Thư của Ðức Thánh Cha

về Ðại Hội kỳ 9 các Gia đình Công Giáo thế giới

 

Thư của Ðức Thánh Cha về Ðại Hội kỳ 9 các Gia đình Công Giáo thế giới.


Ðại Hội kỳ 9 các Gia đình Công Giáo thế giới sẽ tiến hành từ ngày 21 đến 26 tháng 8 năm 2018, tại Dublin thủ đô Cộng hòa Ailen, về đề tài: "Tin Mừng gia đình, niềm vui cho thế giới".


Vatican (SD, Ansa 30-03-2017) - Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đào sâu suy tư và chia sẻ về nội dung Tông Huấn "Amoris Laetitia" (Niềm vui yêu thương), trong dịp chuẩn bị và tiến hành Ðại Hội kỳ 9 các gia đình Công Giáo thế giới.

Ðại Hội sẽ tiến hành từ ngày 21 đến 26 tháng 8 năm 2018, tại Dublin thủ đô Cộng hòa Ailen, về đề tài: "Tin Mừng gia đình, niềm vui cho thế giới".

Ðức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi trên đây trong thư gửi các gia đình Công Giáo thế giới được công bố trong cuộc họp báo sáng hôm 30 tháng 3 năm 2017, của Ðức Hồng Y Kevin Joseph Farrell, người Ai Len, Tổng trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, cùng với Ðức Cha Diarmuid Martin, Tổng Giám Mục giáo phận Dublin.

Ðức Thánh Cha viết: "Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tin Mừng có tiếp tục là niềm vui cho thế giới hay không? Gia đình có tiếp tục là Tin Mừng cho thế giới ngày nay hay không?". Ngài xác quyết là có và khẳng định rằng "Gia đình chính là sự khẳng định của Thiên Chúa là Tình Yêu. Chỉ đi từ tình yêu gia đình mới có thể biểu lộ, phổ biến và tái tạo tình thương của Thiên Chúa trong thế giới. Nếu không có tình yêu thì không thể sống như con cái Thiên Chúa, như vợ chồng, như cha mẹ và anh chị em".

Cụ thể hơn, Ðức Thánh Cha giải thích rằng "các gia đình cần phải tự hỏi xem mình có thường sống bởi tình yêu, cho tình yêu và trong tình yêu hay không. Ðiều này có nghĩa là hiến thân, tha thứ, không dạy đời, ân cần săn sóc và tôn trọng người bạn đường của mình. Ðời sống gia đình sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi ngày họ sống 3 lời đơn sơ: xin làm ơn, cám ơn, và xin lỗi. Mỗi ngày chúng ta cảm nghiệm sự dòn mỏng và yếu đuối, vì thế tất cả chúng ta, các gia đình và các mục tử, cần có sự tái khiêm tốn để ước muốn học hỏi, và được giáo dục, giúp đỡ và được giúp đỡ, đồng hành, phân định và hội nhập tất cả những người thiện chí".

Ðức Thánh Cha tái bày tỏ mong ước một "Giáo Hội đi ra ngoài, không tự tham chiếu, một Giáo Hội không rời xa những vết thương của con người, nhưng là một Giáo hội từ bi thương xót, loan báo trọng tâm mạc khải của Thiên Chúa Tình Thương chính là Lòng Thương Xót. Chính lòng thương xót này đổi mới chúng ta trong tình yêu.. Chúng ta biết có bao nhiêu gia đình Kitô là nơi sống và là chứng nhân về lòng thương xót. Sau năm thánh lòng thương xót họ càng thương xót hơn và cuộc gặp gỡ tại Dublin cò thể cống hiến những dấu chỉ cụ thể về lòng thương xót".

Sau cùng, Ðức Thánh Cha ủy thác cho Ðức Hồng Y Farrell và các cộng sự viên nhiệm vụ xác định một cách đặc thù giáo huấn của Tông Huấn Niềm vui Yêu thương qua đó, Giáo Hội muốn rằng các gia đình luôn tiến hành, trong cuộc lữ hành nội tâm là một sự biểu hiện cuộc sống đích thực".

Họp báo

Trong cuộc họp báo, Ðức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin cho biết chương 8 của Tông Huấn "Amoris Laetitia" bàn về các gia đình mong manh hơn (ly dị, ly thân, tái hôn dân sự, vv...) không thể chiếm vị trí trung tâm trong việc chuẩn bị Ðại hội gia đình thế giới ở Dublin. "Phải nói về các gia đình bị tấn công, chúng ta không thể có một lối tiếp cận ý thức hệ, nhưng ta phải tự hỏi làm sao đương đầu với các thách đố? Làm sao gia đình có thể sống trong xã hội này? Nhất là tại một số vùng nghèo, người ta hãnh diện vì có con cái, là gia đình, điều này xảy ra ở Ai Len, nhưng không phải chỉ ở nước này mà thôi, cả ở Roma nữa, và Giáo Hội phải để ý đến điều đó.. Dầu sao điều đầu tiên không phải là nhiều giáo lý về gia đình, nhưng là tình yêu đối với con cái, như Chúa Giêsu đã nói".

Ðức Hồng Y Farrell nhận xét rằng "nhiều khi người ta chỉ nói về một khía cạnh của Tông huấn "Amoris Laetitia" (ngài ám chỉ đến chương 8), mà ít để ý đến giáo huấn của toàn văn kiện, nhất là chương 2, 3 và 4 cũng rất quan trọng. Trong Giáo Hội, có những gia đình ở nhiều nơi với các não trạng khác nhau, điều quan trọng là giái thích đời sống hôn nhân; chúng ta cần đồng hành với các gia đình trong giai đoạn tiền hôn nhân và rồi trong toàn thể đời sống hôn nhân.. Chúng ta phải luôn đồng hành và hiểu, chúng ta là Giáo Hội. Nhiều gia đình không đi nhà thờ, xa lìa Giáo Hội và việc chuẩn bị cho Ðại hội ở Dublin cũng phải để ý đến những điều đó". (SD, Ansa 30-3-2017)

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page