Ngày quốc tế giới trẻ Panama
và Thượng hội đồng thế giới về người trẻ
Ngày quốc tế giới trẻ Panama và Thượng hội đồng thế giới về người trẻ.
Roma (Oss. Rom 23.24-1-2017; Vat. 30-01-2017) - Ngày quốc tế giới trẻ tại Panama và Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về người trẻ: Phỏng vấn Ðức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, và Ðức Cha Giancarlo Bregantini, Tổng Giám Mục Campobasso-Boiano
Ngày 20 tháng giêng năm 2017 Ðức Cha José Domingo Ulloa Mendieta, Tổng Giám Mục giáo phận Thành phố Panama, đã mở cuộc họp báo và cho biết Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 34 sẽ tiến hành tại Thành phố Panama trong các ngày từ 22 đến 27 tháng giêng năm 2019. Ðức Cha cũng nói rằng vì lý do khí hậu tuy thời gian đó không phải là kỳ nghỉ tại nhiều nước, nhưng hy vọng đó không phải chướng ngại cản trở các bạn trẻ tới tham dự để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, từ tay Mẹ Maria và dưới sự hướng dẫn của Người kế vị thánh Phêrô.
Trước đây Ðức Tổng Giám Mục đã cho biết là muà hè ở bắc bán cầu là mùa mưa ở Panama.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Kevin Farrell Tổng trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống về Ngày quốc tế giới trẻ tại Panama, và Ðức Cha Giancarlo Bregantini, Tổng Giám Mục Campobasso-Boiano, về Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ.
Trước hết là Ðức Hồng Y Farrell. Trong các ngày từ mùng 5 tới mùng 8 tháng 12 năm 2016 Ðức Hồng Y đã đến Panama tham dự các cuộc họp chuẩn bị.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y Farrell, trong các ngày từ 22 đến 27 tháng giêng năm 2019 Ngày quốc tế giới trẻ sẽ diễn ra bên Panama, trong dấu chỉ của Mẹ Maria. Ðây có phải là lần đầu tiên Ngày quốc tế giới trẻ có đề tài về Ðức Mẹ không?
Ðáp: Vâng, đúng thế. Ngày quốc tế giới trẻ lần tới tại Panama trong các ngày 22 đến 27 tháng giêng năm 2019 sẽ là trong dấu chỉ của Mẹ Maria. Ðây là lần đầu tiên lộ trình ba năm của Ngày quốc tế giới trẻ sẽ đạt tột đỉnh với việc cử hành Ngày quốc tế giới trẻ, có đề tài về Ðức Mẹ. Mục đích là nhấn mạnh sự hiện diện của Mẹ Thiên Chúa trong cuộc sống của người trẻ, nhất là trong đức tin và lòng sùng mộ của các dân tộc Trung Mỹ.
Hỏi: Các Hội Ðồng Giám Mục Trung Mỹ có mạnh mẽ ủng hộ Ngày quốc tế giới trẻ tại Panama không thưa Ðức Hồng Y?Và lý do tại sao?
Ðáp: Có. Các Hội Ðồng Giám Mục Trung Mỹ châu ủng hộ việc đề nghị Ngày quốc tế giới trẻ tại Panama. Và đây là một nét nổi bật khác nữa của Ngày quốc tế giới trẻ. Và lộ trình chuẩn bị lôi cuốn cả các lực lượng của Giáo Hội cũng như của các xã hội tại Trung Mỹ. Lý do vì Panama có vị thế quan trọng, bởi vì chính tại đây Tin Mừng đã vào Mỹ châu. Và giáo phận La Antiqua đã được thành lập năm 1513 là giáo phận đầu tiên tại Mỹ châu.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ngày quốc tế giới trẻ 2019 có là dịp giúp suy tư về hiện tượng di cư tỵ nạn hay không, và sứ điệp của nó có được nới rộng cho cả các tôn giáo khác nữa không?
Ðáp: Ngày quốc tế giới trẻ 2019 sẽ không chỉ là một dịp để kỷ niệm, mà cũng là dip để nhìn vào thực tại, qua ống kính ưu tiên của một nơi chốn là trung tâm của biết bao nhiêu lộ trình di cư từ nam lên bắc. Trong thời gian này là thời gian người ta nói nhiều tới người di cư, điểm hẹn tại Panama được đề nghị như là lúc suy tư về một trong các hiện tuợng với các mặt trái xã hội có ý nghĩa nhất đối với các người nam nữ của thời đại chúng ta.
Tôi cũng đã tiếp nhận tích cực ý tưởng mời các bạn trẻ thuộc các tôn giáo khác thám dự để nới rộng ý nghĩa và sứ điệp của Ngày quốc tế giới trẻ. Thực ra đây là điều đã luôn luôn được làm, vì tất cả các bạn trẻ kitô đều được mời gọi tham dự Ngày quốc tế giới trẻ, nhưng trong một thực tại như Trung Mỹ nó lại còn có một ý nghĩa lớn hơn nữa, bởi vì nó có thể là một câu trả lời của Giáo Hội công giáo cho các thách đố được đặt ra, đặc biệt bởi khuynh hướng chiêu dụ tín đồ từ phiá các giáo phái.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, đây là lần đầu tiên Ngày quốc tế giới trẻ được triệu tập vào tháng giêng có phải thế không?
Ðáp: Không, đây không phải là lần đầu tiên Ngày quốc tế giới trẻ được triệu tập vào tháng giêng. Nó đã xảy ra một lần với Ngày quốc tế giới trẻ trại Manila, và là Ngày quốc tế giới trẻ có số tham dự kỷ lục nhất. Tôi ý thức được các khó khăn mà giới trẻ âu châu có thể gặp phải, vì họ đang phải học, cũng như người trẻ Hoa Kỳ, nhất là các sinh viên đại học, vì đó là thời gian họ phải dấn thân học tập rất bận rộn. Nhưng trong trường hợp này, đặc biệt có các lý do thời tiết và khí hậu, xét vì tại Panama tháng giêng là tháng có ít mưa nhất.
* * *
Tiếp theo đây là bài phỏng vấn Ðức Cha Giancarlo Bregantini, Tổng Giám Mục Campobasso-Boiano, về Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ.
Hỏi: Thưa Ðức Cha Bregantini, tiếp theo sau Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về gia đình là Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về người trẻ. Nó có thể là một đà tiến mới cho toàn thể Giáo Hội hay không?
Ðáp: Trước hết tôi hy vọng rằng ba vấn đề lớn mà người trẻ đang phải sống hiện nay được tiếp nhận. Thứ nhất là nhu cầu lớn của chức làm cha: cần phải tái chiếm lại gương mặt của Thánh Giuse. Ngài đã được đặt bên cạnh Chúa Giêsu, một Giêsu thiếu niên. Vấn đề thứ hai mà Thượng Hội Ðồng Giám Mục này phài tiếp nhận đó là sự bấp bênh của người trẻ, và không phải chỉ ở "bên trong" là các vấn đề liên quan tới đức tin, bởi vì đức tin của người trẻ thường bị khủng hoảng vì họ không có công ăn việc làm. Và sự bấp bênh không chỉ là thất nghiệp, mà cả đối với người trẻ có việc làm không thích hợp nữa. Vấn đề thứ ba đó làThượng Hội Ðồng Giám Mục phải giúp giới trẻ can đảm hơn trong các lựa chọn ơn gọi, tái phát huy vẻ đẹp là linh mục tu sĩ, nghĩa là trao ban cho Giáo Hội sự nồng nhiệt, sự hăng say, để có thể có một câu trả lời thích hợp trên bình diện ơn gọi, sau một thời gian phân định dài. Ðiểm thứ nhất, nguời trẻ xin chúng ta đồng hành với họ; điềm thứ hai phải là sự đồng hành của Chúa Giêsu, là Ðấng đã làm việc cho tới năm 30 tuổi và cũng ở trong tình trạng bấp bênh của một xưởng mộc. Ðiểm thứ ba là sự hăng say: giáo Hội Italia và giáo Hội thế giới phải có nhiệt huyết hơn, sốt sắng hơn, đam mê hơn, phải có khả năng sống Niềm vui Phúc Âm hơn.
Hỏi: Thưa Ðức Cha, trong thư Ðức Thánh Cha gửi cho giới trẻ toàn thế giới, chính trong dịp công bố tài liệu này Ðức Cha đã nhấn mạnh rằng Giáo Hội muốn lắng nghe người trẻ, có đúng thế không?
Ðáp: Vâng, đúng thế. Vấn đề là đồng hành với người trẻ, lại càng khó khăn hơn nữa việc ở bên cạnh họ, không để cho họ mất đi. Thế rồi nhất là, như trong các cuộc thảo luận cũng đã có trong các giáo phận, cần thiết là đừng vất đi các năm của sự bấp bênh, nhưng là các năm trong đó chúng ta phải giúp họ đọc lại Phúc Âm với con mắt của sự bấp bênh. Chẳng hạn các Phúc Thật, dưới ánh sáng của sự bấp bênh, xem ra càng phúc âm hơn. Khi đó sự bấp bênh không còn là tuổi mất đi nữa, nhưng là một tuổi của sự hoán cải của toàn thể Giáo Hội; bởi vi tôi không thể đồng hành với giới trẻ, nếu tôi là linh mục có cuộc sống ổn định: tôi là linh mục trẻ tôi có lương của tôi và bạn là người trẻ làm việc trong một thực tại bấp bênh, bạn không có gì khi chiều đến, vì họ không trả lương cho bạn... Ðó là lý do tại sao để ở bên cạnh người trẻ, để đồng hành với họ, người lớn chúng ta - Giáo Hội - phải hoán cải: giới trẻ là một khiêu khích thánh thiện tích cực đối với chúng ta. Vì thế nó không được là một Thượng Hội Ðồng Giám Mục trong đó giới trẻ là "đối tượng", mà trong đó họ phải là "chủ thể" lôi cuốn cả chúng ta thay đổi. Khi lắng nghe sự bấp bênh của giới trẻ, các linh mục trở thành trung thực hơn, các nữ tu trở thành trung thực hơn, nghèo nàn hơn, các thực tại đan tu trở thành cởi mở hơn. Ðó là điều tôi mơ ước cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục về giới trẻ.
Hỏi: Thưa Ðức Cha, Giáo Hội thành công tới mức nào trong việc hiểu biết giới trẻ, để lắng nghe họ và để đồng hành với họ? Cũng có một đề tài về việc canh tân ngôn ngữ nữa, có đúng thế không?
Ðáp: Chắc chắn rồi. Cần phải học từ Ðức Thánh Cha Phanxicô. Bình thường sức mạnh của ngài không ở trong một thứ ngôn ngữ trau truốt, nhưng ở trong một ngôn ngữ chân thực, trong đó bạn trông thấy điều ngài nói với bạn là điều ngài đã sống, đã nội tâm hoá, đã đau khổ...
Hỏi: Ðức Cha đã luôn luôn rất hiện diện trong cuộc sống của người trẻ. Họ đã trao ban cho Ðức Cha những gì? Giới trẻ có thể trao ban gì cho Giáo Hội?
Ðáp: Tôi đã học được từ người trẻ rất nhiều trong các trường học, và đây là một trong các điểm nóng mà chúng ta phải tái chiếm. Nghĩa là các linh mục phải gần gũi học đường. Cần phải chế tạo ra một sự hiện diện mới mẻ. Tại sao bạn lại không thể là một tuyên uý trường học? Nghĩa là một linh mục lưu tâm tới một trường học lớn có 500 học sinh: theo dõi chúng, dành cho chúng mỗi tuần một hai ngày ban sáng - hãy tái khám phá ra sự khôn ngoan của cha Milani, không phải "làm gì" ở trường học nhưng là là "dậy học" như thế nào. Theo tôi đó là một trong các không gian cần phải làm việc. Học đường vẫn còn là môt không gian rộng mở: với các cách thức khác nhau, không phải như là giáo sư của môn tôn giáo nữa, nhưng như là việc đồng hành đào tạo của một linh mục trong vùng theo dõi một trường học.
(Oss. Rom 23.24-1-2017)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)