Tương lai cuộc đối thoại

giữa Trung Quốc và Tòa Thánh

theo quan điểm giáo hội học

 

Tương lai cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Tòa Thánh theo quan điểm giáo hội học.

Hong Kong (VietCatholic News 10-02-2017) - Trái với vị tiền nhiệm của mình, Ðức Hồng Y John Tong, Tổng Giám Mục Hồng Kông, khá lạc quan về tương lai cuộc đối thoại giữa chế độ cộng sản Bắc Kinh và Tòa Thánh Vatican. Ngài từng tỏ thái độ lạc quan này hồi tháng Tám năm 2016. Ngày 25 tháng Giêng năm 2017, ngài lại lên tiếng một lần nữa dưới hình thức một lá thư mục vụ với tiêu đề: "tương lai cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Tòa Thánh theo quan điểm Giáo Hội học". Dưới đây, chúng tôi xin lược dịch lá thư của ngài:

 

Kể từ khi bài viết cuối cùng của tôi về Sự Hiệp Thông Giáo Hội tại Trung Quốc với Giáo Hội Hoàn Vũ, được công bố trên các tuần báo của giáo phận Hồng Kông vào tháng 8 năm 2016, đã có rất nhiều phản ứng tích cực. Tôi tạ ơn Chúa và những người đã nhận định về nó. Ðiều này gây cảm hứng để tôi tham khảo ý kiến các chuyên gia, những người hằng quan tâm tới Giáo Hội tại Trung Quốc, ở cả trong lẫn ngoài nước, để tôi đẩy xa hơn nữa cuộc thảo luận thần học của mình. Sau nhiều tháng cầu nguyện và suy nghĩ, giờ đây, tôi xin đưa ra quan điểm của tôi về một số vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc đối thoại Trung Quốc - Vatican theo viễn tượng Giáo Hội học. Xin anh chị em hãy tiếp tục cầu nguyện cho cuộc đối thoại Trung Hoa - Vatican.

Vấn đề cốt lõi: việc bổ nhiệm các giám mục

Trong năm qua, đã có các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa các đại diện của Trung Quốc và Tòa Thánh. Một nhóm công tác đã được thiết lập, qua đó hai bên đã cố gắng giải quyết các vấn đề tích lũy. Vấn đề cốt lõi cần giải quyết là việc bổ nhiệm các giám mục. Sau nhiều vòng đối thoại, một sự đồng thuận sơ bộ được thông báo đã đạt được, và điều này sẽ dẫn đến một thỏa hiệp về việc bổ nhiệm các giám mục. Theo tín lý Công Giáo, Ðức Giáo Hoàng vẫn là thẩm quyền cuối cùng và cao nhất trong việc chỉ định một giám mục.

Nếu Ðức Giáo Hoàng có lời cuối cùng về sự xứng đáng và phù hợp của một ứng cử viên giám mục, thì các cuộc bầu cử của các Giáo Hội địa phương và đề nghị của Hội Ðồng Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc sẽ chỉ đơn giản là một cách nói lên các đề nghị mà thôi.

Người ta nói rằng mối quan tâm chính của chính phủ là liệu các ứng viên có yêu nước hay không, chứ không phải liệu họ có yêu mến và trung thành với Giáo Hội hay không. Vì vậy, sẽ là một điều thích đáng khi nói rằng thỏa hiệp sẽ không vượt quá thực hành hữu hiệu hiện nay.

Theo dõi các vấn đề

Thỏa hiệp Trung Quốc - Vatican về vấn đề bổ nhiệm các giám mục sẽ là mấu chốt của vấn đề và là một mốc quan trọng trong diễn trình bình thường hóa liên hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, nó không hề có nghĩa là kết thúc vấn đề. Cả hai bên sẽ vẫn cần phải tiếp tục đối thoại dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau đã có phát triển, tiếp tục giải quyết các vấn đề khác, từng vấn đề một, một cách kiên nhẫn và tin tưởng. Những vấn đề này đã tích lũy hàng nhiều thập niên qua. Sẽ là điều không thực tiễn, nếu không muốn nói là bất khả, khi mong chúng được giải quyết xong trong một đêm. Sau đây là một số trong các vấn đề chưa được giải quyết. Ðầu tiên là làm thế nào để giải quyết vấn đề Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước (CCPA). Thứ hai là làm thế nào để xử lý bảy giám mục tự đề cử và tự tấn phong bất hợp pháp, vốn vi phạm Giáo Luật.

Thứ ba là làm thế nào để xử lý vấn đề hơn 30 giám mục của cộng đồng không chính thức không được chính phủ công nhận. Trung Quốc và Tòa Thánh có những quyền lợi khác nhau. Chính Phủ Trung Quốc quan tâm tới các vấn đề thuộc bình diện chính trị, trong khi đối với Tòa Thánh, các vấn đề thuộc bình diện tôn giáo và mục vụ.

Do đó, Trung Quốc và Tòa Thánh sẽ xử lý các vấn đề này một cách khác nhau theo tính cấp thiết của chúng. Có thể nói rằng, để giải quyết ba vấn đề này một cách có thiện ý, cần phải thực hiện mà không hại chi tới các nguyên tắc và sự chân thành của chúng ta.

Tương lai của Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước

Nhiều người biết quan tâm tới mối liên hệ giữa Trung Quốc và Tòa Thánh nghĩ rằng vấn đề Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước giống như một ngọn núi đứng chắn giữa không thể nào di chuyển được.

Ngoài ra, có những người của Giáo Hội đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại cho rằng vấn đề Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước không được nhắc tới trong cuộc đối thoại Trung Hoa - Vatican và thậm chí còn nghĩ rằng Rôma đã từ bỏ tín lý đức tin của mình. Lý luận của họ dựa trên nguyên tắc một "Giáo Hội độc lập, tự chủ và tự quản" của Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước (1) và việc thực hiện nguyên tắc "tự đề cử, tự tấn phong" các giám mục (2). Do đó, Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã tuyên bố trong Thư gửi người Công Giáo ở Trung Quốc rằng Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước là một cơ quan chính phủ và một thực tại như thế không tương hợp với tín lý Công Giáo (3). Có thể nói rằng mối liên hệ giữa các khái niệm Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước về một "Giáo Hội độc lập, tự chủ và tự quản" và "tự đề cử và tự tấn phong" các giám mục là một mối liên hệ giữa lý thuyết và thực hành. Cả hai, trong thực tế, đều là sản phẩm của một môi trường và áp lực chính trị riêng biệt. Chúng không đi vào các phẩm tính nội tại của Giáo Hội Trung Quốc, mà cũng không đi vào việc theo đuổi bên trong của Giáo Hội này. Cả hai cộng đồng không chính thức và chính thức của Giáo Hội tại Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm và tỏ bày sự hiệp thông và hiệp nhất hoàn toàn với Giáo Hội hoàn vũ. Như vậy, mặc dù một số giám mục đã được thụ phong mà không có phép của Ðức Giáo Hoàng, các ngài vẫn cố gắng hết sức để giải thích sau đó với Ðức Giáo Hoàng và cầu xin sự hiểu biết và chấp nhận của ngài. Dĩ nhiên, nếu tất cả các yêu cầu được đáp ứng, các ngài sẽ được xá giải, được chấp nhận và có thể được uỷ quyền cai quản các giáo phận. Cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Tòa Thánh hàm ý rằng nhiều thay đổi đã và đang diễn ra trong chính sách của Bắc Kinh đối với Giáo Hội Công Giáo. Hiện nay, họ đã để Ðức Giáo Hoàng đóng một vai trò trong việc đề cử và tấn phong các giám mục Trung Quốc. Bắc Kinh cũng sẽ công nhận quyền phủ quyết của Ðức Giáo Hoàng và ngài là thẩm quyền cao nhất và cuối cùng trong việc quyết định ai là ứng cử viên làm giám mục tại Trung Quốc. Do đó, chính thỏa hiệp Trung Hoa -Vatican sẽ cho phép nguyên tắc "tự đề cử và tự tấn phong" đi vào lịch sử. Thiếu nguyên tắc "tự đề cử và tự tấn phong", Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước sẽ biến thành một hiệp hội yêu nước đúng nghĩa, theo nghĩa đen của nó: một tổ chức tự nguyện, vô vị lợi, yêu nước và yêu Giáo Hội, bao gồm hàng giáo sĩ và các giáo dân từ khắp nơi trong nước (4). Do đó, theo ý kiến của tôi, tương lai của Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước có thể tự tái định hướng "để khuyến khích các giáo sĩ và giáo dân thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội, tích cực khởi diễn các dịch vụ xã hội, và thực hiện những việc gây lợi ích cho xã hội" (5).

Vấn đề bảy giám mục bất hợp pháp

Một trở ngại khác cho mối liên hệ Trung Hoa - Vatican là các giám mục bất hợp pháp. Bảy giám mục này (Bài trước viết là tám, nhưng có một vị chết đầu năm 2017), theo Bộ Giáo Luật, ở trong hoàn cảnh bị vạ tuyệt thông. Trong số này, có ba vị bị Vatican đặc biệt thông báo rằng họ đang chịu vạ tuyệt thông, nhưng những vị khác cũng bị vạ tuyệt thông. Chỉ có Ðức Giáo Hoàng mới tha được vạ này mà thôi. Theo quan điểm của Tòa Thánh, các khó khăn trong việc chấp nhận bảy giám mục bất hợp pháp này là, thứ nhất, việc họ "tự đề cử và tự tấn phong" vi phạm nghiêm trọng Ðiều 1382 của Bộ Giáo Luật, trong đó quy định: "Một giám mục tấn phong cho ai đó làm giám mục mà không có ủy nhiệm của Ðức Giáo Hoàng và người nhận sự tấn phong từ giám mục ấy đều phải chịu vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae)"; và thứ hai, một số bị cáo buộc có các vấn đề thuộc tác phong luân lý.

Các tội "tự đề cử và tự tấn phong" và "các vấn đề thuộc tác phong luân lý" rất khác nhau. Các bằng chứng cần thiết để thiết lập các vi phạm cũng khác nhau. Hành vi "tự đề cử và tự tấn phong" là điều hiển nhiên đối với mọi người và việc vi phạm là điều rõ ràng. Tuy nhiên, việc buộc tội về tác phong luân lý đòi các bằng chứng hiển nhiên hơn. Vì mối liên hệ bất ổn giữa Trung Quốc và Tòa Thánh, nên Tòa Thánh không thể cử viên chức của mình sang Trung Quốc để điều tra trực tiếp.

Thay vào đó, Tòa Thánh có thể yêu cầu các định chế chính thức của Trung Quốc điều tra. Hiển nhiên, việc này cần nhiều thời gian. Có tin đồn cho rằng Tòa Thánh và Bắc Kinh đã thỏa thuận sẽ tự mình xử lý riêng rẽ các việc làm sai trái của bảy giám mục - trước hết, vấn đề tấn phong bất hợp pháp và thứ hai, các vi phạm khác có thể có. Chắc chắn, chiến thuật này đúng.

Như một điều kiện tiên quyết để ân xá một giám mục được tấn phong bất hợp pháp, là các người tham gia vào việc tấn phong bất hợp pháp (bao gồm cả những người tấn phong và được tấn phong) phải ăn năn hối cải.

Hành vi tấn phong bất hợp pháp thách thức nguyên tắc căn bản định rằng Ðức Giáo Hoàng phải là thẩm quyền cao nhất và cuối cùng trong việc quyết định các ứng cử viên giám mục của các Giáo Hội địa phương.

Do đó, như một điều kiện tiên quyết để ân xá một vụ tấn phong bất hợp pháp, là người phạm tội phải có sáng kiến nộp đơn lên Ðức Giáo Hoàng và chứng tỏ sự sẵn lòng hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ, xin sự tha thứ của Ðức Giáo Hoàng.

Theo nguồn tin đáng tin cậy, tất cả bẩy giám mục được tấn phong bất hợp pháp đã gửi thư lên Ðức Giáo Hoàng. Các vị đã bày tỏ sự sẵn lòng tuân phục Ðức Giáo Hoàng vô điều kiện và xin được tha thứ. Với một thái độ ăn năn như thế, việc ân xá hình phạt tấn phong bất hợp pháp là một kết quả rất có thể có. Tuy nhiên, có một điều cần làm rõ. Ân xá việc đề cử và tấn phong bất hợp pháp không tương đương với việc thừa nhận quyền hành chính quản trị một giáo phận. Ban cấp hoặc cầm giữ quyền quản trị một giáo phận phụ thuộc vào các yêu cầu khác. Ví dụ, đã có một vị giám mục được Tòa Thánh bổ nhiệm tại giáo phận đó chưa? Sai sót về luân lý của bất cứ vị nào trong các giám mục bị tố cáo cũng cần được xem xét. Chỉ những ai sống hợp với đức tin, luân lý và Giáo Luật mới được ban cấp quyền quản trị giáo phận mà thôi. Xem xét tất cả các khía cạnh này sẽ cần đến nhiều thời gian và kiên nhẫn hơn của Trung Quốc và Tòa Thánh trước khi vấn đề bảy giám mục tấn phong bất hợp pháp cuối cùng có thể được giải quyết.

Các giám mục của cộng đồng không chính thức cần được chính phủ công nhận

Vấn đề khó khăn nhất trong cuộc đối thoại Trung Quốc - Vatican có lẽ là phải xử lý ra sao vấn đề hơn 30 giám mục của các cộng đồng không chính thức. Tính hợp pháp của Hội Ðồng Giám Mục của Giáo Hội tại Trung Quốc được chính phủ thừa nhận tùy thuộc ở việc bao gồm mọi giám mục được tấn phong hợp pháp trong toàn Giáo Hội tại Trung Quốc, chứ không phải chỉ một số vị mà thôi. Vì vậy, để xây dựng một hội đồng giám mục đầy đủ tính hợp pháp và thẩm quyền, đã có đề nghị cho rằng tất cả các giám mục của các cộng đồng không chính thức cũng phải được tuyển lựa. Ðương nhiên, điều này đòi Bắc Kinh công nhận danh tính và quyền cai quản giáo phận của họ trong tư cách giám mục. Chắc chắn, Tòa Thánh sẽ đưa ra yêu cầu như vậy. Tuy nhiên, không ai dám chắc Bắc Kinh sẽ sẵn sàng như thế nào trong việc công nhận danh tính và quyền quản trị các giáo phận của các giám mục thuộc các cộng đồng không chính thức. Vì thế, từ nay trở đi, đây sẽ là một chủ đề chính của cuộc đối thoại đối với cả hai bên.

Vấn đề các giám mục thuộc các cộng đồng không chính thức không phải là một bế tắc. Cộng đồng Giáo Hội không chính thức là kết quả của một giai đoạn chính trị và lịch sử đặc biệt. Trước đây, vốn không có sự tin tưởng lẫn nhau giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh, và điều này gián tiếp dẫn đến việc thiếu tin tưởng giữa chính phủ và các giám mục của cộng đồng không chính thức; các vị này luôn nhấn mạnh tới các nguyên tắc của Giáo Hội. Nếu có một thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục, một việc hàm nghĩa có sự tin cậy lẫn nhau đáng kể giữa các bên, thì các giám mục của cộng đồng không chính thức sẽ không còn bị coi là phe đối lập cứ khăng khăng nhấn mạnh đến các nguyên tắc tôn giáo. Ấn tượng của chính phủ đối với các ngài sẽ được cải thiện. Hơn nữa, các giám mục trong cộng đồng không chính thức của Giáo Hội tại Trung Quốc, trên thực tế, đều là các điển hình công dân yêu nước. Các ngài chỉ quyết định hành động khác với các đối tác của các ngài trong cộng đồng Giáo Hội chính thức theo sự hiểu biết của các ngài về tín lý Công Giáo. Cũng trên thực tế, thái độ của chính phủ đối với các cộng đồng không chính thức đã thay đổi khá nhiều trong những năm gần đây so với thập niên 1980. Ðối với hầu hết các vị này, chỉ danh tính và quyền hành chính quản trị giáo phận của các vị là không được công nhận thôi. Chứ các vị vẫn có thể toàn tâm toàn trí cống hiến cho công việc mục vụ. Khi sự tin tưởng lẫn nhau giữa Rôma và Bắc Kinh được ổn định và củng cố, thì sự tin tưởng giữa các chính phủ và các giám mục của các cộng đồng Giáo Hội không chính thức sẽ phát triển.

Chìa khóa để giải quyết vấn đề các giám mục không chính thức là sự tin tưởng giữa các giám mục này và chính phủ. Bắc Kinh có lẽ sẽ yêu cầu họ minh nhiên tuyên bố chủ trương của các ngài đối với Hiến Pháp Trung Quốc, luật pháp và các chính sách của nó. Bao lâu chính phủ không yêu cầu một "Giáo Hội độc lập, tự chủ, và tự quản", cũng như các việc "tự đề cử, tự tấn phong" giám mục nữa, thì tất cả những điều này không thành vấn đề đối với các ngài, vì mọi giám mục của các cộng đồng Giáo Hội không chính thức đều là các công dân tốt và yêu nước. Các ngài dạy tín đồ của mình cũng hành xử theo cùng một cách như thế. Vì vậy, kể từ khi chính Rôma thiết lập được sự tin tưởng lẫn nhau với Bắc Kinh, nó cần cố gắng giúp phát triển sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên dựa vào những gì đã đạt được. Cần có thời gian và kiên nhẫn mới thiết lập được sự tin tưởng lẫn nhau. Nó cần được thể hiện cả bằng hành động nữa. Chúng ta nên dành cho Tòa Thánh, các giám mục của cộng đồng không chính thức và Bắc Kinh đủ thời gian để xử lý vấn đề này trong các liên hệ Trung Hoa - Vatican.

Chờ đợi để được tự do hoàn toàn hay giữ vững sự tự do cốt yếu

Sau nhiều năm đối thoại và thương thảo, cả Trung Quốc và Tòa Thánh sẽ đạt đến một sự đồng thuận về vấn đề bổ nhiệm các giám mục. Các đoạn trên cho thấy: thỏa hiệp về vấn đề bổ nhiệm các giám mục giữa Tòa Thánh và Trung Quốc có thể được xem như một cột mốc quan trọng về phương diện phát triển các mối liên hệ giữa hai bên kể từ năm 1951. Dựa vào thỏa hiệp này, các vấn đề về tương lai của Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước, tính hợp pháp của các giám mục bất hợp pháp trong cộng đồng Giáo Hội chính thức, sự công nhận các giám mục hầm trú từ phía Bắc Kinh và việc thành lập Hội Ðồng Giám Mục của Giáo Hội tại Trung Quốc sắp sửa được giải quyết. Từ nay trở đi, sẽ không có thêm cuộc khủng hoảng chia rẽ giữa các cộng đồng công khai và hầm trú trong Giáo Hội tại Trung Quốc nữa. Ngược lại, hai cộng đồng này sẽ dần dần tiến tới việc hòa giải và hiệp thông về các khía cạnh pháp luật, chăm sóc mục vụ và các mối liên hệ. Giáo Hội tại Trung Quốc sẽ làm việc với nhau để rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu trên đất Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện đang có một giọng nói không lạc quan về việc đạt được thỏa hiệp Trung Hoa - Vatican. Quan điểm này tuyên bố rằng vấn đề Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc không phải là một vấn đề cá thể; nó có liên quan chặt chẽ với các vấn đề của các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác; ví dụ, các vấn đề của Tây Tạng, Tân Cương và quyền tự chủ của các dân tộc. Chính Phủ Trung Quốc sẽ không và không thể bỏ qua các vấn đề này và chỉ xử lý các vấn đề của Giáo Hội Công Giáo. Nếu chính phủ Trung Quốc không đưa ra một kế hoạch toàn diện để giải quyết các vấn đề này, nó sẽ rất khó khăn trong việc chỉ xử lý với Giáo Hội Công Giáo hay đạt được bất cứ thỏa thuận chủ yếu nào với Tòa Thánh để bảo vệ quyền tự do tôn giáo của Giáo Hội Công Giáo. Vì vậy, căn cứ vào tình hình xã hội và chính trị của Trung Quốc ngày nay, quả không dễ để chính phủ Trung Quốc đảm bảo các quyền tự do tôn giáo cho người dân ở Trung Quốc, xét vì không có hình ảnh rõ ràng nào về việc đảm bảo và thực thi một dấu hiệu thực sự về tự do tôn giáo, như sự tự do rao giảng, tự do điều hành các định chế giáo dục và các quyền sở hữu tài sản. Cho dù thỏa hiệp Trung Hoa -Vatican có diễn ra đi chăng nữa, thì loại thỏa hiệp này vẫn vô nghĩa. Vì vậy, Tòa Thánh không nên hành động một cách vội vàng để làm điều đó.

Có một số hồ đồ về sự khẳng định nêu trên. Trước hết, đúng là tự do tôn giáo cho các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc có liên hệ chặt chẽ với sự tự do và thực hành của toàn bộ xã hội Trung Quốc. Việc cải thiện tự do của người dân Trung Quốc chắc chắn có lợi cho việc mở rộng quyền tự do tôn giáo của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sẽ không thích đáng nếu ta pha trộn các vấn đề của người Công Giáo với các vấn đề liên quan đến Tây Tạng và Tân Cương. Các vấn đề mà Giáo Hội Công Giáo gặp phải ở Trung Quốc hết sức khác với các vấn đề ở Tây Tạng và Tân Cương. Tây Tạng và Tân Cương không đơn giản chỉ là vấn đề tự do tôn giáo, vì phần lớn là những vấn đề nghiêm trọng của phong trào ly khai, những người có cái hiểu về lãnh thổ và phạm vi chủ quyền cũng như các giải thích về các mối liên hệ giữa các nhóm sắc tộc rất khác với các giải thích của chính phủ trung ương Trung Quốc.

Do đó, họ theo đuổi việc ly khai và độc lập. Việc biến đổi dân chủ của xã hội Trung Quốc, đến một mức độ nào đó, có lẽ sẽ làm suy yếu ý chí của một số người ly khai muốn theo đuổi việc ly khai và độc lập. Tuy nhiên, nó không lái vấn đề ra khỏi các nguồn gốc của họ. Các nước phương Tây, như Tây Ban Nha, Tô Cách Lan và Bắc Ái Nhĩ Lan không có vấn đề tự do. Tuy nhiên, họ có cấn vấn đề ly khai sắc tộc và cũng đang phải đối diện với mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố. Các vấn đề của người Công Giáo không phải về lãnh thổ và chủ quyền. Các tín hữu Công Giáo Trung Quốc nói chung là các công dân yêu nước, các công dân tốt, những người không muốn tham gia các hoạt động chính trị. Họ là những người không đe dọa sự ổn định chính trị và xã hội, và các nhà cai trị Trung Quốc hoàn toàn hiểu điều này. Do đó, họ sẽ không đặt các vấn đề của Giáo Hội Công Giáo và các vấn đề của Tây Tạng và Tân Cương vào với nhau trên cùng một bình diện. Những người Công Giáo Trung Quốc cũng không nên so sánh các vấn đề của họ với Tây Tạng và Tân Cương. Vì vậy, sẽ không hợp lý khi quả quyết rằng việc giải quyết các vấn đề của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc phụ thuộc vào việc liệu các vấn đề của Tây Tạng và Tân Cương có thể được giải quyết hay không.

Là một định chế tôn giáo, Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc không phải là một định chế chính trị và không hề có khát vọng chính trị. Giáo Hội không có ý định tham gia vào bất cứ định chế chính trị nào, tham dự hoặc thúc đẩy sự tiến bộ chính trị nào của xã hội Trung Quốc. Giáo Hội tìm cách sống và làm chứng cho niềm tin của mình trên lãnh thổ Trung Quốc. Do đó, mối quan tâm của Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc là xét xem liệu có chỗ nào dành cho tự do tôn giáo để mình thực hành niềm tin của mình hay không thôi.

Giáo Hội Công Giáo có hệ thống hành chính đặc thù riêng của mình, tức hàng giáo phẩm. Những vấn đề mà Giáo Hội Công Giáo đang gặp phải và những vấn đề của các tôn giáo khác ở Trung Quốc có cả các tương đồng lẫn khác biệt. So sánh với các nước phương Tây khác, thì đối với mọi tôn giáo ở Trung Quốc (bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc), các cách truyền bá đức tin, lập trường học hoặc thực hiện quyền sở hữu tài sản của Giáo Hội khá không thỏa đáng. So sánh với các tôn giáo khác ở Trung Quốc, Giáo Hội Công Giáo có một tính năng khác biệt, đó là việc bổ nhiệm các giám mục. Ðây là điều các tôn giáo khác không có. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã không mấy tin tưởng vào Tòa Thánh, vì vậy họ đã không cho phép Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận địa phương của Giáo Hội tại Trung Quốc và đã cho thi hành chính sách "tự đề cử và tự tấn phong".

Các tôn giáo khác ở Trung Quốc không có chung tính năng này. Khi Bắc Kinh xử lý vấn đề độc đáo này của Giáo Hội Công Giáo, họ sẽ không lôi kéo các tôn giáo khác vào trong đó. Họ sẽ không thay đổi chính sách cụ thể của họ đối với các tôn giáo khác. Vấn đề này chỉ là một vấn đề mà Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc muốn giải quyết khẩn trương, trong khi các tôn giáo khác không quan tâm đến nó. Vì vậy, quả là bất hợp lý khi trộn lẫn các vấn đề của Giáo Hội Công Giáo với những vấn đề của các tôn giáo khác. Chúng vốn không có những hệ luận chung.

So sánh với sự tự do trong các khía cạnh khác, "sự tự do để Ðức Giáo Hoàng bổ nhiệm giám mục" là một phần của sự tự do tôn giáo của Giáo Hội Công Giáo, vốn bắt nguồn từ các tín lý nền tảng của Giáo Hội. Việc thiếu phương cách để truyền bá đức tin, để thành lập các định chế giáo dục và sở hữu tài sản Giáo Hội sẽ không đe dọa hoặc gây tổn hại cho bản chất của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, và cũng sẽ không gây thiệt hại lớn lao cho bản chất của Giáo Hội Công Giáo.

Nếu nay Bắc Kinh đã sẵn sàng đạt tới một thỏa hiệp về việc bổ nhiệm các giám mục với Tòa Thánh, thì Giáo Hội tại Trung Quốc sẽ được hưởng một sự tự do cốt yếu, dù chưa phải là tự do hoàn toàn.

Vì Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc có thể duy trì được các truyền thống Công Giáo của mình và là một Giáo Hội Công Giáo theo đúng nghĩa, thì làm thế nào có thể nói được rằng sự tự do để Tòa Thánh bổ nhiệm các giám mục lại không phải là một "tự do tôn giáo thực sự"? Và làm thế nào có thể nói được rằng vì môi trường chính trị không thuận lợi cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, không cho phép nó hưởng sự tự do hoàn toàn trong phương cách truyền bá đức tin, lập trường học và phục hồi các tài sản của mình, nên Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc nên chờ đợi một thời gian dài và Tòa Thánh cần phải từ bỏ thỏa hiệp hiện tại với Bắc Kinh? Nếu từ bỏ sự tự do cốt yếu hiện nay, Giáo Hội rất có thể không đạt được nhiều điều hơn, trái lại có thể sẽ mất hết sự tự do của mình. Các lựa chọn trước mắt chúng ta, một là nắm bắt sự tự do cốt yếu vào lúc này và trở thành một Giáo Hội không hoàn hảo, nhưng là một Giáo Hội thực sự, sau đó đấu tranh cho sự tự do hoàn toàn với hy vọng tiến tới một Giáo Hội hoàn hảo, hoặc từ bỏ sự tự do cốt yếu và không được gì cả, rồi sau đó chờ đợi để được tự do hoàn toàn, nhưng không ai biết khi nào nó sẽ xảy ra. Trong thực tế, các nguyên tắc luân lý của Giáo Hội dạy chúng ta, trong hai điều xấu, phải chọn điều ít xấu hơn. Do đó, dưới lời dạy của nguyên tắc hiện thực lành mạnh mà Ðức Giáo Hoàng Phanxicô vốn dạy chúng ta, điều rõ ràng là Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc nên theo con đường nào.

25 tháng Giêng năm 2017

Ngày Lễ Thánh Phaolô Tông Ðồ Trở Lại

Ðức Hồng Y John Tong

- - - - -

Ghi chú

[1] Qui Chế của Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước (thông qua tại Ðại Hội Bẩy Các Ðại Biểu Công Giáo tại Trung Quốc tháng Bẩy băm 2004), Ðiều 3 Chương 1; trên trang mạng của Cơ Quan Tôn Giáo Vụ của Nhà Nước, công bố năm 2004, http://www.sara.gov.cn/zcfg/qgxzjttxgjgzd/6427.htm

[2] Các Qui Ðịnh về việc Lựa Chọn và Phong Chức Giám Mục tại Trung Quốc dưới quyền Hội Ðồng Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc do chính phủ kiểm soát, trên trang mạng của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, công bố năm 2013. http://www.chinacatholic.cn/html1/report/1405/570-1.htm

[3] Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Thư gửi các giám mục, linh mục, người thánh hiến và tín hữu giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, 2007, số 7.

[4] Qui Chế của Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước (thông qua tại Ðại Hội Bẩy Các Ðại Biểu Công Giáo tại Trung Quốc tháng Bẩy băm 2004), Ðiều 2 Chương 1; trên trang mạng của Cơ Quan Tôn Giáo Vụ của Nhà Nước, công bố năm 2004.

[5] Qui Chế của Hội Người Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước (thông qua tại Ðại Hội Bẩy Các Ðại Biểu Công Giáo tại Trung Quốc tháng Bẩy băm 2004), Ðiều 4 Chương 2; trên trang mạng của Cơ Quan Tôn Giáo Vụ của Nhà Nước, công bố năm 2004.

 

Vũ Văn An

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page