Ðạo luật gây sốc của Nebraska
ngăn cản một nữ tu được dạy học
Ðạo luật gây sốc của Nebraska ngăn cản một nữ tu được dạy học.
Lincoln, Nebraska (CNA 18-01-2017) - Những nỗ lực để dạy học tại một trường công lập ở Nebraska của nữ tu Madeleine Miller đã gặp khó khăn vì một đạo luật có từ cả thế kỷ. Ðiều này cũng nhắc các cơ quan lập pháp quốc gia có một cái nhìn khác về quá khứ đen tối của pháp luật.
Nữ tu Miller 37 tuổi, thuộc dòng các nữ tu Thừa sai Biển đức ở Norfolk, một dòng yêu cầu các nữ tu luôn mang tu phục ở chốn công cộng. Chị Miller có bằng dạy học của Nebraska, bằng cử nhân của học viện Wayne State của Nebraska và bằng cao học của đại học Chicago. Chị đã nộp đơn vào dạy tại các trường công lập Norfolk vì thiếu các trường Công giáo. Chị được thông báo rằng nếu được nhận vào dạy học, chị không được mặc tu phục. Chị cho biết là chị bị sốc. Chị nói: "Ðó là vào năm 2015. Làm sao mà điều này có thể hợp pháp?" Chị cũng cho biết là chị đã có thể bị bắt, bị bỏ tù, bị phạt hay bị tước bằng nếu chị cố dạy học.
Ðạo luật 1919 được Ku Klux Klan và các nhóm chống Công giáo ủng hộ. Các vi pham điều luật này là tội hình sự. Các giáo viên vi phạm lần đầu đối mặt với án tù treo một năm, và vi phạm lần hai sẽ bị tước quyền giảng dạy vĩnh viễn. Ðiều luật cũng cấm khăn choàng của đạo Chính thống và Hồi giáo. Ðã có 36 tiểu bang có luật tương tự nhưng hiện nay chỉ Nebraska và Pennsylvania là còn cấm trang phục tôn giáo đối với các giáo viên tại các trường công lập. Oregon là bang mới nhất bãi bỏ luật này vào năm 2010.
Jim Scheer, phát ngôn viên của cơ quan lập pháp đề nghị một dự luật để chấm dứt đạo luật này, vì theo ông, nó vi phạm quyền tự do ngôn luận của các giáo viên và tạo nên tình trạng thiếu hụt giáo viên trong 18 lãnh vực ở Nebraska. Nhiều nhóm ủng hộ việc bãi bỏ luật này.
Vì không tìm được công việc ở đông Nebraska, nữ tu Miller đã chuyển về tu viện của dòng ở Winnebago, Nebraska để daỵ tại một trường Công giáo ở Sioux City, bang Iowa. Chị cho biết mục đích dạy học của mình là giúp học sinh hoc chứ không để cải đạo. Chị nói: "Tôi nghĩ mọi người có quyền làm việc trong khả năng chuyên nghiệp của họ bất kể niềm tin tôn giáo của họ. Bạn làm những gì bạn được thuê làm và bạn đi về nhà. Và mọi người có quyền đó." (CNA 18/01/2017)
Hồng Thủy
(Radio Vatican)