Người nghèo sẽ có cuộc sống
bị rút ngắn 2 năm
Người nghèo sẽ có cuộc sống bị rút ngắn 2 năm.
Luân Ðôn (La Repubblica 02-02-2017; Vat. 6-02-2017) - Trong tuần qua, tập san khoa học The Lancet đã công bố kết quả một cuộc nghiên cứu kéo dài 13 năm, theo đó một người phải sống trong những điều kiện kinh tế xã hội yếu kém và thấp hèn sẽ có cuộc sống bị rút ngắn 2 năm, giống như những ai hút thuốc lá, bị bệnh tiểu đường hay là có cuộc sống ít hoạt động thể xác.
Cho đến nay, những động lực làm cho cuộc sống con người bị rút ngắn lại là nghiện hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ngồi yên một chỗ mà không hoạt động thể thao thể dục, cao máu, béo phì và tiểu đường. Nhưng nay, với cuộc nghiên cứu lâu dài vừa nói trên đây, người ta phải thêm vào một nguyên do nữa đó là nạn nghèo, là những điều kiện xã hội kinh tế thấp kém.
Từ 13 năm nay, Ủy ban liên hiệp châu Âu đã tài trợ cuộc nghiên cứu này có tên gọi là Lifepath, với mục đích phân định những biến đổi trong cơ chế sinh học về mặt sức khỏe con người dựa trên nền tảng những khác biệt xã hội kinh tế.
Nói cách khác, Lifepath muốn tìm hiểu những cơ chế sinh học qua đó, những bất công xã hội sẽ gây ra những bất công về mặt sức khỏe. Kết quả cuộc nghiên cứu này vừa được công bố trên tập san rất uy tín The Lancet.
Các chuyên viên nghiên cứu đã thu thập các dữ kiện liên quan đến khoảng 2 triệu người dân thuộc các giai tầng xã hội tại nhiều nước khác nhau như Anh, Italia, Bồ Ðào Nha, Hoa Kỳ Thụy Sĩ và Pháp. Các dữ kiện được xếp đặt theo cả tình trạng sức khỏe và thói quen thông thường như hút thuốc uống rượu vv..., theo sát chương trình của tổ chức Sức Khỏe Thế giới muốn giảm thiểu 25% số người chết vì những bệnh tật không truyền nhiễm trong vòng năm 2025 tới đây.
Một trong các chuyên viên thực hiện cuộc nghiên cứu này, giáo sư khoa truyền nhiễm Silvia Stringhini, thuộc đại học Lausanne bên Thụy Sĩ, nhận định rằng, giới khoa học gia đã biết sự kiện người nghèo hèn thấp kém trong xã hội chết sớm hơn những giai cấp khác, thế nhưng đây là lần đầu tiên người ta chứng minh được cách khoa học hiện tượng này. Người nghèo có viễn tượng đời sống ngắn hơn trên 2 năm trời. Người nghiện hút thuốc lá có viễn tượng đời sống ngắn hơn 4.8 năm, người bị bệnh đái đường sống ngắn hơn 3.9 năm.
Giáo sư Stringhini nói thêm là trong cuộc nghiên cứu, các yếu tố nguy hiểm đe dọa đã được cứu xét cách khách quan và độc lập, nhưng điều hiển nhiên là tình trạng nghèo hèn có liên hệ chặt chẽ với viễn tượng đời sống. Người nghèo có 30% khả thể chết sớm hơn người khác. Nguyên do có thể ẩn náu trong những sự kiện như người nghèo dễ bị kiệt lực hơn, từng phải sống thời thơ ấu thiếu thốn hơn hay những điều kiện môi trường hiện tại nguy hại hơn.
Còn giáo sư Mika Kivimaki thuộc đại học Luân Ðôn thì khẳng định rằng mọi người đều biết là giáo dục, học thức, lợi tức và nghề nghiệp chi phối sức khỏe con người, nhưng ít ai nghiên cứu đến tầm quan trọng của hậu quả vấn đề này.
Với kết quả cuộc nghiên cứu này, nhóm chuyên viên soạn thảo kêu mời các chính quyền hãy đề ra những chính sách chuyên biệt chống nạn nghèo khổ, can thiệp vào những vấn đề tận gốc rễ trên bình diện miền, quốc gia và quốc tế, chẳng hạn như vấn đề giáo dục và chống lao động trẻ em, bảo hiểm sức khỏe hay giúp bỏ hút thuốc uống rượu.
(La Repubblica 02.02.2017)
Mai Anh
(Radio Vatican)