Sứ điệp mùa chay 2017
của Ðức Thánh Cha Phanxicô
Sứ điệp mùa chay 2017 của Ðức Thánh Cha Phanxicô.
Vatican (Vat. 28-02-2017) - Trong sứ điệp Mùa Chay bắt đầu từ ngày 1 tháng 3 năm 2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu Kitô lắng nghe Lời Chúa, để nhận ra và phụng sự Chúa Kitô trong tha nhân, nhất là những người nghèo khổ.
Trong Mùa Chay Thánh, các tín hữu được mời gọi thanh tẩy, hoán cải tâm hồn, chuẩn bị đón mừng Lễ Phục Sinh. Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng muốn đồng hành với các tín hữu qua sứ điệp được công bố hôm 7 tháng 2 năm 2017.
Trong Sứ điệp Ðức Thánh Cha đặc biệt quảng diễn dụ ngôn Phúc Âm về người phú hộ hằng ngày yến tiệc linh đình, trong khi một người nghèo khổ là ông Lazzaro ngồi trước cổng nhà ông ta không có gì để ăn (Xc Lc 16,19-31), và từ đó rút ra những bài học thực tiễn cho cuộc sống tâm linh. Trong phần kết luận, Ðức Thánh Cha cầu xin Chúa Thánh Linh hướng dẫn các tín hữu trong hành trình mùa chay, thực hiện một con đường hoán cải đích thực, để tái khám phá hồng ân Lời Chúa, để được thanh thẩy khỏi tội lỗi vốn làm cho chúng ta mù quáng, hầu phụng sự Chúa Kitô nơi các anh chị em túng thiếu".
Sau đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn sứ điệp của Ðức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay là một cuộc khởi đầu mới, một con đường dẫn đến một mục tiêu chắc chắn là Lễ Phục Sinh, chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết. Mùa này vẫn luôn gửi đến chúng ta một lời mời gọi mạnh mẽ 'hãy hoán cải': Kitô hữu được kêu gọi hết lòng trở về cùng Thiên Chúa (Ge 2,12) để không hài lòng với một cuộc sống tầm thường, nhưng tăng trưởng trong tình bạn với Chúa. Chúa Giêsu là người bạn trung tín không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì, cả khi chúng ta phạm tội, Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài, và qua sự chờ đợi này, Ngài bày tỏ ý muốn tha thứ (Xc Bài giảng thánh lễ, 8-1-2016).
Mùa Chay là thời điểm thuận tiện để tăng cường đời sống tâm linh qua các phương tiện thánh mà Giáo Hội cống hiến cho chúng ta: ăn chay, cầu nguyện và làm phúc. Nơi căn bản tất cả những điều ấy có Lời Chúa mà chúng ta được mời gọi lắng nghe và suy gẫm siêng năng hơn trong mùa này. Ðặc biệt tôi muốn dừng lại ở đây dụ ngôn người phú hộ và ông Lazzaro nghèo khổ (Xc Lc 16,19-31). Chúng ta hãy để cho mình được những trang đầy ý nghĩa này gợi hứng, và cống hiến cho chúng ta chìa khóa để hiểu cách thức hành động để đạt đến hạnh phúc chân thực và sự sống vĩnh cửu, qua sự hoán cải chân thành.
1. Tha nhân là một hồng ân
Dụ ngôn bắt đầu bằng cách trình bày hai nhân vật chính, nhưng người nghèo được mô tả với nhiều chi tiết hơn: ông ta ở trong một tình trạng tuyệt vọng và không có sức đứng dậy, ông nằm ở cửa nhà người giàu và ăn những mẩu bánh từ bàn ăn của người giàu rơi xuống, ông bị ghẻ lở toàn thân và những con chó đến liếm các vết thương ấy (xc vv. 20-21). Vì thế bối cảnh thật là đen tối, con người bị hạ giá và tủi nhục.
Quang cảnh càng bi thảm hơn nếu ta để ý đến sự kiện người nghèo có tên là Lazzaro: một tên đầy triển vọng, nghĩa đen là "Thiên Chúa trợ giúp". Vì thế, nhân vật này không phải là một người vô danh, nhưng có những nét rõ ràng và được trình bày như một người có một lịch sử riêng. Trong khi đối với người phú hộ, ông Lazzaro như một người vô hình, thì đối với chúng ta ông trở nên một người được biết đến và hầu như là một người quen thuộc, có khuôn mặt hẳn hoi; và với tư cách đó ông là một hồng ân, một sự phong phú khôn lường, một người được Thiên Chúa mong muốn, yêu mến, nhớ đến, cho dù tình trạng cụ thể của ông là tình trạng bị con người từ khước (Xc Bài giảng Thánh lễ 6-1-2016).
"Ông Lazzaro dạy chúng ta rằng tha nhân là một hồng ân. Tương quan đúng đắn với con người hệ tại nhìn nhận giá trị của họ với lòng biết ơn. Cả người nghèo nơi cổng nhà người giầu không phải là một điều cồng kềnh gây phiền toái, nhưng là một lời mời gọi hoán cải và thay đổi cuộc sống. Lời mời đầu tiên dụ ngôn này đưa ra là hãy mở cửa lòng chúng ta cho tha nhân, vì mỗi người là một hồng ân, dù là người láng giềng của chúng ta hay là người xa lạ. Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho mỗi người túng thiếu và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô. Mỗi người đến gặp chúng ta là một hồng ân và đáng được tiếp đón, tôn trọng và yêu mến. Lời Chúa giúp chúng ta mở rộng đôi mắt để đón tiếp và yêu mến sự sống, nhất là khi sự sống ấy yếu ớt. Nhưng để có thể làm điều ấy, cũng cần phải coi trọng điều mà Tin Mừng tỏ cho chúng ta về người phú hộ.
2. Tội lỗi làm chúng ta mù quáng
Dụ ngôn thật là rõ ràng thẳng thắn trong việc nêu bật sự tương phản giữa người phú hộ và người nghèo (Xc v.19). Trái với ông Lazzaro người nghèo khổ, người phú hộ ấy không có tên và chỉ được coi là "người giàu". Sự giàu sụ của ông ta được biểu lộ qua y phục ông ta mặc, sang trọng thái quá. Thực vậy, áo đỏ sậm của ông rất quí giá, hơn cả vàng bạc, vì áo ấy được dành cho các thần minh (Gr 10.9 và cho vua chúa (Gdc 8,26).. Sự giàu sang của người phú họ ấy thật là thái quá, cũng vì ông ta biểu dương mỗi ngày như thói quen: "Mỗi ngày ông ta yến tiệc linh đình" (v.19). Nơi người phú hộ ấy người ta thấy qua 3 điều kế tiếp nhau: yêu tiền bạc, huyênh hoang và kiêu ngạo (Xc. Bài giảng thánh lễ 20-9-2013).
Thánh Phaolô tông đồ nói rằng "Sự ham hố tiền bạc là nguồn gốc mọi sự ác" (1 Tm 6,10). Nó là động lực chính gây ra tham ô và nguồn mạch gây ra ghen tương, cãi lẫy và nghi ngờ. Tiến bạc có thể thống trị chúng ta, đến độ nó trở thành một thần tượng bạo chúa (Xc Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 55). Thay vì là một dụng cụ chúng ta sử dụng để làm sự thiện và thực thi tình liên đới với tha nhân, tiền bạc có thể biến chúng ta và cả thế giới thành nô lệ, phải tuân hành một tiêu chuẩn ích kỷ, không còn chỗ cho tình thương và cản trở hòa bình.
Dụ ngôn này tỏ cho chúng ta thấy sự ham hố tiền bạc của người phú hộ làm cho ông ta háo danh. Nhân cách của ông ta được thể hiện qua những vẻ bề ngoài, tỏ cho người ta thấy điều mà ông ta có thể làm được. Nhưng cái vẻ bề ngoài che đậy sự trống rỗng trong nội tâm. Cuộc sống của ông ta trở thành tù nhân của cái hào nhoáng bề ngoài, của chiều kích hời hợt và phù du của cuộc sống (Xc ibd. 62).
Cấp độ thấp nhất của sự sa đọa luân lý này chính là sự kiêu ngạo. Người phú hộ ăn mặc như thể mình là vua, giả bộ cung cách như một vị thần, mà quên mình chỉ là một phàm nhân hay chết. Ðối với người bị hư hỏng vì lòng yêu thích giàu sang không có gì khác ngoài cái tôi của họ, và vì thế những người xung quanh họ không được họ nhìn đến. Kết quả của sự quyến luyến tiền bạc là một thứ mù quáng: người giàu không thấy người nghèo đang chịu đói, bị đè bẹp trong tủi nhục!".
Khi nhìn nhân vật ấy, ta hiểu tại sao Tin Mừng rất là rõ ràng khi lên án sự yêu thích tiền bạc: "không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc họ ghét chủ này và mến chủ kia, hoặc gắn bó với chủ này và khinh rẻ chủ kia. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn của cải" (Mt 6,24)
3. Lời Chúa là một hồng ân
Tin Mừng về người phú hộ và ông Lazzaro nghèo khổ giúp chúng ta chuẩn bị tốt đẹp cho lễ Phục Sinh sắp đến gần. Phụng vụ Thứ Tư lễ Tro mời gọi chúng ta sống một kinh nghiệm giống với kinh nghiệm mà người phú hộ đã trải qua một cách rất bi thảm. Vị linh mục, khi bỏ tro trên đầu, lập lại những lời này: "Con hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro". Thực vậy, người phú hộ và người nghèo, cả hai đều chết và phần chính của dụ ngôn hướng về đời sau. Hai nhân vật bất ngờ khám phá thấy "chúng ta không mang theo sự gì từ trần thế và chúng ta chẳng có thể mang đi điều gì" (1 Tm 6,7).
Cả cái nhìn của chúng ta cũng hướng về đời sau, nơi mà người phú hộ có một cuộc đối thoại dài với Tổ Phụ Abraham mà ông gọi là "cha" (Lc 16,24.27), chứng tỏ mình thuộc về Dân Chúa. Chi tiết đặc biệt này càng làm cho cuộc sống của ông ta mâu thuẫn, vì cho đến nay không nói gì về tương quan của ông với Thiên Chúa. Thực tế là trong cuộc sống của ông không có chỗ cho Thiên Chúa, thần minh duy nhất của ông là chính ông.
Chỉ trong những chao đảo cơ cực của đời sau người giàu có mới nhận ra Lazzaro và ông muốn người nghèo này thoa dịu nỗi đau khổ của ông bằng một chút nước. Những cử chỉ ông yêu cầu Lazzaro cũng giống như những cử chỉ mà người giàu ấy lẽ ra có thể làm nhưng không bao giờ làm. Tuy nhiên, Tổ Phụ Abraham giải thích cho người giàu rằng: "Trong cuộc sống con đã nhận được những của cải còn Lazzaro nhận được những tai ương, giờ đây Lazzaro được an ủi còn con thì ở giữa những cực hình" (v. 25). Trong đời sau, sự công bình được tái lập và tai ương trong cuộc sống được quân bình hóa bằng điều thiện hảo.
Dụ ngôn tiếp tục và trình bày một sứ điệp cho tất cả các tín hữu Kitô. Thực vậy người phú hộ còn anh em trên trần thế, ông xin Abraham gởi Lazzaro đến gặp để cảnh cáo họ, nhưng Abraham trả lời: "Họ có Môisê và các ngôn sứ, họ hãy nghe lời các vị ấy" (v.29). Ðứng trước vấn nạn của người phú hộ, Abraham nói thêm: "Nếu họ không nghe Môisê và các ngôn sứ, thì họ cũng chẳng nghe nếu có người nào sống lại từ cõi chết" (v.31).
Qua đó ta thấy rõ vấn đề của người giàu có: căn cội những tai ương của ông ta chính là vì không lắng nghe Lời Chúa; tình trạng này khiến ông không yêu mến Thiên Chúa nữa và vì thế ông coi rẻ tha nhân. Lời Chúa là một sức mạnh sinh động, có khả năng khơi dậy sự hoán cải tâm hồn con ngừơi và hướng con người về cùng Thiên Chúa. Khép kín cửa lòng đối với hồng ân của Thiên Chúa Ðấng đang nói với con người, thì sẽ đưa tới hậu quả khép kín tâm hồn đối với người anh em.
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng:
"Anh chị em thân mến, Mùa Chay là thời kỳ thuận tiện để canh tân bản thân trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô hằng sống qua Lời Ngài, qua các bí tích và tha nhân. Chúa đã trải qua 40 ngày trong sa mạc và đã chiến thắng những lừa đảo của Tên Cám Dỗ, Ngài đang chỉ cho chúng ta con đường cần đi theo. Xin Chúa Thánh Linh hướng dẫn chúng ta thực hiện một con đường hoán cải chân thành để tái khám phá hồng ân Lời Chúa, được thanh tẩy khỏi tội lỗi khiến chúng ta mù quáng và phụng sự Chúa Kitô nơi những anh chị em túng thiếu. Tôi khuyến khích tất cả các tín hữu hãy biểu lộ sự canh tân tinh thần này kể cả bằng cách tham gia các Chiến Dịch Mùa Chay mà nhiều tổ chức của Giáo Hội ở các nơi trên thế giới đang cổ võ để làm tăng trưởng nền văn hóa gặp gỡ trong gia đình nhân loại duy nhất. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để, khi tham dự chiến thắng của Chúa Kitô, chúng ta biết mở rộng những cánh cửa của chúng ta cho người yếu đuối và nghèo túng. Như thế chúng ta có thể sống và làm chứng trọn vẹn về niềm vui của Lễ Phục sinh.
Vatican ngày 18 tháng 10 năm 2016, lễ Thánh Luca Thánh Sử.
Phanxicô Giáo Hoàng
Trần Ðức Anh, OP chuyển ý
(Radio Vatican)