Ðức Thánh Cha Phanxicô
lên tiếng về khủng hoảng ơn gọi
Ðức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng về khủng hoảng ơn gọi.
Vatican (KNA 7-03-2017; SD 9-03-2017) - Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Thời Báo (Die Zeit), xuất bản hôm 9 tháng 3 năm 2017 bên Ðức, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến cuộc khủng hoảng ơn gọi và gọi đây là một vấn đề lớn và trầm trọng.
Ngài nói: "Nơi nào không có linh mục thì không có thánh lễ và một Giáo Hội không có thánh lễ thì không có sức mạnh: Giáo hội làm nên Thánh Lễ nhưng Thánh Lễ cũng tạo nên Giáo Hội.. Nếu thiếu ơn gọi linh mục, chính là vì thiếu cầu nguyện. Cũng có vấn đề số sinh ít. Ngoài ra điều quan trọng là làm việc với giới trẻ, nhưng không được rơi vào thái độ chiêu dụ. Thực vậy cần có một sự tuyển cọn, vì nếu đương sự không có ơn gọi thực sự thì dân Chúa sẽ chịu đau khổ. Dầu sao, việc bãi bỏ luật độc thân bắt buộc, và để tùy ý, đó không phải là một giải pháp. Trong khi vấn đề truyền chức linh mục cho người nam chín chắn (viri probati), đó là một khả thể, nhưng cần phải xác định những công tác mà họ có thể đảm nhận cho các cộng đoàn hẻo lánh, cô lập".
Trong cuộc phỏng vấn, Ðức Thánh Cha cho biết ngài sẽ viếng thăm Ấn độ, Bangladesh, Colombia, Fatima, và hiện dự án viếng thăm Ai Cập đang được cứu xét. Ngài cũng nói rằng: Tôi muốn đi thăm nước Nam Sudan, nhưng tôi không tin là có thể thực hiện được. Có chương trình đi thăm hai nước Congo, nhưng với Tổng thống Kabila, thì tôi không tin là có thể đến đó được. Cả việc đi thăm nước Nga cũng không có thể, vì như thế cũng có nghĩa là phải đi thăm cả Ucraina nữa". (SD 9-3-2017)
Tin Lành Ðức thiếu ơn gọi mục sư
Giáo Hội Tin Lành tại Ðức đang kiếm hàng ngàn mục sư mới để thay thế các mục sư sắp về hưu.
Hôm 6 tháng 3 năm 2017, Văn phòng trung ương Tin Lành Ðức cho biết trong vòng từ 10 đến 15 năm tới đây sẽ có từ 30 tới 40% mục sư tại các giáo xứ ở Ðức về hưu. Hiện nay có khoảng 18 ngàn mục sư nam nữ đang hoạt động tại nước này.
Bà Birgit Sendler-Kuschel, giám đốc phân bộ giáo dục thuộc hội đồng trung ương của Giáo Hội Tin Lành Ðức, nói với giới báo chí rằng con số các sinh viên theo học để trở thành mục sư hiện nay không đủ để lấp đầy chỗ trống do các mục sư về hưu tạo ra. Trong vòng 10 năm tới đây, cần có thêm hàng ngàn mục sư nam nữ. Mặc dù có nhiều người quyết định theo học thần học, nhưng con số này cần phải gia tăng hơn nữa.
Trong số 15,700 sinh viên thần học Tin Lành hiện nay, có gần 6,300 người có thể thi tuyển để làm mục sư coi sóc các giáo xứ.
Bà Sendler-Kuschel cho biết chính vì viễn tượng trên đây, Giáo Hội Tin Lành Ðức đã bắt đầu chiến dịch cổ võ ơn gọi mục sư. "Ai muốn trở thành mục sư ngày nay, có nhiều hy vọng được đón nhận". Từ nay cho đến năm 2027, không phải hễ mục sư nào về hưu đều sẽ có người thay thế. Vì thế, các vị lãnh đạo Tin Lành tại đang xúc tiến việc điều chỉnh các dịch vụ tại các giáo xứ để thích ứng với sự thay đổi dân số.
1 Giám Mục Ðức kêu gọi suy nghĩ lại độc thân linh mục
Trong khi đó, nhiều người Công Giáo ở Ðức đang yêu cầu Giáo Hội thay đổi luật độc thân giáo sĩ với hy vọng giải quyết được tình trạng thiếu ơn gọi Linh Mục tại nước này.
Trong tuần này, từ mùng 6 đến 9 tháng 3 năm 2017, Hội Ðồng Giám Mục Ðức với 65 vị đã nhóm Ðại hội mùa xuân và đặc biệt bàn về vấn đề ơn gọi Linh Mục và sứ vụ linh mục tại nước này, trước tình trạng thiếu rất nhiều Linh Mục.
Ðức Cha Dieter Geerlings, Giám Mục phụ tá giáo phận Munster, kêu gọi suy nghĩ về vấn đề các Linh Mục có gia đình và nói rằng: "Chúng ta cần suy nghĩ xem đâu là điều Chúa Kitô đang muốn và đòi hỏi chúng ta ngày nay?"
Các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Ðông phương hiệp nhất với Tòa Thánh có các Linh Mục có gia đình. Phải chăng điều này không mở rộng viễn tượng của chúng ta?"
Ðức Cha Geerlings cầu mong có một tiến trình ở cấp cao nhất trong Giáo Hội Công Giáo, tìm hiểu những lý do tại sao chức Linh Mục bị suy yếu như ngày nay. "Ðây là vấn đề khác nhau tùy theo miền, nhưng cũng là một vấn đề trong Giáo Hội hoàn vũ". Ðức cha nhìn nhận sự độc thân là điều rất tốt, một lối sống phù hợp với Tin Mừng vì Nước Trời, một ơn gọi lớn cho toàn thể Giáo Hội, và cũng có những lý do thần học cho thấy tại sao người chủ sự thánh lễ, cần sống độc thân. Tuy nhiên cũng có vấn đề: phải chăng những lý do đó có thể được coi như một quy luật tuyệt đối" (KNA 7-3-2017)
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)