Vẫn còn 653 triệu người

thiếu dinh dưỡng trên toàn thế giới

 

Vẫn còn 653 triệu người thiếu dinh dưỡng trên toàn thế giới.

Roma (ANSA 22-02-2017; Vat. 27-02-2017) - Hôm 22 tháng 02 năm 2017, tổ chức Lương Nông quốc tế, gọi tắt là FAO, có trụ sở tại Roma đã lên tiếng báo động rằng nếu không có những nỗ lực dấn thân cần thiết thì vào năm 2030, vẫn còn 653 triệu người thiếu dinh dưỡng trên toàn thế giới.

Lời báo động này được đưa ra trong báo cáo mới công bố của tổ chức FAO với tựa đề: Tương lai thực phẩm và nông nghiệp: khuynh hướng và thách đố. Trong đó, tổ chức nhấn mạnh rằng nếu không có những nỗ lực mới nhắm thăng tiến phát triển nơi các dân tộc nghèo khó, giảm thiểu sự chênh lệch và bảo vệ những kẻ yếu đuối nhất, thì vào năm 2030 tới đây, vẫn còn 653 triệu người thiếu dinh dưỡng.

Khả năng tìm kiếm thực phẩm của con người trong tương lai đang bị đe dọa bởi khai thác tài nguyên thiên nhiên quá độ, sự tăng trưởng bất công xã hội và đe dọa thay đổi khí hậu.

Báo cáo nhấn mạnh là mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong cuộc chiến chống nạn đói và thiếu dinh dưỡng trong ba thập niên gần đây, sự gia tăng sản xuất thực phẩm nhiều khi đã được thực hiện với sự phá hủy môi trường thiên nhiên, vượt quá khả năng của trái đất.

Tổ chức FAO ước lượng vào năm 2050, dân số thế giới sẽ lên đến khoảng 10 tỷ người và nhu cầu thực phẩm toàn cầu gia tăng 50% so với hiện nay. Ðiều này có nghĩa là trái đất sẽ phải cố gắng sản xuất thêm 50% nữa, mặc dù hiện nay đang lâm vào tình trạng kiệt quệ. Rồi sẽ có thêm các biến đổi thực phẩm ăn kiêng vì quá dư thừa, tiêu thụ nhiều thịt thà, hoa trái rau củ đã được pha chế, khiến tài nguyên thiên nhiên bị lạm dụng đến mức tối đa. Ðó là chưa kể đến hậu quả của mối nguy biến đổi khí hậu như hạn hán hay mưa lũ bão tố làm giảm hạ lượng thực phẩm thu hoạch và có thể dẫn đến tình trạng đói kém.

Chính vì thế, tổng giám đốc FAO ông José Da Silva kêu gọi thế giới đầu tư nhiều hơn vào các hệ thống nông nghiệp và sản xuất thực phẩm, song song với những nghiên cứu phát triển hầu tìm ra những phương thế mới, có thể chịu đựng được trong lãnh vực sản xuất, đặc biệt là tìm ra những biện pháp giải quyết việc thiếu nước dùng và đối diện với các nguy hại của hiện tượng biến đổi thời tiết.

(ANSA 22.02.2017)

 

Mai Anh

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page