Nỗi sợ hãi tha nhân và sợ hãi chính mình

 

Nỗi sợ hãi tha nhân và sợ hãi chính mình.

Roma (Oss. Rom 14-10-1016; Vat. 18-01-2017) - Nỗi sợ hãi tha nhân và sợ hãi chính mình: Phỏng vấn ông Zygmunt Baumann, triết gia và nhà xã hội học nổi tiếng quốc tế

Ngày 9 tháng Giêng năm 2017 ông Zygmunt Baumann, nhà xã hội học kiêm triết gia nổi tiếng thế giới, đã qua đời tại Leeds bên Anh quốc thọ 91 tuổi. Ông Zygmunt Baumann là người gốc Do thái, sinh trưởng bên Ba Lan, nhưng đã làm việc và sống tại nhiều thành phố khác nhau: Varsava, Luân Ðôn, Tel Aviv, trước khi định cư tại Leeds, bên Anh quốc. Ông đã là một trong các nhà trí thức nổi tiếng quốc tế. Ban đầu ông nghiên cứu các tầng lớp xã hội và phong trào nhân công, sau đó chuyển sang các lãnh vực tổng quát khác như bản chất của sự tân tiến vv. Ông là tác giả của hàng trăm cuốn sách và các bài khảo luận giá trị. Thời gian sản xuất phong phú nhất là sau khi ông thôi đậy tại đại học Leeds. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của giáo sư là cuốn sách bàn về các tương quan giữa ý thức hệ tân tiến và cuộc diệt chủng Do thái. Các cuốn sách sau này trình bầy sự chuyển tiếp từ tân tiến sang hậu tân tiến và các vấn đề liên hệ. Một trong các kiểu diễn tả nổi tiếng của ông đã trở thành châm ngôn đó là ông so sánh ý niệm về tân tiến và hậu tân tiến với tình trạng cứng và lỏng của xã hội.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ông dành cho nhà báo Davide Perillo hồi trung tuần tháng 10 năm 2016, sau khi ông gặp Ðức Thánh Cha Phanxicô tạị Assisi trong Ngày các tôn giáo cầu nguyện cho hoà bình. Ông là người có cái nhìn xuyên thấu thực tại, trong lúc này đây là vấn đề làn sóng di cư tỵ nạn tràn vào Âu châu, mà nhiều người cho rằng đang đe dọa các an ninh của thế giới tây âu, và biến nó trở thành đích nhắm dễ dàng để trút đổ lên đó sự bất ổn ngấm ngầm sâu xa, không thể loại trừ được với giải pháp của một đường lối chính trị xây tường ngăn chặn, và với những kẻ mạnh.

Hỏi: Thưa triết gia Baumann. Chúng ta hãy bắt đầu với vấn đề làn sóng di cư tỵ nạn. Sự "bất ổn hiện sinh" này là cái gì? Nó từ đâu đến vậy?

Ðáp: Triết gia Kant là người thám hiểm không mỏi mệt các mầu nhiệm của thế giới con người qua sự hiện diện trong thế giới. Và chúng ta tất cả, là những người thừa hưởng phấn khởi hay tuyệt vọng, đều mang nợ sự khôn ngoan của ông. Trong tác phẩm "Phê bình lý trí thực hành" ông đã viết một câu nổi tiếng: "Có hai thứ làm cho tâm hồn tràn đầy khâm phục và tôn kính một cách luôn luôn mới mẻ và gia tăng, khi suy tư lo lắng cho chúng càng thường xuyên và càng lâu: đó là chu kỳ tinh sao ở bên trên tôi, và luật luân lý ở trong tôi". Chu kỳ tinh sao ám chỉ điều vượt quá tầm với của con người,vượt quá khả năng đối phó của chúng ta; và luật lệ luân lý ám chỉ các cảnh khó xử mà con người phải lựa chọn. Nhưng hơn một thế kỷ trước khi có các lời này Blaise Pascal đã đào sâu sự không thích đáng xâu xé và kinh hoàng này khi viết: "Khi tôi nhìn cuộc sống ngắn ngủi của mình, bị thu hút bởi sự vĩnh cửu đi trước nó và sự vĩnh cửu đi sau nó, không gian bé nhỏ mà tôi chiếm hữu và trông thấy, bị chìm nghỉm trong cái mênh mông vô tận của các không gian, mà tôi không biết và chúng cũng không biết tôi, tôi hoảng sợ và kinh ngạc thấy mình ở đây hơn là ở đó, bây giờ hơn là khi ấy. Ai đã đặt tôi trong đó? Vì ý muốn của ai nơi này và thời gian này đã được dành để cho tôi?" Pascal suy tư để đi đến kết luận này: "Vì không có khả năng loại trừ cái chết, sự bần cùng và sự ngu dốt, con người đã quyết định, để được hạnh phúc, thì không nghĩ tới các điều ấy". Ðó, vấn đề là cho dù chúng ta cố thử theo quyết định này thế nào đi nữa, một cách lì lợm sự suy tư và tư tưởng vẫn là các phần không thể loại trừ được của điều kiện của chúng ta. Vì thế sự không chắc chắn hiện sinh đã được khắc ghi một cách không thể xoá bỏ được trong kiểu ở trong thế giới loài người. Ðó chính là nơi, từ đó bạn tới và bạn không thể chạy thoát khỏi đó.

Hỏi: Phản ánh đầu tiên của sự bất ổn này là sự "sợ hãi người khác". Giáo sư đã giải thích rất hay tại sao sự kiện "các người ngoại quốc ở trước cửa" lại khiến cho chúng ta sợ hãi như thế. Giáo sư có nghĩ rằng, nói cho cùng, cũng có sự sợ hãi phải tự hỏi về chính chúng ta nữa hay không? Tha nhân gõ cửa nhà tôi, gọi hỏi tôi một cách không tránh né được tôi là ai, tôi có tư tưởng gì về cuộc sống, về các tuơng quan, về điều có giá trị vv. Bắn vào tường cũng là một kiểu tránh né câu hỏi này, có đúng thế không thưa giáo sư?

Ðáp: Tâm tình bất an phát xuất từ một pha trộn của sự không chắc chắn và dốt nát: chúng ta cảm thấy nhục nhã vì không thích đáng với nhiệm vụ của chúng ta, và hậu quả là sự suy sụp của lòng quý trọng và tin tưởng nới chính mình. Nó là điều liên quan tới tất cả mọi người. Giờ đây "những người khác" - đặc biệt là những nguời mà chúng ta xếp loại như là không quen biết, xa lạ hay ngoại quốc - họ phong phú một cách đặc biệt trong việc củng cố một tâm tình tương tự.

Hỏi: Tại sao vậy thưa giáo sư?

Ðáp: Ðiều biến các người ngoại quốc thành các nguy hiểm gây kinh hoàng chính là việc không thể nhận diện họ - đó là sự thiếu hiểu biết thực sự về các chủ ý của họ và luật lệ hành xử của họ. Chúng ta thiếu các khả năng chuyên môn giúp đương đầu với họ một cách thích đáng, và để đối phó với các chuyển động của họ. Còn hơn thế nữa, có yếu tố trọng yếu mà quý vị đã ghi nhận. Những người ngoại quốc, nhất là những người di cư, những người mới tới, họ hướng tới chỗ đặt vấn nạn liên quan tới điều chúng ta người dân bản xứ, là, ít nhất trong lãnh vực ý kiến hay trong sự hiểu biết mà chúng ta tin tưởng, nhưng chúng ta lại không suy nghĩ. Còn hơn thế nữa, họ thúc đẩy chúng ta, và hầu như bắt buộc chúng ta giải thích chúng ta theo đuổi các mục đích cuộc sống của chúng ta như thế nào. Phải cho biết các lý do liên quan tới các xác tín và các thái độ mà chúng ta coi là hiển nhiên và vì thế cho rằng chúng tự giải thích. Nhưng khi làm như thế, họ quấy rầy chúng ta. Họ làm đảo lộn sự yên ắng tinh thần của chúng ta, và tấn công sự an ninh của chúng ta, cần thiết cho một hành động quyết liệt. Có biết bao người trong chúng ta ưa thích một tình trạng như thế?

Hỏi: Trong cuốn "Các cuộc nói chuyện về Thiên Chúa và con người", giáo sư nói rằng "lúc sinh ra của sự không chắc chắn là lúc sinh ra của luân lý". Và của cái tôi luân lý ý thức nó đang tiến đi trên một cái dây, Khi kết án loài người phải lựa chọn.. Thiên Chúa đã mời gọi con người tham dự vào công trình tạo dựng". Trước các vấn đề vĩ đại như vậy, không phải là nó cũng vén mở cho thấy rằng chúng ta sợ hãi lời "mờii gọi" đó hay sao? Trong nòng cốt có phải chúng ta sợ hãi sự tự do của chúng ta không? Và nếu có, thì tại sao thưa giáo sư?

Ðáp: Ðây là một chuyện cũ và dài dòng. Có lẽ nó cũng là một điểm thường hằng, xét vì các nổi loạn chống lại sự tự do, sau cùng, chúng lập lại với một sự đều đặn gây kinh ngạc : xem ra là điều không thể, nhưng mỗi một chiến đấu gan dạ chống lại sự nô lệ, áp bức và hạn chế tự do, truớc sau gì cũng đẩy cái quả lắc của các sẵn sàng và của các đam mê quay ngược lại 180 độ một cách không thể tránh được, bằng cách gia tăng con số những nguời sẵn sàng chấp nhận - cho tới chỗ muốn - biến cố các "vòng quay của các cuộc sống mới". Như thế các cánh cửa đóng hướng tới chỗ gia tăng. Ðó là một hiện tuợng đã được miêu tả bởi học giả Erich Fromm trong tác phẩm cổ điển của ông tựa đề: "Trốn chạy tự do". Ngày nay - ít nhất là ở bên Tây Phương này và giữa các thế hệ hạnh phúc đã không bao giờ sống kinh nghiệm trên da thịt mình các ngọt ngào của một cuộc sống dưới chế độ chuyên chế và độc tài - chúng ta đang sống một vòng tương tự khác của quả lắc, đã được bắt đầu bởi cùng các yếu tố của quá khứ. Sự kiện đó là sự tự do chỉ có thể tới song song với sức nặng và các liều lĩnh của tinh thần trách nhiệm. Ðối với con số gia tăng các người bị kích thích, xác tín và bị xúi giục bởi một số ứng viên thường chiến thắng kiếm tìm lá phiếu, như các ông các bà Trump, Marianne Le Pen, Orban hay Fico, xem ra là một làm ăn tốt, khi có thể ngăn chặn quyền lựa chọn gắn liền với tinh thần trách nhiệm, quá nặng nề để ngồi trên vai một cá nhân, với các cắt giảm trong trật tự tự do cá nhân. Ðôi vai của từng cá nhân càng yếu, thì trách nhiệm đổ trên họ càng nặng với các hiện tượng như việc tư nhân hóa, và thương mại hoá các nhiệm vụ xã hội, được nhà nước bảo trợ và được các thị trường củng cố. Hậu quả mà chúng ta phải chờ đợi đó là một đám đông các ông các bà mạnh mẽ hé trông thấy cơ may của các lợi lộc bầu cử, và họ không chờ đợi gì khác ngoài việc đầu hàng cám dỗ này.

Hỏi: Ðây là một nguy cơ nặng nề, có phải thế không thưa giáo sư?

Ðáp: Sự thật đó là ngày càng gia tăng số người hằng ngày bị phơi bầy ra trước các nguy cơ, các bẫy sập và các cạm bẫy của một cuộc sống dưới các luật lệ của thị trường, mà sự nhung nhớ đối với "Thiên đàng đã mất" trùng hợp với sự tự do của việc khỏi phải lựa chọn; một cách chính xác hơn với việc xoá bỏ bổn phận lo lắng cho và góp phần vào hạnh phúc của thế giới, cho việc tiếp đón con người sống trong đó. Nhưng mơ ước noi gương quan Pontio Pilatô và rửa tay trong trận chiến giữa sự thiện và sự ác , luân lý và dửng dưng, sự thật và dối trá, có nghĩa là khước từ phẩm giá con người. Thế nhưng, như các triết gia Kant và Pico della Mirandola đã dậy đó chính xác lại là "lời mời gọi của Thiên Chúa, chỉ duy nhất được hướng tới loài người, mời gọi họ tham dự một cách hoàn toàn vào hành động tạo dựng. Và rằng, nói cho cùng, đó là lý do giải thích tại sao con người lại được ban cho có lý trí, tính xã hội và sự tự do lựa chọn.

Hỏi: Thưa giáo sư Bauman, vậy cái gì có thể chiến thắng sự sợ hãi?

Ðáp: Chắc chắn đó không phải là những mục đích ngắn hạn, các cắt chặt và các giải pháp tức thì. Trong điều này bài phát biểu của Ðức Thánh Cha Phanxicô trong dịp lãnh giải Carlo Magno đã đánh động tôi rất nhiều. Sau khi minh nhiên sự gia tăng, việc hấp thụ và thực thi hằng ngày "nền văn hóa đối thoại" như là con đường chính cho việc chung sống hoà bình giữa con người với nhau, và đồng thời cho một sự giải toả từ từ nhưng cương quyết các sợ hãi nhau - Ðức Thánh Cha đã nhấn mạnh sự cần thiết dẫn nhập vào nghệ thuật đối thoại trên tất cả mọi bình diện giáo dục. Ðương nhiên giáo dục là một chiến lược chống lại các phong trào lâu lâu mới đuợc phát động một lần. Nó cần có chương trình để có các hiệu quả lâu dài, và tốt nhất là không thể trở lại đàng sau. Nó cần có thời gian - có lẽ một thời gian cần trải dài qua nhiều thế hệ. Nó đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và một quyết tâm vững chắc, có khả năng kháng cự lại các ảnh hưởng đông lạnh của các chướng ngại, các sai lầm, và thiếu cơ hội không thể tránh được. Còn hơn thế nữa, cần ghi nhận rằng trong một thời đại như thời đại của chúng ta, bị ghi dấu bởi việc tiếp cận với các phương tiện truyền thông và áp lực ồ ạt toàn năng của quảng cáo và các tương quan công cộng, việc giáo dục không còn như ngày xưa là một sinh hoạt hạn chế trong học đường nữa. Các chương trình giáo dục có được soạn thảo kỹ lưỡng tới đâu đi nữa chúng cũng không còn là các yếu tố duy nhất khắc ghi trên việc đào tạo tâm thức và tính tình. Chúng ta có thành công trên đám đông của các đối thủ hay không, điều đó hoàn toàn không phải là điều chắc chắn.

Hỏi: Giáo sư đã đề cập tới Ðức Thánh Cha Phanxicô. Trong thời gian qua giáo sư thường nói về ngài với lòng khâm phục và cho rằng "để đương đầu với vấn đề di cư tỵ nạn cần phải nghiên cứu và áp dụng việc phân tích của Ðức Thánh Cha. Và giáo sư hy vọng rằng "lời của Ðức Thánh Cha nhập thể trong các hành động của chúng ta" Tại sao vậy? Có cái gì nơi Ðức Thánh Cha đánh động giáo sư?

Ðáp: Tôi nghĩ rằng Ðức Thánh Cha Phanxicô là món quà quý báu nhất mà Giáo Hội Kitô đã cống hiến cho thế giới chao đảo của chúng ta, đã lạc đường, lẫn lộn, thiếu địa bàn và đang trôi giạt. Ngài đã trao ban sức mạnh cho niềm hy vọng đã khô héo, niềm hy vọng vào một thế giới khác tốt lành hơn, phù hợp với các nhu cầu và các ước mơ của con người. Tôi tin rằng ngài là gương mặt công cộng duy nhất trên sân khấu được chuyển động bởi ước mong này, và có thể theo đuổi nó. Tiếng nói của ngài vuợt xa hơn cái vòng loạn luân của giới ưu việt chính trị: nó tới với các đám đông, mà những người điều khiển các loa phóng thanh không thành công hay không lo lắng đạt đến, các đám đông bị để một mình tìm ra một lối thoát khỏi sự do dự hiện nay của họ.

(Oss. Rom 14-10-1016)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page