi mở tôn trọng các đặc tính và sự phong phú văn hoá của các quốc gia tiếp đón họ. Giữa các cá nhân cũng như giữa các nền văn minh đối thoại chân thành là yếu tố tạo ra tình huynh đệ, và làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, dựa trên ước muốn xây dựng một nền văn minh của tình liên đới đại đồng, trong đó con người chiếm chỗ trung tâm chứ không phải các sản phẩm hay kỹ thuật; và sự phát triển không chỉ liên quan tới kinh tế mà cũng liên quan tới các giá trị nhân bản, tinh thần và luân lý nữa. Chính vì thế Ðức Pio XII đã đưa ra lời kêu gọi giáo dân truyền giáo, tự nguyện hay do các tổ chức hiệp hội và cơ quan công tư gửi đi làm việc tại các quốc gia đang trên đường phát triển. Thay vì đi quân dịch nguời trẻ lên đường làm việc trong các công tác dân sự trợ giúp phát triển để giúp các anh chị em khác thoát khỏi cảnh sống bần cùng, chậm tiến, dốt nát và bệnh tật. Mọi người đều phải cầu nguyện để xin cho nhân loại biết cương quyết loại bỏ các sự dữ to lớn đang đè nặng trên cuộc sống của biết bao anh chị em khác trên thế giới phải sống trong chậm tiến và không phát triển. Từng người với lòng hăng say và tình yêu thương vô vị lợi góp phần cụ thể vào việc khám phá ra các gốc rễ của sự bần cùng và tìm ra các phương thế loại trừ nó và trở thành người xây dựng hoà bình và phát triển.
Phát triển là tên gọi mới của hoà bình. Các bất bình đẳng kinh tế, xã họi và văn hóa quá lớn giữa các dân tộc gây ra các căng thẳng và bất hoà khiến cho hoà bình gặp nguy hiểm. Chống lại bần cùng và bất công, cùng với việc cải tiến các điều kiện sống, là phát huy tiến bộ nhân bản và tinh thần cho tất cả mọi người, và như thế là thăng tiến thiện ích chung của nhân loại. Hoà bình không giản lược vào vắng bóng chiến tranh, hoa trái của thế quân bình ngày càng tạm bợ giữa các lực lượng. Hoà bình được xây dựng từng ngày trong việc theo đuổi một trật tự như Thiên Chúa muốn, bao gồm một sự công bằng hoàn thiện hơn giữa con người. Các dân tộc là các người có trách nhiệm đầu tiên đối với sự phát triển của mình, nhưng không thể thực hiện trong đơn độc mà cần được các dân tộc khác trợ giúp, nâng đỡ với các chương trình được phối hợp hài hoà. Sự cộng tác quốc tế này cần được các cơ cấu chuẩn bị, phối hợp và điều hành tạo thành một trật tự pháp lý được thừa nhận một cách đại đồng. Liên Hiệp Quốc có nhiệm vụ làm cho tất cả mọi dân tộc kết tình huynh đệ với nhau. Con đường hướng tới sự trưởng thành của nhân loại đòi hỏi cố gắng và hy sinh: nhưng chính sự đau khổ, được chấp nhận vì tình yêu thương các anh em khác, đem lại tiến bộ cho toàn gia đình nhân loại. Tất cả mọi người đều liên đới trên con đường ấy. Giờ hành động đã điểm: nó liên quan tới sự sống còn của biết bao trẻ em vô tội, việc đạt tới một điều kiện nhân bản hơn cho biết bao gia đình gặp nạn, nền hoà bình thế giới và tương lai của nền văn minh. Mọi người và mọi dân tộc phải lãnh lấy trách nhiệm của mình.
Thông điệp "Populorum progressio Tiến bộ các dân tộc" kết thúc với lời kêu gọi hướng tới các tín hữu công giáo, khích lệ giáo dân tại các nước đang trên đường phát triển lãnh nhận trách nhiệm đặc thù của họ là canh tân trật tự trần thế, đem tinh thần Tin Mừng vào trong các cộng đoàn, đề ra các thay đổi cần thiết cho các cuộc cải cách sâu rộng, đóng góp khả năng chuyên môn và tham gia các tổ chức công tư, dân sự và tôn giáo, giúp thắng vượt các khó khăn của các quốc gia đang trên đường phát triển, và làm việc thực hiện bằng việc đưa ra một nền luân lý quốc tế của công lý và bình đẳng. Ðức Phaolô VI cũng kêu gọi các kitô hữu và tín hữu mọi tôn giáo chung sức giúp thế giới thắng vượt ích kỷ, kiêu căng, cạnh tranh, tham lam và bất công, để mở ra cho mọi người một cuộc sống nhân bản yêu thương và huynh đệ hơn. Ngài cũng mời gọi mọi người thiện chí ý thức được rằng con đường của hoà bình đi qua sự phát triển, các phái bộ cạnh các tổ chức quốc tế, hàng lãnh đạo quốc gia, các nhà giáo dục, các chuyên viên quảng cáo, mỗi người trong cương vị và bổn phận của mình, tất cả mọi người hãy là những người xây dựng hoà bình. Ðức Phaolô VI cũng mời gọi giới lãnh đạo các dân nước ý thức bổn phận huy động các cộng đoàn của mình sống tình liên đới đại đồng, biết chấp nhận các đóng góp cần thiết từ sự xa xỉ và phung phí của họ để thăng tiến phát triển và cứu vãn hoà bình. Các đặc phái cạnh các tổ chức quốc tế làm phải làm sao để các lực lượng đối đầu với nhau biết cộng tác trong tình thân hữu, hoà bình và vô vị lợi cho sự phát triển liên đới của toàn nhân loại. Các tư tưởng gia công giáo kitô cần suy tư đào sâu để tìm ra các con đường dẫn đưa tới một cuộc sống huynh đệ hơn, trong một cộng đoàn nhân loại thực sự đại đồng. Tất cả mọi người trên thế giới hãy cùng nhau hoạt động thế nào để nền kinh tế phục vụ con người, cơm bánh đuợc phân phát cho tất cả như suối nguồn tình huynh đệ và dấu chỉ của Chúa Quan Phòng.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)