Lòng yêu thương giúp đỡ các tù nhân

của nữ tu Estella Buet

 

Lòng yêu thương giúp đỡ các tù nhân của nữ tu Estella Buet.

Mercedes, Argentina (Global Sister Report 26-01-2017; Vat. 9-02-2017) - Mỗi tuần, nữ tu Estela Buet đều đến thăm nhà tù ở Mercedes, bên Argentina. Ðó là sứ vụ của sơ và cũng là điều gắn kết với dòng của sơ. Mẹ Antonia Cerini, vị sáng lập dòng, đã thăm các nhà tù ở Mercedes từ khi các nhà tù này mới được xây cất vào năm 1866.

Khi còn trẻ, sơ Buet mơ ước được giúp đỡ cho những người nghèo khổ. Lúc đó sơ mơ đến sống trong những khu ổ chuột, tận tay làm việc với người nghèo. Nhưng sau khi khấn dòng, sơ Buet được sai đi hoạt động tại các trường học và sơ đã hoạt động trong ngành giáo dục 40 năm trời. Tuy thế, sơ chưa bào giờ ngừng ước mơ phục vụ người nghèo và luôn hy vọng một ngày nào đó mình sẽ được sai đi làm việc và sống giữa những người nghèo khổ. Sau khi xem cuốn phim "Người chết bước đi", nói về một nữ tu linh hướng cho một tử tù, sơ Buet được gợi hứng đi thăm một tù nhân trong vùng, là người bị kết án tù chung thân. Sơ đã thấy ông ta ra tòa hết lần này đến lần khác cho đến khi ông được trả tự do vào năm 2000. Ðó là lúc mà ơn gọi của sơ bắt đầu thành hình. Sau khi tù nhân này được ra tù, sơ Buet và các sơ đã mời ông ở lại nhà họ một thời gian vì ông không có nơi nào để đi. Từ đây hình thành sứ vụ kế tiếp của các nữ tu: lo về vấn đề cộng đồng và công ăn việc làm.

Mỗi thứ tư, sơ Buet đến nhà tù và có buổi học giáo lý đại kết với các tín hữu Công giáo, Tin lành, vv... Mọi người đều được chào đón. Trong những buổi này các tù nhân trò chuyện, chia sẻ về khó khăn của họ. Họ có nhiều điều để suy tư. Họ đến từ những gia đình nghèo khổ cùng cực. Sơ nghiên cứu và khám phá rằng tất cả các tù nhân ở nhà tù này đến từ những thành phố thiệt thòi nhất, bị gạt bên lề xã hội. Sơ thường bắt đầu trò chuyện với tù nhân bằng cách đọc Kinh thánh, rồi liên kết với thực tại ngày nay. Cuộc đối thoại thường kết thúc với việc suy tư và trò chuyện về cuộc sống thực, liên kết với điều Chúa đang nói với ta và điều ta có thể học được.

Bên ngoài nhà tù các nữ tu cố gắng duy trì cuộc đối thoại xung quanh hệ thống cải tạo. Các sơ luôn nói là các thừa tác viên nên hoạt động với những người ở bên trong cũng như ngoài nhà tù. Năm 2011, các sơ đã tổ chức buổi gặp gỡ cho những người hoạt động trong tù. Một thẩm phán đã tham dự và nói về những lo lắng và kinh nghiệm của ông. Ông nói rằng nếu chúng ta có thể tổ chức để giúp những người được tha thì rất tốt. Vì vậy các sơ bắt đầu hành động và vào năm 2012 đã thành lập tổ chức "Chúng tôi đồng hành với bạn". Có tổ chức này là bởi vì một cựu tù nhân thường cô độc hoàn toàn, không có chọn lựa. Họ không có nơi để đi và không có sự giúp đỡ. Họ có những vấn đề tâm lý như là sợ rơi trở lại vào lối sống cũ trên đường phố; họ sợ khi đi ngang qua cảnh sát vì các cảnh sát nhìn họ cách nghi kỵ bởi vì họ vừa ở tù ra. Sơ Buet nhớ đã làm việc với một thanh niên vừa ở tù ra, cả thành phố chống lại anh, la ó "tên đó mới ở tù". Họ ra tù với nhãn mác kẻ ở tù dù có khi họ được thả vì vô tội. Các nữ tu muốn các cựu tù nhân không cảm thấy cô đơn, bằng cách trợ giúp tâm lý cho họ hay viết thư giới thiệu việc làm, bất cứ điều gì có thể, cho đến khi họ ổn định.

Ðồng hành cũng rất quan trọng vì các tù nhân có thể tái phạm. Các nữ tu đang hy vọng tổ chức những khóa học trong tù do Bộ lao động tài trợ về huấn luyện kỹ thuật, như xây dựng. Những người hoàn thành khóa học sẽ nhận chứng chỉ và điều này giúp họ định hướng cho mình khi được trả tự do. Các nữ tu cũng được tặng một mảnh đất và các chị có thể bắt đầu xây nhà cho những người mới ở tù ra.

Sơ Buet cũng nói về những hiểu lầm đối với người nghèo. Ví dụ như người ta sợ những người ở tù ra và các cựu tù nhân cũng biết là người ta sợ mình. Vì vậy, theo sơ Buet, các cựu tù nhân cần được đồng hành để họ có thể lớn lên như những cá nhân và không cảm thấy giống như những tù nhân bên ngoài nhà tù. Cũng cần thay đổi các định kiến của xã hội đối với họ.

Công việc giúp các tù nhân và gia đình của họ thay đổi cái nhìn về cuộc sống của sơ Buet. Nó làm sơ nghĩ về thế giới mình đang sống, một thế giới sơ chưa từng biết. Chính Chúa Thánh Thần luôn là đấng hướng dẫn, nguồn động lực bền vững cho sơ và các tù nhân. Sơ luôn nói với các tù nhân về Chúa Thánh Thần; đó là đấng ban cho họ sức mạnh và các tù nhân cầu xin lòng kiên nhẫn và giúp đỡ để tránh những thúc đẩy bạo lực. Khi các tù nhân cảm thấy mọi cánh cửa đóng lại với họ, khi họ cần sự hướng dẫn, thì có Chúa Thánh Thần. (Global Sister Report 26/01/2017)

 

Hồng Thủy

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page