Phỏng vấn thầy Enzo Bianchi

về lời cầu nguyện

 

Phỏng vấn thầy Enzo Bianchi về lời cầu nguyện.

Roma (Oss. Rom. 20 & 21-03-2017; Vat. 26-03-2017) - Trong những ngày vừa qua nhà in Vaticăng đã cho phát hành cuốn sách tựa đề: "Khí giới tốt nhất, lời cầu nguyện theo Ðức Giáo Hoàng Phanxicô", do Ðức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila đề tựa. Sách gồm các bài phỏng vấn Ðức Thánh Cha cũng như nhiều Hồng Y, Giám Mục khác nhau, trong đó có Ðức Hồng Y Angelo Comastri và cha Corrado Maggioni.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn tu sĩ Enzo Bianchi, sáng lập viên cộng đoàn đan tu Bose tỉnh Biella bắc Italia và là tu viện trưởng tu viện này cho tới tháng giêng năm 2017.

Thầy Enzo Bianchi sinh năm 1943. Sau khi theo học kinh tế tại đại học Torino Enzo thầy rút lui vào cô tịch và cùng với một số bạn bè sống đời cầu nguyện, chiêm niệm và làm việc tay chân kiểu đan tu. Ngày mùng 8 tháng 12 năm 1965 Công Ðồng Chung Vaticăng II kết thúc, là ngày khai sinh cộng đoàn Bose tại quận Magnano tỉnh Biella bắc Italia. Từ từ có thêm nhiều tu huynh và nữ tu công giáo và tin lành gia nhập cộng đoàn, được thừa nhận như Hiệp hội tư của các giáo dân. Sau khi củng cố cộng đoàn thầy Bianchi dành thời giờ rao giảng trong cộng đoàn, cũng như các giáo hội địa phương, công giáo cũng như tin lành và chính thống. Ðã hai lần thầy được đề nghị thụ phong linh mục nhưng thầy muốn chỉ là một tín hữu kitô thường. Thầy Enzo Bianchi cũng đã cộng tác viết bài cho các nhật báo La Stampa, La Republica, Osservatore Romano, Avvenire, Famiglia cristiana, La Croix, Panorama và La Vie bên Pháp. Thầy đã là giám đốc nguyệt san "Lời, Thần Khí và Sự Sống" trong 15 năm cho tới năm 2005, và là thành viên ban biên tập nguyệt san quốc tế Concilium. Trong các năm 2008- 2012 thầy được Ðức Biển Ðức XVI chỉ định làm chuyên viên tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Lời Chúa và Tái truyền giảng Tin Mừng. Năm 2014 thầy được Ðức Thánh Cha Phanxicô chỉ định làm cố vấn Hội đồng Toà Thánh thăng tiến hiệp nhất các kitô hữu. Thầy đã nhận được nhiều giải thưởng và là tác giả của gần 30 cuốn sách.

Hỏi: Thưa thầy Bianchi, xưa kia người ta nói "cầu nguyện là hít thở". Ngày nay trên bình diện thiêng liêng dưỡng khí đang ngày càng hiếm. Vậy gọi "lời cầu nguyện là hơi thở của linh hồn" như Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói có nghĩa là gì, và nó đòi hỏi cái gì?

Ðáp: Các thế hệ mới có lẽ không còn biết dùng kiểu nói này nữa, cả khi họ cầu nguyện. Ngày này lời cầu nguyện được quan niệm một cách rất khác biệt với ngày xưa: Nó là một dừng lại, một ngưng nghỉ, một việc suy tư trong chiêm ngắm, nhất là tìm lắng nghe tiếng Chúa nói với con tim. Chắc chắn là lời cầu nguyện vẫn là hơi thở của linh hồn và của cuộc sống nội tâm, chứ làm sao nó có thể là khác được? Nhưng nền nhân chủng học đã thay đổi, thế giới thực tế hơn, các kiểu và hình thức cầu nguyện cũng đã thay đổi chứ không như trước thời tân tiến nữa.

Hỏi: Với việc thay đổi thời đại lời cầu nguyện vẫn là kiểu diễn tả bẩm sinh của tâm tình tôn giáo trong cuộc sống. "Tôi không biết mình có tin hay không tin: nhưng tôi biết là mình cầu nguyện", nhà văn Tây Ban Nha ông Salvador de Madariaga đã nói như thế. Nhưng nếu như vậy thì đâu có thể là lời cầu nguyện giả thiết của một người vô thần thưa thầy?

Ðáp: Ngày nay có nhiều người nói: "Tôi không biết tôi có tin nơi một Thiên Chúa ngôi vị hay không, nhưng tôi cầu nguyện", trong nghĩa chúng ta nói: dành thời giờ cho sự chiêm niệm, cho việc suy gẫm, trong việc ở với chính mình. Ðó là điểm đặc thù của con người thuộc mọi truyền thống văn hóa, tinh thần và tôn giáo: tự vấn mình, tự đặt ra các câu hỏi nền tảng, tìm ra một câu trả lời. Có nhiều người vô thần thú thật với tôi rằng trong tận cùng thẳm con người của họ họ lắng nghe tiếng nói của lương tâm, suy niệm, đọc các sách nhân văn, và qua đó họ tìm trả lời cho các câu hỏi nóng bỏng của cuộc sống. Sinh hoạt này chắc chắn giống lời cầu nguyện, và lời cầu nguyện kitô có một đặc thái riêng của nó, khác với các lời cầu nguyện khác.

Hỏi: Như vậy thì đâu là đặc thái của lời cầu nguyện kitô?

Ðáp: Ðặc thái kitô đó là Thiên Chúa đi trước chúng ta, kiếm tìm chúng ta, nói với chúng ta. Lời cầu nguyện kitô luôn luôn nảy sinh như việc lắng nghe. Ðây là điều có giá trị đối với Do thái giáo cũng như Kitô giáo. Trước hết phải lắng nghe Thiên Chúa. Ðiều phi thường trong đức tin của chúng ta là đó là một Thiên Chúa nói với chúng ta (x. Ðnl 4,32-33). Vì vậy bước đầu tiên của lời cầu nguyện kitô là đặt để mình trong tư thế lắng nghe. Từ việc lắng nghe nảy sinh ra đức tin (x- Rm 1,17), nảy sinh ra việc hiểu biết Thiên Chúa, nảy sinh ra tương quan với Ngài. Từ việc lắng nghe nảy sinh ra các lời mà chúng ta có thể nói lại với Ngài.

Hỏi: Ðức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: "Cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa" (3-4-2014). Thật ra con người luôn luôn quỳ xuống trước Một Ai siêu việt hơn nó. Nhưng mà hướng tới một Quyền Lực không thể gặp được với các tiêu chuẩn nhân lọai, lại không phải là sự điền rồ hay sao thưa tu huynh?

Ðáp: Có thể là vậy. Nhưng tôi thích trả lời không phải với các diễn văn lý thuyết mà là với kinh nghiệm cá nhân của tôi. Hồi tôi còn bé, truớc khi đi ngủ mẹ tôi bảo tôi quỳ xuống ở cuối giường và với các lời đơn sơ mẹ tôi làm cho tôi cầu nguyện: xin phúc lành của Chúa, sức khỏe cho người thân, xin gửi Chúa Thánh Thần xuống, và mẹ tôi mời tôi bầy tỏ với Chúa lòng biết ơn và chúc tụng. Vì thế tôi đã quen nói chuyện với một Sự Hiện Diện vô hình. Ðàng khác có các thực tại vô hình mà chúng ta tin. Cứ nghĩ tới gió chẳng hạn: nó không có gương mặt, ta cũng không trông thấy nó, nhưng nó là một sự hiện diện mà chúng ta cảm nhận đuợc và tin. Trong lãnh vực của đức tin Thiên Chúa là một sự hiện diện không thể phân định được, không thể trông thấy được, thế mà chúng ta không chỉ tin nơi Ngài, mà cũng có thể nói chuyện với Ngài nữa, tín thác chúng ta cho Ngài và chờ đợi ơn Thần Khí của Ngài.

Hỏi: Tuy nhiên, cầu nguyện không phải giống nhau trong các tôn giáo, Có các khác biệt cả trên bình diện thực hành. Chẳng hạn trong Hồi giáo tín hữu phải cầu nguyện ngày 5 lần, trong khi trong Kitô giáo không có một cấu trúc hằng ngày cứng nhắc như vậy. Ðây là một lợi điểm hay một thiếu sót thưa thầy?

Ðáp: Ðúng vậy nhưng tín hữu phải cho mình vài hẹn hò. Cầu nguyện ban sáng và ban chiều không phải chỉ được thực thi bởi các đan sĩ, nhưng bởi tất cả mọi người. Chỉ cần một tư tưởng cũng là được rồi, vì Kitô giáo thích ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, suy tưởng trước Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Chúa, tập nhìn con người và các biến cố, các sự vật với đôi mắt của Thiên Chúa. Kiểu cầu nguyện này gọi là chiêm niệm, chúng ta có thể thực hành trong mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh. Có thể nói với thánh Basileo rằng lời cầu nguyện kitô là một "nhận thức về Thiên Chúa" hay cảm nhận rằng Thiên Chúa, hay nhận ra rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, nhìn chúng ta, và liên lỉ đổ tinh yêu của ngài trên chúng ta. Ðó là nòng cốt của lời cầu nguyện kitô, và chắc chắn là không cần phải có một giờ giấc đâu.

Hỏi: "Tất cả những điều này để khi cầu nguyện chúng ta không phung phí nhiều lời như dân ngoại thường làm (x. Mt 6,7), như Chúa Giêsu cảnh cáo, có đúng thế không thưa thầy?

Ðáp: Vâng, đúng vậy, có nguy cơ là chúng ta trượt vào lời cầu nguyện ngoại giáo, mà nhà văn Lucrezio châm biếm gọi là "sự mệt nhọc của các thần linh vì nhiều lời". Ðây cũng là nguy cơ kitô hữu có thể gặp, khi nghĩ rằng thuyết phục Thiên Chúa theo các ước mong của mình, bắt Chúa theo ý riêng của mình, bằng cách nhiều lời. Tệ hơn nữa là có nhiều lời cầu nguyện trở thành lời bép xép thiêng liêng, nói xấu nói hành người khác trước Thiên Chúa. Không! Ðiều đầu tiên của lời cầu nguyện là lắng nghe. Chỉ cần một ít lời được nói lên với sự kín đáo như Chúa Giêsu dã dậy chúng ta trong Kinh Lạy Cha. Ít lời xin, chính yếu: lương thực và lòng thương xót. Chúng ta không cần gì khác!

Hỏi: Rất tiếc là trong thời đại vi tính này phung phí lời nói là một nguy cơ lớn. Ngày nay người ta cầu nguyện, lần hạt Mân Côi, đọc kinh nhật tụng, chia sẻ các thiện ích thiêng liêng với các phương tiện truyền thông. Phải có các điều kiện nào để sự đồng ý giữa máy móc vi tính và lời cầu nguyện có thể hoạt động, thưa thầy Bianchi?

Ðáp: Không cần phải trừ quỷ các phương tiện truyền thông, chúng cũng có thể phục vụ lời cầu nguyện. Chính tôi trong những lúc cô đơn hay bị bệnh, tôi đã nhận ra rằng có thể hưởng lợi ích của việc lần hạt. Nhưng rồi lời cầu nguyện phải vọt lên từ cuộc sống, chứ các phương tiện truyền thông không được đọc lời cầu nguyện cho chúng ta, mà phải là cuộc sống đức tin cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Chúng ta sử dụng các phương tiện truyền thông miễn là chúng ta chú ý để đừng sống bằng lời nói, bằng các cảm xúc, không yêu sách lời cầu nguyện phải trở thành một cuộc trình diễn. Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu yêu cầu là lời cầu nguyện thinh lặng: "Hãy cầu nguyện trong bí mật, Thiên Chúa Cha là Ðấng ở trong bí mật sẽ trả lời con" (x Mt 6,6),

Hỏi: Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng nói lời cầu nguyện là cục pin của kitô hữu" (7-6-2016). Phải hiểu kiểu nói ẩn dụ này như thế nào?

Ðáp: Trong nghĩa lời cầu nguyện là suối nguồn năng lực, sức mạnh, nó đi vào chiều sâu, đào xuống sâu, và là khí giới tốt nhất mà chúng ta có để đương đầu với cuộc sống, các cám dỗ, các thử thách. Không thể có cuộc sống kitô mà không có lời cầu nguyện. Tuy nhiên, phải chú ý đừng biến lời cầu nguyện trở thành một sức mạnh bùa chú: nó luôn luôn là một ơn nhưng không, mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta. Chính ơn thánh Chúa canh tân lời cầu nguyện của chúng ta, chứ không phải là chúng ta với lời cầu nguyện khơi dậy ơn thánh của Chúa.

Hỏi: Chính vì thế Ðức Thánh Cha mới cảnh cáo rằng: "Lời cầu nguyện không phải là một chiếc đũa thần" (25-5-2016). Tuy nhiên, nếu không được chờ đợi phép lạ từ lời cầu nguyện, thì có được phép than van vì thiếu hiệu quả tích cực hay không?

Ðáp: Sự kiện là thường khi các ước mong của chúng ta không giao thoa với điều Thiên Chúa muốn cho thiện ích của chúng ta. Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của con người, và không bắt ép điều kiện là thụ tạo của nó sống trong thế giới này. Nhưng Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đáp trả bằng cách luôn luôn gửi Thần Khí của Ngài đến cho chúng ta, nếu chúng ta xin (x. Lc 11,13). Khi đó có thể xảy ra là chúng ta cảm thấy bị kiệt lực vì không được nhận lời, nhưng không phải vì thế mà Thiên Chúa không thực hiện các lời hứa của Ngài.

Hỏi: Phải nói gì về phụng vụ mà Công Ðồng Chung Vaticăng II gọi là "Tột đỉnh mà hoạt động của Giáo Hội hướng tới, đồng thời là suối nguồn phát sinh ra mọi sức lực của Giáo Hội". Còn thiếu điều gì cho cuộc cải cách của nó thưa thầy Bianchi?

Ðáp: Phụng vụ là cung lòng nơi lời cầu nguyện bắt đầu, không có phụng vụ lời cầu nguyện cá nhân trở thành buà chú và không đáp ứng đức tin kitô. Chính vì phụng vụ kêu mời lắng nghe Lời Chúa và nhận lãnh Mình và Máu Thánh Chúa nên nó thật sự là cung lòng, trong đó lời cầu nguyện cá nhân có thể lớn lên. Ðồng thời phụng vụ cũng là tột đỉnh của lời cầu nguyện, và trong tuần sống lời cầu nguyện cũng phải hướng tới Bí tích Thánh Thể Chúa Nhật là "lời cầu của các lời cầu". Dĩ nhiên, cũng như không thiếu các khó khăn đối với lời cầu cá nhân, cũng không thiếu các khó khăn đối với phụng vụ. Ðã có một cuộc Cải Cách sau Công Ðồng Chung Vaticăng II, và vẫn còn có các kháng cự chống lại cuộc Cải Cách đó. Nhưng chúng ta hãy nói sự thật, hơn 50 năm đã qua rồi, thế giới đã rất là thay đổi, chúng ta đang ở trong một nền nhân chủng học mới, ngôn ngữ hoàn toàn khác, thế mà chúng ta còn đang tự hỏi đây có phải là trường hợp phải đi đến một thay đổi ngôn ngữ hay không - với tất cả sự thận trọng có thể - bởi vì các thế hệ mới hoàn toàn xa lạ với các ngôn ngữ truyền thống? Không có cuộc Cải Cách phụng vụ thì có nguy cơ là Giáo Hội càng suy yếu hơn, bởi vì các thế hệ mới không được thu hút bởi các công thức và các lễ nghi, ngày càng ít tham dự phụng vụ hơn, nhưng trái lại nó tuyệt đối cần thiết.

(Oss. Rom. 20-21 Marzo 2017)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page