Tư tưởng của Teilhard de Chardin
trong kịch nghệ
Tư tưởng của Teilhard de Chardin trong kịch nghệ.
Paris (WHÐ 22-02-2017) - Trong vở kịch đầy tham vọng "Tinh thần - Vật chất", đạo diễn Jean Quercy đã ca ngợi con người của đối thoại nơi Teilhard, là người đã hòa giải hai thế giới dường như đối lập với nhau: khoa học và đức tin.
"Tinh thần - Vật chất" của hai tác giả Jean Quercy và André Daleux, dựa theo tư tưởng của Pierre Teilhard de Chardin, được trình diễn tại Nhà hát Nesle, Paris (Pháp), từ đầu tháng Hai đến cuối tháng Tư năm 2017.
Một nữ bác sĩ nhiệt tâm, một nhà vật lý mắc bệnh bạch cầu. Tương quan giữa hai nhân vật này nảy sinh từ mối quan tâm chung đến khoa học và niềm tin. Nhà vật lý hứng thú với niềm tin phiếm thần của thổ dân châu Mỹ, còn bác sĩ lại say mê tư tưởng của nhà cổ sinh vật học Dòng Tên Pierre Teilhard de Chardin (1881-1956). Cuộc đối thoại diễn ra trong lúc khám bệnh, trên nền nhạc do một nhạc công trình tấu.
Ở đây tư tưởng đòi hỏi của Teilhard trở nên dễ hiểu. Những giải thích sáng sủa của nhân vật bác sĩ nghe như một lời mời gọi đắm mình vào các tác phẩm của vị tu sĩ dòng Tên độc đáo này, người đã đưa lý thuyết tiến hóa vào trọng tâm các công trình của mình.
Tinh thần và vật chất, hai mặt của một thực tại duy nhất
Ðiểm sáng trung tâm, dẫn đến nhan đề vở kịch, tuyên ngôn rằng tinh thần và vật chất không phải là hai thực thể riêng biệt, nhưng là hai mặt của một thực tại duy nhất. Vì thế giác quan của chúng ta chỉ nhận thức được thế giới bên ngoài một cách giới hạn, không thể hiểu được chiều kích tâm linh có trong vạn vật...
Trước cái chết đang gần kề, nhân vật nam chính của vở kịch đi tìm câu trả lời. Lấy cảm hứng từ Teilhard, bác sĩ gợi ra cho anh một vài đáp án: phải chăng cái ác là "điều chưa hoàn tất" trong một thế giới luôn tiến hoá? Và phải chăng cái chết lại chẳng phải là một cuộc khởi hành, cũng giống như một "cách sống khác"?
(Theo La Croix)
Minh Ðức