Các Giáo Hạt Trong Giáo Phận Phan Thiết

Dâng Thánh Lễ

Cầu Nguyện Cho Ðức Cha Giuse Vũ Duy Thống

 

 

Các Giáo Hạt Trong Giáo Phận Phan Thiết Dâng Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Ðức Cha Giuse Vũ Duy Thống.

Giáo Hạt Hàm Tân


Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ cùng phái đoàn Giáo phận Thái Bình đến kính viếng. Vào lúc 15giờ, thánh lễ cầu nguyện do Ðức Cha Phêrô chủ tế.


Phan Thiết (GP Phan Thiết 3&4-03-2017) - Theo chương trình, chiều ngày 3 tháng 3 năm 2017, Giáo hạt Hàm Tân dâng lễ cầu nguyện cho Ðức Cha Giuse.

Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ cùng phái đoàn Giáo phận Thái Bình đến kính viếng. Vào lúc 15giờ, thánh lễ cầu nguyện do Ðức Cha Phêrô chủ tế. Tham dự thánh lễ có quý cha và cộng đoàn trong giáo hạt Hàm Tân, quý linh mục, tu sĩ, giáo dân đồng hương tại Thái Bình và miền Nam đến hiệp thông cầu nguyện.

"Nơi Ngài con đặt hy vọng, nơi Ngài con dâng xác hồn. Lạy Thiên Chúa Ðấng cứu độ con..." , lời ca nhập lễ ngân vang tâm tình phó dâng của cộng đoàn phụng vụ.

Mở đầu thánh lễ, cha Hạt trưởng Antôn Lê Minh Tuấn thay mặt quý cha trong hạt Hàm Tân gửi lời cảm ơn về sự hiện diện của phái đoàn giáo phận Thái Bình. Xin Chúa thương và cho linh hồn Ðức Cha Giuse an nghỉ trong vòng tay nhân hiền của Người.

Trong bài giảng, Cha Antôn chia sẻ về cái chết: "Cái chết dạy bảo cho chúng ta điều gì?"

Cuộc sống thì chóng qua, thiên đàng mới là vĩnh cửu. Mọi sự đều là phù du và chỉ mình Thiên Chúa mới là Ðấng vĩnh cửu. Sự sống luôn trốn chạy và vụt khỏi tầm tay chúng ta, nó phóng đi như một mũi tên, nó cao bay như một cánh chim. Cho dù chúng ta sống trong cung điện nguy nga, dù chúng ta co những thứ cao lương mỹ vị để ăn, dù chúng ta có những bác sĩ tài ba chăm sóc, thì tất cả đều vô ích khi cái chết tiến tới.

Nếu chúng ta nghe được những mẫu tâm sự của những người đã chết thì:

- Những người chết trẻ: Chúng tôi thật khờ dại và lầm lẫn một cách tệ hại vì tưởng rằng đời mình còn dài.

- Những người chết già: Ðời sống chẳng có chi đáng kể, mấy chục năm vụt trôi như bóng câu qua cửa sổ, như một làn khói tỏa, như một áng mây bay. Ðể rồi chỉ còn lại một sự thật cay đắng bẽ bàng rằng con người chỉ là bùn đất, danh vọng chỉ là mây khói và tất cả chỉ là tro bụi.

- Còn những kẻ nghèo túng thì thở phào nhẹ nhõm: Cái chết đối với chúng tôi đó là một cuộc giải phóng, giải phóng khỏi kiếp người, những ngày lao động một nắng hai sương.

- Những người giàu có thì phàn nàn: Tiền bạc và địa vị cũng không đủ kéo chúng tôi ra khỏi nấm mồ.

Nhưng, những người tin theo Chúa Kitô sẽ không bao giờ thất vọng, và cái nhìn đức tin không cho phép chúng ta bi quan trước cái chết. Chính Chúa Giêsu đã cho chúng ta cái nhìn rất tích cực về cái chết: Chết là một cuộc trở về nhà Cha.

Ðức Cha Giuse - một người Cha của giáo phận, một người Thầy rất tuyệt vời! Ðức Cha Giuse - một tình yêu không vồn vã nhưng trầm lắng, rộng lớn và bao la! Tình yêu mạnh hơn sự chết, tình yêu vượt mọi ranh giới cách biệt, tình yêu liên kết chúng ta với Ðức Cha ngay cả khi ngài đã ra đi... Xin Chúa, Ðấng mà Ðức Cha cũng như mọi Kitô hữu tôn thờ, xin Người dành cho Ðức Cha một chỗ trong vương quốc của Người, dẫn đưa Ðức Cha về hưởng nhan thánh cùng Người.

Thánh lễ tiếp tục diễn ra cùng bao xúc cảm và nỗi niềm. Sau thánh lễ, Ðức cha Phêrô, quý cha rảy nước thánh trên quan tài. Các đoàn thể lần lượt vào viếng linh cửu Ðức Cha Giuse.

Cái chết là kết thúc của đời sống. Kết thúc này là tất yếu vì thân xác vật chất không đi ra ngoài định luật hữu sinh hữu tử. Kết thúc cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu là một kết thúc tốt đẹp. Lời cuối cùng Chúa thốt ra trên thập giá "mọi sự đã hoàn tất" là một lời loan báo sứ mạng thành công. Chúa Giêsu xuống thế gian để thực hiện thánh ý Chúa Cha trong việc cứu nhân độ thế.Trọn cuộc đời Người hiến mình vâng phục thánh ý Chúa Cha vì tình yêu nhân loại. Người đã vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá. Người đã yêu thương nhân loại đến hơi thở cuối cùng. Người đã vượt qua tất cả mọi khó khăn thử thách, đã vượt qua cái chết đau thương tủi nhục để đi đến cùng lý tưởng của mình. Giây phút trút hơi thở cuối cùng là giây phút chiến thắng. Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng và yên tâm ra đi.

Nguyện xin Chúa nhân lành đoái thương đón nhận và dẫn đưa Ðức Cha Giuse về dự tiệc vui muôn đời.

 

* * * * * *

 

Giáo Hạt Ðức Tánh

 

Giáo Hạt Ðức Tánh - Dâng Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Ðức Cha Giuse.

Lúc 8g30 sáng ngày 4 tháng 3 năm 2017, Ðức Cha Giuse Ðinh Ðức Ðạo - Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc cùng quý cha dâng thánh lễ cầu nguyện cho Ðức Cha Giuse Vũ Duy Thống tại Nhà thờ Chính tòa Phan thiết.

Liền sau đó, vào lúc 9 giờ 15, quý cha trong giáo hạt Ðức Tánh cùng quý tu sĩ nam nữ, giáo dân từ các giáo xứ trong Hạt và cộng đoàn phụng vụ đã hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho Ðức Cha Giuse.

Cha Gioan Baotixita Trần Văn Thuyết quản hạt, chủ tế.

Cha Phaolô Hoàng Ðức Dũng chia sẻ tâm tình từ các bài đọc (Bđ1: Kn 4, 7-15; Bđ2: Rm 14, 7-9.10c-12; Phúc âm: Ga 19, 17-18. 25-30)

Khởi đi từ ước mơ của một người sống đời dâng hiến hay người giáo dân, ngài chia sẻ cảm nghiệm từ ca khúc "Tôi mơ" do Ðức cha sáng tác. Tôi mơ là chén thuốc thần cho đời sức khỏe bệnh nhân chẳng còn; tôi mơ là nước là cơm cho người đói khát, thoát cơn bần hàn; mơ sao, nên một kho tàng cho ai thiếu đến sẵn sàng lấy đi; mơ làm bất cứ điều chi, cho tha nhân được, chút hy vọng đời... và còn nhiều ước mơ nữa trong ca từ.

Khi ngẫm nghĩ lại những mơ ước của Ðức cha, ngài muốn cuộc đời của mình là chén thuốc chữa trị bệnh cho người khác, là bát nước, là chén cơm cứu đói cho tha nhân, là kho tàng cho những ai thiếu thốn... Cả cuộc đời của Ðức cha là đưa những mơ ước ấy thành những nghĩa cử trao ban để sống cho người khác. Ðức cha còn nhiều ước mơ nữa cho giáo phận Phan Thiết thân yêu...

Nếu có lúc Ðức cha muốn mình là chén thuốc thần để chữa trị người khác, thì giờ này, chén thuốc ấy đã không đến được với ngài trước một căn bệnh thân xác.Cái chết đến quá nhanh đã cắt đứt mọi mơ ước và dự tính của ngài. Sao cái chết khủng khiếp quá vậy? Sao Chúa lại không để Ðức cha sống thêm thời gian nữa, để Ðức cha hoàn tất những dự tính của ngài? Những dự tính cho công trình xây dựng cơ sở vật chất, cũng như đào tạo nhân sự cho giáo phận. Nhưng càng suy nghĩ hầu như càng không có lối thoát. Nhưng rồi trong con lóe lên một hướng suy nghĩ: người kitô hữu có thể tìm thấy hướng mở cho cuộc đời khi nhìn vào Ðức Kitô.

Ðến thế gian trong thân phận của một con người, Chúa Giêsu cũng có nhiều thao thức và mơ ước: thao thức mọi người nhận ra Chúa, ước mơ mọi người đón nhận ơn cứu độ, nhưng thực tế của cuộc đời của Chúa, đâu có xảy ra như Chúa muốn, nhiều người không tin, không đón nhận Chúa đã đành, nhưng họ còn tìm đủ cách để giết luôn cả Chúa. Chúa muốn huấn luyện nhóm Mười Hai để trung thành rao giảng lời Chúa. Thế mà trong số đó, có một học trò phản bội bán đứng Thầy, ước muốn có những năm tháng dài lâu sống với các học trò để huấn luyện cho các ông, thế mà Chúa lại phải ra đi khi tuổi đời chỉ mới 33. Thế nhưng, có một điều xem ra nghịch lý. Với cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, mọi người đều cho là thất bại. Thì đối với Chúa Giêsu, lại là thành công. Từ thập giá, Chúa Giêsu đã nói lên "mọi sự đã hoàn tất". Vậy thì hoàn tất ở đây, là hoàn tất cái gì? chắc chắn không phải là mọi người đón nhận Tin mừng hết đâu; cũng chẳng phải là hoàn tất công việc giáo dục các học trò... nhưng là hoàn tất, khi cả cuộc đời của Chúa đã sống cho Chúa Cha, đã trung thành thực thi thánh ý Chúa Cha. Ðây là ước mơ lớn lao mà Chúa đã ôm ấp và thực hiện bằng cả cuộc đời. Cho đến giây phút cuối đời, ngay cả trên thập giá, Chúa Giêsu vẫn thốt lên: "Lạy Cha, con phó hồn con trong tay Cha". Một cái chết tuyệt đẹp, nhẹ nhàng, bình an và thanh thản...

Sau thánh lễ mọi người thinh lặng viếng linh cửu Ðức Cha Giuse.

 

Tổng Giáo Phận Sài gòn

 

Tiếp nối là thánh lễ do Ðức Cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng chủ tế, quý cha đại diện Tổng Giáo Phận Sài gòn đồng tế.

Niềm tin vào Chúa Giêsu đã chết và sống lại là niềm hy vọng lớn lao cho người kitô hữu: "Thầy là sự sống và là sự sống lại. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ sống và ai sống mà tin vào Thầy sẽ không chết bao giờ". Chúa Giêsu đã kinh qua khổ đau kiếp người, cái chết thập giá và sự phục sinh của Ngài đã tiêu diệt nguồn gốc sự chết và ban sự sống mới. Cái chết của Chúa Giêsu đã trở nên của lễ hiến dâng trọn vẹn, một lễ hy sinh tuyệt hảo. Tất cả sự đắng cay, chua xót, tất cả sự âu lo phiền muộn của sự chết đã trở thành phẩm vật tặng hiến cao quý và giờ chết trở thành giờ khởi điểm hạnh phúc trường sinh.

Lời nguyện cầu của cộng đoàn, thánh lễ dâng chính là lễ vật là hương thơm bay lên chốn huyền siêu trước tôn nhan Ðấng Tối Cao. Xin Chúa đoái thương đón nhận Ðức cha Giuse vào sự sống vỉnh hằng.

 

* * * * * *

 

Giáo Hạt Hàm Thuận Nam

 

Giáo Hạt Hàm Thuận Nam - Dâng Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Ðức Cha Giuse.

Vào lúc 9 giờ ngày 3 tháng 3 năm 2017, quý Cha trong giáo hạt Hàm Thuận Nam cùng quý tu sĩ nam nữ, giáo dân từ các giáo xứ trong Hạt và cộng đoàn phụng vụ đã hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho Ðức Cha Giuse.

Cha Phanxicô Xaviê Ðinh Tiên Ðường, quản hạt, chủ tế và chia sẻ tâm tình.

Như hạt lúa gieo xuống lòng đất tuy có bị thối đi, nhưng chính từ trong hạt giống mục nát, một cây lúa mới mọc lên (Ga 12, 24). Con người cũng vậy, chỉ có thể bước vào sự sống đời đời qua ngưỡng cửa sự chết. Chết là điều kiện để triển nở và thành toàn.Chết là một sự thay đổi cách thái hiện hữu ở một mức độ sung mãn hơn. Cuộc sống đời này và mọi sự trong đó chỉ là tạm bợ và tất cả sẽ qua đi, để hướng đến đích điểm của nó.

Chúa Giêsu đã đưa ra một chiều kích hiện sinh mới, mở ra cho nhân loại con đường tiến tới chân lý sự sống bằng sự chết mà Người đã thực hiện. Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa đã làm cho mọi cái chết trở thành Tin Mừng của sự sống.

Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết bằng chính cái chết trên Thập Giá và Người đã Sống Lại để trao ban sự sống mới, sự sống của Ðấng Phục Sinh.

Thập Giá Ðức Kitô trở nên con đường giao hoà và như chiếc thang nối liền trời và đất, kết hợp Thiên Chúa và loài người.

Từ nay, yếu tính sự chết đã được biến đổi. Sự chết không còn là tang tóc nữa mà đã trở thành Lễ Vượt Qua để tiến tới Vinh Quang Thiên Quốc. Thánh Phaolô viết: "Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa" (1 Cr 1, 12); "Chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, ngôi nhà vĩnh cữu ở trên trời, không do tay người thế làm ra" (2 Cr 5,1).

Tin và sống trong ân tình của Chúa Kitô chính là chiến thắng sự chết, chính là đã mang trong mình mầm sống của sự sống đời đời: "Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết" ( Ga 11, 26; 1 Ga 3, 14 ). Không bao giờ chết chính là không bao giờ mất sự hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.

Thiên Chúa dựng nên con người để con người được hưởng hạnh phúc đời này và cả đời sau. Sống là một cuộc hành trình tiến về đời sau.

Bước vào Mùa Chay Thánh, Lời Chúa dặn dò mỗi người Kitô hữu là "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện".

Xin Chúa cho chúng con như ngọn đèn chầu trong nhà thờ, thức luôn và sáng luôn trước nhan Chúa. Amen.

 

Ban truyền thông giáo phận

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page