Ý chỉ truyền giáo tháng 3 năm 2017

 

Ý chỉ truyền giáo tháng 3 năm 2017.

Roma (Vat. 24-02-2017) - Kể từ khi chiến tranh lan rộng tại Iraq và Siria, các lực lượng của nhà nước hồi đã sát hại hàng ngàn kitô hữu: đóng đanh, chôn sống, cắt cổ, kể cả trẻ em người già và phụ nữ. Chỉ nội trong một đêm sau khi đánh chiếm được thành phố Mossul, các lực lượng hồi cuống tín đã ra lệnh cho mọi kitô hữu nếu muốn ở lại thành phố thì một là phải theo Hồi giáo, hai là phải đóng thuế tôn giáo, ba là chết hay ra đi và phải bỏ lại tất cả của cải nhà cửa đất đai cho các chiến binh hồi. Và thế là chỉ trong một sớm một chiều đã có 125.000 kitô hữu lựa chọn duy trì đức tin, chấp nhận mất hết mọi sự và bồng bế nhau ra đi với hai bàn tay trắng. Họ đã tiến tới các thành phố của vùng Kurdistan, trong đó có Erbil. Có nhiều người bị bệnh hay già yếu đã chết dọc đường.

Cũng kể từ tháng 8 năm 2014 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã liên tục lên tiếng tố cáo cảnh các kitô hữu bị bách hại vì đức tin. Ngài tỏ tình liên đới với họ, và kêu mời mọi người cầu nguyện và trợ giúp các anh chị em kitô bị bách hại. Ðức Thánh Cha lập đi lập lại rằng ngày nay trong thế kỷ XXI tân tiến này có nhiều kitô hữu bị thù ghét và bách hại vì đức tin hơn là trong các thế kỷ đầu của lịch sử Kitô giáo, dưới thời các hoàng đế Roma. Thật thế, từ nhiều năm qua qua tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ đã công bố các bản tường trình liên quan tới các vụ kitô hữu bị bách hại vì đức tin đó đây trên thế giới. Trong số 200 triệu tín hữu kitô bị bách hại, có các kitô sống trong vùng Trung Ðông, trong các nước có đại đa số dân theo Hồi giáo, và tại nhiều nước Phi châu như Somalia, Nigeria, Bắc và Nam Sudan. Và dĩ nhiên là có hàng chục triệu kitô hữu sống tại các nước có chế độ cộng sản vô thần độc tài như Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam.

Tại các nước cộng sản vô thần nói trên nhà nước tìm mọi cách đàn áp, kỳ thị, và sách nhiễu kitô hữu. Tại Bắc Hàn Giáo Hội hầu như hoàn toàn bị triệt hạ. Trong khi tại Trung Quốc chính quyền Bắc Kinh thành công trong việc thành lập Giáo Hội tự trị do chính quyền kiểm soát và chỉ định nhân sự qua dụng cụ hữu hiệu là Hội công giáo yêu nước. Tại Việt Nam nhà nước cộng sản cũng bắt chước chính sách này nhưng đã không thành công vì sự phản tỉnh của tín hữu tẩy chay Hội công giáo yêu nước. Còn bên Cuba tuy đã hết sức tranh đấu nhưng Giáo Hội vẫn nằm trong vòng kiểm soát kìm kẹp của chính quyền cộng sản. Cảnh bách hại được thực thi dưới nhiều hình thức tinh vi qua các sắc lệnh và luật lệ hạn chế tối đa các sinh hoạt của Giáo Hội, đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục và bác ái xã hội.

Bên Nigeria phiến quân Boko Haram liên tục tấn công các làng kitô hữu, tàn sát tín hữu, đốt phá các nhà thờ và các cơ sở của Giáo Hội. Trong các năm qua đã có hàng chục ngàn kitô hữu bị sát hại. Chính quyền trung ương quá yếu kém, không có khả năng bảo vệ an ninh cho dân chúng, đặc biệt trong các bang miền bắc, nơi có đa số dân theo Hồi giáo sinh sống. Tại Somalia các lực lượng hồi Al Shabab cũng tác oai tác quái như thế. Họ liên minh với tổ chức Al Qaeda và chủ trương áp đặt luật Sharia cho mọi thành phần xã hội Somalia, cùng như tại các nơi có sự hiện diện và chiến đấu của họ.

Bên Ai Cập, là quốc gia có khuynh hướng tổ chức xã hội bao gồm nhiều khiá cạnh xem ra gần gũi với các nước Tây âu nhất, trong các năm qua các kitô hữu, nhất là chính thống Copte, cũng đã thường xuyên là nạn nhân của các vụ ám sát, tấn công, đốt phá nhà thờ, và khủng bố phá hoại bằng bom.

Từ khi muà xuân A Rập bùng nổ năm 2011 và sau đó thất bại, các nước vùng Trung Ðông như Iraq Siria và Libia đã sa lầy trong các cuộc nội chiến đẫm máu. Phong trào Nhà nước Hồi nổi dậy với hàng chục nhóm hồi cuồng tín tuyên bố thánh chiến, đánh đuổi và tàn sát dân lành trong đó có các kitô hữu. Các tranh giành ảnh hưởng và thù hận hằng thế kỷ giữa các lực lượng Sunnít và Sciít cũng như óc bộ tộc đã khiến cho các kitô hữu và cả tín hữu hồi trở thành nạn nhận của bách hại và bạo lực.

Trong vùng Á châu tuy tình hình không tồi tệ như tại Trung Ðông và Phi châu, nhưng càng ngày càng có nhiều nhóm hồi cực đoan được A Rập Sauđi tài trợ đánh phá và bách hại các kitô hữu. Ðiển hình như trên đảo Mindanao của Philippines, bên Indonesia và cả Malaysia, kitô hữu cũng thỉnh thoảng là nạn nhân của các nhóm hồi cuồng tín này.

Bên Bangladesh tín hữu kitô cũng thường là nạn nhân của các nhóm hồi cuồng tín. Luật phạm thượng hay bị lạm dụng cho các vụ trả thù cá nhân hay ghen tương giải quyết các tranh chấp không dính dáng gì tới tôn giáo.

Bên Ấn Ðộ kitô hữu là nạn nhân kỳ thị và bách hại của các nhóm Ấn giáo cuồng tín trong nhiều bang khác nhau. Bản tường trình năm 2013 cho biết đã có hơn 4,000 vụ bạo hành chống các kitô hữu. Các vụ này bao gồm cả 7 vụ sát hại, trong đó có một trẻ em, 1,000 vụ lạm dụng đánh đập phụ nữ, 500 trẻ em và 400 linh muc thuộc nhiều Giáo Hội Kitô. Ngoài ra còn có 100 vụ đốt phá các nhà thờ và nơi thờ tự kitô. Bản tường trình đã được soạn thảo bởi Hiệp hội Diễn đàn đời kitô, Hội đồng Kitô toàn Ấn Ðộ, Hiệp hội tin lành Ấn, và Tổ chức kiểm soát nhân quyền, và đã được Ðức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Mumbai. Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ, giới thiệu.

Trên hơn 4,000 vụ bạo lực có 200 vụ rất trầm trọng xảy ra trong vài bang tệ hại nhất như Karnataka, Maharashtra, nơi các nhóm Ấn giáo cuồng tín hoạt động rất mạnh. Kitô hữu cũng bị bách hại trong các bang khác như Andra Pradesh, Chattisgarth, Gujarat, Orissa, Mydhya Pradesh, Tamil Nadu và Kerala. Bản tường trình cũng tố cáo hệ thống tư pháp lỏng lẻo hời hợt và kỳ thị của chính quyền tiểu bang và liên bang, không trừng phạt các thủ phạm. Bản tường trính cũng tố cáo luật kỳ thị các kitô hữu Dalit và các thiểu số tôn giáo khác, không cho họ đồng quyền như tín hữu dalit Ấn, và luật cấm theo các tôn giáo khác ngoài Ấn giáo trong 7 bang: Orissa, Arunachal Pradesh, Madhya Pradesh, Rajasthan, Gujarat, Chhattisgarth và Himachal Pradesh.

Trong tháng 3 năm 2017 hiệp ý với Ðức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta hãy cầu xin cho các kitô hữu bị bách hại để họ sống kinh nghiệm sự nâng đỡ của toàn thể Giáo Hội trong lời cầu nguyện và qua sự trợ giúp vật chất.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page